Chuyển dịch Sự chuyển giao cảm xúc, thái độ, suy nghĩ, mong muốn, tưởng tượng hoặc hành vi mà cá nhân đã trải nghiệm trong quá khứ, trong các mối quan hệ với những người quan trọng (như cha mẹ, anh chị em, giáo viên) sang một người khác mà cá nhân hiện đang trong mối quan hệ với người đó.
Khái niệm bắt nguồn từ phân tâm học khi lần đầu tiên được Freud quan sát thấy và mô tả vào cuối thế kỷ XIX. Ban đầu, Freud coi hiện tượng này là trở ngại cho việc điều trị nhưng sau đó, ông cho rằng chuyển dịch là một nhu cầu thiết yếu và chuyển dịch trở thành một trong những quá trình trung tâm trong trị liệu tâm lý theo tiếp cận phân tâm. Mặc dù khái niệm chuyển dịch, vốn là trung tâm trong tiếp cận phân tâm học và liệu pháp tâm động học, nhưng thuật ngữ này sau đó đã được sử dụng rộng rãi trong cả các tiếp cận và liệu pháp khác trong tâm lý trị liệu.
Sự chuyển dịch có một số đặc điểm:
- Nó thường mang tính vô thức: cá nhân không nhận ra nguồn gốc những sự chuyển dịch của mình;
- Nó xuất hiện một cách tự phát;
- Nó có thể liên quan đến các giá trị khác nhau
- Nó có thể thay đổi theo thời gian. Trong mối quan hệ trị liệu tâm lý, đó là việc thân chủ chuyển những cảm xúc mà mình có với người khác lên nhà trị liệu (ví dụ, thân chủ oán giận cô người yêu đã phụ bạc mình nhưng lại vô thức thể hiện sự oán giận đó với nhà trị liệu - một người cũng là nữ giới).
Tồn tại những quan điểm không thống nhất về sự chuyển dịch trong quá trình trị liệu tâm lý. Một số nhà tâm lý không theo trường phái phân tâm học cho rằng nhà phân tâm đã giả định sự tồn tại của những trải nghiệm vô thức của thân chủ và cố gắng xác định nó bằng cách diễn giải những phản ứng - được gọi là chuyển dịch - của thân chủ trong trị liệu. Bên cạnh đó, không có bằng chứng rõ ràng nào cho phép nhà phân tâm nhận biết được phản ứng nào là chuyển dịch và phản ứng nào không phải là chuyển dịch (Smith, 1991). Số khác thì cho rằng việc quy gán phản ứng của thân chủ là sự chuyển dịch đã phủ nhận mối quan hệ thực giữa thân chủ và nhà trị liệu, đồng thời nó cũng không khuyến khích thân chủ chịu trách nhiệm về hành vi của mình (Judd, 2001). Cũng có những nhà trị liệu không theo trường phái phân tâm học và cũng không phủ nhận sự tồn tại của chuyển dịch nhưng họ cũng không xem chuyển dịch là hiện tượng có nhiều ý nghĩa và không tập trung vào nó trong quá trình trị liệu (Rogers, 1951; Perls, 1969).
Tuy nhiên, những bằng chứng thực nghiệm cả trong đời sống và trong trị liệu tâm lý thừa nhận sự tồn tại của chuyển dịch. Mỗi cá nhân đã hình thành khái niệm về bản thân và nhân cách bởi một tập hợp các mối liên hệ. Cái tôi liên hệ được phát triển trong mối quan hệ với những người có ý nghĩa trong cuộc đời cá nhân, dưới dạng lược đồ chứa đựng các kiến thức đặc trưng về mối quan hệ với người có ý nghĩa đó. Khi cá nhân gặp ai đó có nét giống với người có ý nghĩa trong cuộc đời họ, thì lược đồ về mối quan hệ với người có ý nghĩa đó được kích hoạt và tham gia vào mối quan hệ với người mới. Quá trình chuyển dịch này thường diễn ra một cách vô thức và tự động, có thể mang tính tích cực hoặc tiêu cực. Trong trị liệu tâm lý, một số tác giả chỉ ra rằng cả thân chủ và nhà trị liệu đều nhận ra các nội dung chuyển dịch (Connolly và cộng sự, 1996; Gelso và cộng sự, 2005). Một số khác cho thấy rằng, chính thái độ lạnh lùng của người mẹ trong thời thơ ấu, phong cách mối quan hệ của thân chủ với mẹ, các rối loạn nhân cách là các biến số quyết định đến kiểu chuyển dịch mà thân chủ thể hiện với nhà trị liệu.
Sự chuyển dịch về cơ bản là một nguyên tắc thay thế các phản ứng hoặc các mục tiêu và có thể được xem xét dưới khía cạnh phản ứng hoặc khái quát kích thích. Khái niệm về sự chuyển dịch đã được sử dụng để giải thích một loạt các hành vi. Ví dụ, định kiến và phân biệt đối xử về sắc tộc có thể được coi là một dạng chuyển dịch.
Tầm quan trọng của việc hiểu các hiệu ứng chuyển dịch chắc chắn được nhấn mạnh bởi sự tham chiếu thường xuyên của khái niệm này đối với các xung đột về sắc tộc, chủng tộc và tôn giáo; lạm dụng trẻ em, lynchings, bạo loạn, tự tử, cuộc cách mạng và nhiều hành vi xã hội quan trọng khác. Việc thiết lập cách giải thích về hành vi gây hấn của sự thất vọng bị phá hủy bởi bằng chứng không chứng minh được tác dụng của hành vi gây hấn (giảm sự gây hấn ngay sau hành vi hung hăng).
Tedeschi và Norman (1985) lại cho rằng, chuyển dịch có thể xuất hiện khi cá nhân thực hiện hành vi hạ thấp người khác để khẳng định, nâng cao bản thân mình. Đó không phải vì lý do tự tôn nội tại, mà vì mục đích thể hiện bản thân với người khác - thể hiện sự tốt hơn hoặc vượt trội hơn theo một cách nào đó. Trong công thức này, các cá nhân có động lực cao để thiết lập và duy trì danh tính mong muốn để thúc đẩy các tương tác tích cực và bổ ích với những người khác. Kết quả là một cá nhân sẵn sàng làm hại người khác và họ cho rằng nếu làm như vậy sẽ giúp thúc đẩy bản sắc tích cực của cá nhân đó trong mắt người khác.
Tài liệu tham khảo
- Moore, B. E., & Fine, B. D., Psychoanalytic terms and concepts, New York: American Psychoanalytic Association, 1990.
- Suszek, H., Wegner, E., & Maliszewski, N., Transference and its usefulness in psychotherapy in the light of empirical evidence, Annals of psychology, XVIII(3), 2005, 363 - 380.
- Gilbert, P., & Leahy, R. L., The therapeutic relationship in the cognitive behavioral psychotherapies, New York, NY: Routledge, 2007.
- American Psychological Association, APA concise dictionary of psychology, Washington, DC: American Psychological Association, 2009.