Địa hình học quân sự là bộ môn khoa học chuyên ngành quân sự, nghiên cứu các phương pháp và phương tiện đánh giá địa hình, đo đạc và định hướng thực địa để bảo đảm cho hoạt động tác chiến của bộ đội.
Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, ông cha ta đã nghiên cứu, vận dụng các yếu tố có lợi của địa hình trong các hoạt động quân sự, dành thắng lợi trước đối phương mạnh hơn về tiềm lực quốc phòng, thực hiện thành công phương châm “lấy ít địch nhiều”. Trên sông Bạch Đằng, năm 938, Ngô Quyền bày thế trận đánh tan quân Nam Há năm 1288, Trần Hưng Đạo chỉ huy diệt đạo thuỷ binh của quân Nguyên; đây là những trận đánh điển hình về lợi dụng thủy triều, địa vật để phục kích thủy binh địch ở cửa sông Bạch Đằng. Lợi dụng địa hình hiểm trở khu vực ải Chi Lăng (Lạng Sơn), năm 981 Lê Hoàn giết tướng Hầu Nhân Bảo, năm 1427 nghĩa quân Lam Sơn giết chết tướng Liễu Thăng trong trận Chi Lăng - Xương Giang (8.10 - 3.11.1427); ... Trong trận Bố Củng - Lũng Vài (8.1.1948), bộ đội ta lợi dụng địa hình hiểm yếu đường hẹp, gấp khúc theo sườn núi, một bên vách đứng, một bên khe sâu, núi liền sát với mặt đường, rừng cây rậm rạp, thuận lợi cho việc bố trí đội hình phục kích chặn đánh đoàn xe cơ giới của quân Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, bộ đội ta đã triệt để lợi dụng địa hình, địa vật, tổ chức trận đánh thắng lợi, như trong đợt 2 (30.10 - 10.11.1965) của Chiến dịch Plei Me, Bộ Tư lệnh chiến dịch lựa chọn khu vực thung lũng Ia Đrăng dưới chân núi Chư Pông kéo địch vào trận địa hiểm yếu để tổ chức trận then chốt quyết định của chiến dịch...
Địa hình học quân sự là môn học trong các trường quân sự, một nội dung huấn luyện chuyên ngành trong lực lượng vũ trang của nhiều quốc gia. Địa hình học quân sự nghiên cứu, phân tích tính chất chiến thuật của các yếu tố địa hình, đánh giá ảnh hưởng của địa hình đối với từng loại hình tác chiến để đề ra phương thức tác chiến phù hợp nhằm phát huy tối đa ưu thế, hạn chế yếu tố bất lợi của địa hình. Sự ra đời của nhiều loại vũ khí có tính hủy diệt mạnh đặc biệt là vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, vũ khí công nghệ cao, đặt ra yêu cầu đối với công tác địa hình học quân sự phải nghiên cứu các phương pháp đánh giá tính chất bảo vệ của địa hình, cách thức dự báo sự thay đổi trong khu vực diễn ra vụ nổ và đưa các kết quả dự báo lên bản đồ địa hình. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, sự ra đời của các loại vũ khí trang bị hiện đại, thay đổi về phương thức tác chiến, Địa hình học quân sự tập trung nghiên cứu nhằm: nâng cao kiến thức, hiệu quả các phương pháp và phương tiện nghiên cứu, đánh giá về tính chất chiến thuật của địa hình trong tổ chức và thực hành chiến đấu; huấn luyện kĩ năng, phương pháp định hướng và chỉ thị mục tiêu trên thực địa; kĩ năng sử dụng bản đồ địa hình kết hợp với ảnh viễn thám để đánh giá nhanh, chính xác tính chất chiến thuật của địa hình, đưa các kết quả nghiên cứu thành văn kiện theo quy định; kĩ năng vận động và định hướng trên thực địa theo bản đồ; biết xác định tọa độ và chỉ thị mục tiêu trên bản đồ; biết tổ chức trinh sát địa hình và đánh giá địa hình khi xây dựng các văn kiện tác chiến. Nghiên cứu vận dụng tốt các yếu tố của địa hình giúp cho người chỉ huy hạ quyết tâm và xử trí tình huống chiến đấu chính xác và kịp thời, như: chọn đường hành quân, bố trí triến khai đội hình chiến đấu, tổ chức bố trí hỏa lực, tổ chức ngụy trang, nghi trang... tối ưu, tận dụng được ưu thế của địa hình để phát huy tính năng tác dụng của vũ khí trang bị, giảm bớt thương vong cho bộ đội.
Ở Việt Nam, Địa hình học quân sự là môn học trong các trường quân sự, một nội dung huấn luyện chuyên ngành cấp chiến thuật, chiến dịch và chiến lược. Sách Địa hình quân sự đã được Phòng Bản đồ, Bộ Tổng Tham mưu (nay là Cục Bản đồ/Bộ Tổng Tham mưu) biên soạn từ năm 1957, dựa trên sách Địa hình quân sự của Hồng quân Liên Xô thông qua bản dịch của Trung Quốc; tái bản vào các năm 1987, 2009.
Tài liệu tham khảo
- Cục Bản đồ - Bộ Tổng Tham mưu, Địa hình quân sự, Nxb Đà Lạt, 1987.
- Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Cục Bản đồ - Bộ Tổng Tham mưu, Địa hình quân sự - tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009.
- Trường Sĩ quan Pháo binh, Địa hình quân sự trong chiến đấu pháo binh, 2014.
- Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, quyển 1: Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2017.
- Bách khoa toàn thư Liên Xô (tái bản lần thứ 3), tập 5, Nxb quân sự Maxcơva, 1971.
- Bách khoa toàn thư quân sự Nga, tập 8, Nxb quân sự Maxcơva, 2004.