Địa tầng học là lĩnh vực khoa học địa chất nghiên cứu mối quan hệ về tuổi của các thành tạo đá (thể địa chất) trong vỏ Trái đất và trên các hành tinh khác của hệ Mặt trời. Thuật ngữ địa tầng học (tg. A. Stratigraphy) bắt nguồn từ tiếng Latinh: stratum - lớp, graphy - mô tả. Ngay từ Thế kỷ XVIII những nghiên cứu đầu tiên về địa tầng học thuộc về các nhà khoa học nước Anh và Pháp như W. Smith, (1769-1839), G. Cuvier (1769-1832) và A. Brongniart (1770-1847) trên cơ sở phân biệt các di tích sinh vật (hóa thạch) trong các lớp đá khác nhau. Sang thế kỷ XIX cùng với các nhà khoa học Tây Âu, các nhà khoa học người Nga như Kovalevski (1842-1883) và người Mỹ Osborn (1857-1935) đã vận dụng sáng tạo học thuyết tiến hóa của Ch. Darwin trong các công trình nghiên cứu về sinh địa tầng cũng như địa tầng.
Nhiệm vụ, nguyên lý và hệ thống phân vị
Địa tầng học có nhiệm vụ mô tả, phân chia các lớp đá trong một mặt cắt cụ thể thành tập hợp những lớp có thành phần gần gũi nhau được thành tạo trong những điều kiện tương tự nhau. Liên hệ các mặt cắt, xác định mối tương quan của chúng trong một vùng, một khu vực để lập nên một trật tự địa tầng (thang địa tầng) khu vực. Liên hệ thang địa tầng các khu vực lập nên thang địa tầng Quốc tế, nhằm làm sáng tỏ lịch sử hình thành và phát triển toàn bộ vỏ Trái đất. Các nguyên lý cơ bản của Địa tầng học: Nguyên lý nằm ngang: các lớp trầm tích nguyên thủy đều nằm ngang và có thể trượt xuống điểm thấp hơn bên dưới; Nguyên lý chồng xếp liên tục: Các lớp trầm tích được hình thành trong bồn trầm tích được xếp chồng lên nhau, lớp hình thành sau phủ lên lớp hình thành trước; Nguyên lý liên tục theo bề ngang: Vật chất được lắng đọng trong bồn trầm tích thành lớp liên tục theo bề ngang. Các hệ thống phân vị cơ bản gồm: Thạch địa tầng: Sử dụng đặc điểm về thành phần thạch học của các tầng đá; Sinh địa tầng: trên cơ sở sự khác biệt của hóa thạch chứa trong các lớp đá; Thời địa tầng: được xác định trên cơ sở các giai đoạn tiến hóa lịch sử địa chất của vỏ Trái đất. Bên cạnh ba hệ thống phân vị cơ bản còn có các phân vị bổ trợ như địa chấn địa tầng, từ địa tầng, khí hậu địa tầng, hóa địa tầng,… Phân vị địa tầng là thể địa chất phân lớp được xác lập theo các đặc tính chung mà khác biệt với các phân vị tiếp theo bằng chính các đặc tính xác lập chúng. Khối lượng của phân vị địa tầng được xác định theo sự phân bố không gian của những thành phần tạo nên phân vị. Ranh giới giữa các phân vị địa tầng là bề mặt giới hạn trên và dưới của phân vị.
Việt Nam
Ở Việt Nam, trước những năm 50 của thế kỷ XX, nghiên cứu địa tầng do các nhà địa chất Pháp tiến hành. Các phân vị địa tầng được mô tả và phân chia theo quy cách và quan điểm khác nhau. Nghiên cứu địa tầng được đẩy mạnh từ khi lập bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 (1960-1965). Số lượng tên các phân vị địa tầng tăng lên nhanh chóng kể từ khi tiến hành lập các bản đồ Địa chất tỷ lệ 1:200.000 và 1:50.000 trên phạm vi toàn quốc. Cách thức phân chia và xác lập phân vị địa tầng dựa theo trường phái Liên Xô lúc bấy giờ với hàng trăm phân vị với tên gọi điệp; hệ tầng và tầng ra đời. Năm 1994 Quy phạm địa tầng Việt Nam được thông qua và công bố nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn nghiên cứu địa tầng ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, công trình Các phân vị địa tầng Việt Nam do Tống Duy Thanh và Vũ Khúc chủ biên (2005) và Các phân vị địa tầng Đệ tứ Việt Nam do Nguyễn Địch Dỹ chủ biên (2016) được xuất bản.
Tài liệu tham khảo
- MacLeod, Principles of stratigraphy, Encyclopedia of Geology, 2005.
- Nguyễn Địch Dỹ, Các phân vị địa tầng Đệ tứ Việt Nam, Nxb. Khoa học tự nhiên và Công nghệ, 2016.
- Pomerole C., Babin C., Lancelot Y., Le Pichon X., Rat P., Renard M, Stratigraphie: principes, méthodes, applications, Dion, Paris, 283p, 1987.
- Tống Duy Thanh, Địa sử (Lịch sử phát triển vỏ quả đất), Nxb. Đại học và THCN, Hà Nội, 420tr., 1977.
- Tống Duy Thanh, Vũ Khúc, Các phân vị địa tầng Việt Nam, Nxb. ĐHQG Hà Nội,