Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đá dolomit
Phiên bản vào lúc 09:33, ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Diemquynh834 (Thảo luận | đóng góp)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Đá dolomit là đá trầm tích carbonat chứa chủ yếu là khoáng vật dolomit. Dolomit được đặt theo tên của nhà địa chất Pháp D. Dolomieu. Thành phần khoáng vật tạo đá chính là dolomit, ngoài ra còn có calcid đôi khi hàm lượng khá cao. Các khoáng vật phụ thường gặp là thạch cao, anhydrit, thạch anh - chanxedon, oxyt, và hydroxit Fe, xelestin, fluorit, khoáng vật muối pyrit, marcasit, hydromica, montmorilonit và xâm tán vật hiệu hữu cơ. Vật liệu vụn trong đá dolomit có hàm lượng thấp, không nhiều như trong đá vôi. Trong mặt cắt địa chất có thể gặp tầng dolomit dày, độc lập hoặc xen kẽ với các tầng đá vôi, đôi khi xen lẫn các loại muối, thạch cao, anhidrit. Dolomit thường có màu sáng hoặc màu trắng; khi chứa oxit Mn có màu đen, chứa hidroxit Fe3+ có màu đỏ hoặc nâu vàng. Theo thành phần khoáng vật tạo đá, đá dolomit gồm hai loại chính:

  • dolomit đơn khoáng (dolomit 95-100%)
  • dolomit thành phần hỗn hợp gồm các biến loại: với canxit (đá vôi dolomit và đá vôi chứa dolomit với thành phần tương ứng 5-25% và 25-50% canxit; với thạch cao (dolomit thạch cao), với anhydrit (dolomit anhydrit); với khoáng vật sét (macnơ dolomit), với vụn cát (dolomit chứa cát, dolomit cát, tương ứng thành phần 5-25% và 25-50%).

Nguồn gốc

Theo nguồn gốc, dolomit được chia ra ba loại chính:

  • dolomit nguyên sinh
  • dolomit thứ sinh
  • dolomit chuyển tiếp.

Dolomit nguyên sinh được hình thành do lắng đọng hóa học trong bồn tích tụ trầm tích với điều kiện khí hậu nóng khô và vào giai đoạn đầu hình thành muối halogen (độ mặn 4-12%); bề dày lớp đến vài chục mét. Dolomit thường có kiến trúc hạt nhỏ đồng nhất, hạt khá đẳng thước, cấu tạo phân lớp hoặc vi phân lớp ngang mỏng hoặc sóng thoải. Dolomit nguyên sinh hầu như chỉ phân bố trong các hệ tầng cổ, không có biểu hiện của quá trình dolomit hóa canxit, và không gặp di tích sinh vật cổ ngoài tảo. Trong mặt cắt địa chất thường gặp các kiểu địa tầng xen kẽ: anhydrit/thạch cao - dolomit, dolomit-anhydrit/thạch cao.

Dolomit thứ sinh thường được tạo thành do quá trình dolomit hóa đá vôi, gồm các loại kết hạch, trao đổi hoặc ở các dạng đai mạch lấp đầy các lỗ rỗng. Phần lớn các dolomit thứ sinh đặc trưng bởi cấu tạo tinh thể hạt lớn, kiến trúc dạng khối đặc sít, hoặc kiến trúc thay thế, đồng thời thường có độ lỗ hổng cao có khi đạt tới 13%. Các khối dolomit thứ sinh được hình thành bởi quá trình biến đổi dolomit hóa từ đá vôi trong giai đoạn biến đổi đá dưới tác động của nước ngầm bão hòa Mg được huy động từ các thành hệ đá dolomit hoặc muối mỏ. Trong quá trình dolomit hóa, đá vôi thường không bị thay thế hoàn toàn mà thường có dạng đám, phổ biến là đá vôi dolomit hoặc đá vôi chứa dolomit. Đá có kiến trúc hạt nhỏ (0,01-0,1 mm), tinh thể không tự hình, hoặc hình tròn với ranh giới không rõ, khi tái kết tinh, tinh thể dolomít có kích thước khá lớn với đới trạng rõ nét. Quá trình dolomit hóa càng triệt để thì hạt dolomit càng lớn và ranh giới càng rõ, đồng thời khoáng vật trong suốt và tính tự hình cao. Trong mặt cắt dolomit thứ sinh thường ở dạng thấu kính, dạng lớp ngoằn ngoèo tiếp xúc với đá vôi kéo dài từ vài chục mét đến hàng nghìn mét.

Dolomit chuyển tiếp ít phổ biến, được hình thành bởi sự kết tủa đồng thời của hai khoáng vật tạo đá chính là dolomit và calcit.

Được sử dụng

Dolomit được sử dụng làm nguyên liệu cho vật liệu chịu lửa, chất trợ dung; trong xây dựng làm đá mài, đá vụn, đá dăm, sản xuất bông khoáng, vật liệu cách nhiệt, sản xuất thủy tinh, gạch men, gốm sứ; trong công nghiệp sản xuất vật liệu dệt kim, vật liệu sợi; trong nông nghiệp sản xuất chế phẩm rung hòa đất chua phèn,... Ở Việt Nam, dolomit tự nhiên có chất lượng tốt, phân bố xen kẽ trong hệ tầng đá vôi Đồng Giao chủ yếu ở tỉnh Hà Nam và một phần nhỏ ở tỉnh Ninh Bình.

Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Huy Tiến (biên soạn), Giáo trình " Thạch học đá trầm tích", Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1984.
  2. Е.А. Козловский (Главный Редактор ), Российская Геологическая Энциклопедия в трех томах (Т.1: 2010; Т.2: 2011; Т.3: 2012), Издат, ВСЕГЕЙ.