Thiên Yết là một trong những chòm sao của hoàng đạo và nằm ở bán cầu Nam. Tên của chòm sao trong tiếng Latinh có nghĩa là "bọ cạp", và biểu tượng của nó là (Unicode ♏). Thiên Yết là một trong 48 chòm sao được nhà thiên văn học người Hy Lạp Ptolemy định danh ở thế kỷ thứ 2. Nó là một chòm sao cổ đại có từ trước cả người Hy Lạp. Nó nằm giữa Chòm sao Thiên Bình ở phía tây và Chòm sao Nhân Mã ở phía đông. Nó là một chòm sao lớn nằm ở bán cầu Nam gần trung tâm của dải Ngân hà.
Đặc điểm nổi bật
Ngôi sao
Thiên Yết chứa nhiều ngôi sao sáng, bao gồm Antares (α Sco), "đối thủ của sao Hỏa", được đặt tên như vậy vì sắc đỏ riêng biệt của nó; β1 Sco (Graffias hoặc Acrab), một hệ ba sao; δ Sco (Dschubba, "cái trán"); θ Sco (Sargas, không rõ nguồn gốc); ν Sco (Jabbah); ξ Sco; π Sco (Fang); σ Sco (Alniyat); và τ Sco (Paikauhale).
Đánh dấu đầu đuôi cong của bọ cạp là λ Sco (Shaula) và υ Sco (Lesath), tên của chúng đều có nghĩa là "chích". Do chúng ở gần nhau, λ Sco và υ Sco đôi khi được gọi là Mắt mèo.[1]
Các ngôi sao sáng của chòm sao tạo thành một hình giống như một cái móc của người đi biển. Hầu hết chúng đều là thành viên lớn của liên hội sao OB gần nhất: Scorpius-Centaurus.
Ngôi sao δ Sco, là một ngôi sao ổn định có độ sáng biểu kiến 2,3 cho đến khi lóe sáng đến độ sáng 1,9 vào tháng 7 năm 2000 trong vài tuần. Nó đã trở thành một ngôi sao biến thiên dao động trong độ sáng khoảng từ 2,0 đến 1,6.[2] Điều này có nghĩa là vào lúc nó sáng nhất, nó là ngôi sao sáng thứ hai trong chòm sao. U Scorpii là tân tinh nhanh nhất được biết đến với chu kỳ khoảng 10 năm.[3]
Cặp sao ω1 Scorpii và ω² Scorpii là một sao đôi quang học, có thể xác định bằng mắt thường. Chúng có hai màu xanh dương và vàng tương phản.
Ngôi sao từng được đặt tên là γ Sco (mặc dù nằm trong ranh giới của Thiên Bình) ngày nay được gọi là σ Lib. Hơn nữa, toàn bộ chòm sao Thiên Bình đã từng được coi là vuốt của con bọ cạp (Chelae Scorpionis) trong thời Hy Lạp cổ đại, với một cái cân được cầm bởi Astraea (đại diện là chòm sao Xử Nữ liền kề) hình thành từ những ngôi sao ở cực tây trong thời Hy Lạp sau này. Việc phân chia thành chòm sao Thiên Bình trở nên chính thức trong thời kỳ La Mã.Bản mẫu:Citation needed
Thiên thể sâu trong vũ trụ
Do vị trí của nó nằm vắt ngang Dải Ngân hà, chòm sao này chứa nhiều thiên thể sâu trong vũ trụ chẳng hạn như cụm sao mở Messier 6 (Cụm sao Hồ Điệp ) và Messier 7 (Cụm sao Ptolemy), NGC 6231 (bên cạnh ζ² Sco), và những cụm sao cầu Messier 4 và Messier 80.
Messier 80 (NGC 6093) là một cụm sao cầu có độ sáng biểu kiến là 7.3, cách trái đất 33.000 năm ánh sáng. Nó là một cụm Shapley hạng II đặc; sự phân loại này chỉ ra rằng cụm sao có mật độ tập trung cao và dày đặc ở phần trung tâm.
- ↑ Fred Schaaf (Macmillan 1988) 40 Nights to Knowing the Sky: A Night-by-Night Sky-Watching Primer, p. 79 (ISBN 9780805046687).
- ↑ Delta Scorpii Still Showing Off
- ↑ AAVSO: Variable Star of the Season: U Scorpii