Duy ý chí luận (hay chủ nghĩa duy ý chí) (A: Voluntarism; PH: Volontarisme; N: волюнтаризм) (ý chí luận, chủ nghĩa duy ý chí) là khuynh hướng triết học duy tâm cho rằng ý chí (Latin: voluntas; A: will; PH: volonté; N: Воля) là cơ sở của mọi tồn tại, là yếu tố quyết định tất cả.
Duy ý chí luận có thể tìm thấy trong thần học và siêu hình học. Duy ý chí luận biểu hiện dưới hai hình thức - duy tâm khách quan, duy tâm chủ quan, hoặc kết hợp cả hai. Đối với chủ nghĩa duy tâm khách quan, ý chí là một lực lượng siêu tự nhiên chi phối vũ trụ; còn đối với chủ nghĩa duy tâm chủ quan, đó là ý chí của con người. Có quan điểm cho rằng ý chí tồn tại cả trong thế giới vô cơ, sinh vật và con người.
Duy ý chí luận dưới hình thức thần học là khuynh hướng thừa nhận ý chí của Thượng đế - yếu tố quyết định tất cả. Cá nhân con người có tự do ý chí trong khuôn khổ sự tiền định của Thượng đế và trong lòng tin và sự kính yêu Thượng đế. Đại diện cho quan điểm này là Ôguytxtanh (St. Augustine), Giôn Đơnxcôt (John Duns Scotus) và B. Patxcan (Blaise Pascal). Đại biểu cho duy chí luận trong siêu hình học có A. Sôpenhauơ, Ph. Nitsơ, E. Hatman và các nhà triết học thực dụng chủ nghĩa, v.v.. Nhà triết học duy tâm Đức Sôpenhauơ (Arthur Schopenhauer, 1788-1860) trong những tác phẩm “Thế giới như là ý chí và sự biểu hiện” (Die welt als wille und vorstellung) (1818) và “Ý chí trong tự nhiên” (Uber den willen in der natur) (1836) cho rằng ý chí là một lực lượng vô thức, phi lý tính, nằm ở đằng sau và là cơ sở của toàn bộ hiện thực. Động lực của sinh vật là “ý chí sống” (will-to-live) mang tính chất bản năng, tự phát.
Ph. Nitsơ (Friedrich Nietzsche, 1844-1900) nhà triết học hiện sinh Đức quả quyết rằng “ý chí cường lực” là động lực của toàn thế giới . Nitsơ cho rằng sự sống là “một trường hợp đặc thù của ý chí cường lực”. Ông nói: “Sự sống … là ý chí tích lũy sức mạnh; mọi quá trình sống phụ thuộc vào cái này: không có cái gì chỉ muốn duy trì chính mình, mọi cái đều muốn tăng lên, tích lũy thêm”. Trong đời sống xã hội, ý chí cường lực không chỉ thể hiện trong quyền lực chính trị, nhà nước, luật pháp, mà cả trong đời sống cá nhân, như trong sản xuất kinh doanh, khoa học, nghệ thuật, con người luôn luôn mong muốn và phấn đấu đạt được sức mạnh lớn nhất, đó là động lực của mọi hoạt động của con người. Còn trong hạnh phúc cá nhân, theo Nietzsche, khoái lạc không phải là động lực, mà “chỉ là triệu chứng của cảm giác khi đạt được sức mạnh”. Nitsơ phân chia xã hội thành những con người yếu đuối, sống và hành động theo “đạo đức nô lệ” và những “siêu nhân” (overnman, superman), là những con người sáng tạo ra đạo đức làm chủ, với động cơ duy nhất là “ý chí cường lực”, vượt lên trên tất cả, chà đạp tất cả để thực hiện ý muốn của mình (Friedrich Nietzsche, The Will to Power (Ý chí cường lực)
Duy ý chí luận ảnh hưởng đến tâm lý học thế kỷ XIX; nó đề cao vai trò hàng đầu của ý chí so với những chức năng tâm lý khác. Trong lý luận nhận thức và lôgic học, duy ý chí luận đề lên hàng đầu vai trò của ý chí so với tri thức, tình cảm, coi ý chí là yếu tố quyết định trong việc phán đoán và nhận thức nói chung. Trong lĩnh vực chính trị - xã hội, duy ý chí luận coi thường vai trò của việc nhận thức và hành động theo quy luật khách quan và lợi ích của nhân dân; nó tuyệt đối hóa vai trò quyết định của các lãnh tụ chính trị dựa trên ý chí chủ quan của mình dẫn đến chủ nghĩa chủ quan và hành động phiêu lưu vô chính phủ, vô luật pháp.
Tài liệu tham khảo
- M.M. Rodentan (chủ biên) (1975). Từ điển Triết học. Nxb Tiến bộ Matxccơva
- C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
- Từ điển Bách khoa Việt Nam ;
- The Oxford Companion to Philosophy;
- Concise Routledge Encyclopedia of Philosophy;
- Microsoft Encarta 2008 ;
- Encyclopaedia Britanica 2008 ;
- Wikipedia, the free Encyclopedia.
- Friedrich Nietzsche (1968). The Will to Power, transl. by Walter Kaufmann, Vintage Bookss, , New York