Mục từ này cần được bình duyệt
Khác biệt giữa các bản “Cảnh quan sinh thái học”
n (Hadubrandlied đã đổi Sinh thái cảnh quan thành Cảnh quan sinh thái học: Sai)
(Không có sự khác biệt)

Phiên bản lúc 12:05, ngày 12 tháng 11 năm 2020

Cảnh quan sinh thái học là một lĩnh vực liên ngành xuất hiện bắt đầu ở Trung Âu vào những năm 1960 và ở Bắc Mỹ vào cuối những năm 1970, đầu những năm 1980. Nó trở nên rõ ràng hơn với việc thành lập Hội STCQ Quốc tế vào năm 1982, việc xuất bản văn liệu chính thức đầu tiên về lĩnh vực STCQ do Richard Forman và Michel Godron viết vào năm 1984, và xuất bản số tạp chí đầu tiên của Hội STCQ Quốc tế với tên gọi: STCQ vào năm 1987.

Cụm từ “STCQ” do nhà địa lý Đức, Carl Troll lần đầu tiên sử dụng vào năm 1939. Ông đề nghị: “khái niệm về STCQ được sinh ra từ một cuộc hôn nhân của hai ngành khoa học đang có triển vọng một là địa lý (cảnh quan), hai là sinh học (sinh thái)”. Troll đặt ra thuật ngữ STCQ để biểu thị “việc phân tích một phức hợp của các mối tương tác giữa tự nhiên và sinh học trên các đơn vị diện tích khác nhau của một vùng”. Ông tin rằng “STCQ... không giới hạn trong việc phân tích quy mô của các vùng tự nhiên mà các yếu tố sinh thái cũng liên quan đến vấn đề dân số, xã hội, sử dụng đất, giao thông,...”

Cảnh quan từ lâu đã là một khái niệm cơ bản của khoa học Địa lý. Các học giả như Carl Sauer và J.B. Jackson cho rằng STCQ bao gồm cả cảnh quan thiên nhiên về địa hình, địa mạo, thảm thực vật và cảnh quan văn hóa được đánh dấu bởi hành động của con người và được nhận thức bởi tâm trí con người.

Zev Naveh ở Israel từ đầu những năm 1970 đã phát triển trường phái STCQ của riêng mình. Giống như Troll, Naveh đưa cả con người vào trong quan niệm của mình và như vậy ông đã mở rộng STCQ thành một khoa học về hệ sinh thái con người toàn cầu, sắp xếp một “phương pháp tiếp cận hệ thống từ sinh học đến cảnh quan và nghiên cứu về việc con người sử dụng nó”. Ông là người đầu tiên nhận thấy STCQ được xem là cách tiếp cận toàn diện theo lý thuyết sinh hệ thống, trong đó điểm cốt lõi trung tâm là “công nhận hệ sinh thái của con người là mức tích hợp cao nhất”, và thứ hai, “công nhận vai trò trung tâm trong phát triển văn hóa và STCQ là khoa học liên ngành, thực hiện các nhiệm vụ theo định hướng và nhấn mạnh đến giáo dục môi trường”.

Kiến trúc cảnh quan ở một mức độ nào đó cũng liên quan đến STCQ, bởi vì các kiến trúc sư khi thiết kế khung cảnh chung, đều khởi đầu từ cách xem xét các khía cạnh STCQ tại hàng loạt tỷ lệ khác nhau. Khi thiết kế và tạo cảnh quan hoàn chỉnh từ khu đất trống chắc chắn phải được xem là sinh thái, vì nó bao gồm việc tạo ra hoặc thích ứng với các dạng đất địa phương, trồng thảm thực vật, thiết kế và xây dựng các loại công trình bổ trợ phù hợp. Viện Cảnh quan Anh và Hiệp hội Sinh thái Anh đã tổ chức một cuộc họp chung vào năm 1983, công nhận “rằng thời gian cho sinh thái được khai thác phục vụ thiết kế cảnh quan đã đến”. Hội nghị có 24 chuyên đề với tên gọi chung là “Sinh thái và Thiết kế trong Cảnh quan”.

Quy hoạch cảnh quan cũng là một nội dung lớn của ngành STCQ. Có hai cách tiếp cận sinh thái trong quy hoạch cảnh quan: 1) do Ian McHarg và đồng nghiệp của ông phát triển, và 2) LANDEP được thiết kế bởi Ladislav Miklos và Milan Ruzicka. Cả hai phương pháp tiếp cận này trong quy hoạch cảnh quan đều là cách tiếp cận tổng hợp, phức tạp về các mô hình không gian, các quá trình sinh thái và nhu cầu và mong muốn của con người.

STCQ được một số nhà nghiên cứu coi như một bộ phận của sinh thái học, nhưng ngược lại nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là ngành khoa học độc lập, có đối tượng, phương pháp nghiên cứu riêng. Ở châu Âu, STCQ tiếp tục là một phần mở rộng của khoa học địa lý truyền thống, tập trung nghiên cứu mối tương tác giữa con người và cảnh quan. Ở Bắc Mỹ, STCQ đã nổi lên như là một nhánh sinh thái sinh học, như là các cụm hệ sinh thái tự nhiên. STCQ châu Âu được áp dụng cho bảo tồn đất đai và tài nguyên, trong khi ở Bắc Mỹ, nó tập trung vào các câu hỏi cơ bản về các mô hình và trao đổi không gian. Tuy nhiên cả hai trường phái đều có thể giải quyết các vấn đề môi trường lớn, đặc biệt là sự tuyệt chủng của các loài và duy trì sự đa dạng sinh học.

STCQ, mặc dù có quan điểm đa dạng và là một ngành mới nổi (như mô tả ở trên) vẫn còn một chút chưa thống nhất, tùy thuộc vào các tiêu chí do cá nhân các nhà nghiên cứu đưa ra để thiết lập phạm vi nghiên cứu. Ví dụ, theo định nghĩa chung được nhiều người đồng thuận có thể mô tả một hệ STCQ trên cạn như sau: một cảnh quan trên cạn có thể có kích thước nhiều km vuông; nó bao gồm một cụm các hệ sinh thái tương đối giống nhau được lặp đi lặp lại ở khu vực; nó là một khảm không đồng nhất của các dạng địa hình, các loại thực vật và các kiểu sử dụng đất. Risser và các đồng nghiệp đã nhấn mạnh, khoa học liên ngành này tập trung rõ ràng hơn vào các mô hình không gian. Đặc biệt, STCQ xem xét sự phát triển và động lực của tính không đồng nhất về mặt không gian, các mối tương tác về không gian và thời gian giữa các cảnh quan không đồng nhất, ảnh hưởng của sự không đồng nhất về không gian đối với các quá trình sinh học và phi sinh học, và quản lý tính không đồng nhất về không gian. Thay vì cố gắng xác định các hệ sinh thái đồng nhất, STCQ tập trung đặc biệt vào tính không đồng nhất và các khảm do con người phá vỡ hệ thống tự nhiên tạo ra, bằng cách xen kẽ các kiểu cảnh quan thiên nhiên và văn hóa. Như vậy, STCQ thừa nhận tính không đồng nhất của các kiểu cảnh quan đương đại, và sự cần thiết phải đối diện với các mảnh ghép chắp vá và các ma trận phức tạp do sự xáo trộn, điều chỉnh và sử dụng hệ thống tự nhiên lâu dài của con người.

Những câu hỏi điển hình được các nhà STCQ đặt ra trong những nghiên cứu của mình thường là: "Những quá trình hình thành nào (cả quá khứ và hiện tại) tạo ra diện mạo hiện nay của cảnh quan?" Các cơ thể sống, các dòng vật liệu và năng lượng liên quan đến tính không đồng nhất của cảnh quan như thế nào?"; "Sự không đồng nhất của cảnh quan ảnh hưởng đến sự lan truyền của các dòng vật liệu và năng lượng như thế nào?" Trong khi câu hỏi đầu tiên tương tự như câu hỏi về địa lý, hai câu hỏi còn lại là câu hỏi truyền thống về sinh thái.

 Tại Việt Nam, vào năm 1992, sau chuyến thăm và làm việc với Hội Địa lý Việt Nam của Ngài Farina Almo, Tổng thư ký Hội Sinh thái cảnh quan quốc tế (IALE), Chi hội Sinh thái cảnh quan Việt Nam trực thuộc Hội Địa lý được cố Giáo sư Lê Bá Thảo, nguyên Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam lúc đó ký quyết định thành lập. Sự kiện là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển bộ môn Sinh thái cảnh quan ở Việt Nam và đã được công bố trên bản tin số 10, tập 1, tháng 4 năm 1992 của IALE. Đến năm 2014, Chi hội đã được đã nâng cấp và đổi tên thành Hội Sinh thái cảnh quan Việt Nam trực thuộc Hội Địa lý, thu hút nhiều cán bộ từ các Viện nghiên cứu, Trường đại học tham gia.      

Cùng hội nhập vào sự phát triển của khoa học thế giới, đã từ lâu trong ý thức của nhiều nhà khoa học Việt Nam và trong một số công trình của mình đã có nội dung sinh thái cảnh quan. Có thể đưa ra một số ví dụ cụ thể như trong công trình nghiên cứu về Hệ sinh thái cây cà phê ở Tây Nguyên, Phạm Quang Anh và đồng nghiệp vào thập niên 80 của thế kỷ trước đã tập trung nghiên cứu những thành phần cơ bản cấu thành các đơn vị STCQ, đặc biệt chú ý chu trình nhiệt ẩm trong các vườn cà phê, thiết lập các mô hình không gian phát triển, các quá trình sinh thái, nhu cầu và mong muốn của con người, từ đó đề xuất quy trình sản suất cà phê năng suất cao, chất lượng tốt và bền vững. Nguyễn Thế Thôn, Nguyễn Văn Vinh (2000) đã thảo luận về lý thuyết cảnh quan sinh thái, phân biệt nội hàm của STCQ và cảnh quan sinh thái. Một hướng nghiên cứu quan trọng do Phạm Hoàng Hải, Nguyễn Cao Huần (2006) chủ trì là dựa trên những đặc điểm hình thành của các hệ STCQ để tập trung giải quyết các mô hình không gian phát triển kinh tế-xã hội bền vững các đảo và vùng biển ven bờ, trong đó nhóm nghiên cứu đã xem xét sự phát triển và động lực của tính không đồng nhất về mặt không gian của các đơn vị STCQ, phương pháp quản lý tính không đồng nhất về không gian để đề xuất các kịch bản phát triển phù hợp cho từng vùng, từng lãnh thổ đảo và biển ven bờ theo các mốc thời gian khác nhau. Lại Vĩnh Cẩm, Trần Văn Ý (2010) khi nghiên cứu các dải cát ven biển miền Trung đã vận dụng cách tiếp cận sinh thái cảnh quan để phân tích các đơn vị STCQ của vùng cồn cát, xem chúng là một phần của vùng ven biển, đặc điểm tự thân của quá trình hình thành và phát triển của đơn vị này phụ thuộc mạnh mẽ vào đơn vị STCQ liền kề, rất không ổn định, đôi khi chỉ có sự ổn định tạm thời, muốn ổn định và khai thác hiệu quả, bền vững các đơn vị STCQ cần có giải pháp tổng thể, trong đó quan trọng nhất là xây dựng mạng lưới đường giao thông kết nối các tiểu vùng tại khu vực và thứ hai cần công nhận và thực hiện vai trò trung tâm của con người, có kế hoạch phát triển văn hóa và nhấn mạnh đến giáo dục môi trường. Nguyễn An Thịnh (2013) chú trọng phân tích cơ sở lý luận và ứng dụng STCQ vào thực tiễn nhiệt đới gió mùa ở Việt Nam….

Các kết quả nghiên cứu STCQ ở Việt Nam mặc dù chưa đầy đủ, toàn diện, còn những thiếu sót và tồn tại nhưng những kết quả có được đã đáp ứng bước đầu nhu cầu của xã hội. Một thế hệ mới các nhà khoa học trẻ đang tiếp tục phát triển các giá trị của bộ môn khoa học này trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

1. Troll, C. Landscape Ecology. Delft, The Netherlands: The ITC-UNESCO Centre for Integrated Surveys, 1966.

2. Wageningen, The Netherlands: Pudoc. Proceedings of the International Congress Organized by the Netherlands Society for Landscape Ecology, Veldhoven, The Netherlands, 6-11 April, 1981.

3. Risser, P. G., J. R. Karr, and R. T. T. Forman. Landscape Ecology: Directions and Approaches. Champaign: Illinois Natural History Survey, 1983.

4. Forman, R. T. T., and M. G. Landscape Ecology. New York: Wiley, 1986.

5. Golley, F.B. "Introducing Landscape Ecology." Landscape Ecology 1, no. 1 (1987): 1–3, 1987

6. Zonneveld, I. S., and R. T. T. Forman, eds. Changing Landscapes: An Ecological Perspective. New York: Springer-Verlag, 1990

7. Forman, R. T. T. "Some General Principles of Landscape and Regional Ecology." Landscape Ecology. 133–142, 1995

8. Farina, Almo. Landscape Ecology in Action. New York: Kluwer, 2000.

9. Tjallingii, S. P., and A. A. de Veer, eds. Perspectives in Landscape Ecology: Contributions to Research, Planning and Management of Our Environment.

10. Turner, Monica, R. H. Gardner, and R. V. O'Neill. Landscape Ecology in Theory and Practice: Patterns and Processes. New York: Springer Verlag, 2001.

11. Naveh, Z. "Landscape Ecology as an Emerging Branch of Human Ecosystem Science." Advances in Report Advertisement Home Environment Encyclopedias almanacs transcripts and maps Landscape Ecology