Khác biệt giữa các bản “Nguồn:Hòa ước Giáp Tuất 1874”
Dòng 93: Dòng 93:
 
[[Thể loại:Triều Nguyễn]]
 
[[Thể loại:Triều Nguyễn]]
 
[[Thể loại:Điều ước Việt Nam]]
 
[[Thể loại:Điều ước Việt Nam]]
[[Thể loại:Văn kiện Việt Nam]]
+
[[Thể loại:Đương án]]

Phiên bản lúc 23:01, ngày 30 tháng 10 năm 2020

HÒA ƯỚC GIÁP TUẤT (1874)
(Trích Đại Nam Thực lục, Đệ tứ kỷ, Quyển L)

Hòa ước mới định (tất cả 22 khoản) đã làm xong. Lời ước rằng: Nay vua nước Đại Nam và vua nước Đại Pháp cần muốn kết lời thề hòa hiếu hòa thuận bền chặt để cho hai nước được giao thiệp với nhau lâu dài; nhân đó cùng bàn nên định ước mới kết giao, để thay thế điều ước đã định tại ngày mồng 9 tháng 5 năm Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 15, tức là ngày 5 tháng 6 năm 1862, cho nên đặc cách phái Toàn quyền đại thần để tiện làm việc.

Vua nước Đại Nam đặc cách phái Hình bộ Thượng thư khâm sung định ước Chánh sứ Toàn quyền đại thần Lê Tuấn; Lễ bộ Tả tham tri khâm sung định ước Phó sứ Toàn quyền đại thần là Nguyễn Văn Tường.

Vua nước Đại Pháp đặc cách phái Tổng thống Nam Kỳ thủy, lục quân dân đại nguyên soái, Ngự tứ đệ nhất đẳng thưởng công đại bội tinh, tuyên giáo bội tinh, khâm sung định ước Toàn quyền đại thần là Du-bi-lê (Dupré). Hai bên đã chiếu sắc khâm sai Toàn quyền công đồng so sánh xét duyệt, đều là thỏa đáng, sẽ đem điều ước lập ra kê khai như sau :

Khoản thứ I: Từ nay về sau, nước Đại Nam cùng với nước Đại Pháp đời đời kết giao hòa hiếu, tình bạn thực thà.

Khoản thứ II: Vua nước Đại Pháp biết rõ vua nước Đại Nam là giữ quyền tự chủ, không theo phục nước nào, nên vua nước Đại Pháp tự hứa giúp đỡ, lại ước định như hoặc nước Đại Nam nếu có giặc và nước ngoài đến xâm nhiễu, mà vua nước Đại Nam có tư xin giúp cho, thì vua nước Đại Pháp tức thì phải tùy cơ giúp đỡ, cốt cho dẹp yên, cũng muốn đánh hết giặc biển quấy nhiễu cướp bóc ở phận biển nước Đại Nam, các phí tổn đều do nước Đại Pháp tự chịu và không đòi trả lại.

Khoản thứ III: Vua nước Đại Nam nên đền đáp tình hứa giúp ấy, ước định nếu có giao thông với các nước ngoài thì phải góp ý với nước Đại Pháp nếu từ trước có giao thiệp đi lại thông sứ với nước ngoài nào, nay nên theo như cũ, không nên đổi khác. Duy nước Đại Nam muốn giao thông buôn bán, bàn định thương ước với nước nào đều được tùy tiện ; nhưng thương ước ấy, không nên trái với thương ước của nước Đại Nam cùng với nước Đại Pháp hiện đã định. Lại khi nào cùng với nước nào định thương ước ấy, thì báo trước cho triều đình nước Đại Pháp biết.

Khoản thứ IV: Vua nước Đại Pháp ước định cho thêm vua nước Đại Nam các thứ đồ dùng mà không đòi tiền, kê ra sau này :
+ 5 chiếc tàu chiến (tàu ấy chiều dài, chiều ngang bao nhiêu, lớn hay nhỏ, sẽ có giấy biên để làm bằng), sức máy 5 tàu ấy thông tính ngang với sức ngựa ước 500 máy móc, gỗ ván và nồi dẫn nước ở 5 chiếc tàu ấy đều là bền chặt và tốt hết cả. Lại các hạng súng ống vật liệu kèm theo tàu đầy đủ y như lệ đồ dùng ở tàu chiến của nước Đại Pháp.
+ Về súng lớn 100 cỗ, lòng súng ấy đường kính từ 7 phân đến 1 tấc 6 phân (đều dùng thuốc của nước Đại Pháp), mỗi cỗ thuốc đạn đều 200 viên.
+ Về súng điểu sang mở ở bụng 1.000 cây, thuốc đạn 500.000 viên. Các đồ vật trên này, đợi sau khi hòa ước cùng giao cho nhau, hạn trong 1 năm đưa đến Gia Định giao cho nước Đại Nam nhận dùng. Lại như nước Đại Nam có muốn mượn người nước Đại Pháp dạy lính thủy, lính bộ và các thợ thuyền làm giúp máy móc cùng người am hiểu thuế lệ, thu giúp thuế buôn bán ở các cửa biển và các người am hiểu tiếng, chữ, kỹ nghệ làm trường để dạy, mua thêm tàu chiến, thuốc đạn để đủ dùng về việc quân, các khoản ấy thì nước Đại Pháp đều phải làm giúp cho. Còn như tiền công mượn các người ấy và giá tiền mua thêm tàu và súng, tới khi ấy hai nước cùng định, cần phải thỏa đáng với nhau.

Khoản thứ V: Vua nước Đại Nam biết rõ địa hạt nước Đại Pháp hiện được cai trị, tức là 6 tỉnh : Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, phía đông giáp biển và địa đầu phía tây tỉnh Bình Thuận nước Đại Nam, phía tây, phía nam đều giáp biển, phía bắc giáp nước Cao Miên và địa đầu phía nam tỉnh Bình Thuận nước Đại Nam, đều về quản hạt của nước Đại Pháp, riêng giữ quyền tự hữu. Duy nước Đại Nam có phần mộ quê ngoại về họ Phạm, họ Hồ cộng 14 sở; trong đó họ Phạm 11 sở, ở thôn Tân Niên Đông và thôn Tân Quan Đông thuộc tỉnh Gia Định; họ Hồ 3 sở ở thôn Linh Chiểu Tây và xã Tân Mai thuộc tỉnh Biên Hòa, các mộ ấy nghiêm cấm các hạng người đều không được xâm phạm. Nước Đại Pháp lại xin trích 200 mẫu ruộng đất gần mộ, trong số đó giao cho họ Phạm 100 mẫu, họ Hồ 100 mẫu, để làm nhu phí vâng giữ các phần mộ. Còn như ruộng đất ấy và nhân đinh họ Phạm, họ Hồ, nước Đại Pháp đều miễn trừ đi lính, đi phu và các thuế đinh, thuế điền.

Khoản thứ VI: Chiểu theo điều ước cũ năm Nhâm Tuất [1862], nước Đại Nam còn thiếu tiền bồi thường cho nước Đại Pháp 100 vạn đồng bạc (mỗi đồng bạc nặng 7 đồng cân 2 phân), nay được bỏ hết, không đòi hỏi nữa.

Khoản thứ VII: Nguyên điều ước cũ năm Nhâm Tuất, nước Đại Nam còn thiếu tiền bồi thường cho nước Y Pha Nho 100 vạn đồng bạc (mỗi đồng bạc nặng 7 đồng cân 2 phân), vua nước Đại Nam ước định trả cho triều đình nước Đại Pháp để chuyển giao cho nước Y Pha Nho, phải đợi ngày nào nước Đại Nam chiểu thu thuế quan các cửa biển đã mở cho các nước Tây dương và Tân thế giới thông thương, mỗi năm thu được bao nhiêu, trừ số chi phí trong 1 năm ra, hiện còn bao nhiêu chia làm 2 thành, trích lấy 1 thành bồi vào số tiền bạc thiếu ấy. Mỗi năm bồi bao nhiêu giao cho nguyên soái nước Đại Pháp ở tỉnh Gia Định biên nhận, chuyển giao cho nước Y Pha Nho, lấy giấy biên của nước ấy, giao cho nước Đại Nam giữ làm bằng, nhưng không kể là mấy năm, năm nào bồi xong thì thôi.

Khoản thứ VIII: Người nước Đại Nam có giúp nước Đại Pháp việc gì hoặc nước Đại Pháp có giúp nước Đại Nam việc gì, tự phản bội nước mình mà có can phạm pháp luật của nước, phải tịch biên gia sản thì từ khi đã định hòa ước trở về trước; vua nước Đại Pháp và vua nước Đại Nam đều khoan tha, cho trả lại gia sản, duy gia sản ấy đã từng bán đi, không còn ở Nhà nước nữa, không phải trả về.

Khoản thứ IX: Vua nước Đại Nam biết rõ đạo Thiên Chúa nguyên để khuyên người làm điều lành, nay đem các giấy tờ cấm đạo Thiên Chúa từ trước bỏ hết đi; lại cho phép người nước Đại Nam có muốn theo đạo và giữ đạo, đều được thong dong tự tiện, vì thế người theo giáo trong nước đều được tùy tiện các việc hội nhau đọc kinh lễ bái, không kể số người, người ngoài không được vin cớ bức bách dân theo đạo Thiên Chúa làm việc gì trái phép đạo và không bắt giáo dân khai riêng sổ sách. Từ nay về sau giáo dân ấy đều được đi thi ra làm quan mà chớ bắt phải trái phép đạo.
Vua nước Đại Nam ước định: đem sổ riêng từ trước bỏ đi tất cả, còn sổ sách binh dao, thuế khóa phàm các việc đều cùng giống như nhân dân và cấm từ nay về sau nói năng, giấy tờ không nên lại dùng chữ nào, câu nào có làm nhục đến đạo Thiên Chúa cùng là trong 10 điều, nếu có những chữ, những câu như thế cũng đều chữa lại. Giám mục, linh mục nước Đại Pháp đến ở nước Đại Nam để giảng đạo, người nào hễ trình có giấy thông hành của nguyên soái nước Đại Pháp ở Gia Định cấp cho, có đủ bộ Lễ hoặc quan tỉnh của nước Đại Nam đóng ấn phê chữ “dĩ trình” mới được vào nước Đại Nam và tùy tiện đi lại ở trong địa phận thuộc về giám mục ấy, tự do giảng đạo, chớ nên phân biệt bắt phải quản thúc, còn hoặc có ra đi không trở lại, sức cho các xã thôn sở tại khai báo như trước. Linh mục nước Đại Nam giảng kinh truyền giáo cũng như linh mục nước Đại Pháp. Nếu linh mục nước Đại Nam có phạm tội phải phạt đánh roi, đánh trượng thì nên chiểu lệ cho lấy tiền chuộc thay, không nên thực hành đánh roi, đánh trượng. Giám mục, linh mục nước Đại Pháp và linh mục nước Đại Nam đều được thuê mua ruộng đất làm đạo đường, đạo quán, nhà dục anh, nhà dưỡng bệnh và các nhà thuộc về truyền giáo.
Giáo dân ấy trước can phải giam, đi an trí, gia sản đã bị tịch biên, nay nếu hãy còn ở Nhà nước, thì nên giao trả cho giáo dân ấy nhận lấy ; nếu đã bán mất rồi, không còn ở Nhà nước nữa thì thôi. Các khoản trên đây thì giám mục, linh mục nước Y Pha Nho cũng đều được nhờ ơn như thế cả. Sau khi hòa ước này cũng giao cho nhau, nên ban sắc Dụ xuống báo cáo cả nước cho dân xã đều biết vua nước Đại Nam đã rộng ban ơn huệ, chuẩn cho giáo dân được tự do theo đạo như thế.

Khoản thứ X: Nước Đại Nam đều có làm trường học ở thành Gia Định để tiện dạy học trò, thì có quan bộ Lại của nước Đại Pháp ở Gia Định trông nom giúp cho. Trong trường học ấy không được giảng dạy việc gì có trái phong hóa và trái quyền của nước Đại Pháp như có làm đền miếu tế tự việc gì đều cho tùy tiện. Nếu giáo sư ấy có trái khoản ấy thì phải trao trả nước ta, hoặc có làm việc gì nặng hơn việc ấy, thì trường ấy cũng phải thôi không đặt nữa.

Khoản thứ XI: Cửa biển Thi Nại tỉnh Bình Định cùng cửa biển Ninh Hải tỉnh Hải Dương của nước Đại Nam và từ cửa biển ấy ngược lên một giải sông Nhị Hà suốt đến địa phận tỉnh Vân Nam nước Đại Thanh và phố Hà Nội thì triều đình nước Đại Nam nên để cho người Tây dương và các người Tân thế giới thông thương buôn bán, sẽ định thương ước kèm với hòa ước này, về điều khoản thông thương với bàn định cũng chiểu điều ước này tuân theo một thể. Trong đó cửa biển Ninh Hải cùng phố Hà Nội và theo sông Nhị Hà suốt đến địa phận tỉnh Vân Nam nước Đại Thanh, thì nên đợi khi điều ước này cùng giao cho nhau hoặc trước khi chưa giao cho nhau nên định ngày nào khai thương làm tiện, tới khi ấy do hai nước bàn định. Duy cửa biển Thi Nại tỉnh Bình Định, phải đợi sau khi cùng giao cho nhau 1 năm thì đem khai thương. Còn như các cửa biển, các sông, đợi sau này buôn bán nếu có phồn thịnh ích lợi, nên mở ra buôn bán mà có lợi thì sẽ cho nước Đại Nam nghĩ định làm việc.

Khoản thứ XII: Các người nước Đại Pháp và thuộc địa cùng các nước Tây dương và Tân thế giới, người nào hễ tuân theo luật lệ nước Đại Nam, phải được ước định khai thương ở các cửa biển, mua đất làm nhà, tùy ý buôn bán và đặt làm máy móc kỹ nghệ ở nước Đại Nam, nhưng phải nhờ quan nước Đại Nam chỉ định xứ sở, không được lẫn lộn. Trong đó chỗ đất ở hoặc đất công hoặc đất tư chiểu giá thuận mua và cả nhà ở, thuế lệ phải nộp là bao nhiêu, thì chiểu lệ định, đưa nộp cho quan nước Đại Nam. Các người đi buôn cho phép được thông hành buôn bán từ cửa biển Ninh Hải suốt lên sông Nhị Hà cho đến tỉnh Vân Nam ; về thuế lệ thuyền và thuế hàng hóa là bao nhiêu, cũng chiểu lệ đưa nộp cho quan nước Đại Nam. Còn như từ cửa biển Ninh Hải theo sông Nhị Hà đến Hà Nội, lại từ Hà Nội suốt đến Vân Nam các chỗ cạn ở ven sông, người Tây đều được buôn bán. Người các nước trên đây đều được tùy tiện thuê mượn người nước Nam làm giúp các hạng tài phó, thông ngôn, thư ký, thợ thuyền, phu chèo thuyền, làm công việc trong nhà.

Khoản thứ XIII: Nước Đại Pháp được liệu đặt lãnh sự hoặc 1 viên chuyên làm việc ở các cửa biển đã khai thương ở nước Đại Nam, mỗi sở mang theo quân cốt đủ để sai phái, nhưng không được quá số 100 tên, để tiện tự vệ và tuần phòng canh giữ, cho khỏi người các nước sinh sự, đợi khi nào yên ổn không ngại gì, thì lãnh sự ở lại làm việc, quân lính mang theo rút về hết cả.

Khoản thứ XIV: Người nước Đại Nam cũng được các khoản đi lại để buôn bán và mua đất làm nhà ở nước Đại Pháp và các thuộc địa. Duy phải tuân theo luật lệ nước Đại Pháp. Nếu vua nước Đại Nam muốn đặt lãnh sự ở các cửa biển, các phố ở nước Đại Pháp và các thuộc địa để tiện coi giữ người nước mình, đều được tùy tiện.

Khoản thứ XV: Người đi buôn của nước Đại Pháp và các thuộc địa cùng các nước khác, muốn đến nước Đại Nam khai thương ở các cửa biển, ở để buôn bán phải kê khai tên và quê quán trình nộp ở quan nước Đại Pháp, quan nước Đại Pháp lại chuyển tư cho quan nước Đại Nam biết. Dân nước Đại Nam muốn đến nước Đại Pháp và các thuộc địa ở để buôn bán cũng chiểu theo như thế mà làm. Nếu người đi buôn của nước Đại Pháp và các nước khác muốn đi lại xứ khác trong nước Đại Nam có việc gì, phải có giấy thông hành của quan nước Đại Pháp cấp cho và quan nước Đại Nam thuận phê chữ “dĩ trình” mới được thông hành, nhưng cấm không được buôn bán vật hạng ở dọc đường, nếu trái lệnh cấm thì hàng hóa của người buôn ấy do quan sở tại nước Đại Nam tịch thu hết. Nhưng hiện nay sĩ dân trong nước Đại Nam còn giữ lòng nọ kia, chưa yên lặng hết, thì người nước ngoài chưa tiện thông hành nên đợi ngày nào quan nước Đại Nam cùng quan khâm sứ nước Đại Pháp, bàn xét hiện tình, quả đã yên ổn, mới có thể cấp giấy cho đi. Và người nước Đại Pháp muốn đến xứ nào trong nước Đại Nam tìm học bác vật, cũng phải tư cho quan nước Đại Nam biết ; vì người ấy có ý du học, tất phải giữ gìn cho và cấp giấy tờ đầy đủ giúp cho người ấy được tiện đi lại thông hành tìm học.

Khoản thứ XVI: Người nước Đại Pháp kiện nhau hoặc kiện với người nước khác, đều do quan lãnh sự nước Đại Pháp xét xử. Người nước Đại Pháp và người nước khác kiện nhau với người nước Đại Nam, hoặc xin bày tỏ việc gì, phải trước hết do quan lãnh sự nước Đại Pháp hết sức công bằng phân xử, cốt cho ổn thỏa. Nếu có khoản gì trở ngại, quan nước Đại Pháp thế khó xử đoán một mình được, tức phải tư xin quan nước Đại Nam hội đồng làm giúp. Quan hai nước xét xử đã được công bằng, thì đôi bên đều phải tuân theo. Người nước Đại Nam kiện nhau với người nước Đại Pháp hoặc người nước khác phải trước hết do quan nước Đại Nam hết sức công bằng phân xử, cốt được ổn thỏa, nếu có khoản gì trở ngại, quan nước Đại Nam thế khó xử đoán một mình được, thì phải tư xin quan nước Đại Pháp hội đồng làm giúp, quan hai nước xét xử đã được công bằng thì hai bên đều phải tuân theo. Còn người nước Đại Pháp kiện nhau, hoặc kiện với người nước khác, thì chuyên do nước Đại Pháp xét xử.

Khoản thứ XVII: Người nước Đại Pháp và người nước khác đến địa hạt nước Đại Nam mà phạm tội thì phải giao về các tòa ở Gia Định xét xử; nếu người phạm tội ấy trốn tránh ở địa phận nước Đại Nam, phải tư cho quan nước Đại Nam nã bắt, thì quan nước Đại Nam cũng phải hết sức dò bắt giao cho quan nước Đại Pháp nhận để làm việc. Nếu người nước Đại Nam đến ở địa phận nước Đại Pháp mà phạm tội, thì quan nước Đại Pháp chiểu luật lệ nước ấy xét xử, nhưng tư cho quan lãnh sự nước Đại Nam biết để theo lệ tra xét.

Khoản thứ XVIII: Phàm có giặc ở địa phận nước Đại Pháp, như có phạm các tội làm loạn và trộm cướp, mà trốn ở địa hạt nước Đại Nam, được quan nước Đại Pháp tư cho quan nước Đại Nam biết, thì quan nước Đại Nam tức phải hết sức dò bắt, giao cho quan nước Đại Pháp xét xử. Nước Đại Nam có giặc phạm các tội làm loạn và trộm cướp, mà trốn đến địa hạt nước Đại Pháp, được quan nước Đại Nam tư cho quan nước Đại Pháp biết, quan nước Đại Pháp cũng phải hết sức dò bắt, giao cho quan nước Đại Nam xét xử.

Khoản thứ XIX: Người nước Đại Pháp và người nước khác có chết ở địa hạt nước Đại Nam, người nước Đại Nam có chết ở địa hạt nước Đại Pháp, gia sản của người chết ấy phải giao cho con cháu người ấy người đáng được hưởng, nếu hiện tại không có người đáng được hưởng, thì gia sản của người chết ấy đều phải giao cho quan nước ấy chuyển giao cho thân thuộc của người chết ấy ở trong nước nhận lấy.

Khoản thứ XX: Từ ngày quan đại thần hai nước định hòa ước đã ký tên đóng ấn trở về sau, đợi đủ 1 năm vua nước Đại Pháp đặc cách phái 1 người được sung làm quan khâm sứ hạng nhì đến kinh đô nước Đại Nam để tiện theo giữ các khoản đã định trong hòa ước, chức trách phải làm của quan khâm sứ ấy là khiến cho hai nước tình giao hiếu thường hòa, nghĩa bạn càng hậu. Vua nước Đại Nam nếu muốn đặt quan khâm sứ đến ở kinh đô nước Đại Pháp, cũng theo như thế mà làm việc. Duy phẩm trật nghi chế của quan khâm sứ ấy, phải đợi hai nước bàn định, cốt được tương đương. Còn bổng lệ của quan khâm sứ ấy và các hạng chi phí, phải do các nước ấy chiểu cấp.

Khoản thứ XXI: Nay ước mới này được đem thay thế điều ước cũ năm Nhâm Tuất trước. Nước Đại Pháp lại muốn chuyển nói với nước Y Pha Nho cùng theo giữ ước mới này mà bỏ ước cũ đi, nếu hoặc nước Y Pha Nho không chịu thay đổi các khoản ước cũ, thì ước mới ấy nước Đại Pháp và nước Đại Nam đều cùng theo giữ, mà khoản nào ở ước cũ là thuộc nước Y Pha Nho cùng nước Đại Nam đã định, đều phải theo như cũ. Duy khoản nước Đại Nam còn thiếu tiền bồi thường cho nước Y Pha Nho, thì nước Đại Pháp tự nhận bồi thay, nước Đại Nam lại chiểu khoản thứ 7 trong điều ước mới trả dần nợ bạc ấy cho nước Đại Pháp đủ số.

Khoản thứ XXII: Nay ước mới đã định, thì hai nước cùng nhau cùng giữ ước ấy, đời đời chớ trái, đủ 1 năm hoặc chưa tới 1 năm, đợi được vua hai nước phê chuẩn, thì đem đến Kinh thành nước Đại Nam cùng giao cho nhau để lưu chiểu. Khi việc đã xong, lại đem hòa ước ấy đều tuyên bố ở trong nước, khiến cho đều biết cả. Và ước mới ấy đã làm 4 bản, toàn quyền đại thần hai nước cùng nhau so sánh phù hợp phải ký tên đóng ấn vào.
Hòa ước trên này bàn định ổn thỏa ở phủ nguyên soái thành Gia Định, niên hiệu biên ngày ta là ngày 27 tháng giêng năm Tự Đức 27. Lịch dương lịch là ngày 15 tháng 3 năm 1874.