Mục từ này cần được bình duyệt
Khác biệt giữa các bản “Vĩnh Phối”
(Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} Họa sĩ Vĩnh Phối (1937-2017) Nguồn: Gia đình họa sĩ cung cấp Tên tác phẩm: Cấu trúc chất xám thời đại Tác gi…”)
 
n (Tttrung đã đổi Vĩnh phối thành Vĩnh Phối: tên riêng)
 

Bản hiện tại lúc 18:03, ngày 9 tháng 4 năm 2021

Họa sĩ Vĩnh Phối (1937-2017)

Nguồn: Gia đình họa sĩ cung cấp

Tên tác phẩm: Cấu trúc chất xám thời đại

Tác giả: Vĩnh Phối (1937-2017)

Chất liệu: Sơn dầu

Năm sáng tác: 1996

Nguồn: Ảnh tác phẩm do gia đình họa sĩ cung cấp

PGS - họa sĩ Vĩnh Phối là một trong những họa sỹ xứ Huế có tên tuổi ở trong và ngoài nước. Ông đã có những đóng góp to lớn về sáng tạo và đào tạo mỹ thuật trong hành trình 50 năm của trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế mà nay là Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế. Ông là một họa sỹ tài hoa, nhà sư phạm mỹ thuật mẫu mực, người lãnh đạo có tầm bởi nhân cách và tài năng, đức độ.

Từ nhiều năm nay, họa sĩ Vĩnh Phối vẫn luôn giữ được sự bền bỉ tận tâm với nghề, say mê vẽ và giảng dạy, luôn gìn giữ cho mình những cốt cách phẩm chất tạo hình riêng biệt, độc đáo. Thật khó mà nhớ hết những triển lãm trong và ngoài nước mà ông đã tham gia, nhưng những đột biến táo bạo, mới mẻ trong sáng tạo của ông thì đồng nghiệp, sinh viên, bè bạn nhớ mãi và ghi nhận. Qua các triển lãm mỹ thuật người xem luôn nhận ra những giá nghệ thuật được tích tụ qua nhiều năm tháng, tìm tòi và vươn tới của ông, mỗi lần công bố tác phẩm là một lần ông có sự đổi mới, trăn trở để ngày càng tiếp cận gần và sâu sắc hơn vẻ đẹp chân thực cuộc sống theo cách riêng và quan niệm tạo hình của mình. Tranh của hoạ sỹ Vĩnh Phối thể hiện sâu sắc tình cảm của người con xứ Huế đối với quê hương, dân tộc, đất nước và cho thấy nghệ thuật luôn đòi hỏi nghệ sĩ không chỉ có tình yêu, lòng say mê mà còn cả sự hy sinh, kiên trì theo đuổi tận cùng khát vọng sáng tạo của mình.

Tranh của họa sỹ Vĩnh Phối rất dễ nhận ra giữa một không gian triển lãm, nhưng sẽ lầm lẫn nếu cố đi tìm cái thuần túy hình thức hay diện mạo, chân dung nghệ thuật chung, ổn định ở ông bởi vì ông luôn bất chợt phá cách gây bất ngờ từ những tác phẩm mới nhất được trưng bày trong những triển lãm lớn nhỏ khác nhau. Ông vẽ với nhiều chất liệu: sơn dầu, màu nước, acrylic..Với màu nước có những ký họa sâu về thành phố Rome, Milan, Paris với những khu phố cổ rêu phong, những ngôi nhà mặt tiền có đường cong cổ điển của kiến trúc đô thị châu Âu thời trước. Ông vẽ nhiều nhất là sơn dầu và dường như với chất liệu này ông đã thể hiện tư chất nghệ thuật và niềm hứng khởi sáng tạo một cách cháy bỏng nhất.Ông vẽ khá nhiều tranh phong cảnh, chân dung, tranh đồng hiện bằng màu dầu, trong đó ông rất quan tâm đến khả năng biểu tả chất liệu và sự khơi dậy chiều sâu nội tâm nhân vật hay đối tượng. Tranh của ông luôn có một sắc diện gì đó vừa quen vừa lạ, âm hưởng màu vàng tươi sáng, cam đỏ, lục chàm của một họa sỹ có dòng máu hoàng phái cũng đem lại một dấu ấn mới kỳ thú, trang nhã và chín chắn trong nhiều tác phẩm của ông. Có lúc ông lại khá triết lý khi nhìn nhận những vấn đề lịch sử, như bức Huyền Trân Công chúa đã được ông nhấn mạnh về nội tâm, về thân phận của con người hơn là sự biểu cảm của màu sắc hay là sự diễn tả một sự kiện lịch sử. Trong những thời gian khác nhau, khi vui hay buồn ông cũng không quá biểu lộ niềm hứng thú, say mê của mình, xem tranh của ông trong nhiều thời kỳ thật khó mà khẳng định khi nào được coi là lúc nghệ thuật chín muồi trong dòng chảy nghệ thuật của ông. Dẫu vậy cũng có giai đoạn đáng chú ý hơn cả như những tranh sơn dầu về đề tài văn hóa Đông Sơn được vẽ vào những năm 70 thực sự là những tác phẩm gây ấn tượng mạnh ở công chúng. Ở những tác phẩm này hoạ sĩ Vĩnh Phối dường như trẻ lại và say sưa với những vệt màu, hình thể theo khuynh hướng Biểu hiện hay Bán trừu tượng, một thời những tác phẩm như vậy rất quen thuộc trong sáng tác của ông khi họa sỹ từ Học viện Mỹ thuật Rome trở về. Ngày ấy, ít ai ngờ rằng “mệ Phối”, với bản tính hiền lành, lặng lẽ ít nói, thậm chí đôi khi nhút nhát lại hoà nhập một cách hào hứng và rất nhanh chóng với hội hoạ hiện đại Tây phương đến như vậy. Tính mới lạ và sức nặng dữ dội của hội hoạ hiện đại đã tác động đến ông một cách không sao cưỡng lại nỗi, cho dù nhiều khi cái quá mới lạ, hiện đại lại càng quá tương phản trước dáng vẻ mảnh khảnh cố hữu và tố chất của một người kín đáo của ông. Cũng chính những cái tương phản của một hình thức tư duy hội họa hiện đại với kỹ thuật bốp chát, gai góc đầy phóng túng đã phản ánh sự khổ luyện theo hội hoạ Tây phương của ông. Người ta nói ”Mọi con đường đều dẫn đến La Mã”, nhưng Vĩnh Phối lại từ giã thủ đô nghệ thuật Ý để trở về tìm cảm hứng sáng tạo từ những motif mỹ thuật cổ thời Đông Sơn, thời Lý, Trần và những giá trị nghệ thuật thời Nguyễn. Ông đã tìm thấy trong bộn bề nghệ thuật cổ dân tộc những cái riêng quý giá cần nghiên cứu phản ánh.

Tên tuổi hoạ sĩ Vĩnh Phối gắn liền với phong cách mỹ thuật hiện đại Huế qua hàng loạt tranh vẽ về đề tài dân tộc, Ông vẽ nhiều về Huế theo lối hiện thực với màu sắc rất trang nhã và hoài cổ, lắng đọng như những tác phẩm Phong cảnh Lăng Tự Đức, Ngọ Môn, Cung nữ chơi đàn, Thiếu nữ Huế, Mẹ tôi...và ông cũng vẽ tranh trừu tượng một cách mạnh bạo, nhiều khi bóp hình đến nghiệt ngã đầy sự ám ảnh thu hút mà vẫn như một cuộc chơi màu sắc, hình thể khiến bao đồng nghiệp ngỡ ngàng. Cũng chính từ một trong những tranh như vậy sau năm 1975 trưng bày ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, đã nhận được ý kiến mang tính áp đặt, chụp mũ ông về sự tiêu cực ý thức chính trị của những người không hiểu nghệ thuật nhưng lại thích phán xét theo kiểu chủ nghĩa hiện thực hồn nhiên. Có lần một người lãnh đạo “có trọng lượng ” phán xét rằng tranh của Vĩnh Phố “khó hiểu” và xa lạ thế là suýt nữa cuộc đời và số phận con người nghệ sỹ của ông đã phải chuyển đổi khác xa và không biết rồi cuộc đời sẽ làm ông trôi dạt và tàn tạ đến đâu. Thực tình thì những năm đầu sau giải phóng tranh của các họa sỹ miền Nam đã làm cho sự tiếp nhận cái mới, hiện đại của họa sỹ miền Bắc sinh động hơn. Tranh của họa sỹ Vĩnh Phối về cuộc sông mới không thể lại là những cô nông dân vai u thịt bắp chổng mông cấy lúa, hay anh công nhân ôm cái thuẩn chọc lò như kiểu thức giáo điều vẽ về công nông binh bấy giờ đang ngự trị.Vốn nhạy cảm và tự trọng ông nhận ra sự thiếu vắng nào đó, chưa hoà cuộc và đồng cảm ở đâu đó, và thế là hoạ sĩ lại trăn trở, day dứt quyết kiểm nghiệm lại mình. Ông hướng niềm rung cảm vào đề tài mang tính khái quát về cuộc sống mới về cách mạng, ông cố gắng gần gũi hơn với những người lao động, ông theo các trại sáng tác mang tính “ cải tạo tư tưởng văn nghệ sĩ “ lúc bấy giờ , đưa sinh viên về nông thôn, nhà máy, tham gia lao động dưới nắng cháy và vẽ về những gì mà ông thấy có trách nhiệm cần tìm hiểu. Cũng chỉ một thời gian sau, hoạ sĩ được nhận giải thưởng quốc gia do Hội đồng nghệ thuật Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam xét tặng cho bức tranh Ba cuộc cách mạng mang âm hưởng hoành tráng đồng hiện. Nhưng rồi ông bỗng dừng lại, ông nhận ra sự “ lạc đề “vì đó không phải là cái cách mà ông vẫn làm và đeo đuổi và càng không phải là mạch ngầm sáng tạo riêng của ông, càng không phải là cái gout của một họa sỹ tư duy cởi mở như ông. Dạo ấy đất nước khó khăn, tìm cả xứ Huế không có nổi típ màu tốt để vẽ, những người bạn, đồng nghiệp thân thiết một thời do nhiều hoàn cảnh đã ra đi như các họa sỹ Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Hồ Hoàng Đài và cả người học trò Dương Đình Sang mà ông yêu quý. Những ngày tháng ấy ông thường ngồi lặng lẽ, nhìn đăm đăm buồn bã trước tấm vải vẽ Liên Xô gai xù, mốc meo, ông đặt lên nền tranh những vệt màu vô định để suy nghĩ trong sự day dứt bởi những hình tượng nghệ thuật đích thực còn nằm đâu đó xa vời.

Đất nước đổi mới thật đúng lúc và đã thổi luồng sinh khí sáng tạo mới hừng hực, giục giã ông cầm bút vẽ và trăn trở, tìm tòi nhiều hơn nữa. Dẫu đã có lúc thăng trầm, nhưng có lẽ chưa bao giờ ông vẽ hào hứng như những năm đầu đổi mới, ông thể hiện sự sung sức trước những đề tài lớn của thời đại: Hoà bình - Hạnh phúc - Vũ trụ và Truyền thuyết dân tộc. Tranh của ông đã ửng lên sắc mới rung cảm khi trở về với nguồn mỹ cảm máu thịt sâu lắng của mình. Hàng chục tác phẩm trưng bày qua các triển lãm 1990, Festival văn hoá Huế - CODEV 1992, Triển lãm trại sáng tác Quốc tế Toulouse 1994 nhân chuyến đi Pháp 3 tháng, các triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1995, 2000, và 10 cuộc tham dự Triển lãm Quốc tế Việt - Thái đã ghi nhận sự tìm lại nguồn hứng khởi sáng tạo của ông. Ký ức một thời như thẩm thấu tận đáy sâu của mỗi gam màu trong những tác phẩm Lạc Long Quân và Âu Cơ, Âm điệu thời đại Vua Hùng, Sông Hương...Sự hiện diện của những tác phẩm này trong các triển lãm nhóm và cá nhân cho thấy mạch thẩm mỹ ở ông không thay đổi, dù ông cố nhìn hiện thực bằng một cách khác, chính sự bảo thủ cần thiết ấy đã nuôi dưỡng và hội tụ nên một Vĩnh Phối như hôm nay.

Hoạ sĩ Vĩnh Phối luôn tạo ra một sự phủ định đầy tự tin trong sáng tạo của mình, trong loại tranh hiện thực như Tĩnh vật Huế, Thiếu nữ, Cảnh Đại Nội... đã manh nha những đột phá của xu hướng sáng tạo nghệ thuật biểu hiện –trừu tượng. Các tranh Tiên Rồng mang đậm nét sử thi - huyền thoại và Văn hoá cổ, Dòng sông xanh, cội nguồn, Bố cục II, Dấu tích con ngườ, Huế xưa, Ký ức trận hồng thủy, Cảm xuc Huế... trong cái sắc màu lạnh với những vệt sáng hư ảo, mơ hồ đã gợi lên sự tắc ẩn về cuộc sống con người và sự bí ẩn, vô tận của thiên nhiên, vũ trụ. Một xu hướng khác là họa sỹ Vĩnh Phối thích làm cho nền tranh có những điểm phồng lên như loại tranh nổi rất gần với tính biểu hiện của ngôn ngữ phù điêu, thực ra đó cũng là một nét riêng, một sự hình thành tất yếu trong sáng tạo của hoạ sĩ, bởi lẽ ông không chỉ là một hoạ sĩ cầm bút mà còn là một nhà điêu khắc từng học ở xưởng của các nhà điêu khắc Ý trứ danh.

Hoạ sĩ Vĩnh Phối là người đã chứng kiến bao thăng trầm không chỉ của lịch sử đất nước trong những năm chiến tranh và thời bao cấp gian khó mà với Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Huế trước đây và Đại học Nghệ thuật Huế hiện nay thì ông cũng đã phải bao lần nhập cuộc bởi ông là một chứng nhân quan trọng trước những đổi thay và số phận lịch sử của một ngôi trường Mỹ thuật, trong đó có những đổi thay không phải bao giờ cũng hay, cũng tốt, thậm chí có những sự biến động như là những bi kịch được báo trước. Sau năm 1975 đất nước được thống nhất, hoạ sĩ Vĩnh Phối lúc đó là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế đã được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng của trường, lúc đó ông vui vì đất nước hoà bình, ông đã dồn hết tâm huyết cho việc xây dựng phát triển trường. Năm 1986 có lẽ là một lần tan vỡ, thất vọng, day dứt đã tỳ dấu trong trái tim ông khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế không còn tên nữa vì sau khi sát nhập với trường Âm nhạc thì tên gọi mới là trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế. Người ta còn nhớ mãi cái cảnh hoạ sĩ Vĩnh Phối quay đi khi nhìn thấy tấm bảng trường Cao đẳng Mỹ thuật đang được dở xuống để thay bảng mới .Năm 1994 khi trường Cao đẳng Nghệ thuật thành trường Đại học Nghệ thuật thuộc Đại học Huế, ông có vẽ vui hơn vì ông hy vọng bởi sự phát triển mới của trường. Hơn 10 năm trong ngôi nhà chung ĐHH, ông lại tiếp tục làm Phó Hiệu trưởng cho đến khi về hưu, thế rồi Chính Phủ lại có chủ trương tách trường, một nữa sẽ là Học viện âm nhạc, nữa kia là mỹ thuật với 50 năm tồn tại có nguy cơ bị biến thành khoa đã làm cho ông thật sự bị shock, những ngày đó ông buồn bã lang thang rì rầm, tự luận, ông bỏ bê vẽ rồi lại lao vào vẽ dữ dội, ông phát biểu trên TV với một khuôn mặt trĩu nặng nỗi buồn. Ông làm tất cả để nói lên sự cần thiết phải có sự tồn tại của một trường Đại học Mỹ thuật ở Huế.

50 năm của trường Đại học Nghệ thuật bây giờ và trường Cao đẳng Mỹ thuật trước đây, họa sỹ-PGS Vĩnh Phối gần như có mặt ở tất cả những thời điểm nhạy cảm và trăn trở nhất. Thế mà trước và sau khi từ giã chức vụ quản lý, bạn bè, thân hữu và SVHS vẫn thấy ông dường như không có gì khác nhau bởi sự giản dị, khiêm nhường và chân tình, gần gũi lúc nào cũng toát lên ở ông, thì ra với bản tính bình dị chưa bao giờ mọi cái phù phiếm của chức quyền, địa vị và đôi chút bổng lộc lại có thể lấn át con người nghệ sỹ trong ông, đó thực sự là một điều không phải ai trong hoàn cảnh tương tự cũng có thể làm được. Giờ đây ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn chưa một ngày nghỉ vẽ, dạy vẽ, sự có mặt của PGS-họa sỹ Vĩnh Phối trong nhiều công việc chuyên môn của Nhà trường như ủy viên Hội đồng Khoa học - Đào tạo, hướng dẫn sinh viên vẽ sơn dầu, luận văn tốt nghiệp ở Khoa Hội họa, Khoa Sư phạm, hướng dẫn các bài học cơ bản về tượng tròn, đắp nổi và hướng dẫn tốt nghiệp tại khoa Điêu khắc … luôn đem lại cho đồng nghiệp sự yên lòng, tin tưởng. PGS-họa sỹ Vĩnh Phối không chỉ là con người đức độ, tài năng,vị tha, một nhân cách lớn mà còn là một tấm gương về tinh thần sáng tạo, lòng nhân ái. Ông được mọi người quý trọng, nể phục và coi là người anh lớn, người đồng nghiệp hoạ sĩ chân tình và gần gũi, người giảng viên mẫu mực của trường Đại học Nghệ Thuật Huế.