(Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} (Địa chất) (cg. Cù lao Ré), đảo núi lửa thuộc huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, nằm phía đông bắc tỉnh…”) |
n (Tttrung đã đổi Đảo lý sơn thành Đảo Lý Sơn: tên riêng) |
(Không có sự khác biệt)
|
Phiên bản lúc 14:52, ngày 5 tháng 1 năm 2021
(Địa chất) (cg. Cù lao Ré), đảo núi lửa thuộc huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, nằm phía đông bắc tỉnh, cách đất liền 15 hải lý.
ĐLS còn được gọi là Cù lao Ré vì theo dân gian là trước đây cù lao(đảo) này có nhiều cây ré. Diện tích của huyện Lý Sơn khoảng gần 10 km2 ,dân số khoảng hơn 21 ngàn người (số liệu năm 2019), gồm hai đảo: đảo Lớn (Lý Sơn, cù lao Ré) và đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) ở phía bắc đảo lớn (tại toạ độ15°23'21.6"B, 109°07'39.9"Đ). Huyện đảo Lý Sơn có 3 xã gồm An Vĩnh và An Hải tại đảo Lớn và An Bình ở đảo Bé.
Cụm ĐLS là đảo núi lửa. Đảo Lớn có năm phễu núi lửa, bốn phễu lớn phân bố từ tây sang đông gồm núi Giếng Tiền (đường kính khoảng 500 m, cao khoảng 40 m), núi Hòn Sỏi (hình bán nguyệt, đường kính khoảng 400 m), núi Thới Lới (đường kính gần 800 m, có độ cao tuyệt đối là 136 m, tại 15°25'47.0"B, 109°04'56.1"Đ), và hòn Mù Cu, phễu núi lửa ngầm tại cực đông của đảo (Hình 1). Các núi lửa kể trên là núi lửa phun nổ được hình thành qua nhiều đợt phun nổ đẩy các sản phẩm như tro bụi, dăm và mảnh dung nham (bom núi lửa) vào không khí sau đó rơi xuống và dần kết dính rắn chắc tạo nên một lớp tuf núi lửa phân lớp khá dày (Hình 2). Các phễu núi lửa này nhìn xa từ phía nam có hình sóng (răng cưa) nổi bật trên mặt nước biển. Do tính chất bở rời của vụn núi lửa nên các núi lửa này dễ bị sóng biển bào mòn tạo thành các vách đá nhiều lớp khác nhau, có độ dày dao động từ vài centimet đến vài mét, nhìn từ xa dễ nhầm với các lớp đá trầm tích (Hình 2). Một số nhà địa chất Việt Nam do đó gọi các sản phẩm này là trầm tích - núi lửa mặc dù những sản phẩm chính là vụn núi lửa. Ngoài các núi lửa phun nổ sản phẩm vụn (pyroclastics), núi lửa Hòn Vung, đường kính khoảng 200 m, cao khoảng 60 m, tại xã An Hải (15°22'24.6"B 109°07'03.1"Đ), phun trào sản phẩm gồm dung nham đặc sít xen lỗ hổng. Ngoài ra còn phát hiện một loạt các dấu vết phễu núi lửa ngầm ở phía nam và đông nam đảo Lý Sơn. Tại đảo Bé có ít nhất 3 cụm núi lửa phun trào basalt đặc sít, bao gồm hai ở phía nam và một ở phía bắc đảo (Bãi Ngang). Do đó, ngoài khu vực đảo Bé và Hòn Vung, các núi lửa phun nổ còn lại chủ yếu được tạo thành từ các lớp vụn núi lửa (cinder cone).
Đá núi lửa khu vực ĐLS là basalt á kiềm và ít basalt kiềm, cấu trúc từ lỗ hổng đến đặc sít, độ phong hoá thấp. Kiến trúc đá chủ yếu là porphyr chứa các ban tinh là olivin hạt vừa, plagioclas và rất ít clinopyroxen. Số liệu tuổi đồng vị cho thấy có một mẫu cào đáy biển gần đảo Bé có tuổi là 12 triệu năm, ba mẫu thu thập tại phía bắc đảo Bé có tuổi 0,4 triệu năm, 0,9 triệu năm và 1 triệu năm. Tại đảo Lớn, bốn mẫu thu thập tại núi Thới Lới, giếng Vua và Cổng Tò Vò cho tuổi đồng vị từ 1 đến 1,2 triệu năm.
ĐLS ngoài ý nghĩa khoa học như dấu vết các chu kỳ phun trào vụn núi lửa và quá trình bào mòn do nước biển, hòn đảo còn có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Là nơi lưu giữ các chứng tích và là nơi tưởng nhớ những hải binh Việt Nam ra đi trấn giữ quần đảo Hoàng Sa từ đầu thế kỷ 19 mà không trở về.
Do các giá trị tự nhiên và văn hoá – lịch sử nổi bật kể trên nên hiện khu vực huyện ĐLS cùng với một phần ven biển từ Bình Châu đến Ghềnh Yến (H. Bình Sơn) và một phần Sa Huỳnh (H. Đức Phổ) được chuẩn bị hồ sơ xin công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
Hình. Các lớp tro bụi, tuf và bom núi lửa là sản phẩm phun nổ của núi lửa Thới Lới (Ảnh Nguyễn Hoàng)
Tài liệu tham khảo:
1. Hoang N, Flower M.F.J., Petrogenesis of Cenozoic basalts from Vietnam: Implication for origin of a ‘Diffuse Igneous Province, J. Petrology V.39. № 3, pp. 369-395, 1998.
2. Fedorov, P.I., Koloskov, A.V., Cenozoic volcanism of Southeast Asia, Petrology v. 13, No. 4, pp. 352-380, 2005.
3. Горшков А.П., Исследования подводных вулканов в 10-ом рейсенис ‘Вулканолог, Вулканология и сейсмология № 6, С. 39-45, 1981.