(Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} văn hóa khảo cổ thuộc sơ kỳ thời đại đồng thau (cũng có ý kiến cho rằng văn hóa này thuộc hậu kỳ đá mới,…”) |
n (Minhpc đã đổi Văn hóa phùng nguyên thành Văn hóa Phùng Nguyên: Viết hoa) |
Bản hiện tại lúc 16:32, ngày 9 tháng 12 năm 2020
văn hóa khảo cổ thuộc sơ kỳ thời đại đồng thau (cũng có ý kiến cho rằng văn hóa này thuộc hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí) phân bố chủ yếu ở lưu vực sông Hồng đặt tên theo di tích phát hiện lần đầu tiên vào năm 1959 ở thôn Phùng Nguyên, xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
VHPN đã có trên 60 năm phát hiện và nghiên cứu, trên 70 di tích thuộc văn hóa này đã được phát lộ, khai quật và hàng vạn di vật đá, hàng triệu mảnh gốm đã được lấy lên từ lòng đất cùng nhiều dấu tích vật chất liên quan đến cuộc sống của con người thời bấy giờ.
Các địa điểm của văn hoá này phân bố tập trung ở khu vực hợp lưu của các con sông lớn: sông Hồng, sông Đà, sông Lô và sông Đáy tức vùng Phú Thọ và nam Vĩnh Phúc, Hà Nội, nam Bắc Ninh, niên đại từ trên 4.000 đến 3.500 năm cách ngày nay (cũng có ý kiến cho rằng VHPN được bắt đầu từ khoảng 4500 năm cách ngày nay). Phú Thọ, Vĩnh Phúc là địa bàn lõi của cư dân Phùng Nguyên.
Cư dân Phùng Nguyên thường chọn lựa nơi sinh sống là sườn các đồi gò ở vùng Trung du và những khu đất cao ở vùng đất thấp hơn gần những nguồn nước để lập làng và canh tác lâu dài. Các làng của người Phùng Nguyên có xu hướng tập trung thành các cụm, dày đặc nhất là các di tich Phùng Nguyên ở Phú Thọ dọc theo tả và hữu ngạn các con sông lớn - khu vực hợp lưu của sông Thao, sông Lô và sông Đà. Những con sông này, với những bãi bồi ven bờ và rừng cây bao phủ thích hợp cho trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt, hái lượm, đánh cá… đồng thời còn là những ngả đường trao đổi hàng hóa và đân cư quan trọng trong thời cổ.
Những khu cư trú điển hình của VHPN như Phùng Nguyên hay Xóm Rền đều cho thấy một cảnh quan vùng đất cao, gần sông lớn và những địa danh cổ còn lại cho thấy quanh đó có nhiều rừng cây, gò, đồi... Đất đai màu mỡ để con người khai phá lập làng sinh sống. Các làng Phùng Nguyên có diện tích khác nhau, từ một vạn đến hai vạn mét vuông… Cũng có một số làng có quy mô lớn với diện tích trên mười vạn mét vuông. Các địa điểm VHPN đa phần là nơi cư trú, hay cư trú kết hợp sản xuất thủ công (di chỉ-xưởng) điển hình như Gò Chùa, Gò Chè, Ô Rô, Thọ Sơn hữu ngạn sông Thao (huyện Tam Nông, Phú Thọ). Bên cạnh đó còn có một số công xưởng chế tạo công cụ sản xuất bằng đá hay đồ trang sức bằng đá như Hồng Đà, Bãi Tự…Các công xưởng tọa lạc ngay bên cạnh các khu cư trú, gần các tuyến đường thủy thuận lợi cho vận chuyển sản phẩm hoàn thiện, nguyên liệu nội vùng và liên vùng.
Các khu cư trú Phùng Nguyên sớm tập trung ở môi trường sinh thái đồi gò và đến giai đoạn giữa thì phân bố ở đồi gò thấp - đồng bằng, trong khi những di tích Phùng Nguyên muộn có chiều hướng tiến về phía hạ châu thổ, ở khu vực có đồng bằng rộng lớn bao quanh. Xét từ góc độ không/thời gian những làng sớm nhất tập trung ở địa bàn thượng, trung du và xu hướng càng muộn càng xuôi về hạ du, những địa điểm giai đoạn muộn của văn hoá Phùng Nguyên cũng được tìm thấy ở khu vực nội thành Hà Nội như Xã Đàn, Công viên Thống Nhất… trên những gò đất cao ven sông Tô Lịch.
Trong không gian và thời gian của VHPN có những nhóm di tích có một số đặc trưng văn hóa khác xen cài, đó là văn hoá Tràng Kênh ven biển Đông Bắc, nhóm các địa điểm Gò Mả Đống-Gò Con Lợn-Đoan Thượng ở ngay vùng trung du; nhóm Mán Bạc ven biển cực bắc của bắc Trung bộ, giữa các nhóm di tích này có thể có những quan hệ cả về lịch đại, đồng đại.
Dấu tích liên quan đến nhà ở và sản xuất thủ công không nhiều, chủ yếu là các mảng đất vàng hoặc cháy đỏ, các lỗ hố cột tròn, các cục đất nung, các dải gốm vỡ và các hố đất đen, dấu tích bếp lửa và lò nung…
Mộ táng: Người Phùng Nguyên chôn người chết ngay trong nơi cư trú hoặc chôn cất tập trung thành khu vực riêng,… Huyệt mộ được chuẩn bị kỹ càng như ở Lũng Hòa người chết dược chôn trong huyệt mộ hình chữ nhật có 1 đến 2 tầng cấp, cũng có nơi không có huyệt mộ như Xóm Rền, Đồng Đậu và một số nơi khác huyệt mộ có hình tròn đào sâu vào nền đất cái như Bãi Mèn và Đình Chiền…Đồ tùy táng cho thấy bắt đầu có sự khác biệt về thân phận và của cải, tục nhổ răng cửa cũng thấy ở một số nơi như Xóm Rền hay Đình Tràng.
Trong các loại hình di vật, có thể thấy đồ đá là loại nổi bật nhất. Người Phùng Nguyên có xu hướng chọn nhiều loại đá tốt và mỗi loại đá phù hợp cho từng loại công cụ, dụng cụ, vũ khí hay đồ trang sức. Đá basalt dùng để chế công cụ và dụng cụ lớn, đá cát làm bàn mài, đá ngọc làm đồ trang sức và công cụ nhỏ, đá silic-jasper làm mũi khoan…. Hầu như toàn bộ công cụ và đồ trang sức đá đều được mài nhẵn, kích thước nhỏ nhắn, đa dạng và tinh tế. Các kỹ thuật chế tác như ghè đẽo, cưa, khoan, mài, tiện… đều có mặt trong quá trình chế tác đồ đá của người Phùng Nguyên và đạt tới một trình độ điêu luyện cao. Loại hình công cụ đá có riu, bôn và rìu bôn tứ giác kích thước nhỏ và vừa, rìu bôn có vai ít. Nông cụ gồm cuốc, dao và liềm được tìm thấy với số lượng không nhiều. Bộ dụng cụ dùng để chế tác đồ gỗ, tre nứa khá phong phú gồm nhiều loại đục, đột, dao cưa, cưa. Các công cụ và dụng cụ đá khác còn có mũi khoan, bàn mài, bàn đập vỏ cây…Vũ khí có mũi lao, mũi giáo, mũi tên, qua và nha chương…
Đồ trang sức rất phong phú, được chế tác trau chuốt, tinh xảo. Số lượng đồ trang sức trong các địa điểm khá lớn. Ví dụ: tại Phùng Nguyên có 600 tiêu bản đồ trang sức trên 4.000 di vật đá. Sự hình thành và phát triển của những công xưởng như Bãi Tự, Tràng Kênh, Hồng Đà… chuyên sản xuất, chế tạo đồ trang sức bằng đá cho thấy năng lực thẩm mỹ và nhu cầu đời sống tinh thần của cư dân Phùng Nguyên đã ở trình độ cao. Vòng đá với nhiều kiểu mặt cắt: Chữ nhật, vuông, tròn, bán nguyệt, thấu kính…. Đặc biệt là kiểu mặt cắt hình chữ T, xung quanh có những đường gờ tiện nổi song song. Khuyên tai, nhẫn có mặt cắt hình vuông, hình tròn, hình bán nguyệt. Nhiều tiêu bản nhẫn được chế tác từ loại đá đen sẫm, bóng và cứng như sừng. Hạt chuỗi hình ống là một loại đồ trang sức phổ biến trong các địa điểm Phùng Nguyên. Ngoài ra còn có những loại hình khác như vật đeo hình đuôi cá, tượng người mà điển hình là tượng người đàn ông tìm thấy ở di chỉ Văn Điển.
Đồ gốm, có hai loại chất liệu là gốm chắc và gốm xốp, trong đó phổ biến là loại gốm chắc. Gốm chắc tùy theo kết cấu và thành phần chất pha trộn mà có độ mịn đến rất thô. Gốm rất mịn chiếm tỉ lệ ít và chỉ thấy trong một số địa điểm được xác định thuộc giai đoạn sớm và chủ yếu của loại hình thố, bát bồng.
Đồ gốm nhiều về số lượng. Loại hình phong phú, đa dạng về chức năng sử dung, bao gồm các loại đồ dùng thường nhật, các loại dụng cụ sản xuất, các loại đồ trang sức, tượng nghệ thuật…Những loại hình gốm điển hình là thố, bình, bát mâm bồng, vòng tay, chạc… Gốm Phùng Nguyên nổi tiếng về những đồ án hoa văn đẹp, đa dạng, phong phú. Hoa văn đặc trưng cơ bản là khắc vạch kết hợp văn đập, in lăn, chấm dải, in các loại với các họa tiết phức tạp. Đặc trưng đầu tiên của hoa văn khắc vạch Phùng Nguyên là trang trí theo băng dải, khắc vạch kết hợp in chấm, in lăn bằng cách dùng một que nhiều răng, hay dùng một con lăn có khắc ô nhỏ nổi. Các băng dải này thường có kết cấu khá phức tạp, những hoạ tiết uốn lượn lặp đi lặp lại có các dấu đệm nằm trong phần trống. Trước hết là hoạ tiết hình chữ S cong đều. Hoa văn chữ S rất phong phú trong văn hoá Phùng Nguyên với nhiều biến thể (Hà Văn Tấn đã thống kê hơn 20 kiểu khác nhau). Hoa văn gốm Phùng Nguyên cho thấy tư duy trừu tượng và trình độ thẩm mỹ cao và giống như một vài nhóm cư dân Đông Nam Á và châu Đại Dương người Phùng Nguyên đã biết dùng một loại bột nhân tạo màu trắng để trang trí hoa văn và làm áo gốm… Mặc dù tổ hợp hiện vật văn hoá Phùng Nguyên, đặc biệt là đồ gốm có thể có những nét đơn lẻ giống với văn hoá nào đó cùng thời gần và xa trong khu vực nhưng về tổng thể là một tổ hợp văn hoá khảo cổ độc đáo phản ánh đời sống vật chất và tinh thần phong phú của nhóm cư dân sinh sống ở châu thổ sông Hồng cách đây khoảng trên 4.000 năm.
Đại đa số các nhà khảo cổ học Việt Nam đều cho rằng văn hoá Phùng Nguyên bắt đầu thời đại đồ đồng ở châu thổ sông Hồng, mặc dù trong những địa điểm của văn hoá này chưa tìm thấy công cụ bằng đồng mà chỉ là gỉ đồng, xỉ đồng, giọt đồng và những mẩu thanh đồng nhỏ, những phân tích xỉ đồng cho thấy đã là hợp chất đồng thiếc, vào giai đoạn muộn của văn hoá Phùng Nguyên mảnh khuôn đúc bằng đất nung, bằng đá cũng đã được tìm thấy, mặc dù vậy đồ đá, đồ gỗ tre nứa vẫn là những công cụ và dụng cụ chính trong đời sống cư dân.
Có nhiều yếu tố tham góp vào sự hình thành và phát triển của văn hoá Phùng Nguyên, trong đó có nguồn bản địa từ văn hoá đá mới Bắc Sơn qua ngả Phia Điểm Mai Pha; Nguồn khác là từ một số văn hoá trung kỳ, hậu kỳ đá mới Hạ Long, Hà Giang, Thạch Lạc; Nguồn các địa điểm thượng lưu sông Đà, sông Mã Sơn La; Một số văn hoá đá mới Nam Trung Hoa...
VHPN là cơ sở và nền tảng phát triển lên văn hóa Đồng Đậu - Gò Mun và Đông Sơn ở châu thổ sông Hồng. Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá VHPN là mốc khởi đầu cho quá trình hình thành dân tộc Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1. Higham Ch, The Bronze Age of Southeast Asia, Cambridge University Press, 1997.
2. Hà Văn Tấn (Chủ biên) Khảo cổ học Việt Nam, tập 2. Thời đại Kim Khí, Nxb. Khoa học xã hội, Nội, 1998.
3. Hán Văn Khẩn, Văn hoá Phùng Nguyên, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2005.
4. Hán Văn Khẩn (Chủ biên), Cơ sở Khảo cổ học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.
5. Hoàng Văn Diệp, Chuyển dịch không gian cư trú của cư dân Văn hoá Phùng Nguyên, Tạp chí Khảo cổ học, số 6, 2019.
6. Lâm Thị Mỹ Dung và Nguyễn Xuân Mạnh, Thời đại Kim khí Việt Nam, Giáo trình Đại học, Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019.