(Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} gồm bốn hệ thống lý thuyết và phương pháp tiếp cận chính yếu, đó là: Khảo cổ học Lịch sử - Văn hóa; Chức…”) |
n (Minhpc đã đổi Trường phái khảo cổ học âu-mỹ thành Trường phái khảo cổ học Âu-Mỹ: Viết hoa) |
Bản hiện tại lúc 16:32, ngày 9 tháng 12 năm 2020
gồm bốn hệ thống lý thuyết và phương pháp tiếp cận chính yếu, đó là: Khảo cổ học Lịch sử - Văn hóa; Chức năng luận trong Khảo cổ học; Khảo cổ học Quá trình và Khảo cổ học Hậu Quá trình ra đời và phát triển từ nửa sau thế kỷ XIX đến nay.
Khảo cổ học Lịch sử - Văn hóa (culture-historical Archaeology) ra đời từ khoảng nửa sau thế kỷ 19, nằm trong thời kỳ chủ nghĩa dân tộc phát triển rất mạnh ở châu Âu, với các nhân vật tiêu biểu là G.Kossina, G.Childe, R.Wheeler, C.Hawkes, S.Piggott, E.Thomson, A.Kidder, N.Nelson, J.Ford, W.Strong, J.Griffin, Li Ji, F.Borde. Trường phái Khảo cổ học Lịch sử - Văn hóa được hình thành trên nền tảng tư tuởng học thuyết Tiến hóa luận văn hóa (Cultural Evolutionism), cho rằng sự tiến triển văn hóa cũng giống như quy luật tiến hóa sinh vật, hành vi con người bị quyết định mang bản chất sinh học. Nội dung chủ yếu của cách tiếp cận Lịch sử - Văn hóa liên quan đến việc thiết lập trật tự niên đại và loại hình học, thiết lập các đặc trưng, các truyền thống văn hóa cho từng khu vực riêng biệt. Người ta cũng quan tâm đến những biến đổi về kiểu dáng di vật hay loại hình cư trú theo niên đại để thiết lập trật tự một chuỗi các văn hóa phát triển sớm muộn kế tiếp nhau bằng phương pháp so sánh loại hình học, địa tầng học và sau này được hỗ trợ của các phương pháp khoa học tự nhiên để xác định niên đại tuyệt đối. Những cuộc di chuyển của các tập đoàn người mang đến ảnh hưởng văn hóa qua lại giữa các khu vực cũng được đặc biệt quan tâm. Do quan điểm nhất nguyên về lịch sử, trường phái khảo cổ học này coi mọi sáng tạo của con người chỉ xuất hiện một lần ở một nơi nhất định, sau đó mới truyền bá đến những nơi khác, Khảo cổ học Lịch sử - Văn hóa luôn đi liền với thuyết Thiên di, Truyền bá luận (Diffusionism) tiêu biểu là trường phái nhân học Vien đứng đầu là F.Graebner và W.Schmidt và Siêu truyền bá luận (Hyper-Diffusionism) của E.Smith.
Những nhân vật có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của khảo cổ học Lịch sử - Văn hóa phải kể đến là O.Montelius, G.Kossina và G.Childe. Tiếp thu truyền thống khảo cổ học vùng bán đảo Scandinave, O.Montelius là những người đầu tiên phát triển và áp dụng phương pháp Loại hình học (Typological Method) để phân chia và định niên đại tương đối cho các vùng văn hóa. Khái niệm “Văn hóa khảo cổ” mặc dù trước đó đã xuất hiện trong một số văn liệu nhưng phải đến G.Kossina nó mới được định nghĩa và áp dụng để lý giải các tư liệu khảo cổ học. Kossina coi văn hóa là sự phản ánh đặc thù chủng tộc và dân tộc tính, ông thiên về thuyết thiên di hơn là truyền bá luận. Lý thuyết của Kossina mang màu sắc chủng tộc, đề cao tính thượng đẳng của dân tộc Đức, nó trở thành công cụ phục vụ cho tư tuởng bảo thủ, dân tộc cực đoan của chủ nghĩa Quốc xã Đức sau này. Tuy nhiên Kossina vẫn được coi là một nhân vật cách tân, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của khảo cổ học. G.Childe là người đầu tiên hệ thống hóa tư liệu khảo cổ học ở châu Âu với hai công trình lớn là: “Buổi bình minh của văn minh châu Âu” và “Danube thời tiền sử”. Mô hình bức tranh đa sắc màu văn hóa mà Childe tạo dựng đã được áp dụng để nghiên cứu khảo cổ học xuyên suốt cả châu Âu cho đến tận những năm 1950s. Sau này G.Childe chịu ảnh hưởng tư tưởng Marxism và nghiêng về trường phái Chức năng luận.
Khảo cổ học Lịch sử - Văn hóa bắt đầu phát triển ở Bắc Mỹ vào đầu thế kỷ 20, thời kỳ đầu, chịu ảnh hưởng quan điểm nhân học của F.Boas về Tương đối luận văn hóa (Cultural Relativitism)- và Đặc thù luận lịch sử (Historical Particulativism). Mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng của Truyền bá luận nhưng khảo cổ học Bắc Mỹ có khuynh hướng đề cao các văn hóa tộc người hơn là tính chủng tộc trong văn hóa, thậm chí coi khảo cổ học là Cổ dân tộc học (Paleo-Ethnology). Tiếp cận Lịch sử - Văn hóa cũng đã cung cấp mô hình cho nghiên cứu khảo cổ học cho hầu khắp các nước trên thế giới, đáng kể nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mexico, Cận Đông.v.v. và thường được gọi bằng một cách khác là Khảo cổ học Dân tộc tính (National Archaeology).
Mặc dù cách tiếp cận Lịch sử - Văn hóa đã ra đời từ khá lâu và bị phê phán bởi những hạn chế của quan điểm Tiến hóa luận đơn tuyến (Linear Evolutionism), phương pháp loại hình học và nặng về chủ nghĩa dân tộc, tuy nhiên nó vẫn tồn tại khá phổ biến trong khảo cổ học nhiều khu vực trên thế giới hiện nay, đặc biệt là những nước dân tộc chủ nghĩa và hậu thuộc địa.
Chức năng luận (Functionism) trong khảo cổ học Phương Tây ra đời vào khoảng những năm 1930s, do tác động từ sự phát triển của khoa Nhân học Xã hội (Social Anthroplogy) ở Anh và Mỹ. Những đại diện tiêu biểu cho trào lưu này là O.Crawford, C.Fox, G.Childe, A.Tallgren, V.Ravdonikas, G.Clark, E.Higgs, W. Taylor, R.Braiwood, G.Willey, R.MacNeish, J.Cardwell, R.Adams.
Đối với chức năng luận, văn hóa giống như một tổ chức, mỗi một con người/xã hội thể hiện các chức năng khác nhau và tổng thể thích ứng với môi trường của nó. Trong khi đó Cấu trúc luận xem văn hóa giống như ngôn ngữ, bao gồm những quy tắc ẩn giấu mà chúng ta sử dụng nhưng không thể đọc được một cách rõ ràng. Nếu chúng ta muốn lý giải văn hóa thì cần phải khám phá ra những quy tắc ẩn giấu đã tạo ra những dạng văn hóa đó.
Chức năng luận chống lại Truyền bá luận, chấp nhận cách tiếp cận Cấu trúc - Chức năng luận (Structural-Functionist) của B.Malinowski, E.R.Radcliffe-Brown và quan điểm của nhà xã hội học Pháp E.Durkheim. Durkheim giống quan điểm của C.Marx coi các xã hội như các hệ thống được tạo nên bởi các bộ phận độc lập, không có một thay đổi nào của một bộ phận mà lại không kéo theo sự thay đổi ít nhiều của những bộ phận khác. Nhân học xã hội và Xã hội học Durkheim đã đặt nền móng cho mối quan hệ giữa khảo cổ học và những ngành khoa học khác, tạo ra những cách tiếp cận mới trong khảo cổ học như Chức năng luận Môi trường (Environmental Funtionalism) có truyền thống ở khu vực bán đảo Scandinave; tiếp cận kinh tế học của G. Childe và Trường phái Khảo cổ học Xô-viết; nghiên cứu Khảo cổ học xã hội, Cổ Dân tộc-Thực vật học (Paleo-Ethnobotany), Sinh học Khảo cổ (Archaeo-Biology) của G.Clark; nghiên cứu phục dựng đời sống cư dân tiền sử với Khảo cổ học sinh thái (Ecological Archaeology) và Khảo cổ học cư trú (Settlement Archaeology) ở Bắc Mỹ. Cách lý giải tư liệu khảo cổ học của các nhà Chức năng luận dựa trên nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa và môi trường, nghiên cứu những di vật khảo cổ học được chế tác và sử dụng như thế nào, sự biến đổi văn hóa được quyết định chủ yếu là do những nguyên nhân bên trong và nhấn mạnh nhân tố sinh thái. Chức năng luận trong khảo cổ học tập trung lý giải và phục dựng các mô hình xã hội trong các văn hóa tiền sử đã hoạt động và biến đổi như thế nào. Phương pháp tiếp cận này đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của khảo cổ học, đặc biệt là quan điểm Tiến hóa luận đa tuyến (multi-linear evolutionism) trong việc lý giải sự biến đổi của các nền văn hóa và các xã hội tiền sử, thúc đẩy phương pháp nghiên cứu liên ngành.
Khảo cổ học Quá trình hay Tân Tiến hóa luận ( Neo-evolutionism) bắt đầu phát triển ở Mỹ vào khoảng những năm 1950s với hai đại diện là L.White và J.Steward. White kế tục tinh thần của L.H.Morgan và truyền thống Tiến hóa luận bản địa của Nhân học Mỹ, phản bác quan điểm Đặc thù luận lịch sử cũng như Nhân học của F.Boas. White chủ trương rằng, các hệ thống xã hội bị quyết định bởi các hệ thống kỹ thuật, triết học và nghệ thuật cũng bị xác định bởi kỹ thuật và được khúc xạ qua các hệ thống xã hội. Ông công thức hóa khái niệm Quyết định luận kỹ thuật (Technological Determinism) của mình và cho đó là quy luật cơ bản của sự tiến hóa : Văn hóa = Năng lượng x Kỹ thuật (C = E x T). Steward bảo vệ cách tiếp cận đa tuyến, sinh thái học, ông cho rằng sự thích ứng sinh thái là tính chất quyết định để xác định các giới hạn của sự biến đổi trong các hệ thống văn hóa. Sự phát triển văn hóa có lẽ theo khuynh hướng mang những hình thái giống nhau theo sau những quỹ đạo phát triển tương đồng trong sự sắp đặt của tự nhiên. Trong khảo cổ học lý thuyết, Sinh thái tiến hóa được xem như là một nguồn của Lý thuyết trung gian, nó liên kết lý thuyết tổng quát với hành vi dự đoán. Theo quan điểm của White, Binford (1962) xem văn hóa như một thể “người” đặc biệt liên quan đến sự thích ứng. Binford đã phân tích những yếu tố ảnh hưởng tới mô thức di động của cư dân tiền sử từ hệ sinh thái. Một trong những ứng dụng của Tân tiến hóa luận vào khảo cổ học là công trình “Quy luật của tiến hóa văn hóa như là công cụ nghiên cứu thực tiễn” của B.Megger, bà cho rằng, do sự thiếu vắng của những nguồn năng lượng trong các xã hội có qui mô nhỏ, định luật của White có thể được viết lại dưới dạng : Văn hóa = Môi trường x Kỹ thuật (C = E xT). Quan điểm này mang sắc thái của Quyết định luận môi trường - kỹ thuật (Techno-Environmental Deteminism), thiên về sử dụng phép loại suy dân tộc học mô tả (Ethnographic Analogy).
Khảo cổ học Mới (New Archaeology) ra đời và phát triển ở Mỹ vào những năm 1960-1970, với các đại diện là L.Binford, D.Clarke, K.Frannery, M.Schiffer, A.Renfrew, R.Dunnell, W.Sanders, P.Watson, G.Isaac.
Năm 1959, J. Caldwell công bố một bài báo trên tờ Science với đầu đề “ Khảo cổ học Mới của Mỹ”, trong đó ông dẫn ra khuynh hướng quan tâm ngày càng nhiều đến các mô hình cư trú và môi trường như bằng chứng về mối liên hệ với các quá trình văn hóa. Các văn hóa khảo cổ không còn được xem như đơn thuần chỉ là tổng cộng những loại hình di vật, mà mỗi văn hóa cần được đặt trong những văn cảnh độc lập và có giá trị bình đẳng. Ông đi theo lập trường của Tân Tiến hóa luận, rằng tất cả các sự kiện văn hóa đều có tầm quan trọng ngang nhau trong việc mang đến sự biến đổi. Mục đích căn bản của khảo cổ học là phải giải thích sự thay đổi trong các văn hóa khảo cổ bằng các Quá trình văn hóa (Cultural Processes). Từ những năm 1960, L. Binford là người tạo nên những đột phá mạnh mẽ và sau này được công nhận là nhân vật tiêu biểu nhất của Khảo cổ học Mới. Binford tóm tắt chương trình của Khảo cổ học Mới trong hai bài báo: “Khảo cổ học như là nhân học” và “Các hệ thống khảo cổ học và nghiên cứu các quá trình văn hóa”. Chịu ảnh hưởng của L. White, Binford cho rằng, có những nguyên tắc hiển nhiên trong hành vi của con người, đồng nghĩa với việc có rất ít sự khác nhau giữa trường hợp đơn lẻ và một lớp tổng thể trong biến đổi xã hội. Vì vậy, cái quan tâm chính của ông là giải thích những tương đồng văn hóa hơn là những khác biệt. Giống như G.Clark, Binford coi các văn hóa như là những phương tiện thích ứng có tính chất như một thể đặc biệt của con người. Sự thay đổi trong hệ thống văn hóa như là những phản hồi có tính chất thích ứng, lựa chọn trong môi trường tự nhiên hay trong những hệ thống văn hóa liền kề và cạnh tranh. Quan điểm “Thể sinh thái” (Ecosystemic), về mặt bản chất đã loại trừ sự sáng tạo, phát minh và đổi mới bên trong những truyền thống văn hóa. Nó cũng xem các văn hóa thường có khuynh hướng nghiêng về sự bền vững, bất biến hay cân bằng nội môi (Homeostasis) trước sự biến đổi của các yếu tố bên ngoài. Binford cho rằng, các văn hóa như là những hệ thống thích ứng bao gồm ba tiểu hệ thống có quan hệ qua lại với nhau: Kỹ thuật; Tổ chức xã hội; Hệ tư tưởng. Vì vậy, ông cho rằng hành vi con người bị quyết định bởi các lực lượng thường nằm trong lĩnh vực tự nhiên. Những quan điểm nổi bật của Khảo cổ học Mới là, coi khảo cổ học là nhân học, phát triển khảo cổ học thành một khoa học tách khỏi khoa học lịch sử. Khảo cổ học Mới còn được gọi là Khảo cổ học Quá trình (Processual Archaeology) vì nó coi văn hóa như những quá trình bao gồm Quá trình lịch sử và Quá trình thích ứng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh quá trình thích ứng. Khảo cổ học Mới đã cố gắng xây dựng hệ thống phương pháp luận và phương pháp tiếp cận với Lý thuyết các hệ thống (Systems Theory), suy luận diễn dịch, áp dụng phương pháp của các khoa học tự nhiên vào khảo cổ học. Lý thuyết Trung gian (Middle-range Theory) của L. Binford tập trung liên kết những quan sát tư liệu khảo cổ học với những động thái hành vi. Theo đó những giả định trung gian dẫn chúng ta từ việc quan sát những tư liệu tĩnh của khảo cổ học đến những tuyên bố tổng quát và các lý thuyết về trạng thái động của quá khứ. Một nguồn mà Lý thuyết Trung gian dùng để liên kết những trạng thái tĩnh với trạng thái động là bộ môn Dân tộc-Khảo cổ học (Ethno-Archaeology). Những quan sát dân tộc học miêu tả được dùng để phát triển lý thuyết về mối quan hệ giữa hành vi và di tồn văn hóa vật chất, một nguồn khác chính là khảo cổ học thực nghiệm. Một yếu tố quan trọng của khảo cổ học truyền thống Bắc Mỹ là phương pháp lịch sử trực tiếp. Một thuật ngữ chung thường được dùng trong lĩnh vực này là Khảo cổ học hành vi do Michael Schiffer sáng lập. Khảo cổ học hành vi là nghiên cứu các di vật chuyển đổi như thế nào từ bối cảnh tổng thể - cái mà việc sử dụng chúng trong hành vi hiện nay của con người - đến bối cảnh khảo cổ học. Khảo cổ học hành vi được cho là rất tương đồng với Lý thuyết Trung gian và Hóa thạch học.
Trong những năm 1960, M.D.Sahlin và E.R.Service đã dùng những tư liệu dân tộc học miêu tả để xây dựng chuỗi phát triển mang tính suy đoán và tổng quát hóa cao về các mô hình tiến triển chính trị - xã hội trong lịch sử : Bầy nhóm (Band), Bộ tộc (Tribe), Thủ lĩnh quốc (Chiefdom) và Nhà nước (State).
Khảo cổ học Mới cũng đã khuyến khích sự phát triển của nhiều bộ môn trong khảo cổ học như: Khảo cổ học phân tích (Analytical Archaeology); Khảo cổ học hành vi (Behavioural Archaeology); Khảo cổ học sinh thái; Khảo cổ học cư trú.v.v. đang còn thịnh hành trên thế giới hiện nay.
Khảo cổ học Hậu quá trình (Post-Processual Archaeology) xuất hiện vào những năm 1980, với các đại diện tiêu biểu là A. Leroi-Gouhan, M.P. Leone và I. Hodder. Khảo cổ học Hậu quá trình có nguồn gốc từ nhiều nguồn tư tưởng như: Hậu Cấu trúc luận (Post-Structuralism), Lý thuyết Phê phán, Tân Mác-xit (Neo-Marxism) và từ trào lưu phê phán của Thực chứng luận (Positivism) dẫn đến tranh luận của Tương đối luận (Relativism) và Hiện thực luận (Realism). Khảo cổ học Hậu Quá trình ban đầu được coi là một cấu thành của Khảo cổ học Quá trình nhưng sau này nó phát triển thành một khuynh hướng tự thân nằm trong trào lưu lý thuyết xã hội phát triển mạnh ở Anh, chính vì vậy nó mang sắc thái của Khảo cổ học xã hội (Social Archaeology). Khảo cổ học Hậu Quá trình tiến hành phê phán đối với Khảo cổ học Quá trình là cứng nhắc, suy giảm về lý thuyết trong phương pháp luận cũng như trong điền dã, ít tính nhân bản và xã hội. Khuynh hướng Thực chứng luận trong Khảo cổ học Quá trình không còn là ngọn cờ cho một trật tự thống nhất. Một trong những chủ đề chính trong hệ thống lý giải của Khảo cổ học Hậu Quá trình là, quá khứ được cấu thành mang đầy đủ ý nghĩa từ các viễn cảnh khác nhau, rằng bản chất của loài người là năng động, không bị động và sự biến đổi văn hóa có tính lịch sử và ngẫu nhiên. Khảo cổ học Hậu Quá trình không coi văn hóa như những hệ thống đóng kín, văn hóa vật chất là một yếu tố năng động trong tương tác xã hội. Quá khứ không thể tái tạo lại một cách chính xác được, cùng một chứng cứ nhưng có các cách đọc, tiếp cận và lý giải khác nhau.
Đóng góp chủ yếu trong những tranh luận của Khảo cổ học Hậu Quá trình là Khảo cổ học Nữ quyền và Khảo cổ học Giới. Khảo cổ học Nữ quyền (Ferminist Archaeology) mang tiêu điểm chính trị rất mạnh, nó mang tư tưởng phương Tây về phân công lao động như là mô hình đàn ông săn bắn, phụ nữ hái lượm. Điểm chủ yếu là tìm yếu tố phụ nữ, vai trò phụ nữ trong các tổ chức xã hội từ tư liệu khảo cổ học. Khảo cổ học Giới (Gender Archaeology) đã phát triển lý thuyết về các quan hệ giới trong mối liên quan đến thay đổi xã hội, trong sử dụng không gian và văn hóa vật chất. Nó tập trung vào vấn đề quyền lực, các thể chế xã hội năng động và phê phán các hệ tư tưởng, những khuynh hướng tương tác giữa giới với giai cấp, tuổi tác, nghề nghiệp, chủng tộc, dân tộc.v.v.
Khảo cổ học Hậu Quá trình kiên trì chủ trương Khảo cổ học là Khảo cổ học, cố gắng phát triển lý thuyết, phương pháp tiếp cận Khảo cổ học xã hội, khuyến khích sự phát triển của Khảo cổ học Nhận thức (Cognitive Archaeology), Khảo cổ học Văn cảnh (Contextual Archaeology) (9) những cách tiếp cận đang là xu hướng tích cực trong viễn cảnh khảo cổ học thế giới hiện nay.
Những trào lưu lý thuyết trong khảo cổ học đã kể trên ra đời và phát triển trong những khung thời gian khác nhau, chịu ảnh hưởng của các học thuyết, ý thức hệ khác nhau và cùng phát triển với các bộ môn khoa học khác. Nhưng hiện thời nó vẫn còn đang cùng tồn tại với các hình thức và mức độ khác nhau trên những khu vực lãmh thổ, quốc gia trên thế giới. Khảo cổ học lý thuyết hơn một thế kỷ qua, chủ yếu phát triển mạnh ở khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, tuy nhiên ở một số nơi khác cũng được ghi nhận là có những truyền thống lý thuyết khá mạnh như trường phái Khảo cổ học xã hội Mỹ Latin chịu ảnh hưởng quan điểm Marxist phát triển ở một số nước Nam Mỹ; những tư tưởng và khái niệm liên quan đến không gian và thời gian trong truyền thống triết học ấn Độ cũng như những tranh luận về lý thuyết khảo cổ ở Australia và Bolivia.v.v. Gần đây Khảo cổ học Bản địa (Indigenous Archaeology) đang dần trở thành trào lưu mạnh trong khảo cổ học của những quốc gia dân tộc và hậu thuộc địa trên con đường tìm kiếm một hệ thống lý thuyết cho riêng mình.
Tài liệu tham khảo
1. Childe, V.G, The Dawn of European Civilization. London; Childe, 1925. V.G, The Danube in Prehistory. Oxford, Oxford University Press, 1929.
2. Caldwell, J.R, The new American archaeology. Sciences 129: 303-7, 1959.
3. Binford, L.R, Archaeology as anthropology. American Antiquity 28: 217-225, 1962. Binford, L.R, Archaeological systematics and the study of cultural process. American Antiquity 31: 203-10, 1965.
4. Schiffer, M.B, Behavioural Archeology. New Y, Academic Press, 1976
5. Hodder, I, Posprocessual archaeology: Advances in Archaeolgica Method and Theory 8: 1-26, 1985.
6. Hodder, I, Reading the Past: Current Approaches to Interpretation in Archaeology. Cambrige, Cambrige University Press, 1986.
7. Binford. L.R, Debating Archaeology. Newyork. Academic Press, 1989.
8. Trigger, B.G, A History of Archaeological Thought. Cambrige,1989
9. Johnson, M, Archaeological Theory - An Introduction. Blackwell Publishing. MA, USA, 1999.
10. Hodder, I. (ed), Introduction: A Review of Contemporary Theoretical Debates in Archaeology. In Archaeological Theory Today. Polity Press, 2001.