Mục từ này cần được bình duyệt
Khác biệt giữa các bản “Bắc Trung bộ thời tiền sử”
(Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} Bắc Trung Bộ hiện nay gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế với tổn…”)
 
 

Bản hiện tại lúc 16:19, ngày 9 tháng 12 năm 2020

Bắc Trung Bộ hiện nay gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế với tổng diện tích trên 50.000km2, cư trú hơn 10 triệu người, có một vị trí chiến lược quan trọng của cả nước. Lịch sử cư dân vùng đất này từ khi xuất hiện con người đến đầu Công nguyên chủ yếu dựa vào nguồn tư liệu khảo cổ học thu được ở Bắc Trung Bộ. Bước đầu có thể phác thảo bức tranh toàn cảnh diễn trình lịch sử văn hóa các cộng đồng cư dân tiền sử ở đây với một số giai đoạn lớn, trong mối quan hệ với môi trường và các nền văn hóa tiền sử xung quanh.

Những cư dân cổ xưa nhất ở Bắc Trung Bộ được xác nhận là di tích Núi Đọ, xã Thiệu Vân, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa và hai di tích liền kề là Núi Nuông và Quân Yên. Từ năm 1960 đến nay, ở Núi Đọ đã thu thập hơn 2.700 hiện vật đá, gồm: rìu tay (handaxes), công cụ chặt thô (choppers, choping-tools), bôn tay (cleavers), mảnh tước clacton, mảnh tước levallois, hạch đá. Những rìu tay ở đây mang đặc trưng gần với kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ Chelléen và Acheuléen (nước Pháp), có niên đại cuối băng kỳ Mindel - đầu gian băng Mindel - Riss, khoảng 350.000 - 450.000 năm BP. Các di tích Núi Đọ,Núi Nuông và Quân Yên được xem là văn hóa vật chất cùng thời với hóa thạch người đứng thẳng (Homo erectus) Thẩm Khuyên (Lạng Sơn), tương đương với người đứng thẳng Bắc Kinh (Sinanthropus pekinensis) và Java (Pithecanthropus). Tuy nhiên vấn đề niên đại Núi Đọ vẫn còn tiếp tục thảo luận.

Cư dân hậu kỳ Đá cũ Bắc Trung Bộ gồm 2 giai đoạn: sớm và muộn.

Tiêu biểu cho giai đoạn sớm là hóa thạch người hang Thẩm Ồm, Quỳ Châu (Nghệ An), tìm thấy trong trầm tích Pleistocene, cùng công cụ đá và hơn 30 loài động vật hóa thạch. Đó là các loài Đười ươi (Pongo pygmaeus sp), Vượn (Hylobates cf. concolor), Khỉ (Macaca sp.), Voi châu Á (Palaeoloxodon cf. namadicus), Voi răng kiếm (Stegodon orientalis Owen), Lợn vòi to (Tapirus (Megatapirus) augustus), Lợn vòi nhỏ (Tapirus sp.), Tê giác (Rhinoceros sinenses Owen), Lợn rừng (Sus scrofa Linaeus), Nai (Rusa cf. unicolor Kerr), Hoẵng (Muntiacus sp.), Hươu (Cervus sp.), Trâu rừng (Bubalus bubalis Linnaeus), Bò rừng (Bibos cf. gaurus), Sơn dương (Capricornis sumatraensis), Gấu tre (Ailuropoda melanoleuca fovealis Matthew et Granger), Gấu ngựa (Ursus thibetanus kokeni Matthew et Granger), Chó rừng (Cuon sp.), Chồn lửng (Arctonyx collaris cf. rostratus Matthew et Granger), Cầy giống (Viverra cf. zibetha), Cầy vòi (Paguma cf. Larvata Smith), Hổ (Panthera tigris Linnaeus), Mèo rừng (Felis sp.), Nhím (Hystrix subcristata Swinhoe), Don (Atherurus sp.), Dúi (Rhizomys sp.), Rùa (Chelonia). Di tích lúc đầu dự đoán có tuổi từ 140.000 đến 250.000 năm BP. Sau này, dự đoán có tuổi tương đương với người cổ Hang Hùm (Yên Bái), vào khoảng 70.000 năm BP.

Những răng người hang Thẩm Ồm, về hình thái học, gần với răng Người khôn ngoan (Homo sapiens), nhưng bảo lưu những nét của răng Người đứng thẳng (Homo erectus) như thành răng thấp, thành phía trong khum, đỉnh răng nanh nhọn; được xem là dạng trung gian giữa Homo erectus và Homo sapiens hay là người Khôn ngoan sớm (Archais Homo sapiens). Những công cụ đá mà người Thẩm Ồm chế tác có kích thước nhỏ, diện ghè hẹp, góc giữa diện ghè và mặt bụng gần vuông, giống những công cụ quartz ở lớp dưới cùng hang Con Moong, nơi có tuổi là 66.000 BC (trước Công nguyên). Phát hiện Thẩm Ồm có giá trị quan trọng trong nhận thức quá trình hình thành người hiện đại (H.sapiens) đầu tiên trong tiền sử Việt Nam và khu vực.

Ở Nam Á và Đông Nam Á lâu nay chúng ta chỉ biết đến sọ H.sapiens ở hang Niah 1, Sarawak, Malaysia có tuổi khoảng 40.000 năm BP. Ở Nam Á, di cốt H.sapiens sớm nhất là di tích Fa Hein (Sri Lanka) có tuổi 36.000 năm BP; còn ở Đông Nam Á, di cốt người cổ nhất là hang Callao, đảo Luzon (Philippines) vào khoảng 67.000 năm BP; hoặc ở hang Tam Pa Ling, tỉnh Hủa Pan (Lào) đã phát hiện sọ và hàm dưới người trong địa tầng, có tuổi từ 63.000 đến 44.000 năm BP. Nhưng ở đây chưa thấy công cụ. Những di cốt người ở Thẩm Ồm và Tam Pa Ling (Lào) cho thấy, đây là địa bàn chứng kiến quá trình hình thành người hiện đại sớm nhất ở Đông Nam Á.

Hình 1: Một số di tích tiền sử ở Bắc Trung Bộ 1-8: Đá cũ, 9-18: Đá mới, 19-20: Kim khí

Hình 2. Hang Thẩm Ồm: a. Công cụ đá quartz, b. Răng voi hoác thạch, c. Răng tê giác hóa thạch, d. Răng người hiện đại Homo sapiens.

Những cư dân giai đoạn muộn (Homo sapiens sapiens) ở Bắc Trung bộ gồm 2 bộ phận cư trú trong hang và cư trú ngoài trời. Đại diện cho cư dân cư trú ở ngoài trời, trên các đồi gò, thềm sông cổ là người cổ Làng Vạc (Nghệ An) và Cùa (Quảng Trị). Những cư dân này chế tác công cụ cuội ghè đẽo, chủ yếu là đá quartz và quarzite, kích thước nhỏ, loại hình gồm công cụ rìa ngang, rìa dọc, mũi nhọn, hình móng ngựa, phần tư cuội và mảnh tước, gợi lại kỹ nghệ Sơn Vi hậu kỳ Đá cũ.

Những người cư trú trong hang giai đoạn này tiêu biểu là hang Con Moong, Mái đá Điều (Thanh Hóa), Thẩm Ồm (lớp trên) và Thẩm Chàng (Nghệ An). Cư dân Con Moong giai đoạn Đá cũ phát triển qua 3 giai đoạn: giai đoạn sớm nhất gồm các lớp 7 , 8, 9 và10, có niên đại OSL từ 66.000 BC đến 44.000 BC. Cổ từ cảm cho biết, đây là thời kỳ lạnh nhất trong toàn bộ lịch sử hang Con Moong, nên con người cư trú tạm thời, di tồn văn hóa là những công cụ mảnh đá thạch anh (quartz), kích thước nhỏ, gồm có dao cắt, nạo, mũi nhọn, dao khắc (burin), giống với di vật cùng loại ở hang Thẩm Ồm (Nghệ An), có tuổi trên 66 nghìn năm trước CN. Giai đoạn từ 44.000 đến 35.000 BC, lớp 5 và 6. Khí hậu chuyển từ lạnh sang ấm, rồi trở lại lạnh. Cư dân săn bắt được nhiều động có vú lớn, các loài ốc núi (Cyclophorus), các loại hạt quả rừng, cùng công cụ bằng đá, bằng xương do con người chế tạo. Giai đoạn từ 35.000 đến 25.000 BC, khí hậu nóng ẩm, xuất hiện ốc suối (Melania, Antimelania). Con người cư trú tập trung gần cửa, do sinh hoạt trực tiếp trên mặt hố rác bếp, lại dẫm đạp thường xuyên, nên vỏ nhuyễn thể bị vụn nát, nén chặt. Cư dân chế tác công cụ cuội ghè đẽo, kích thước nhỏ, như chopper, công cụ hình rìu, nạo hình đĩa, chày, hòn ghè, bàn nghiền hạt bằng đá, cùng mũi nhọn và dao làm từ xương động vật.

Vào giai đoạn sau 20.000 năm, công cụ chủ đạo lúc này là rìu hình hạnh nhân, rìu ngắn, nạo hình đĩa, rìu mài lưỡi, công cụ cắt nạo; cùng một số công cụ bằng vỏ trai, mũi nhọn bằng xương. Xuất hiện rìu hình bầu dục mài lưỡi, rìu hình thang mài lan thân, mài toàn thân và đồ gốm (pottery) kiểu văn hóa Đa Bút. Ở mức này cũng tìm thấy mộ táng chôn nằm co, bó gối, rắc thổ hoàng, chôn theo công cụ đá và vỏ trai.

Di tích Mái đá Điều, huyện Bá Thước, Thanh Hóa được khai quật năm 1986 và một số lần sau đó nữa. Di tích có địa tầng dày trên 4,0m, với 6 đơn vị địa tầng, từ dưới lên: Các lớp 4, 5 và 6 thuộc thời đại Đá cũ, ba lớp còn lại thuộc thời đại Đá mới. Niên đại C14 Mái đá Điều như sau: Lớp 5 có tuổi từ 25.000 đến 20.000 năm BP, lớp 4 có tuổi từ 20.000 đến 12.000 năm BP. Cũng nói thêm, lớp dưới cùng di chỉ Mái đá Điều có mặt công cụ cuội ghè đẽo thô sơ cùng hóa thạch động vật Pleistocene muộn, thuộc Hậu kỳ Đá cũ, có tuổi khoảng 25.000 năm BP.

Trong lớp trầm tích màu vàng, giai đoạn muộn của hang Thẩm Ồm, có tổ hợp hiện vật giống hang Thẩm Chàng gần đó, gồm chopper, công cụ dạng hạch, công cụ nhiều rìa, hòn ghè, hạch đá, công cụ mảnh tước, được làm từ cuội quartz, andezit, ghè đẽo thô sơ, kích thước tương đối lớn, đặc trưng kiểu công cụ Sơn Vi, hậu kỳ Đá cũ.

Vào giai đoạn hậu kỳ Đá cũ, con người ành săn bắt - thu hái tài nguyên rừng trong các thung lũng karst và các đồi gò ven sông Mã, sông Lam. Một số loài động vật mà con người thời đó săn bắt được như voi, hươu, nai, tê giác. Họ cũng là cư dân thu lượm các loài nhuyễn thể cạn, nước ngọt làm thực phẩm. Người thời này đã sử dụng những công cụ cuội có rìa lưỡi sắc làm dao cắt xẻ thịt động vật. Họ sống thành các nhóm nhỏ, rải rác trong các khu rừng đá vôi ở vùng núi Bắc Trung Bộ. Nhờ lao động và cuộc sống tập thể, các yếu tố cộng đồng xã hội người ngày càng được tăng cường. Họ nương tựa vào nhau, cùng săn bắt, hái lượm và chống lại các bày thú dữ để tồn tại và phát triển.

Cư dân sơ kỳ Đá mới Bắc Trung Bộ tiêu biểu là các di tích mang đặc trưng văn hóa Hòa Bình. Ở miền tây Thanh Hóa, đến nay đã phát hiện trên 30 địa điểm sơ kỳ Đá mới, tiêu biểu là lớp trên Mái đá Điều, lớp trên hang Con Moong (Thanh Hóa), chúng có tuổi từ 17.000 năm đến 7.000 năm BP. Trên đất Nghệ An, ngoài các di tích đã khai quật như Thẩm Hoi, Hang Chùa và Đồng Trương, còn hơn 15 di tích sơ kỳ Đá mới khác, có niên đại từ 12.000 đến 7.000 năm BP. Trong vùng núi tỉnh Quảng Bình đã phát hiện gần 10 địa điểm sơ kỳ Đá mới, tiêu biểu là hang Yên Lạc và hang Kim Bảng. Cư dân sơ kỳ Đá mới ở Bắc Trung Bộ chế tác và sử dụng công cụ đá cuội, với các loại hình tiêu biểu như rìu hạnh nhân, nạo hình đĩa, rìu ngắn, rìu mài lưỡi, công cụ mảnh tước bằng đá, mũi nhọn xương, nạo bằng vỏ trai; thường gặp chày, hòn ghè, bàn nghiền, đôi khi có thỏi đá có dấu rãnh đôi hoặc những tảng cuội lớn có vết khoét lỗ vũm… Tổ hợp di vật này là đặc trưng cho văn hóa Hòa Bình. Cư dân giai đoạn này tiến hành săn bắt các động vật lớn và nhỏ, đặc biệt thu hái các loài nhuyễn thể ốc suối, trai, trùng trục. Người chết được chôn trong hang theo tư thế nằm co bó gối, kè đá hộc, rải đá dăm, rắc thổ hoàng, chôn theo công cụ đá.

Cư dân thời này, qua độ tự cảm cho thấy, khí hậu có sự xen kẽ giữa các chu kỳ nóng ẩm, khô lạnh và mát mẻ, tồn tại một giai đoạn mưa nhiều, từ 11.400 - 8.800 BP, và là một trong những nguyên nhân khiến con người chọn giải pháp ở hang, bắt các loài ốc nước ngọt là chính. Họ đã thiết lập được các mối quan hệ xuyên thung, tạo ra sự thống nhất về văn hóa của cả cộng đồng người. Tất nhiên, ở các địa bàn khác nhau, cư dân có sự thích ứng riêng, sáng tạo ra những nét văn hóa riêng, thể hiện tính địa phương.

Các di tích sơ kỳ Đá mới ở Bắc Trung Bộ được xem là các nhịp cầu nối trung tâm văn hóa Hòa Bình ở tỉnh Hòa Bình với các trung tâm khác ở Đông Nam Á lục địa và cũng là bước chuẩn bị cho sự ra đời các văn hóa trung kỳ Đá mới ở Bắc Trung Bộ.

Cư dân trung kỳ Đá mới, hay Đá mới giữa ở Bắc Trung Bộ được xác nhận bởi văn hóa Đa Bút, văn hóa Quỳnh Văn và một số di tích hang động miền tây.

Cư dân văn hoá Đa Bút phân bố ở đồng bằng ven biển các huyện Vĩnh Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa) như Đa Bút, Cồn Cổ Ngựa, Làng Còng, Bản Thuỷ, Gò Trũng, hoặc vùng đồng bằng chân núi Tam Điệp (Ninh Bình) như Đồng Vườn, Hang Sáo, Hang Cò, Hang Mo, có niên đại từ 7.000 đến 4.000 năm BP.

Người cổ Đa Bút thiết lập một trung tâm gốm sớm ở Việt Nam, khoảng 7.000 năm BP, đó là gốm đất sét pha nhiều sạn sỏi to, tạo dáng đáy tròn, không chân đế, miệng đứng thẳng hoặc hơi loe, thành miệng cao, bụng hình cầu, khắp mặt ngoài văn đập hình nan đan, làm ta liên tưởng tới kỹ thuật khuôn đan (Basket workinruld). Trong khi đó, kỹ thuật chế tạo đồ đá Đa Bút lại biến đổi rất nhanh, từ công cụ cuội ghè đẽo kém định hình sang công cụ định hình, từ chỗ không mài đến rìu mài lưỡi, mài rộng trên thân, rồi mài nhẵn toàn thân. Cư dân văn hóa Đa Bút làm chủ đồng bằng ven biển, triển khai trồng trọt một số loại cây rau, củ; thuần hóa trâu, bò, chó; triển khaithu lượm nhuyễn thể và đánh cá trên sông, rồi ven bờ biển; chôn người trong các táng thức tập thể.

Cư dân văn hoá Quỳnh Văn có trên 20 địa điểm, phân bố tập trung quanh vịnh cổ huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An với di tồn là các cồn sò điệp hay đống rác bếp, có tuổi từ 6.000 năm đến 3.500 năm. Công cụ đá của người Quỳnh Văn được ghè đẽo thô sơ, kém định hình, rất hiếm rìu mài toàn thân. Trong khi đó, đồ gốm ở đây lại biến đổi nhanh, từ đồ gốm đáy nhọn, sang bình gốm đáy bằng; từ trang trí hoa văn dấu thừng, văn in ấn một mặt sang văn chải hai mặt và văn khắc vạch. Người Quỳnh Văn chuyên khai thác nhuyễn thể biển, đánh cá biển và săn bắt động vật trên cạn ở vị trí khiêm tốn, chưa có dấu hiệu trồng trọt và chăn nuôi. Người văn hóa Quỳnh Văn táng thức huyệt tròn, đào vào cồn sò điệp, người chết đặt trong tư thế ngồi bó gối. Chủ nhân cư dân Quỳnh Văn thuộc chủng tộc Australoid có nét Mongoloid. Bắt nguồn từ văn hóa Hòa Bình, người Quỳnh Văn phát triển sang văn hoá Bàu Tró, thông qua loại hình văn hoá Thạch Lạc.

Vào cuối giai đoạn trung kỳ Đá mới, cư dân vùng biển Bắc Trung Bộ đã gánh chịu một số tai biến thiên nhiên, có thể cả thảm họa động đất và sóng thần ở khu vực này, vào các thời điểm 4.500 - 4.300 năm BP, 4.100 - 3.900 năm BP đã đẩy các tệp sò điệp lên các hang núi cáo 10-15m. Điều này lý giải cho sự chậm phát triển của cư dân Quỳnh Văn so với các giai đoạn trung kỳ Đá mới.

Những cư dân miền núi sống rải rác trong các hang động đá vôi, trải dài từ vùng núi Thường Xuân (Thanh Hóa) sang Quỳ Châu (Nghệ An) như Kẻ Sang, Mê Mươn, Thẩm Pông và Bản Don. Đây là các nhóm cư dân miền núi sau Hòa Bình (Post - hoabinhian), còn bảo lưu nhiều tập tục văn hóa Hòa Bình, nhưng có nét văn hóa khác với cư dân vùng đồng bằng ven biển. Sự phát triển không đều giữa các vùng địa lý khác nhau ở Bắc Trung Bộ vào thời điểm này bắt đầu nảy sinh, tuy là mức độ không lớn lắm.

Cư dân hậu kỳ Đá mới hay Đá mới muộn ở Bắc Trung Bộ được xác nhận bởi văn hóa biển Bàu Tró và các bộ lạc miền núi.

Cư dân văn hoá Bàu Tró hiện có trên 20 di tích, phân bố dọc đồng bằng ven biển từ Nghệ An vào tới Quảng Bình, tồn tại trong khung thời gian từ 4.500 - 3.000 năm BP. Người Bàu Tró chế tạo và sử dụng rìu, bôn, cuốc, đục, dao, cưa, mũi khoan, bàn mài, chày, bàn nghiền và hòn ghè. Trong đó rìu, bôn có vai kích thước nhỏ, mài toàn thân, được ghè lại lưỡi là đặc trưng nhất. Đồ gốm có số lượng lớn, ổn định cao về chất liệu, loại hình, hoa văn trang trí và kỹ thuật chế tạo. Bình gốm gắn tai ở thành miệng, nồi gốm miệng loe mép vê cuốn hình con sâu, trang trí văn in mai rùa, khắc vạch hình khuông nhạc trên nền thừng, tô màu đỏ hoặc đen ánh chì là nét tiêu biểu nhất của đồ gốm văn hóa này. Sống trong môi trường đồng bằng ven biển, người Bàu Tró săn bắt, hái lượm, đánh cá, làm nông nghiệp và các hoạt động thủ công chế tác đá đạt tới đỉnh cao. Di tồn văn hóa Bàu Tró phân bố rộng, thuộc về các tiểu đại hình, nhưng có quan hệ giao lưu chặt chẽ với nhau, tạo nên sắc thái riêng của nhóm mình. Chẳng hạn, ở trong nhóm các di tích Trại Ổi, Trại Múng và Hang Thờ (Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu) chỉ gặp rìu và cuốc có vai, đồ gốm văn in kiểu Hoa Lộc (Thanh Hóa), còn ở nhóm di tích Đền Đồi (xã Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu) chỉ có rìu tứ giác và đồ gốm trang trí văn khắc vạch kiểu Cồn Chân Tiên (Thanh Hóa). Trong khi đó trong nhóm di tích Rú Ta (Diễn Thọ, Diễn Châu) có cả rìu tứ giác lẫn rìu có vai, còn đồ gốm lại giống gốm di tích Thạch Lạc (Hà Tĩnh). Có thể nói, cư dân tiền sử nơi đây hết sức năng động trong giao lưu, tiếp xúc với các văn hóa khác nhau trong khu vực, tạo nên tính đa dạng trong văn hóa Hậu kỳ Đá mới của mình. Người Bàu Tró không chỉ đóng góp vào quá trình hình thành văn hoá Sa Huỳnh ở vùng duyên hải Trung Bộ Việt Nam, mà còn đóng góp quan trọng vào việc hình thành văn hóa Tiền Đông Sơn và Đông Sơn ở lưu vực sông Lam.

Người Đá mới muộn ở miền núi Bắc Trung Bộ cư trú lẻ tẻ trong hang động, mà vết tích văn hóa còn lại thường là những chiếc rìu có vai hoặc rìu tứ giác mài nhẵn toàn thân, đồ gốm thô trang trí văn thừng, văn khắc vạch. Cư dân giai đoạn này lưu trú tạm thời trên mặt một số hang của người Hòa Bình như hang Cỏ Ngụn (lớp trên), Hang Bông, huyện Quỳ Châu, hang Thẩm Bạc Quàng (huyện Tương Dương), Noọng Mu 2 (huyện Con Cuông), Mái đá Bò 2 và hang Đồng Trương (lớp trên). Cũng có một số chiếm hang và cư trú từ đầu như các hang Noọng Mụ, hang Pha Lài, Con Cuông (Nghệ An), hang Minh Cầm, Hang Rào và Khe Tong (Quảng Bình). Cư dân ở hang thường tầng văn hóa mỏng, di vật ít, cư trú tạm thời, theo mùa và tiếp tục truyền thống Hậu Hòa Bình ở miền núi Bắc Trung Bộ. Một số khác rời hang, ra sống trên các đồi đất miền trung du, dọc đôi bờ sông Lam. Đó là nhóm cư dân Đồi Đền 1, Đồi Đền 2, Riệng Ửng, Khe Ngâu, Bản Ang, Bản Lở, Cửa Rào (xã Xá Lượng), Bãi Bằng Lục (xã Tam Quang), Thạch Hòa (xã Thạch Gián), Đền Vạn, và Khe Ngậu (Tương Dương) hoặc cạnh Hang Tôn (Con Cuông).

Dù ở hang hay ngoài trời, những cư dân giai đoạn này đều bảo lưu công cụ cuội ghè đẽo kiểu hậu Hòa Bình, sáng tạo ra những chiếc rìu, bôn đá mài toàn thân, chế tác và sử dụng đồ gốm văn thừng, văn khắc vạch. Những cư dân ở hang vẫn bảo lưu đậm nét truyền thống săn bắt, thu lượm các loài nhuyễn thể, còn cư dân sống ở thềm sông đã triển khai đánh cá và thực thi nông nghiệp cố định.

Cư dân sơ kỳ Kim khí Bắc Trung Bộ, niên đại từ 4.000 đến 3.000 năm BP, chiếm cư đồng bằng sông Mã, tiêu biểu như cư dân Cồn Chân Tiên, Đông Khối, Hoa Lộc hoặc đồng bằng sông Lam như Đền Đồi, Rú Trăn (Nghệ An). Các cư dân này phát triển đỉnh cao kỹ thuật chế tác đá và đồ gốm, tương đương với các văn hóa tiền Đông Sơn ở Bắc Bộ Việt Nam, như Phùng Nguyên, Đồng Đậu.

Vào giai đoạn này ở Bắc Trung Bộ bắt đầu xuất hiện sự khác biệt trong định hướng kinh tế, phân công lao động và mức độ chuyên hóa khác nhau. Nếu như Cồn Chân Tiên và Đông Khối là cư dân nằm sâu trong lục địa, khai phá đồng bằng sông Mã, sản xuất nông nghiệp và chuyên chế tạo rìu tứ giác, cung cấp cho toàn vùng, thì người Hoa Lộc lại chiếm cư các cồn cát, khai phá đồng bằng ven biển, phát triển nông nghiệp dùng cuốc, chế tạo các mũi khoan bằng đá chert, làm đồ gốm với loại hình độc đáo như hộp gốm hình nghiêm mực, con dấu đất nung với hoa văn kỷ hà. Đền Đồi và Rú Trăn vùng Nghệ An lại thiên về trồng trọt, làm gốm văn in chấm kiểu Phùng Nguyên.

Tóm lai, bước vào thời đại Kim khí, với sự phát triển nhanh của kỹ thuật, các cộng đồng người Bắc Trung Bộ đã giao lưu trao đổi rộng rãi với nhau và xung quanh, phân hóa thành các nhóm cư dân khác nhau, tồn tại liền kề nhau, nhưng không đối lập nhau. Những dấu ấn văn hóa Tiền Đông Sơn ở Bắc Trung Bộ ở lưu vực sông Mã trở thành một mắt xích quan trọng cho sự lan tỏa, phát triển và hội tụ văn hóa - văn minh Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

1. Борисковский П.И. (1966): Первобытное прощлое Вьетнама, Москва ¬ Λенинград .

2. Lê Trung Khá (1977), Về răng người hoá thạch và công cụ thạch anh Thẩm Òm, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1977, tr. 24-26.

3. Lê Đình Phúc (1997), Tiền sử Quảng Bình. Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội. tr.110.

4. Bùi Vinh (1987), Đa Bút - văn hóa và văn minh, trong tạp chí Khảo cổ học, số 3: 15-31.

5. Nguyễn Khắc Sử (2015), Hệ thống các di tích Đá cũ vùng núi Nghệ An, trong tạp chí Khảo cổ học, số 3, tr. 3-17.

6. Nguyễn Khắc Sử, Phan Thanh Toàn (2016), Hệ thống các di tích Đá mới ở vùng núi Nghệ An: Tư liệu và thảo luận, trong tạp chí Khảo cổ học, số 3, tr.3-15.

7. Nguyễn Trung Chiến (1998), Văn hóa Quỳnh Văn. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 30.

8. Phạm Thị Ninh ( 2000), Văn hóa Bàu Tró. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.