(Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} loại đàn được tạo bằng nhiều thanh đá có âm thanh khác nhau được phát hiện trong di tích cùng tên ấp Bình Đa, p…”) |
n (Minhpc đã đổi Đàn đá bình đa thành Đàn đá Bình Đa: Viết hoa) |
(Không có sự khác biệt)
|
Bản hiện tại lúc 16:33, ngày 9 tháng 12 năm 2020
loại đàn được tạo bằng nhiều thanh đá có âm thanh khác nhau được phát hiện trong di tích cùng tên ấp Bình Đa, phường An Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trong cuộc khai quật vào các năm 1979 -1980. Di tích nằm cạnh sông Cái, một nhánh của sông Đồng Nai, cách thành phố Biên Hòa 4km và cách TP Hồ Chí Minh 30km về phía nam.
Về niên đại, một mẫu than trong di tích Bình Đa ở độ sâu 1,9m có niên đại C14 là 3.180±50 năm cách ngày nay. Các thanh ĐĐBĐ nằm ở độ sâu từ 0,60m đến 0,90m, cùng di tồn văn hóa của cư dân sơ kỳ Kim khí, nên tuổi của các thanh ĐĐBĐ có thể từ 3.000 đến 2.700 năm cách ngay nay. Đây cũng là niên đại tuyệt đối duy nhất được biết về đàn đá ở Việt Nam.
Trong hố khai quật di tích Bình Đa đã tìm thấy 42 thanh đàn đá, ở độ sâu từ 0,6m đến 0,9m, nằm cùng với rìu tứ giác, rìu có vai, đục, bàn mài và đồ gốm thô, có niên đại sơ kỳ Kim khí. Bước đầu phục dựng được 13 thanh đàn từ các mảnh vỡ, trong đó có 5 thanh còn nguyên vẹn. Các thanh đàn đá này có sự ổn định thống nhất về chất liệu, hình dáng và kỹ thuật chế tác.
Tất cả các thanh đàn đá đều được làm từ một loại đá phiến đốm (schiste méta-morphique), với các đặc tính khi gõ cho tiếng “kêu hay và vang”, đá có độ cứng và dẻo trung bình, dễ ghè, dễ tu sửa, nhất là dễ tách thành tấm đá dài, phẳng, thẳng, phù hợp với dáng chung của các thanh đàn và tu chỉnh để đạt tới ý muốn của thang âm của người thợ đá và người sử dụng đàn.
Các thanh đàn đá giống nhau về kỹ thuật ghè tách từ phiến đá lớn thành một thanh đá dài với hai mặt phẳng và hai rìa cạnh thẳng. Sau đó, là kỹ thuật ghè tu chỉnh nhỏ, ở hai rìa cạnh, tạo ra thanh đá dài, dẹt, thẳng, tiết diện thân hình thoi hoặc nửa hình thoi, dày ở giữa, mỏng dần hai bên rìa, đoạn giữa hai rìa cạnh hơi lõm vào trong, hai đầu thanh đàn gần thẳng hoặc hình cung. Trên các thanh đàn đá còn bảo lưu hàng trăm vết ghè to, nhỏ, nông sâu, nhưng hoàn toàn không có dấu tích kỹ thuật mài.
Trên bề mặt các thanh đàn đá thường phủ một lớp patin màu xám nhạt, khó quan sát các vết sử dụng. Duy nhất ở đoạn giữa các thanh đàn thường có nhiều vết đập hơn hai đầu. Đó cũng là nơi phát ra âm thanh hay nhất, tròn nhất, có thể liên quan đến vị trí sử dụng nhiều nhất. Một số cư dân bản địa Tây Nguyên đã sử dụng thanh đàn đá. Chẳng hạn người Mạ gọi đàn đá là goong lú, xem đó là vật thiêng và chỉ sử dụng vào các dịp lễ lớn. Các nhạc công đặt thanh đàn đá lên đùi, dùng gạy gõ vào khoảng giữa của thanh đá; còn người Mnông lại treo các thanh đàn đá lên, họ ngồi xổm đối diện nhau để gõ đàn bằng các viên đá có vết ghè đẽo.
Thanh ĐĐBĐ có ký hiệu 79 BĐ 04 được đo tần số, xác định độ cao âm thanh, cho kết quả thanh này có tần số âm thanh là 722Hz, về cơ bản tương ứng với tần số âm thanh của các thanh đàn Ndut Lieng Krak (Đắk Nông), Khánh Sơn (Khánh Hòa) và được các nhạc sĩ xem đó là loại nhạc cụ thuộc bộ gõ.
Từ năm 1939, những thanh đàn đá ở vùng Đắk Tô (Kon Tum) được G. D Gironcourt gọi là đá kêu (Lithophone), còn 11 thanh đàn đá phát hiện ở vùng người Mnông Ga, làng Ndut Lieng Krak (Đắk Nông) vào năm 1949 được G. Condominas xem là đàn đá tiền sử (Lithophone préhistorique) và các bộ đàn đá khác được phát hiện sau đó như đàn đá Bù Đơ, Bảo Lộc (Lâm Đồng), đàn đá Bù Đăng Sre (Bình Phước) và đàn đá Khánh Sơn (Khánh Hòa) chỉ duy nhất ở Bình Đa, nơi đàn đá được tìm được số lượng lớn nhất (42 thanh) lại nằm trong tầng văn hóa khảo cổ nguyên vẹn (in situ) và được phân tích niên đại tuyệt đối, được nghiên cứu về mặt âm thanh học. Điều này đã xác nhận, đàn đá là một loại hình nhạc cụ, một thành tố văn hóa đặc biệt của cư dân thời tiền sử, do con người chế tạo ở trình độ cao về kỹ thuật, mỹ thuật tạo hình và nghệ thuật âm nhạc của cư dân thời đại Kim khí, cách đây khoảng 3.000 năm.
ĐĐBĐ và một số bộ đàn đá vùng Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ dù phân bố xa nhau nhưng đã đạt được tần số âm thanh tương tự nhau. Loại đàn đá còn được một số tộc người bản địa ở Tây Nguyên sử dụng như là một loại nhạc cụ bộ gõ. Có thể xem đây là cội nguồn bản địa xa xưa nhất của nền âm nhạc cổ truyền, độc đáo và phong phú của các cộng đồng người Tây Nguyên.
Những kết quả nghiên cứu ĐĐBĐ nói riêng và các bộ đàn đá khác ở Việt Nam nói chung còn một số vấn đề đặt ra cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu làm rõ, như nguồn gốc, cách chế tác, cấu trúc thang âm, chức năng, cách diễn tấu và vị trí của đàn đá Việt Nam trong lịch sử âm nhạc truyền thống.
Tài liệu tham khảo
1. G.Codominas, Le lithophone préhistorique de Ndut Lieng Krak, dans B.E.F.E.O. T. VLV, Fasc.2, 1952.
2. Lê Xuân Diệm, Nguyễn Văn Long, Đàn đá Bình Đa, Nxb. Đông Nai, 1983.
3. Phạm Đức Mạnh, Đàn đá tiền sử Lộc Ninh, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2007.