Mục từ này cần được bình duyệt
Khác biệt giữa các bản “Ca Huế”
(Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} thể loại âm nhạc thính phòng phát sinh và phát triển ở Huế. Đây là loại nhạc giải trí của giới quý tộc, trí…”)
 
n (Minhpc đã đổi Ca huế thành Ca Huế)
 

Bản hiện tại lúc 16:19, ngày 9 tháng 12 năm 2020

thể loại âm nhạc thính phòng phát sinh và phát triển ở Huế. Đây là loại nhạc giải trí của giới quý tộc, trí thức ở kinh đô Huế ngày xưa, được đánh giá là một trong ba thể loại âm nhạc thính phòng đặc sắc của Việt Nam bên cạnh Ca Trù ở miền Bắc và Đờn ca Tài tử ở miền Nam.

Cho đến nay, thời điểm ra đời của CH chưa được khẳng định chắc chắn. Các nhà nghiên cứu đời sau đoán định rằng CH có từ thế kỷ XVIII dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) do đây là lúc tình hình văn hóa xã hội ở Đàng Trong đi vào ổn định, nghệ thuật có điều kiện phát triển để phục vụ cho tầng lớp quý tộc ở Huế - thủ phủ của Đàng Trong. Tuy vậy, CH chỉ xuất hiện trong các tư liệu lịch sử kể từ thế kỷ XIX khi Huế trở thành kinh đô của cả nước. Đây là lúc CH có điều kiện phát triển để phục vụ cho nhu cầu giải trí của giới quyền quý và tao nhân mặc khách bốn phương hội tụ về đây.

Chủ nhân của nghệ thuật CH là các ông hoàng bà chúa, các quan lại, trí thức và các nghệ sĩ tài danh. Xuất thân từ cung vua phủ chúa, được giới quyền quý và các bậc thức giả rất mực ưa chuộng, CH đã được nâng cao về mặt nội dung và nghệ thuật. Tiếng đàn, giọng ca được trau chuốt, nắn nót hơn, các lời ca hay và ý nghĩa được sáng tác ngày càng nhiều. Kể từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nghệ thuật CH đạt đến giai đoạn cực thịnh, nó đã lan tỏa mạnh mẽ ra Bắc, vào Nam. Hệ thống “hơi Huế” đã ảnh hưởng khá rõ nét trong Chèo và Quan họ của miền Bắc, trong khi đó, CH lan truyền về phía Nam tạo ra phong trào “đờn Quảng” ở vùng Nam Trung bộ và “đờn ca Tài tử” ở Nam bộ. Còn tại quê hương mình, vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, các làn điệu CH cùng với dân ca đã được sử dụng để tạo ra một loại hình sân khấu mới là Ca kịch Huế.

CH thường được trình diễn trong một không gian tương đối nhỏ hẹp, có thể trong phủ đệ của các ông hoàng bà chúa hay một khoang thuyền lơ lửng trên dòng sông Hương. Những buổi chiều tà, đêm xuống, gác qua một bên những lo toan bận rộn của cuộc sống đời thường, một nhóm nhỏ những người tri âm tri kỷ mộ điệu cùng nhau thưởng thức và trổ tài văn chương, âm nhạc. Họ cùng nhau trình diễn và thưởng thức âm nhạc, lời ca trong không khí ấm cúng của những người tri âm đồng điệu. Dàn nhạc tiêu chuẩn trong CH là dàn ngũ tuyệt, gồm 5 nhạc cụ: tranh, tỳ bà, nhị, nguyệt, tam; về sau, đàn tam được thay bằng đàn bầu. Dàn nhạc này đệm cho một ca nương vừa ca vừa gõ phách giữ nhịp cho toàn dàn nhạc. Trong các buổi trình diễn, có vài ca nương thay nhau ca các bài bản, còn các nhạc công thì trình diễn từ đầu đến cuối.

Số lượng bài bản âm nhạc của CH không nhiều và thay đổi theo từng thời kỳ. Tuy vậy, số lượng các lời ca thì rất phong phú do những người tri âm mộ điệu thường dựa vào giai điệu của các bản nhạc để đặt thêm nhiều lời ca mới. Âm nhạc trong CH thể hiện được khá phong phú các cung bậc tình cảm của con người. Để diễn tả hai trạng thái tình cảm đối lập là vui và buồn, trong CH có hơi Khách (Bắc) và hơi Nam (Ai). Bên cạnh đó là một số loại hơi nhạc khác như hơi Xuân, hơi Thiền, hơi Dựng, thể hiện các trạng thái tình cảm khác nhau của con người.

Trong nghệ thuật CH, khoảng cách giữa người trình diễn và khán giả rất gần nhau, có khi được hòa làm một. Khán giả phần lớn đều trong giới tri âm mộ điệu, có tài văn chương nghệ thuật nên họ thường sáng tác các lời ca mới để ca nương trình bày, vì vậy, khán giả có khi cũng là tác giả. Người đàn có thể là những nhạc công chuyên nghiệp, nhưng cũng có khi là những vị hoàng thân, trí thức, quan lại đam mê rèn luyện tiếng đàn, lấy đó làm thú vui tao nhã. Nhiều người vừa đàn hay, lại vừa là tác giả của những lời ca sâu sắc, giàu tính nghệ thuật, đồng thời cũng là người thưởng thức sành điệu. Như thế, CH là một cuộc chơi của những người tri âm đồng điệu, lấy âm nhạc và văn chương làm cảm hứng để thăng hoa trong nghệ thuật.

Là một thú chơi tao nhã ở kinh đô Huế, nội dung của các bài CH phản ánh rõ nét tâm tư, tình cảm, quan niệm sống của giới quyền quý và các bậc thức giả ngày xưa. Thời kỳ đầu, nhiều lời ca được sáng tác bằng chữ Hán, về sau chuyển sang lời Nôm với một thứ ngôn ngữ văn chương trau chuốt, giàu hình tượng. Nội dung lời ca thể hiện tình yêu quê hương, yêu phong cảnh thiên nhiên nên thơ, trữ tình hay những nhân vật gắn liền với lịch sử xứ Huế. Đề tài tình yêu nam nữ chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong nội dung của các bài bản CH. Đó là một thứ tình cảm sâu nặng, đa phần là ngang trái của những tâm hồn nghệ sĩ sống thiên về tình cảm: những vương vấn trong buổi đầu gặp gỡ, mong ước được trọn tình với nhau, hay những thổn thức, đau đớn vì phải chia xa,… Một nội dung quan trọng của CH là những suy tư về nhân tình thế thái của giới trí thức Huế ngày xưa. Đặc biệt, trong giai đoạn lịch sử nước nhà mất chủ quyền vào tay thực dân, rồi triều đình sụp đổ, lịch sử sang trang. Giới quyền quý, quan lại trở nên lạc lõng trước những đổi thay của thời cuộc, những giá trị vốn là khuôn phép giờ đây bị xáo trộn và đảo lộn, cho nên tư tưởng yếm thế, xuất thế xuất hiện khá nhiều trong nội dung của các bài CH.

Theo thời gian, nghệ thuật CH có nhiều biến đổi về hệ thống bài bản, nội dung và phong cách, nghệ thuật diễn xướng. CH đã và đang được giảng dạy trong các trường chuyên nghiệp và được trình diễn phục vụ khách du lịch, nhưng nội dung của nó đã có một số thay đổi so với trước đây.

Tài liệu tham khảo:

Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960.

Văn Lang, Ca Huế và Ca kịch Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993.

Hoàng Yến, Âm nhạc Huế: đờn nguyệt và đờn tranh, Tạp chí Những người bạn Huế xưa, bản dịch của Đặng Như Tùng, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1998, tr.83–237.

Bùi Ngọc Phúc (Chủ nhiệm đề tài), Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, lưu hành nội bộ, Huế, 2013.

Nhiều tác giả, Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2019.