Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Khác biệt giữa các bản “Tục thờ Đức Thành Trần”
(Tạo trang mới với nội dung “{{sơ}}'''Tục thờ Đức Thánh Trần''' là các thực hành nghi lễ, phong tục, lễ hội liên quan đến việc phụng thờ Đức Thán…”)
 
 
Dòng 44: Dòng 44:
 
# Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb T.p Hồ Chí Minh, 1992
 
# Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb T.p Hồ Chí Minh, 1992
 
# Phạm Quỳnh Phương. Màu sắc Đạo giáo trong tin ngưỡng thờ phụng Đức Thánh Trần. Tạp chí Văn hoá dân gian, số 2, 2000, tr.33-38
 
# Phạm Quỳnh Phương. Màu sắc Đạo giáo trong tin ngưỡng thờ phụng Đức Thánh Trần. Tạp chí Văn hoá dân gian, số 2, 2000, tr.33-38
8. Phạm Quỳnh Phương. “Tín ngưỡng Đức Thánh Trần”. Trong sách Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam (Ngô Đức Thịnh chủ biên). Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.
+
# Phạm Quỳnh Phương. “Tín ngưỡng Đức Thánh Trần”. Trong sách Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam (Ngô Đức Thịnh chủ biên). Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.
 
# Phan Kế Bính. Việt Nam phong tục. Nxb Văn học, Hà Nội, 2005
 
# Phan Kế Bính. Việt Nam phong tục. Nxb Văn học, Hà Nội, 2005
 
# Tạ Chí Đại Trường, Thần, Người và đất Việt. Nxb Tri thức, Hà Nội, 2014.
 
# Tạ Chí Đại Trường, Thần, Người và đất Việt. Nxb Tri thức, Hà Nội, 2014.
 
# Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương truyện. Tài liệu Hán Nôm, Trần Văn Giáp dịch, chép tay.
 
# Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương truyện. Tài liệu Hán Nôm, Trần Văn Giáp dịch, chép tay.

Bản hiện tại lúc 15:31, ngày 17 tháng 10 năm 2022

Tục thờ Đức Thánh Trần là các thực hành nghi lễ, phong tục, lễ hội liên quan đến việc phụng thờ Đức Thánh Trần - vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã được thiêng hóa để trở thành vị thánh trong tâm thức nhân dân. Tục thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn diễn ra ngay từ sau khi ông mới qua đời, nhưng tên gọi “Đức Thánh Trần” chỉ bắt đầu phổ biến từ những năm 90 của thế kỷ XX, trong làn sóng phục hồi thực hành tôn giáo sau Đổi Mới.

Đức Thánh Trần[sửa]

Statue of Tran Hung Dao, Ho Chi Minh City, Vietnam.jpg
Statue of Tran Hung Dao, Ho Chi Minh City, Vietnam

Là một nhân vật lịch sử, tiểu sử và chiến công của Trần Hưng Đạo đã được ghi chép một cách trân trọng trong chính sử, mặc dù chỉ là những chi tiết rời rạc. Đại Việt sử ký toàn thư là bộ sử đầu tiên chép về cuộc đời của Trần Hưng Đạo và là nguồn tư liệu cho sử sách ở các thế kỷ sau, như Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Hoàng Việt địa dư chí... Những cuốn sách này cũng là nguồn tư liệu để xây dựng các tác phẩm văn học, các công trình nghiên cứu lịch sử của các tác gia hiện đại, cũng như các tư liệu Hán Nôm về việc hiển thánh của Đức Thánh Trần.

Nguồn tư liệu Hán Nôm bao gồm các tư liệu dân gian về sự tích của Hưng Đạo Vương như Kiếp Bạc vạn linh từ dẫn tích, Trần Đại vương bình nguyên thực lục, Phụng chép linh tích ông Hưng Đạo Vương, Ngọc phả nhà Trần..., hoặc ghi chép các bài giáng bút được gán cho là của Trần Hưng Đạo và một số vị khác như Phạm Ngũ Lão, Văn Xương đế quân, Liễu Hạnh, hay một số sách ghi chép văn cúng Đức Thánh Trần như: Lễ Trần Triều hiển thánh khoa, Trần Triều hiển thánh chân kinh, Hưng Đạo chính kinh bảo lục.... Tâm thức dân gian về Đức Thánh Trần cũng được thể hiện trong một số sáng tác ở thế kỷ XVIII có liên quan đến câu chuyện về Phạm Nhan, như Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sỹ.

Tục thờ Đức Thánh Trần[sửa]

Các sử gia hiện đại, như Nguyễn Đăng Thục trong Lịch sử tư tưởng Việt Nam hay Tạ Chí Đại Trường trong Thần, Người và đất Việt, quan tâm đến tục thờ Đức Thánh Trần từ góc nhìn về sự phát triển Nội Đạo ở Việt Nam. Các nhà nghiên cứu văn hoá như Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cương hay Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục lại quan tâm đến tục thờ Đức Thánh Trần từ góc độ phong tục tín ngưỡng, coi hình thức thờ cúng của dòng đồng cốt, thanh đồng như một dạng "mê tín”.

Tục thờ Đức Thánh Trần được nảy sinh theo con đường thần hóa một anh hùng lịch sử bằng phương thức dân gian hóa, huyền thoại hóa – “sinh vi danh tướng, tử vi thần”. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là con trai thứ của An sinh vương Trần Liễu, anh trai của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh), sống vào thế kỷ XIII. Ông được chính sử coi là vị tướng tài ba, là thiên tài quân sự và một nhân cách lớn trong lịch sử dân tộc. Những chi tiết trong tiểu sử của Hưng Đạo vương được ghi chép không đầy đủ trong Đại Việt sử ký toàn thư, như không rõ ông sinh năm nào, nhưng mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300), cũng không rõ nơi chôn cất, và vườn thuốc Dược Sơn do ông lập ra để chữa bệnh cho tướng sĩ, đã tạo điều kiện cho quá trình huyền thoại hoá trong dân gian về sự ra đời của Đức Thánh Trần và tạo dựng các nghi lễ của tục thờ Đức Thánh Trần.

Tục thờ Đức Thánh Trần đậm màu sắc ma thuật dân gian và Đạo giáo, thể hiện trong cả thần tích, mục đích và các phương thức nghi lễ. Sự ra đời của Đức Thánh Trần gắn với danh xưng “Thanh tiên đồng tử” cho thấy mối quan hệ giữa tục thờ và dòng tu tiên đạo giáo. Trong các truyền thuyết liên quan, Thanh tiên đồng tử đã mang theo thần kiếm, cờ ấn, tam bảo của Lão Tử, Ngũ tài của Thái Công xuống hạ giới giúp dân trừ loạn. Sau khi Đức Thánh Trần mất, cũng là khi đã hoàn thành sứ mệnh dưới hạ giới, Thanh tiên đồng tử trở về trời và được Ngọc Hoàng phong Cửu Thiên Vũ Đế với sứ mệnh diệt trừ yêu ma, tà đạo ở cả ba cõi Thượng giới (Thiên đình), Trung giới (trần gian), và Hạ giới (âm phủ). Với chức danh Cửu thiên Vũ Đế, Đức Thánh Trần của người dân Việt còn có quyền năng lớn hơn nhiều so với các Đế khác như Bạch Đế (coi vùng trời phía Tây), Xích Đế (coi vùng trời phía Nam), Quan Đế coi Nam Thiên Môn. Như vậy, theo chuỗi suy tưởng của dân gian thì vị Thánh là Tiên giáng trần cứu dân lành, sau khi hoàn thành sứ mệnh dẹp yên bờ cõi, trừ yêu ma, lại quay trở về cõi Tiên và được phong Đế để tiếp tục hiển hóa và giúp dân giúp nước (âm phù).

Lễ hội thờ Đức Thánh Trần[sửa]

Lễ hội thờ Đức Thánh Trần diễn ra vào tháng Tám âm lịch vì theo lịch sử ghi lại Hưng Đạo Vương mất tại Kiếp Bạc ngày hai mươi tháng Tám. Người dân ở vùng đồng bằng Bắc Bộ thường lưu truyền câu ca "Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ", tôn vinh Đức Thánh Trần như người Cha thiêng liêng trong mối quan hệ với Mẹ - Mẫu Liễu Hạnh. Hàng năm cứ vào tháng Tám âm lịch, người dân ở khắp mọi miền quê lại nô nức đến đền Kiếp Bạc, hay Bảo Lộc, đền Đồng Bằng và các di tích thờ Đức Thánh Trần khác với tâm thức đi "giỗ Cha".

Nghi lễ liên quan đến tục thờ Đức Thánh Trần khá phong phú, đậm màu sắc Đạo giáo. Đặc biệt tại đền Kiếp Bạc, các thực hành nghi lễ liên quan đến trừ tà sát quỷ và cầu tự thường gắn với câu chuyện truyền thuyết về Phạm Nhan, một con lai có mẹ người Việt bố người Trung Quốc, có nhiều pháp thuật, đã dẫn đường cho quân giặc đánh phá quân ta phản bộ và những bệnh hậu sản của phụ nữ thường bị gọi là “bệnh Phạm Nhan”. Những người bị bệnh (đặc biệt những bệnh thần kinh, điên, nghi bị ma ám, người mắc chứng vô sinh hay hữu sinh vô dưỡng) thường đến đền để cầu khẩn sự trợ giúp của Đức Thánh Trần. Các biện pháp chữa bệnh và trừ tà phổ biến uống tàn nhang nước thải, dùng roi dâu hỏi tội tà ma trước ban thờ Đức Thánh Trần, mang chiếu mới đến đổi chiếu cũ, hoặc dâng lễ đồ mới xong xin đồ thờ cũ ở đền thờ Vương đem về thờ ở địa phương mình để trừ tà cầu phúc.

Những người chuyên thờ Đức Thánh Trần được gọi là thanh đồng. Thanh đồng thường lập điện thờ riêng trong nhà, và đến ngày huý Đức Thánh Trần thường tề tựu tại đền thờ Đức Thánh Trần ở Kiếp Bạc hay Bảo Lộc để lễ bái. Trong các nghi lễ hầu bóng nhà Trần, khi thánh đã nhập vào thanh đồng, thì thanh đồng ra oai "cho mắt trần biết phép Thánh", lấy lụa tự thắt cổ, nung đỏ lưỡi cày rồi xỏ chân vào, nấu dầu sôi uống rồi phun ra, hoặc cho cả nắm hương đang cháy vào miệng, xiên lình hay dùng dao rạch lưỡi. Máu được bôi vào giấy bản, quấn lại thành bùa trừ tà ma (còn được gọi là “dấu mặn”). Sau khi lễ Thánh, người ta đem về dán ở nhà hoặc đeo vào người...

Sự phổ biến[sửa]

Tượng đài Trần Hưng Đạo tại thành phố Nha Trang

Đức Thánh Trần được thờ phụng ở nhiều vùng, nhiều loại hình di tích, không chỉ đền miếu mà còn ở chùa, đình, điện, phủ, tĩnh, am. Các di tích thờ Đức Thánh Trần trải dài khắp đất nước, từ Bắc xuống Nam. Việc thờ phụng này bắt nguồn từ các tỉnh ven biển trong khu vực đồng bằng sông Hồng nơi gắn với lịch sử cuộc đời và sự nghiệp của Trần Hưng Đạo (Nam Định, Thái Bình, Hải Dương), đặc biệt với chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng (Hải Phòng, Quảng Ninh). Vào những năm 30 của thế kỷ XX, việc thờ Đức Thánh Trần bắt đầu lan rộng sang phía tây thuộc các tỉnh khác ở trong khu vực đồng bằng sông Hồng và về phía Bắc thuộc các tỉnh lân cận khu vực đồng bằng. Theo bản thống kê do trường Viễn Đông Bác Cổ tập hợp năm 1930, trong số 172 di tích có thần tích thần sắc của Trần Hưng Đạo (hoặc được thờ riêng, hoặc phối tự với các vị thần khác) thì có 108 di tích thuộc xứ Nam (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình) và 48 di tích thuộc xứ Đông (Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Yên). Nhân dân vẫn thường truyền tụng câu: "Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc" để nói đến các di tích nổi tiếng tôn thờ Đức Thánh Trần, bao gồm Bảo Lộc, Cố Trạch ở Nam Định, Trần Thương ở Hà Nam, Kiếp Bạc ở Hải Dương, A Sào, Đồng Bằng ở Thái Bình - đây là những vùng đất gắn bó chặt chẽ nhất với cuộc đời và sự nghiệp anh hùng của ông. Hàng trăm di tích thờ Đức Thánh Trần tại các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, phần lớn được thành lập cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thường thuộc về một số cộng đồng nhất định và thường gắn với làng. Ngoài ra, còn có một số điện thờ tư nhân mà nhiều thế hệ các thành viên trong gia đình nối tiếp làm công việc thờ phụng (hầu việc nhà Thánh) và “làm việc Thánh” (làm bùa chú, dấu mặn, ấn quyết trừ tà, trừ ma…). Không gian thiêng của tục thờ Đức Thánh Trần không chỉ bó hẹp tại vùng đất quê hương hay những vùng chiến trận chủ yếu (như xứ Nam, xứ Đông), mà còn lan tỏa trên khắp các vùng đất, theo bước chân lưu tán của người Việt, kể cả ở một số nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, hay xa hơn như Mỹ, Úc…

Từ sau khi Đổi mới năm 1986, có khá ít các đền được xây mới và xây riêng để thờ Đức Thánh Trần, nhưng nhiều đình, đền và chùa đã đưa Đức Thánh Trần vào phối thờ, và sự xuất hiện của nhiều điện thờ tư nhân được lập mới. Đức Thánh Trần, từ vị thần chuyên trị tà, cũng đã bước chân vào điện Mẫu, được thờ như một vị thần của đạo Mẫu và hình thành nên một ban thờ Trần Triều. “Đồng nhà Trần” (những người có “căn” Trần Triều) được phân biệt với “đồng Tứ Phủ” (có căn Tứ phủ). Đặc biệt là sự tham gia ngày càng chủ động của giới nữ trong việc hầu đồng Đức Thánh Trần. Họ không còn chỉ bị xem là nạn nhân của tà ma (qua hình ảnh Phạm Nhan) phải nhờ đến thanh đồng (nam giới) mượn oai Đức Thánh Trần trừ tà, mà tại nhiều điện thờ, phụ nữ lại đóng vai trò “đồng thầy”, là “ghế” của Đức Thánh Trần, trực tiếp thực hiện nghi lễ đuổi tà ma cho con nhang đệ tử.

Ý nghĩa[sửa]

Tục thờ Đức Thánh Trần vừa là một phong tục chịu ảnh hưởng của Khổng giáo thờ phúc thần có công với đất nước, được các triều đình bảo trợ từ việc sắc phong tới xây dựng đền thờ, tổ chức quốc lễ, vừa là dạng thức đạo giáo dân gian trừ tà diệt quỷ được thực hành rộng rãi trong dân chúng. tục thờ Đức Thánh Trần bao hàm một dòng thực hành riêng của các thanh đồng, pháp sư, nhưng cũng được tích hợp thành hệ thống Trần Triều trong tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ Phủ. tục thờ Đức Thánh Trần cũng được coi là một hình thức của đạo giáo dân gian địa phương, hay còn gọi là Đạo Nội ở Việt Nam, hoặc hình thức lên đồng trong tục thờ Đức Thánh Trần là một trong các dạng thức của saman giáo được thực hành phổ biến trên toàn cầu. Các văn bản thần tích, truyền thuyết, dấu vết vật chất, các di tích phụng thờ và các nghi thức tế lễ hội hè cho thấy Đức Thánh Trần có một vị trí rất quan trọng trong tâm thức dân gian người Việt và tục thờ Đức Thánh Trần có sức sống mạnh mẽ trong suốt nhiều thế kỷ của lịch sử dân tộc.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Durand, M. (1959). Technique et panthéon des médiums Vietnamiens (dong). Paris: Ecole Française D'Extreme-Orient.
  2. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971
  3. Vũ Phương Đề. Công dư tiệp ký. Trung tâm học liệu, Bộ Giáo dục, Sài gòn, 1972.
  4. Boudarel, G. (2001, orig.1942). 'Kiếp Bạc'. Vietnamese Studies: 62-67.
  5. Nguyễn Đăng Thục. Lịch sử tư tưởng Việt Nam. Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1992
  6. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb T.p Hồ Chí Minh, 1992
  7. Phạm Quỳnh Phương. Màu sắc Đạo giáo trong tin ngưỡng thờ phụng Đức Thánh Trần. Tạp chí Văn hoá dân gian, số 2, 2000, tr.33-38
  8. Phạm Quỳnh Phương. “Tín ngưỡng Đức Thánh Trần”. Trong sách Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam (Ngô Đức Thịnh chủ biên). Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.
  9. Phan Kế Bính. Việt Nam phong tục. Nxb Văn học, Hà Nội, 2005
  10. Tạ Chí Đại Trường, Thần, Người và đất Việt. Nxb Tri thức, Hà Nội, 2014.
  11. Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương truyện. Tài liệu Hán Nôm, Trần Văn Giáp dịch, chép tay.