(Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} Bản khắc bé trai cầm bút (tranh thế mạng) làng Sình (Huế) Nguồn: Kỳ Hữu Phước Tranh Mẫu Thoãi, làng Sình (Huế)…”) |
n (Tttrung đã đổi Tranh dân gian làng sình thành Tranh dân gian làng Sình: tên riêng) |
Bản hiện tại lúc 18:00, ngày 9 tháng 4 năm 2021
Bản khắc bé trai cầm bút (tranh thế mạng) làng Sình (Huế)
Nguồn: Kỳ Hữu Phước
Tranh Mẫu Thoãi, làng Sình (Huế)
Nguồn: Kỳ Hữu Phước
Làng Sình, tên hành chính là Lại Ân, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Phú Vang là một huyện đồng bằng ven biển nằm về phía Đông Nam của tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 9km về phía Đông với diện tích 2,5km2 và 200 mẫu công điền. Năm 1553, làng có tên trong danh mục làng xã thuộc huyện Tư Vinh của sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, làng được mô tả như một nơi trù phú và nổi tiếng với chùa Sùng Hoá: “Chùa Sùng Hóa ở xã Lại Ân huyện Tư Vinh. Trước mặt có Sông Hương uốn khúc, sau lưng là tràm rộng mênh mông... bia Hoàng Phước cao vòi vọi ở mặt Bắc. Tượng Phật uy nghiêm, điện trên lộng lẫy. Đến kỳ lễ hội, quan lại ba ty vệ trấn, nha môn đều tề tựu đông đúc, áo mão lễ nhạc nhộn nhịp như mây tụ. Có chuyện gì cầu đảo ở đây tất đều được ứng nghiệm. Đây là một cảnh chùa nổi tiếng của đất Hóa Châu” [1; tr.94].
Thuận Hoá trước thế kỷ XVI được xem là vùng biên viễn xa xôi, khí hậu khắc nghiệt, đất đai hoang vu, biết bao hiểm hoạ tiềm ẩn, là nơi lưu đày của các tù nhân, tù binh, nơi lập nghiệp của những kẻ trốn lính, tha phương và cũng là nơi ở của người Chămpa còn sót lại sau bao cuộc di dời và lưu tán. Chính vì nơi đây là vùng đất hội tụ của nhiều tầng lớp người khác nhau nên ở vùng này cũng tạo ra nhiều biểu hiện văn hoá khác nhau qua, thời gian nó được dung hợp để tạo ra những giá trị văn hoá riêng cho một vùng đất, để hôm nay nó được lưu truyền và là một phần nào đó cho nền tảng văn hoá Việt truyền thống trên tinh thần “li hương bất li tổ” rất sâu đậm tính tâm linh của cộng đồng người Việt.
Làng Sình nằm ở vị thế chiến lược quan trọng là ngã ba Sình, ngày xưa vị trí này được các chúa Nguyễn chọn là “Tiền đồn trấn giữ”, “thủy khẩu” của vùng kinh sư, là vùng yết hầu quan trọng của trấn thành Hoá Châu. Chính ngã ba mênh mang sông nước, rộng mở, đầy nắng gió, giàu tôm cá đã đem lại cho cư dân vùng này một lối sống gắn với sự khai thác đầm lầy kết hợp trồng lúa và làm nghề truyền thống như đan lát, in tranh, thêu thùa, làm hạt cúng tế…
Nguồn gốc cư dân làng Sình chủ yếu từ các vùng Thanh, Nghệ Tĩnh và Hải Dương đến đây định cư, lập làng vào khoảng cuối thế kỉ XV đến giữa thế kỉ XVI (1558). Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hoá, nhân dân ở phía Bắc lại theo chúa vào Nam lập nghiệp, do đó vùng Thuận Hoá nói chung, vùng Lại Ân nói riêng dân cư đến tụ họp ngày càng đông đúc hơn trước. Tuy nhiên, riêng nghề làm tranh thì có khá nhiều tư liệu, minh chứng về việc gốc gác có 1 phần gốc rễ từ Trung Hoa và từ các làng tranh phía Bắc nước ta. Nghề in tranh không chỉ có ở người Việt tại đây hay di cư đến mà còn có thể còn do một nhóm người Minh Hương di cư đến và đem theo cách thức làm tranh thờ cúng. Hiện ông Kỳ Hữu Phước là truyền nhân đời thứ 9 của một họ gốc gác Trung Hoa đến từ Phúc Kiến.
Làng Sình là nơi thực sự hội tụ của biểu tượng truyền thống làng quê Việt đó là: cây đa-bến nước-sân đình. Ở làng Sình ta thấy biểu tượng đình là trung tâm hành chính của làng, là nơi diễn ra mọi công việc quan trọng của làng, nơi hội họp, thu sưu thuế xưa kia, nơi tổ chức lễ hội làng như hội vật làng Sình, hát hò, vui chơi khác. Mặt khác đình cũng là trung tâm về tôn giáo của làng, hàng năm bà con trong làng lại tổ chức lễ cúng Thành Hoàng, hay những vị khai canh khai khẩn - người có công trong việc lập làng, cũng là người bảo trợ cho dân làng. Đình cũng là nơi hẹn hò của nam thanh, nữ tú trong làng, đêm đêm hát hò trao duyên khi giã điệp làm tranh hay chuẩn bị cho cưới xin lễ hội. Những đêm trăng thanh gió mát người dân trong làng lại tụ họp nhau lại kể cho nhau nghe những câu chuyện làng xóm, gia đình, bạn bè, và về việc nước việc làm ruộng.
Cư dân của làng Sình lấy nghề nông làm nghề chính và nghề thủ công như làm hương, đan lát, làm nón, in tranh, làm hạt bỏng cúng… làm nghề phụ bổ sung thu nhập kinh tế hộ gia đình, góp phần ổn định cuộc sống của bản thân nói riêng và của làng xã nói chung. Lấy nghề nông làm trọng trong đời sống kinh tế, cho nên những sinh hoạt lễ nghi gắn liền với hoạt động nông nghiệp được dân làng dung hợp và được tổ chức nghiêm túc vào các ngày lễ trong năm, nhằm cầu cho mưa thuận gió hoà, làng xóm yên ổn mùa màng tốt tươi, cầu mong một mùa tới bội thu. Từ lễ cúng tế vị Khai Canh đến lễ tế Thành Hoàng, từ việc tổ chức lễ cúng “Xuân thu nhị kì” (10/2 và 12/8 Âm lịch) đến các lễ tế Phúc Thần, Tiền Hiền liệt tổ, các vị thần nghề nghiệp Thánh Sư của làng như Thần Nông, Mẹ Lúa, Tổ nghề Tranh… đã tạo nên một không gian văn hoá lễ hội làng xã đặc trưng. Thông qua những tâp tục lễ nghi ấy mỗi một con người đều biết giữ gìn cái hay, cái tốt, không làm những điều trái với lương tâm, trái với thuần phong mỹ tục của làng xóm. Từ lâu những giá trị tinh thần đó đã tạo nên nét đẹp của một làng quê với bao giá trị văn hoá còn được lưu truyền và gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cũng từ các yếu tố văn hóa làng đó mà mọi người sống với nhau thân ái và đùm bọc nhau hơn, giúp đỡ nhau cùng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống thường ngày tạo nên một lối sống văn hoá làng xóm ấm áp, gần gũi.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, làng Sình có những nét văn hóa rất riêng như cùng một làng vẫn có thể có chung sự hòa hợp giữa nhiều tôn giáo và tín lễ dân gian khác nhau. Trong làng có chùa làng, đình làng, chùa Phật, nhà thờ Thiên Chúa giáo, có cộng đồng huyết thống xa xưa của người gốc Hoa xen kẽ trong nhóm người Việt (Có thể từ thế kỷ XVI), có lễ hội vật đầu xuân hàng năm và là lễ hội có tiếng vang lôi kéo mọi người từ xa đến, có nghề in tranh thờ cúng, đặc biệt là tranh thế mạng - một hình thức cúng tế cầu an giải hạn, khẩn cầu thần linh phù hộ rất phổ biến trong cộng đồng dân cư, có nghề làm hương, làm hạt bỏng cúng, đan lát, làm nón, đánh cá... Đối với làng Sình cũng vậy, nói đến làng Sình - Huế là người dân nghĩ ngay đến Hội vật đầu xuân, nhớ đến làng nghề in tranh thờ cúng. (nghề làm tranh làng Sình còn có một số tên gọi khác là nghề bồi, nghề giấy, nghề Sình, nghề hồ điệp, nghề làm con ảnh…). Đây cũng là làng có nghề rang hạt bỏng cúng lâu đời, vì vậy đến với làng Sình mọi người có thể cảm nhận được nhiều ý nghĩa thẩm mỹ, tâm linh khác nhau từ sự đa dạng của văn hóa làng, mà một trong những giá trị và ý nghĩa thẩm mỹ, tâm linh quý giá đáng trân trọng đang được lưu giữ là nghề in tranh thờ cúng.