Mục từ này cần được bình duyệt
Khác biệt giữa các bản “Charles de Gaulle”
(Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} (1890 - 1970) Nhà quân sự, ngoại giao, chính khách nổi tiếng, Tổng thống hai nhiệm kỳ liên tiếp của nước Cộng hò…”)
 
n (Minhpc đã đổi Charles de gaulle thành Charles de Gaulle: Viết hoa)
 

Bản hiện tại lúc 16:28, ngày 9 tháng 12 năm 2020

(1890 - 1970)

Nhà quân sự, ngoại giao, chính khách nổi tiếng, Tổng thống hai nhiệm kỳ liên tiếp của nước Cộng hòa Pháp (1959 – 1969).

Charles de Gaulle tên đầy đủ là Charles André Joseph Marie de Gaulle, sinh ngày 22.11.1890 tại Lille, trong một gia đình quý tộc giàu có. Năm 1912, de Gaulle tốt nghiệp Trường Quân sự Saint-Cyr với quân hàm Thiếu úy. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất, de Gaulle tham gia nhiều trận đánh lớn, lập nhiều chiến công và được thăng quân hàm lên Trung úy vào năm 1914, Đại úy vào năm 1915. Trong quá trình chiến đấu, de Gaulle ba lần bị thương và bị quân Đức bắt làm tù binh vào ngày 2.3.1916. Sau Hiệp định đình chiến năm 1918, de Gaulle được trả tự do về Pháp và được tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh.

Từ năm 1919 đến năm 1921, de Gaulle làm việc trong Phái bộ quân sự Pháp tại Ba Lan: huấn luyện viên quân sự, giảng dạy chiến thuật quân sự tại Trường Đại học Quân sự Ba Lan. Từ năm 1921 đến năm 1925, de Gaulle vừa giảng dạy môn lịch sử quân sự tại Trường Quân sự Saint-Cyr, vừa theo học lớp chỉ huy tham mưu tại Học viện Quân sự. Từ năm 1925 đến năm 1927, ông làm việc tại Văn phòng Hội đồng quân sự tối cao, được thăng quân hàm Thiếu tá, đảm nhiệm chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 19 bộ binh. Từ năm 1929 đến năm 1931, de Gaulle làm việc tại Bộ Tham mưu quân đội Pháp ở Syria và Liban. Cuối năm 1931, ông trở lại Pháp và làm việc tại Ban Thư ký của Hội đồng Quốc phòng tối cao cho tới năm 1939.

Từ khi Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ đến năm 1940, de Gaulle đảm nhiệm các chức vụ: quyền Tư lệnh Quân đoàn 5 tăng thiết giáp, quyền Tư lệnh Sư đoàn 4 Thiết giáp, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Chiến tranh. Ông được thăng quân hàm từ Trung tá lên Đại tá, rồi Thiếu tướng vào ngày 27.5.1940. Tháng 5.1940, de Gaulle chỉ huy lực lượng chặn đánh nhiều đợt tấn công của quân Đức. Tuy nhiên, với sức mạnh vượt trội, quân Đức phá vỡ được các tuyến phòng ngự của Pháp, thẳng tiến vào Paris. Ngày 23.6.1940, Chính phủ Pétain ký hiệp ước đầu hàng, nước Pháp bị quân Đức chiếm đóng.

Nhận thấy Chính phủ Pétain chủ trương đầu hàng quân Đức, ngày 17.6.1940, de Gaulle bí mật rời Pháp sang Anh. Ngày 18.6.1940, trên sóng đài BBC, ông đọc lời kêu gọi nhân dân Pháp đoàn kết chiến đấu, giải phóng nước Pháp khỏi sự chiếm đóng của quân Đức. Tại Anh, de Gaulle thành lập tổ chức “Những người Pháp tự do”, sau đổi thành “Nước Pháp tự do”, rồi “Nước Pháp chiến đấu” để tập hợp, xây dựng lực lượng. Ngày 30.5.1943, tại Algeria, Ủy ban giải phóng dân tộc của Pháp được thành lập do de Gaulle làm Chủ tịch. Ngày 3.6.1944, tổ chức này chính thức lấy tên là Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp. Sau khi đổ bộ lên Normandie, quân Đồng minh và quân đội Pháp đã đánh bại quân Đức. Ngày 24.8.1944, de Gaulle và Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp tiến vào Paris. Ông được người dân Pháp chào đón, ngợi ca là một vị anh hùng giải phóng dân tộc.

Từ năm 1944 đến năm 1946, de Gaulle nỗ lực xây dựng quân đội với quan điểm “quân đội Pháp phải phục vụ nước Pháp”, khôi phục vị thế cường quốc của Pháp, tái thiết lập chế độ cai trị của Pháp ở các nước thuộc địa cũ, trong đó có Việt Nam. Năm 1946, do sự chia rẽ, mẫu thuẫn giữa các đảng phái, de Gaulle tuyên bố rời bỏ chính trường Pháp. Từ năm 1946 đến năm 1958, sau khi từ chức, de Gaulle sống tại Colombey-les-Dieux- Églises. Năm 1947, ông thành lập Đảng Tập hợp Nhân dân Pháp (RPF) nhằm mục đích phục hưng nước Pháp. Sau những thắng lợi ban đầu trong các cuộc bầu cử Nghị viện, Đảng Tập hợp Nhân dân Pháp của de Gaulle bị chia rẽ và thất bại liên tiếp, khiến ông một lần nữa tuyên bố rời khỏi chính trường.

Sau thất bại thảm hại ở Điện Biên Phủ, nước Pháp lâm vào khủng hoảng, Chính phủ liên tiếp bị đổ. Trong bối cảnh đó, de Gaulle đã trở lại chính trường Pháp với cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ngày 21.9.1958, de Gaulle được bầu làm Tổng thống của nền Cộng hòa thứ năm và chính thức nhậm chức ngày 8.1.1959. Ngày 19.12.1965, de Gaulle được bầu lại làm Tổng thống và đảm nhiệm cương vị này cho tới năm 1969. Ngày 9.11.1970, de Gaulle qua đời sau một cơn đột quỵ.

Trong thời gian làm Tổng thống, de Gaulle đã tiến hành cải tổ nền kinh tế, hiện đại hóa quân sự, cơ sở hạ tầng, đưa nước Pháp trở lên hùng mạnh hơn trước. De Gaulle chủ trương trao quyền tự quyết và trao trả độc lập cho các thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi. Ngày 19.3.1962, Pháp ký hiệp ước Évian, thừa nhận nền độc lập của Algeria. De Gaulle theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập, hòa bình, hợp tác với các nước không phân biệt chế độ chính trị. Năm 1964, de Gaulle công nhận Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và có chuyến thăm tới Liên Xô hai năm sau đó. Từ năm 1962, de Gaulle hạn chế và rút dần sự tham gia của Pháp khỏi các hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO). Năm 1966, ông tuyên bố Pháp rút khỏi Bộ chỉ huy hỗn hợp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng vẫn giữ cam kết và tư cách thành viên.

Đối với nước Pháp, de Gaulle được đánh giá là nhân vật có vai trò và tầm ảnh hưởng lớn. Đối với Việt Nam, de Gaulle phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và chủ trương trung lập hóa vấn đề miền Nam Việt Nam. Ông có những nỗ lực trong việc hòa giải mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. Năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống de Gaulle đã có cuộc trao đổi thư ngoại giao nhằm tăng cường đối thoại, kết nối, tiến tới bình thường hóa và tăng cường quan hệ ngoại giao.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Vinh Quốc (CB), Các nhân vật lịch sử hiện đại, tập 1, Nxb Giáo dục, 2002.

2. Pierre Journoud, De Gaulle và Việt Nam 1945-1969, người dịch: Lê Hồng Phấn, Hoàng Thị Hằng, Bùi Thị Hệ ; Hiệu đính: Dương Văn Quảng, Nxb Đại học Sư phạm, 2019.

3. Gilbert Pilleul, Le général et l’Indochine, Paris, 1981.

4. Pierre Lefranc, De Gaulle un portrait, Flammario, Paris, 1989.