Mục từ này cần được bình duyệt
Khác biệt giữa các bản “Georges Condominas”
(Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} (1921- 2011) nhà Dân tộc học người Pháp sinh năm 1921 ở Hải Phòng,Việt Nam. Cha ông là người Pháp, mẹ là người Vi…”)
 
n (Minhpc đã đổi Georges condominas thành Georges Condominas: Viết hoa)
 

Bản hiện tại lúc 16:31, ngày 9 tháng 12 năm 2020

(1921- 2011) nhà Dân tộc học người Pháp sinh năm 1921 ở Hải Phòng,Việt Nam. Cha ông là người Pháp, mẹ là người Việt lai Bồ Ðào Nha. Sau khi học trung học tại Pháp, cử nhân Luật và Mỹ thuật tại Hà Nội,Văn học và Dân tộc học tại Paris, ông quay trở lại Việt Nam thực hiện chuyến điền dã đầu tiên ở vùng người Mnông Gar. Sau đó tiến hành các cuộc nghiên cứu khác với tư cách là nhà nghiên cứu của Orstom, hội viên thông tấn của Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp và chuyên gia của UNESCO ở Magadascar,Togo, Lào và Thái Lan

Được bổ nhiệm làm giám đốc nghiên cứu tại trường tại Trường Cao học Khoa học xã hội năm 1960, ông đã thành lập tại đây Trung tâm tư liệu và nghiên cứu về Đông Nam Á và khu vực Nam đảo (CEDRASEMI),một trung tâm tập hợp gần như toàn bộ các nhà nghiên cứu về khu vực văn hóa này.

Đã nhiều lần là Giáo sư thỉnh giảng (Visiting Professor) tại các trường đại học ở Columbia và Yale, giữa những năm 1963 và 1969, ông từng là hội viên (Fellow) của Trung tâm nghiên cứu cao cấp về các khoa học hành vi ở Palo Alto (Center for Advanced Studies in the behavioral Sciences de Palo Alto) (1971) và là Giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Quốc gia Australia (Australian National University) (1987) và ở Nhật Bản tại trường Đại học Sophia (1962). Năm 1972, ông đã đọc diễn văn khai mạc (Distingguish Lecture) khóa họp hàng năm của Hiệp hội Nhân học Mỹ, sau đó năm 1983, tại Tokyo, ông đọc diễn văn kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội Dân tộc học Nhật Bản (Nihon Minzoku Gakkai).

Ông là tác giả và chủ biên về khoa học của nhiều công trình, bài viết, phim khoa học.

Các tác phẩm chính:

- Nous avons mangé la forêt de la Pierre-Génie Gôo (Hii saa Brii Mau-Yaang Gôo). Chronique de Sar Luk, village mnong gar (tribu proto-indochinoise des Hauts-Plateaux du Viet-nam central [Chúng tôi ăn Rừng Đá - Thần Gôo (Hii Brii Mau-Yaang Gôo), Biên niên của Sar Luk, Làng Mnông Gar (Bộ lạc Tiền-Đông Dương trên cao nguyên trung Việt Nam], Paris, Mercure, 1954 (tái bản 1974, 2003; Flammarion, 1982; dịch sang tiếng Ý, 1960; tiếng Nga, 1968; tiếng Đức, 1969; tiếng Anh, 1977 (tái bản tại New York và Tokyo, 1994); tiếng Nhật Bản, 1993; tiếng Việt, 2003; tiếng Hungari…)

Trong tư cách là một nhà dân tộc học theo trường phái “đề cao nghiên cứu thực địa” Georges.Condominas đã đến làng Sar Luk để nghiên cứu người Mnông Gar. Tôn trọng lối sống/văn hóa của người bản địa, để tìm hiểu về nền văn hóa ấy,nhà dân tộc học Georges.Condominas đã làm bằng mọi cách để tiếp cận với các giá trị văn hóa địa phương bằng cảm thức của người trong cuộc. Ông đã bắt đầu công việc của mình bằng việc dựng nhà trong làng, học tiếng địa phương và thực hành các nghi thức cần thiết để gia nhập vào cộng đồng với tư cách là một thành viên của làng. Với sự thành tâm của mình, Georges.Condominas đã thành công, dân làng Sar Luk đã coi ông như là một thành viên của làng và gọi ông bằng một cái tên vừa thân thiết vừa tôn kính: Yoo Condo. Đương nhiên, Georges.Condominas nhận diện đời sống văn hóa của người Mnông Gar không chỉ bằng cảm quan của người trong cuộc, với các kiến thức được trang bị của một nhà dân tộc học chuyên nghiệp, ông đã sắc sảo, cần mẫn, tinh tế quan sát, nhận xét, phân tích, ghi chép… mọi thứ diễn ra quanh mình, từng ngày, từng giờ…trong suốt cả một chu kỳ sản xuất nông nghiệp, tức là thời gian của một năm, theo cách tính của người bản địa… Tất thảy mọi sự kiện diễn ra trong trong trọn một chu kỳ nông nghiệp, từ lúc hạ rừng, đốt rẫy… cho đến khi hoàn thành mùa thu hoạch của một làng Mnong Gar đã được Condominas viết thành thiên tác phẩm dân tộc học không phải bằng những phân tích và luận giải, mà là bằng một thứ bút ký độc đáo. Tác phẩm được ông đặt tên theo cách đo thời gian bằng không gian của người Mnông Gar: “Chúng tôi ăn rừng Đá Thần Gô”... Toàn bộ các sự kiện trong đời sống xã hội của người Mnông Gar diễn ra trong một chu kỳ nông nghiệp (một năm) - năm mà họ canh tác rẫy, trồng trọt ở khu rừng mang tên Đá Thần Gô để mưu sinh - được lựa chọn ghi lại như một biên niên. Các chương sách mô tả tỉ mỉ việc già làng đi tìm đất làm rẫy, cách thử đất, cách khoanh rừng để vừa trồng trọt kiếm ăn trước mắt vừa nuôi rừng để sinh sống lâu dài; cách thức đốt rẫy và trỉa lúa; một đám cưới; một đám tang; cách làm quan tài trong rừng; đêm khóc người chết; buổi an táng, và cuộc chia của tiếp sao đó; một vụ loạn luân và cách thức làng “phạt” đôi trai gái loạn luân; vụ tự tử của anh chàng Tiêng đẹp trai; lễ hội lớn kết nghĩa giữa hai nhân vật có vai vế ở hai làng lân cận; những nghi lễ ăn mừng mùa lúa mới…

Chúng tôi ăn Rừng Đá - Thần Gôo được in bởi Mercure de France, một nhà xuất bản danh tiếng nhất nước Pháp, nơi chỉ chuyên in những tác văn học của các nhà văn Pháp nổi tiếng nhất lúc bấy giờ như Verlaine và Rimbaud… Khi ra mắt, tác phẩm của Georges.Condominas được những người thầy lớn, những nhà nhân học hàng đầu đón nhận nồng nhiệt. Cuốn sách “đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó với hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì đã từng có trước nay”. Nó đã thật sự trở thành một tác phẩm văn học - khoa học độc đáo, vừa chặt chẽ khoa học, chuẩn xác đến từng chi tiết, chứa đựng những suy ngẫm minh triết sâu xa, vừa hấp dẫn và vang vọng như một cuốn tiểu thuyết hết sức sống động. Nó cũng hé lộ một Tây Nguyên kỳ lạ, thăm thẳm cho những khám phá bất tận…

- L'Espace social. A propos de l'Asie du Sud-Est (Không gian xã hội vùng Đông Nam Á), Paris, Flammarion, 1980, dịch sang tiếng Việt, 1977.

Một trong các đóng góp lớn của Georges.Condominas cho ngành Dân tộc học là lý thuyết về Không gian xã hội thông qua khảo tả các dạng thức xã hội vùng Đông Nam Á.

Trước ông, về không gian xã hội đã có nhiều tên tuổi lớn như: Emile Durkheim, Claudi Levis-Strauss, E.E. Pritchard hay Marcel Mauss…luận bàn. Nhưng như ông đã mượn lời của Claude Lévi-Strauss, nhận xét: “Chưa có ai nghiên cứu một cách nghiêm túc xem những mối tương liên nào có thể tồn tại giữa cấu hình không gian giữa các nhóm người với những đặc tính hình thức nãy sinh từ những khía cạnh khác của đời sống xã hội của họ”. Mặt khác, khi bàn về về mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên và đời sống xã hội, G.Condominas đã nhận xét: “Khi xem xét môi trường tự nhiên với tư cách là một hệ sinh thái, chúng ta đề cập đến một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của không gian xã hội. Sự nghiên cứu về các quan hệ xã hội và hệ sinh thái suốt gần một thế kỷ qua đã giao động giữa hai khuynh hướng đối lập, lần lượt ưu tiên cho cái này hoặc cái kia. Chúng ta có thể sẽ lầm lẫn nếu xem nhẹ tác động hiện tại của khuynh hướng thứ nhất coi môi trường tự nhiên là quyết định những đặc tính của cái xã hội được phát triển trong môi trường đó”.

Từ việc khảo cứu, tiếp thu các thành tựu của những người đi trước theo cách nhìn phản biện, Georges.Condominas đã phát triển, hoàn thiện lý thuyết không gian xã hội. Theo Georges.Condominas, ngoài những chiều cạnh vốn có, mang tính không gian và thời gian, không gian xã hội còn mang tính lịch sử và tính tộc người. Về mặt không gian ngoài cách nhìn bốn phương, ông đã đưa thêm vào khái niệm “trung tâm”, cụ thể hơn, các phương của không gian còn được xác định gắn với các điều kiện tự nhiên cụ thể như: “đầu sông”, “cuối sông”, “bên kia suối”… Theo Georges. Condominas, không gian xã hội mang cả chiều cạnh không gian và thời gian, và cũng theo ông, không gian xã hội có hai loại hình:không gian xã hội giới hạn (chỉ là một hệ thống quan hệ xã hội duy nhất) và không gian xã hội rộng (bao gồm nhiều hệ thống quan hệ).

Cụ thể trong công trình Không gian xã hội vùng Đông Nam Á, sau khi xác định khái niệm Không gian xã hội, ông đã luận bàn kỷ lưỡng về các nội hàm của khái niệm này như là bộ công cụ để làm việc (Georges.Condominas, 1997, Dẫn luận). Tiếp theo sau chính ông sử dụng bộ công cụ của mình để mô tả, phân tích hệ thống xã hội của người Mnông Gar, người Thái, người Lào, người Việt (Kinh)…bằng một loạt bài viết được sắp xếp theo 4 phần chính: Đạo đức nghề nghiệp, phương pháp nghiên cứu, không gian văn hóa/xã hội, chiều cạnh lịch sử của mỗi cộng đồng …

Có thể nói, lý thuyết không gian xã hội của Georges.Condominas được phân tích từ dẫn liệu các xã hội của các tộc người ở vùng Đông Nam Á, nhưng nó được các nhà nghiên cứu vận dụng để nghiên cứu về không gian xã hội ở các vùng khác nhau…

-L'Exotique est quotidien (Xa lạ là chuyện thường ngày), Sar Luk, Vietnam central, Paris, Plon, 1965, tủ sách “Đất nhân văn”, xuất bản lần thứ 2, 1977; dịch sang tiếng Tây Ban Nha với lời tựa của Manuel Delgado, Barcelone, 1992.

Đây là tác phẩm đem tính sơ kết về quá trình nghiên cứu Dân tộc học/Nhân học ở khu vực Đông Nam Á lục địa cho tới khi cuốn sách ra đời (1965). Sơ kết của ông cũng gợi lên các vấn đề để các nhà nghiên cứu lựa chọn các vấn đề nghiên cứu ở giai đoạn tiếp sau

Những đóng góp khác

- Phát hiện đàn đá

Vào năm 1949 khi nghiên cứu về người Mnông Gar ở làng Sar Luk, thông qua người địa phương, ông đã tiếp cận với một bộ 11 thanh đá xám, có dấu hiệu ghè đẻo của bàn tay con người, với các kích thước lớn nhỏ khác nhau. Thanh dài nhất 101,7cm, nặng 11, 210kg,thanh ngắn nhất 65,5cm nặng 5,820kg. Tháng 5 năm 1950 Georges.Condominas đưa những thanh đá này về Paris,và chúng được các chuyên gia khảo cổ học, nhân học, âm nhạc học hàng đầu thế giới nghiên cứu tỉ mỹ. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Âm nhạc học (năm thứ 33-bộ mới), tháng 7, năm 1951, số 97- 98. Theo đó, đây là bộ đàn đá tiền sử đầu tiên được phát hiện trên thế giới, có niên đại khoảng ba ngìn năm, là một trong những nhạc cụ cổ sơ của loài người.

- Sưu tập hiện vật dân tộc học và các trưng bày bảo tàng

Trong thời gian ở nghiên cứu ở làng Sar Luk, Georges.Condominas không chỉ thu thập tài liệu để viết nên cuốn sách nổi tiếng của ông “Chúng tôi ăn Rừng Đá - Thần Gôo…” mà ông còn chú tâm sưu tầm cho Bảo tàng Con người (Musée de L’Homme) một bộ (500 đơn vị) hiện vật quý giá phản ánh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Mnông Gar. Các hiện vật được cung cấp đầy ắp tư liệu: nguồn gốc, cách chế tác, cách sử dụng, chức năng kinh tế, xã hội và biểu trưng của mỗi đồ vật. Những ghi chép của ông cho biết hành trình của từng đồ vật: với mỗi đồ vật người ta biết được chủ nhân trước đây và cách thức nó được trao đổi như thế nào với nhà dân tộc học. Bộ sưu tập hiện vật dân tộc học quý giá này đã được tổ chức trưng bày từ 23 tháng 6 năm 2006 đến 15 tháng 12 năm 2006, tại Bảo tàng Quai Branly, ở Pais, Pháp. Vào năm 2007 - 2008, 114 hiện vật tiêu biểu trong bộ sưu tập này đã được lựa chọn mang tới trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Cuộc trưnng bày mang tên “Chúng tôi ăn rừng…” Georges Condominas ở Việt Nam, cùng với cuộc trưng bày trước đó tại Paris, Pháp đã tạo cơ hội cho hàng triệu công chúng trên khắp thế giới, đặc biệt là công chúng Việt Nam tham quan, khám phá về đời sống của người Mnông Gar ở làng Sar Luk trong nữa đầu thế kỷ 20, và cho các nhà dân tộc học có cơ hội chia sẽ những kinh nghiệm nghiên cứu dân tộc học mẫu mực của ông.

Mở đầu sự nghiệp nghiên cứu của ông là tác phẩm người Mnông Gar ở làng Sar Luk tại tỉnh Đắl Lắk, Tây Nguyên có giá trị quảng bá văn hóa tộc người ở Việt Nam ra thế giới. Ông cũng là người phát hiện ra bộ đàn đá đầu tiên-một loại nhạc cụ độc đáo. Ở Việt Nam, Georges.Condominas có những người bạn lớn, thân thiết như Từ Chi, Đặng Nghiêm Vạn, đồng thời là đồng nghiệp, bạn bè, thầy giáo của nhiều thế hệ các nhà dân tộc học nói riêng, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nói chung. Ngoài việc chia sẻ kiến thức chuyên môn ông còn truyền cảm nghề nghiệp cho mọi người. Georges.Condominas cũng là người đã nêu lên sự cần thiết phải thành lập một bảo tàng dân tộc học hiện đại. Và từ đó ông là một trong những người có đóng góp quan trọng về ý tưởng xây dựng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Georges.Condominas là một trong số ít những nhà Dân tộc học xuất sắc nữa sau thế kỷ XX, là người đại diện cho một thế hệ, cho trường phái Dân tộc học đề cao nghiên cứu thực địa.

Ông đã được Bộ Văn hóa - Truyền thông Cộng hòa Pháp tặng Huân chương Nghệ thuật và Văn chương.

Với sự cống hiến xuất sắc cho các ngành khoa học xã hội, đặc biệt là ngành Dân tộc học Việt Nam, vào năm 2007, ông đã được trao tặng Huy chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam, được Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học xã hội”. Tháng 3 năm 2010, ông được trao giải thưởng Phan Châu Trinh vì những đóng góp lớn trong việc đưa văn hóa Việt Nam quảng bá ra thế giới./.

Tài liệu tham khảo

1. Georges Condominas, Không gian xã hội vùng Đông Nam Á (L'Espace social. A propos de l'Asie du Sud-Est),Nxb. Văn hóa, 1997.

2. Georges Condominas, Chúng tôi ăn Rừng Đá - Thần Gôo (Hii Brii Mau-Yaang Gôo), Biên niên của Sar Luk, Làng Mnông Gar (Bộ lạc Tiền-Đông Dương trên cao nguyên trung Việt Nam), Nxb. Thế giới - Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, 2003.

3. Georges Condominas, “Chúng tôi ăn rừng…”, Nxb. Thế giới, 2007.

4. Nguyễn Công Thảo, Giáo sư Georges Condominas - Nhà khoa học lớn, người bạn thân thiết của Việt Nam, Tạp chí Dân tộc học, số 4 (172), 2011.

5. Nguyễn Văn Sửu, Nguyễn Văn Huy, Lâm Bá Nam, Vương Xuân Tình (Đồng chủ biên), Nhân học ở Việt Nam một số vấn đề lịch sử, nghiên cứu và đào tạo, Nxb.Tri Thức, 2016.

6. Nguyên ngọc, Giới thiệu sách “Chúng tôi ăn rừng” trên trang Web Khuyến đọc sách hay, tra cứu 30 - 12 - 2019.

7. Xuân Xuân, Le Fils des quatre vents Georges Condominas, L’Harmattan, 2011.