Tạo Xa Lánh Chính Trị (Tên cũ: Cô lập chính trị) là cảm giác của một cá nhân không hài lòng, thất vọng, lạnh nhạt, xa rời những người lãnh đạo chính trị, các chính sách của chính phủ và hệ thống chính trị tương đối lâu dài.
Dường như có cả điểm giống và khác nhau giữa sự thờ ơ chính trị và xa lánh. Về mặt khái niệm, Fox (2015) lập luận rằng cả sự thờ ơ chính trị và sự xa lánh đều là các định hướng chính trị tương đối liên tục, ổn định. Tuy nhiên, so với những người thờ ơ, những người xa lánh chính trị có ý thức hơn về những gì họ xa lánh. Trong khi sự thờ ơ chính trị nhấn mạnh đến ý thức thờ ơ của một cá nhân đối với việc bỏ phiếu hoặc quá trình bỏ phiếu, thì xa lánh chính trị lại đề cập tới việc cá nhân cảm thấy buộc phải bỏ phiếu mặc dù đánh giá việc này là không quan trọng. Cá nhân có sự xa lánh chính trị cho rằng lợi ích hay mối quan tâm của họ không được chính phủ xem xét và các quan chức không thể đại diện/đại diện không đầy đủ những ý kiến của họ.
Biểu hiện của xa lánh chính trị[sửa]
Xa lánh chính trị gồm hai hình thức cơ bản: bất lực chính trị và bất mãn chính trị Olsen (1969). Ở trường hợp bất lực chính trị, cá nhân cảm thấy không có năng lực chính trị, bị ép buộc bởi các yếu tố môi trường sống của bản thân. Còn cá nhân bất mãn chính trị thường là do sự lựa chọn tự nguyện của bản thân. Sự bất lực chính trị xảy ra phổ biến nhất ở những người có các địa vị xã hội không thuận lợi, trong khi sự bất mãn lại phổ biến nhất ở những người thuộc tầng lớp trung lưu.
Xa lánh chính trị có thể biểu hiện theo 4 cách:
- Bất lực chính trị: Cảm giác của cá nhân rằng họ không có quyền hành và không thể ảnh hưởng đến hành động của chính phủ. Thẩm quyền - phân bổ các giá trị cho xã hội là trọng tâm của quá trình chính trị - không chịu ảnh hưởng của cá nhân.
- Vô nghĩa chính trị: Cá nhân nhận thấy rằng các quyết định chính trị không rõ ràng và không thể đoán được. Cảm giác này được minh họa bởi việc cá nhân không có khả năng phân biệt lựa chọn chính trị nào là có ý nghĩa và cảm giác rằng bản thân những lựa chọn chính trị là vô nghĩa.
- Phi quy tắc chính trị: cá nhân nhận thức rằng các chuẩn mực hoặc quy tắc nhằm điều chỉnh các mối quan hệ chính trị đã bị phá vỡ và rằng việc không thực hiện hành vi theo quy định là phổ biến. Minh chứng cho kiểu xa lánh này là niềm tin rằng các quan chức vi phạm các thủ tục pháp luật trong làm việc với công chúng hoặc không tuân thủ các quy định.
- Cách ly chính trị: cá nhân từ chối các chuẩn mực và mục tiêu chính trị được phổ biến, chia sẻ rộng rãi bởi các thành viên khác trong xã hội. Sự cô lập chính trị có thể được minh họa bằng niềm tin rằng việc bỏ phiếu hoặc thực hiên nghĩa vụ chính trị xã hội chỉ là việc tuân thủ các thủ tục; hoặc sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng chính sách công là không phù hợp.
Thang đo xa lánh chính trị[sửa]
Trong nghiên cứu xa lánh chính trị các tác giả sử dụng một số thang đo: Thang đo Xa lánh chính trị của Zimmer (1983) gồm 5 items. Thang đo Xa lánh chính trị gồm 2 tiểu thang đo là sự bất lực chính trị và phi quy tắc chính trị của Finifter (1970) cũng được sử dụng.
Nguyên nhân của xa lánh chính trị[sửa]
Các yếu tố cá nhân có thể ảnh hưởng đến sự xa lánh chính trị: Thứ nhất, việc không thể hoặc không sẵn sàng tham gia vào xã hội, các tổ chức chính thức lớn hoặc cộng đồng. Thứ hai, là tình trạng nhân khẩu (giáo dục, thu nhập và nghề nghiệp) và chủng tộc. Xa lánh chính trị xuất hiện ở nhóm người có trình độ giáo dục thấp, mức thu nhập thấp, lao động tay chân và những người làm nghề thủ công. Xa lánh chính trị phổ biến hơn ở các tầng lớp lao động thấp và ít hơn ở các tầng lớp trung lưu, thượng lưu. Cuối cùng, là nhận thức về sự thất bại cá nhân dẫn đến sự xa lánh chính trị bởi vị trí xã hội của cá nhân hạn chế những hành động của họ. Người bị thất bại cá nhân ít cơ hội để hoàn thành các mục tiêu cuộc sống và cảm nhận bản thân chính là sự thất bại nên xa lánh chính trị.
Các yếu tố thuộc về hệ thống chính trị như: sự vận hành của hệ thống và những quan điểm phê phán về hoạt động của hệ thống cũng có ảnh hưởng đến xa lánh chính trị. Khi hệ thống không đưa ra mục tiêu đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người có các giá trị khác nhau mà chỉ hướng tới một số người và làm cho cá nhân cảm thấy bị kiểm soát chặt chẽ thì họ sẽ có xu hướng xa lánh chính trị.
Cùng với đó thì hoàn cảnh kinh tế, xã hội có tác động đến xa lánh chính trị, đến việc bỏ phiếu của người dân Anh trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu về việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu - Brexit (Fox, 2020). Xa lánh chính trị bắt nguồn từ nhận thức và hoàn cảnh kinh tế thiếu thốn của cử tri, từ thực tế những cuộc di cư hàng loạt vào châu Âu.
Hệ quả của xa lánh chính trị[sửa]
Xa lánh chính trị ảnh hưởng đến việc tham gia bầu cử và thái độ đối với sự đô thị hóa. Người có cảm giác xa lánh chính trị có xu hướng ít tham gia bầu cử hoặc thể hiện thái độ không thích thú với đô thị hóa. Ngoài ra, xa lánh chính trị còn là biến trung gian trong mối quan hệ giữa tình trạng xã hội và sự tham gia vào các vấn đề đô thị. Xa lánh chính trị là một hiện tượng có tầm quan trọng trong quá trình chính trị. Sự xa lánh chính trị dẫn đến một loạt các hành vi chính trị như: hành vi cách mạng, ủng hộ chủ nghĩa cải cách, ủng hộ cho những người mị dân, không tham gia bầu cử, phản đối bầu cử, tham gia vào phong trào chính trị cực đoan, sử dụng tùy tiện các phương tiện thông tin đại chúng.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Mc Dill, E. L., & Ridley, J. C., Status, anomia, political alienation, and political participation, American Journal of Sociology, 68 (2), 1962, pp. 205 - 213.
- Olsen, M. E., Two categories of political alienation, Social Forces, 47 (3), 1969, pp. 288 - 299.
- Finifter, Ada W., Dimensions of Political Alienation, The American Political Science Review, 64 (2), 1970, pp. 389 - 410.
- Schwartz, D. C., Political alienation and political behavior, Transaction Publishers, 1973.
- Zimmer, T. A., Local news exposure and local government alienation, Social science quarterly, 64 (3), 1983, pp. 634.
- Dahl, V., Amnå, E., Banaji, S., Landberg, M., Šerek, J., Ribeiro, N.,... & Zani, B., Apathy or alienation? Political passivity among youths across eight European Union countries, European Journal of Developmental Psychology, 15 (3), 2018, pp. 284 - 301.
- Fox, S., Political alienation and referendums: how political alienation was related to support for Brexit, British Politics, 2020, pp. 1 - 20.