Mục từ này cần được bình duyệt
Võ Nguyên Giáp

Võ Nguyên Giáp (1911-2013) nhà báo, nhà chính trị, nhà quân sự, tướng lĩnh nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911, tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, mất ngày 04 tháng 10 năm 2013 tại Hà Nội. Trong hoạt động cách mạng, ông còn có các bí danh: Võ Giáp, Dương Hoài Nam, Hưng, Chiến và đặc biệt là Văn do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt. Trong khi viết sách, làm báo, ông còn có các bút danh: Vân Đình, Hải Thanh, Hồng Nam, Chính Nghĩa...

Từ năm 1927, sau khi bị trường Quốc học Huế đuổi học vì tham gia tổ chức bãi khóa để phản đối việc nhà trường đuổi học những học sinh yêu nước, ông đã đi làm báo và gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng, tham gia tổ chức Việt Nam Cộng sản Liên đoàn, sau đổi thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn - một bộ phận hợp thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối tháng 10.1930, ông bị chính quyền thực dân bắt, kết án hai năm tù, nhưng được thả sau một năm. Ra tù, ông ra Hà Nội, vào học trường Anbe Sarô lấy bằng tú tài, rồi tiếp tục vừa học Trường Luật của Đại học Đông Dương, vừa dạy môn Sử học ở Trường tư thục Thăng Long. Ông trở thành một trong những người lãnh đạo phong trào cách mạng thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936 - 1939.

Cuối năm 1941, ông là người phụ trách công tác quân sự của Đảng. Ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ông thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945, ông tham gia Ủy ban Giải phóng dân tộc, là Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân - lực lượng vũ trang thống nhất của cách mạng. Trong Kháng chiến chống thực dân Pháp, ông là Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Bí thư Tổng Quân ủy, Bộ trưởng Quốc phòng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, được phong quân hàm Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam tháng 01 năm 1948. Ông là người trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từ sau Hiệp định Genève về đình chỉ chiến tranh ở Đông Dương được ký kết (ngày 20 tháng 7 năm 1954) đến tháng 01.1980, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 02 năm 1980, ông được chuyển sang làm Phó thủ tướng phụ trách Khoa học – Kỹ thuật, kiêm nhiệm Chủ tịch Ủy ban quốc gia Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch, một trách nhiệm được cơ cấu gắn với Phó thủ tướng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật. Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, năm 1982, ông thôi tham gia Bộ Chính trị nhưng vẫn là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ. Ông nghỉ hưu năm 1991, ở tuổi tám mươi. Ông từ trần vào hồi 18 giờ 9 phút ngày 04 tháng 10 năm 2013, ở tuổi đại thọ một trăm linh ba. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, hai huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Hoạt động báo chí của Võ Nguyên Giáp bao gồm bốn giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất, từ khi ông viết bài báo đầu tiên “À bas la tyranneau du Collège Quốc học” (Đả đảo tên tiểu bạo chúa ở trường Quốc học) khi còn là học sinh trung học, được tờ L’Annam do Phan Văn Trường làm Chủ nhiệm, xuất bản bằng tiếng Pháp ở Sài Gòn đăng tải dưới tên đã được sửa lại: “Huế: Chế độ quái lạ ở một trường trung học” đến khi bị bắt, cuối năm 1930. Thời gian này ông làm việc ở tòa soạn báo Tiếng dân, từ người biên dịch tin tức trở thành cây viết bình luận, trực tiếp phụ trách mục Thế giới thời đàm của Tiếng dân với các bút danh: Hải Thanh, Vân Đình.

Giai đoạn thứ hai, từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939) đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong thời gian này, ông vừa viết báo, vừa làm công tác vận động, xây dựng lực lượng cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ông tham gia mua tờ Hồn trẻ để xuất bản dưới danh xưng Hồn trẻ tập mới (06 tháng 6 năm 1936 đến 27 tháng 8 năm 1936); đồng sáng lập và biên tập viên chính tờ Le Travail (16 tháng 9 năm 1936 đến 16 tháng 4 năm 1937); tham gia thành lập và chủ trì xuất bản báo Notre Voix (01.01.1939 đến 25.8.1919); tham gia chỉ đạo các báo Rassemblement!, En Avant!, tham gia biên tập, viết bài cho các tờ báo tiếng Việt do Xứ ủy Bắc Kỳ chủ trương như: Hà thành thời báo, Tin tức, Dân chúng, Đời nay, Thế giới, Ngày mới, Người mới... Ông không chỉ viết bài mà còn lên kế hoạch, biên tập, trình bày, đưa báo đi nhà in, tổ chức phát hành báo. Ông viết nhiều, liên tục, bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp, với nhiều thể loại từ tin tức, bình luận, xã luận, chuyên luận. Báo Notre Voix xuất bản được ba mươi hai số thì ba mươi số có bài của ông, trong đó có số đến hai, ba bài, không ít bài dài đăng liền trên hai - bốn số báo.

Cũng trong thời gian này, ông (bút danh Vân Đình) đã cùng với Trường Chinh (bút danh Qua Ninh) viết xong và xuất bản hai tập đầu của tác phẩm Vấn đề dân cày dự kiến là ba tập. Ông còn hoàn thành cuốn Lược sử Cách mạng Pháp nhưng chưa kịp xuất bản. Không chỉ làm báo, ông còn tích cực tham gia công tác vận động trong báo giới. Năm 1937, ông được Hội nghị Báo giới Bắc Kỳ cử làm Chủ tịch Ủy ban báo chí.

Từ cuối năm 1939, Chính quyền thực dân ra sắc lệnh cấm Đảng Cộng sản Đông Dương và mọi hình thức báo chí của Đảng, ông là người cung cấp thông tin cho mục Tin tức của báo Giải phóng, cơ quan của Xứ ủy Bắc Kỳ; theo dõi, phân tích các thông tin trên báo chí về tình hình quốc tế, trong nước để chuyển cho Xứ ủy; tham gia viết bài cho các tờ báo của Đảng và Mặt trận Việt Minh như: Việt lập, Nước Nam mới.

Giai đoạn thứ ba, từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến năm 1980, khi ông thôi giữ chứ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong suốt ba mươi lăm năm giữ các trọng trách trong Đảng và quân đội, ông vẫn thường xuyên viết bài cho các báo, tạp chí như: Sự thật, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Sinh hoạt nội bộ, Vệ quốc quân, Quân du kích, Quân chính tập san, tạp chí Học tập... Với trách nhiệm thay mặt Trung ương Đảng chỉ đạo về quân sự, là người chỉ huy cao nhất của quân đội chính quy và toàn bộ lực lượng vũ trang cách mạng, ông viết hàng trăm bài báo, tập trung vào chủ đề về quân sự và hoạt động của các lực lượng vũ trang. Các bài báo của ông thể hiện trực tiếp quan điểm, đường lối quân sự của Trung ương Đảng, đồng thời chính là những yêu cầu, định hướng cho các cấp ủy, chính quyền địa phương, những mệnh lệnh chiến đấu cho các lực lượng vũ trang, bao gồm quân đội và dân quân, du kích. Nhiều bài viết của ông đi sâu nghiên cứu tổng kết về đường lối quân sự của Đảng, sự lãnh đạo của Đảng với các lực lượng vũ trang nhân dân và chiến tranh cách mạng; tổng kết về truyền thống đánh giặc giữ nước và tư tưởng quân sự của Việt Nam.

Giai đoạn thứ tư, từ năm 1980 cho đến cuối đời. Đóng góp lớn nhất của ông trong giai đoạn này là những báo báo về tư tưởng Hồ Chí Minh. Tại Hội nghị quốc tế “Hồ Chí Minh - Việt Nam - Hòa bình thế giới”, tổ chức ở Calcutta, Ấn Độ, ngày 14 tháng 01 năm 1991, ông khẳng định “Thế giới sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi”. Những bài nghiên cứu của ông như:“Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Một số nội dung tư tưởng nhân văn, đạo đức, văn hóa Hồ Chí Minh”, v.v. được tiếp tục đăng tải trên Tạp chí Cộng sản trong những năm 1996 - 1997 đã góp phần làm sáng rõ hơn nội dung, ý nghĩa to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vượt ra ngoài biên giới quốc gia để giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Võ Nguyên Giáp có cuộc đời viết báo hơn tám mươi năm, từ khi mới là cậu học trò mười sáu tuổi đến khi đã trở thành một vị đại tướng, một chính trị gia lừng danh cả trong và ngoài nước với tuổi đời hơn một thế kỷ. Ông là một cây bút chính luận xuất sắc, để lại dấu ấn không thể phai mờ trọng lịch sử báo chí Việt Nam thế kỷ XX.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Alain Ruscio: Võ Nguyên Giáp – Một cuộc đời, Nxb CTQG Sự thật, H., 2011.
  2. Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và cách mạng Việt Nam: Võ Nguyên Giáp tiểu sử (PGS.TS. Phạm Ngọc Anh chủ biên), Nxb CTQG Sự thật, HN, 2019.
  3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký, in lần thứ hai, Nxb QĐND, HN, 2010.
  4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những bài viết và nói chọn lọc thời kỳ đổi mới, Nxb CTQG Sự thật, HN, 2001.
  5. Nhiều tác giả: Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, HN, 2010.
  6. Nguyễn Thành: Hoạt động báo chí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nxb LLCT, HN, 2005.
  7. Tạ Ngọc Tấn: Võ Nguyên Giáp - vị tướng, nhà lãnh đạo ở tầm cao chiến lược, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 10, 2013.