Việt Nam độc lập báo, cơ quan của Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng, nơi đặt Căn cứ địa cách mạng ở Việt Bắc.
VNĐL do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chỉ đạo và trực tiếp tổ chức xuất bản (viết tin, bài, trình bày, tạo công cụ in ấn rồi phát hành, cổ động quần chúng đọc báo, làm theo…) ngay sau Hội nghị Trung ương tháng 5 năm 1941. Số đầu tiên ra ngày 01 tháng 8 năm 1941, được đánh số 101 với ý nghĩa kế tục sự nghiệp báo chí cách mạng trước đó. Xã luận Báo VNĐL số 01 nêu rõ chủ trương: “cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng tự do”.
Mỗi tháng VNĐL ra ba kỳ, mỗi kỳ hai trang, khổ 20 cm x 30 cm, mỗi trang đăng từ hai đến ba tin bài, dài nhất không quá ba trăm chữ. Báo ít mục, kiệm lời, có tranh minh họa, sử dụng rộng rãi các thể loại văn vần (lục bát, song thất lục bát, vè bốn chữ…) dễ học thuộc, nhớ lâu và phù hợp với trình độ quần chúng ở vùng dân tộc ít người và thuận tiện cho việc truyền miệng. Nghĩa là người không được học nhiều và cả người không biết chữ khi được nghe cũng hiểu, hiểu rồi là dễ làm theo.
Bên trái măng-sét của VNĐL là tên báo, số báo, tên địa phương; bên phải là một câu ca dao hoặc một câu ngạn ngữ thể hiện thông điệp của số báo. Như “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng!” kêu gọi đoàn kết để đánh Pháp, đuổi Nhật.
VNĐL in đá khoảng bốn trăm đến sáu trăm bản mỗi số trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, bí mật. Có khi báo phải đăng tin xin lỗi độc giả, do không có giấy ra báo (số 182, ngày 01 tháng 12 năm 1943).
Đến tháng 8 năm 1942 VNĐL ra được trên ba mươi số, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ra nước ngoài công tác, đồng chí Phạm Văn Đồng được phân công trực tiếp chỉ đạo tờ báo đến tháng 4 năm 1945. Phong trào Việt Minh phát triển mạnh, VNĐL từ số 129 ra ngày 21 tháng 6 năm 1942, là của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, rồi từ số 187, ra ngày 30 tháng 1 năm 1944 là của ba tỉnh Cao-Bắc-Lạng. Lúc đầu cơ quan báo đặt ở Khuổi Nậm, sau chuyển về vùng núi đá Lam Sơn, Hòa An. Báo tồn tại đến sau Cách mạng tháng Tám, số cuối cùng lưu trữ được ra ngày 10 tháng 12 năm 1945, tuyên truyền cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa I. Trong cuốn sách Báo Việt Nam độc lập 1941 -1945 của Bảo tàng cách mạng Việt Nam đã tập hợp được một trăm năm mươi sáu số báo VNĐL và thông tin cho biết còn thiếu mười lăm số (nghĩa là tổng cộng có một trăm bảy mươi mốt số báo VNĐL).
Các bài đăng trên VNĐL luôn luôn chĩa mũi nhọn vào kẻ thù chính của dân tộc là phát xít Nhật - Pháp và bọn tay sai, tố cáo những tội ác dã man của chúng. Tờ báo cũng cổ động mọi tầng lớp nhân dân tham gia các hội Cứu quốc như: Nông dân Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc… VNĐL còn chú trọng đem những bài học lịch sử ra giáo dục cho đồng bào như: “Chị em ta nên kỷ niệm Hai Bà Trưng” (số 154, ngày 01 tháng 3 năm 1943), “Kỷ niệm Trần Hưng Đạo” (số 160, ngày 01 tháng 5 năm 1943, “Kỷ niệm Nghệ An đỏ” (số 175, ngày 21 tháng 9 năm 1943), “Kỷ niệm khởi nghĩa Bắc Sơn” (số 178, ngày 21-10-1943)…
VNĐL cũng thường có các bài phân tích về tình hình và nhiệm vụ cách mạng, giúp cho cán bộ và nhân dân hiểu đúng và hành động đúng với chủ trương của Đảng. Xung quanh cuộc đảo chính của Nhật ngày 09 tháng 3 năm 1945 báo viết: “Trên trường chính trị Đông Dương, đoàn thể Việt Minh và dân chúng Đông Dương chỉ có một kẻ thù là quân phát xít Nhật và tất cả lực lượng và mũi tên của người ái quốc Việt Nam hoàn toàn chĩa vào kẻ thù duy nhất ấy là quân phát xít Nhật” (Bài Một sự chuyển biến to ở Đông Dương: Phát xít Nhật triệt người Pháp, số 208, ngày 13 tháng 3 năm 1945). Báo cũng hướng dẫn, xác định rõ quan điểm của cách mạng: “Đối với người Pháp có ý chống Nhật và bị Nhật khủng bố chúng ta phải tỏ lòng thân thiện và họ muốn bắt tay với chúng ta đánh Nhật thì chúng ta vui lòng bắt tay” (Bài Thái độ của chúng ta đối với người Pháp, số 208).
Trong Tổng khởi nghĩa VNĐL đã đăng lời hiệu triệu đồng bào ngay trên trang đầu: “Hỡi hết thảy đồng bào! Hỡi những ai yêu nước thương nòi! Hãy mau hưởng ứng Việt Minh dưới ngọn cờ đỏ chỉ đạo sao vàng năm cánh, mau đứng lên Cướp chính quyền thành lập một Chính phủ Lâm thời Nhân dân hết sức rộng rãi trên nền tự do Tân dân chủ.
Lúc này ai còn do dự là có tội với quốc dân. Chúng ta phải tự quyết định sự giải phóng của chúng ta”(Bài Giờ khởi nghĩa đã đến, VNĐL số 226, ngày 20 tháng 8 năm 1945)
Cùng với các số báo chính, VNĐL còn ra họa bản tuyên truyền (Họa bản số một, ngày 25 tháng 5 năm 1945; họa bản số hai, ngày 25 tháng 6 năm 1945; họa bản số ba, tháng 7 năm 1945 ghi: “Quân đội Mỹ là bạn ta/Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh. Ai cứu được phi công Mỹ, đoàn thể Việt Minh trọng thưởng”).
VNĐL đã theo sát sự phát triển của phong trào Việt Minh để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn và định hướng dư luận, tích cực góp phần vào việc tập hợp lực lượng và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng.
VNĐL là tờ báo xuất bản bí mật ra được nhiều số, đứng thứ hai sau tờ Thanh Niên (hai trăm linh tám số) cũng do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập năm 1925 ở Quảng Châu.
Tài liệu tham khảo:[sửa]
- Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2004.
- Vũ Châu Quán, Bác Hồ với báo Việt Nam độc lập, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008.
- Nguyễn Thành, Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận Chính trị (tái bản), Hà Nội, 2005.
- Bảo tàng cách mạng Việt Nam, Báo Việt Nam độc lập 1941-1945, Nxb Lao động,Hà Nội, 2000.
- Đỗ Hoàng Linh, Nguyễn Thu Hằng, Đỗ Xuân Tuất (biên soạn), Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015.