Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm tại phổi, căn nguyên rất đa dạng. Hầu hết viêm phổi do nhiễm trùng như vi khuẩn, nấm, virus, đơn bào, kí sinh trùng. Viêm phổi cũng có thể do căn nguyên không phải nhiễm khuẩn như hít, sặc thức ăn, chất lỏng. Viêm phổi thường là biến chứng của một tình trạng bệnh lý trước đó hoặc xuất hiện thứ phát sau tình trạng suy giảm miễn dịch hệ thống.
Mô tả[sửa]
Giải phẫu của phổi: Hệ thống hô hấp ở người bắt đầu từ mũi và miệng nơi mà không khí đi vào và đi ra. Phần đường thở ở mũi gọi là tỵ hầu. Phần đường thở ở miệng gọi là khẩu hầu. Tỵ hầu và khẩu hầu đổ vào thanh quản. Thanh quản được đậy lại bởi nắp thanh môn. Nắp thanh môn giúp ngăn các chất được nuốt không rơi vào thanh quản và phổi.
Đoạn tiếp theo của thanh quản là khí quản. Khí quản được chia nhánh thành phế quản gốc phải và phế quản gốc trái. Mỗi một phế quản gốc đó lại chia thành nhiều phế quản nhỏ tới khắp nhu mô phổi. Mỗi phế quản được chia thành các ống nhỏ hơn nữa tới tiểu phế quản tận. Ở tận cùng của tiểu phế quản tận là các túi nhỏ chứa khí, chúng được gọi là phế nang, đây là nơi diễn ra quá trình trao đổi khí.
Chức năng của hệ thống hô hấp: Chức năng chính của hệ thống hô hấp là trao đổi khí. Khí hít vào chứa oxy tới phế nang. Khí oxy từ phế nang đi vào hệ thống tuần hoàn và được hồng cầu đưa khắp cơ thể. Khí oxy được hấp thu và được trao đổi với khí carbonic là sản phẩm thải ra từ quá trình chuyển hóa trong cơ thể.
Hàng rào bảo vệ hệ thống hô hấp: Phổi của người khỏe mạnh không có vi khuẩn hoặc virus trú ngụ. Có rất nhiều hàng rào bảo vệ hệ thống hô hấp. Chúng ngăn cản mầm bệnh xâm nhập và gây bệnh.
Hàng rào đầu tiên là hệ thống lông vùng mũi, chúng hoạt động như bộ lọc các hạt bụi có kích thước lớn. Nắp thanh môn ngăn thức ăn và các chất nuốt rơi vào thanh quản và khí quản. Ho và hắt hơi là phản xạ tống các vật, bụi, khí xâm nhập vào đường hô hấp.
Chất nhày được sản xuất khắp hệ thống hô hấp cũng giúp bắt lại bụi bẩn và vi sinh vật gây bệnh. Các lông nhỏ (nhung mao) trên bề mặt các tế bào lót lòng đường thở chuyển động liên tục loại bỏ các mảnh vụn nhầy ra khỏi đường thở. Các tế bào lót lòng đường thở còn tạo ra các chất miễn dịch chống lại nhiều mầm bệnh khác nhau.
Các yếu tố dễ gây viêm phổi: Khi một người tiếp xúc với số lượng đủ lớn mầm bệnh và có thêm các yếu tố nguy cơ dưới đây thì có nguy cơ mắc viêm phổi cao: Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động đều ảnh hưởng đến chức năng của nhung mao, đồng thời ức chế chức năng của đại thực bào, làm suy yếu hàng rào bảo vệ. Đột quỵ não, co giật, rượu và nhiều loại thuốc khác ảnh hưởng tới chức năng của nắp thanh môn, bệnh nhân dễ hít phải các chất nuốt hoặc hít phải dịch dạ dày, đồng thời ảnh hưởng đến phản xạ ho, làm giảm đào thải dị vật, bụi ra khỏi đường thở.
Nhiều loại virus ảnh hưởng tới chức năng nhung mao, cho phép chúng hoặc các mầm bệnh khác (ví dụ như vi khuẩn) có thể xâm nhập vào đường hô hấp dưới. Một trong những virus quan trọng nhất là HIV (virus gây suy giảm miễn dịch ở nguời).
Viêm phổi đôi khi xuất hiện trên nền bệnh ung thư. Bản thân ung thư và tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư đều gây tổn thương phổi hoặc suy yếu hệ thống miễn dịch dẫn tới tăng tỷ lệ mắc viêm phổi.
Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi ở bệnh nhân ung thư là: điều trị phóng xạ, điều trị hóa chất, phẫu thuật, giảm các tế bào bạch cầu, sử dụng kháng sinh, sử dụng thuốc steroids, suy dinh dưỡng, hạn chế vận động, cắt lách suy giảm hệ thống miễn dịch
Nhiều bệnh mạn tính khác làm cho dễ mắc bệnh viêm phổi bao gồm: hen phế quản, xơ hóa kén, khí phế thũng, đái tháo đường, bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, u lympho ác tính, bệnh lý thần kinh cơ gây ảnh hưởng tới chức năng nắp thanh môn. làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi. ..
Các điều kiện khác làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi bao gồm: bất thường cấu trúc giải phẫu, đặc biệt là lồng ngực hoặc phổi, tuổi cao và suy giảm miễn dịch, các yếu tố di truyền và liên quan tới các thay đổi trong DNA, suy dinh dưỡng.
Dịch tễ[sửa]
Viêm phổi là bệnh phổ biến, ảnh hưởng khoảng 450 triệu người trên khắp toàn cầu. Đây là căn bệnh gây tử vong ở mọi nhóm tuổi với số ca lên đến 4 triệu người, chiếm 7% dân số thế giới mỗi năm. Tỉ lệ này lớn nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, và người già hơn 75 tuổi. Viêm phổi xuất hiện nhiều gấp 5 lần ở các nước đang phát triển so với các nước phát triển. Số ca viêm phổ do virus chiếm khoảng 200 triệu. Ở trẻ em, ước tính trong năm 2008, trên toàn thế giới có khoảng 156 triệu trẻ em bị viêm phổi (151 triệu ở các nước đang phát triển và 5 triệu ở các nước phát triển). Năm 2010, nó làm 1,3 triệu trẻ tử vong, hay 18% tổng số ca tử vong đối với trẻ dưới 5 tuổi, trong đó 95% xảy ra ở các nước đang phát triển, Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong quan trọng nhất ở trẻ em ở các nước có thu nhập thấp. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính cứ một trong 3 trẻ sơ sinh chết vì viêm phổi.
Nguyên nhân[sửa]
Nguyên nhân gây viêm phổi rất nhiều bao gồm hầu hết các nhóm mầm bệnh gây nhiễm trùng: virus, vi khuẩn, mầm bệnh giống vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Một vài mầm bệnh thường mắc ở những nhóm tuổi đặc biệt. Hơn nữa, một vài đặc điểm cá thể làm họ dễ mắc một số mầm bệnh nào đó như:
- Virus gây ra hầu hết các ca viêm phổi ở trẻ em (đặc biệt là do virus hợp bào hô hấp, virus cúm, á cúm và adenovirus)
- Người lớn thường mắc viêm phổi do vi khuẩn (như Streptococcus pneumoniae, Haemophylus influenza và Staphylococcus aureus).
- Viêm phổi ở trẻ lớn và người lớn trẻ tuổi thường do mầm bệnh giống vi khuẩn Mycoplasma pneumonia
- Viêm phổi do Pnenumocystic carinii (gọi là viêm phổi PCP) là nguyên nhân gây viêm phổi quan trọng ở người suy giảm miễn dịch (Thường ở bệnh nhân ung thư đang điều trị hóa chất hoặc người bị AIDS). Nó được coi là ký sinh trùng nhưng liên quan với nấm nhiều hơn.
- Những người tiếp xúc với phân chim như các công nhân nuôi gia cầm có nguy cơ mắc viêm phổi do Clamydia Psittaci.
Các vi khuẩn khác gây viêm phổi đặc biệt là trong bệnh viện bao gồm Klesiella, Pneudomonas Aeruginasa, Enterobacter species, Proteus species, Escherichia coli, và các vi khuẩn gram âm khác. Các chủng vi khuẩn kỵ khí có thể bị hít vào phổi ở người già do các bệnh lý liên quan tới tuổi (như sử dụng thuốc an thần, các bệnh lý thần kinh) và gây viêm phổi. Haemophylus influenza là vi khuẩn thường gây viêm phổi ở người mắc bệnh viêm phế quản mạn tính.
Viêm phổi do hóa chất ít gặp. Viêm có thể do bệnh nhân hít phải dịch, chất hoá học, bụi, khí độc. Một số hóa chất chỉ gây hại cho phổi, nhưng một số khác có thể ảnh hưởng tới các cơ quan khác ngoài phổi. Viêm phổi cũng có thể do hít phải các chất dịch từ đường tiêu hoá, dịch vị dạ dày và các enzyme có thể gây phá huỷ nhu mô phổi.
Một nửa số trường hợp viêm phổi là do virus bao gồm: virus cúm, á cúm, adenovirus, rhinovirus, herpes simplex virus, virus hợp bào hô hấp, hantavirus và virus cự bào. Nhiều loại viêm phổi thường nhẹ và chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên viêm phổi do virus cúm có thể nặng, đôi khi gây tử vong.
Các triệu chứng[sửa]
Quá trình viêm phổi xảy ra hiện tượng tăng xuất tiết, đông đặc nhu mô phổi, giảm trao đổi khí nên xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, đau ngực, thở nhanh, khó thở, ho khạc đờm. Đờm có thể kèm theo mủ hoặc máu. Bệnh nhân viêm phổi nặng có thể có suy hô hấp, biểu hiện bằng triệu chứng khó thở dữ dội, tím tái. Đông đặc là một đặc trưng của viêm phổi do vi khuẩn, xảy ra khi các phế nang khi mà bình thường là các khoảng chứa khí trở nên đặc lại do bị lấp đầy bởi dịch và mảnh vụn tế bào.
Viêm phổi do virus và viêm phổi do mycoplasma không gây nên hiện tượng đông đặc. Các loại viêm phổi này chủ yếu tổn thương ở vách phế nang và khoảng kẽ của phổi.
Chẩn đoán[sửa]
Chẩn đoán viêm phổi dựa vào triệu chứng lâm sàng và các dấu hiệu trên cận lâm sàng.
Chẩn đoán cận lâm sàng một số viêm phổi do vi khuẩn được thực hiện thông qua lấy mẫu đờm và nhuộm đờm bằng các hóa chất đặc biệt và quan sát dưới kính hiển vi. Việc định danh loại vi khuẩn cần phải cấy đờm (sử dụng mẫu đờm để nhân lên nhiều vi khuẩn trong đĩa nuôi cấy).
Chụp X-quang ngực có thể phát hiện ra các bất thường liên quan tới viêm phổi. Hình mờ khu trú ở 1 vùng phổi có thể chỉ điểm cho viêm phổi do vi khuẩn, trong khi thay đổi kiểu đám mờ hoặc dải mờ là biểu hiện của viêm phổi do virus hoặc mycoplasma. Tuy nhiên những thay đổi đó có thể chậm hơn so với các triệu chứng thực sự của bệnh nhân.
Bác sĩ có thể thực hiện nội soi phế quản (quan sát trong lòng đường thở qua máy nội soi) hoặc có thể lấy 1 mẫu mô (sinh thiết xuyên thành phế quản) để soi dưới kính hiển vi hoặc nuôi cấy. Nếu tình trạng bệnh nhân tiếp tục xấu dần đi, bác sĩ có thể lấy nhiều mô hơn qua sinh thiết lồng ngực bằng kim hoặc sinh thiết phổi mở để phân tích dưới kính hiển vi hoặc nuôi cấy.
Điều trị[sửa]
Khi bệnh nhân nhập viện vì viêm phổi, chăm sóc hộ lý hết sức quan trọng, cần theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, độ bão hoà oxy máu mao mạch, khuyến khích bệnh nhân hít thở sâu, ho và vận động xung quanh giường bệnh nhằm làm tăng khả năng thông khí.
Trước khi khám phá ra kháng sinh pencillin, viêm phổi do vi khuẩn hầu hết gây tử vong. Ngày nay, điều trị kháng sinh ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao. Erythromycin và tetracycline rút ngắn thời gian hồi phục các triệu chứng của viêm phổi do mycoplasma. Tuy nhiên, chúng không phải luôn luôn loại bỏ được các mầm bệnh đó. Amantadine và acyclovir có hiệu quả trong điều trị viêm phổi do virus
Một loại kháng sinh mới là linezolid (Zyvox) được sử dụng để điều trị viêm phổi do các mầm bệnh kháng với penicillin. Linezolid là dòng thế hệ mới của kháng sinh nhóm oxazolidiones. Một loại thuốc mới khác là ertapenem (Invanz) được báo cáo là có hiệu quả điều trị viêm phổi.
Các biện pháp khác bao gồm bù dịch và các thuốc làm loãng đờm hoặc các thuốc giãn phế quản. Có thể dùng các thuốc ức chế ho, thuốc giảm đau và hạ sốt. Các bệnh nhân nằm viện thường được hỗ trợ oxy, hô hấp liệu pháp và kháng sinh đường tĩnh mạch và truyền dịch.
Tiên lượng[sửa]
Tiên lượng thay đổi theo từng loại mầm bệnh gây nhiễm trùng. Gần như 100% phục hồi sau viêm phổi do Mycoplasma. Viêm phổi do tụ cầu có tỉ lệ tử vong tới 30-40%. Tương tự, nhiễm trùng do vi khuẩn gram âm (thường do viêm phổi do hít phải dịch đường tiêu hóa) có tỉ lệ tử vong là 25-50%. Viêm phổi do Streptococcus là căn nguyên phổ biến nhất gây ra viêm phổi có tỉ lệ tử vong khoảng 5%. Viêm phổi ở trẻ em hoặc những người có tuổi mà có nhiều bệnh mạn tính kèm theo (xơ gan, suy tim xung huyết, có các bệnh làm suy giảm miễn dịch, các loại ung thư, ghép tạng và bệnh nhân AIDS …) thường có nhiều biến chứng.
Cơ hội để hồi phục sớm sau viêm phổi (trong vòng 2-3 tuần) tăng lên nếu viêm phổi được phát hiện sớm, bệnh nhân có sức đề kháng tốt và không có các bệnh kết hợp khác.
Dự phòng[sửa]
Các biện pháp để phòng ngừa viêm phổi bao gồm rửa tay thường xuyên, bỏ thuốc lá và đeo khẩu trang ở môi trường bụi và ẩm mốc. Tiêm phòng cúm hàng năm cho người già hoặc người suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh lý mạn tính như hen phế quản, xơ hóa kén, các bệnh tim, phổi khác, bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh đái tháo đường, bệnh thận và ung thư. Vaccine chống lại phế cầu khuẩn rất hiệu quả và nên được sử dụng cho các bệnh nhân có bệnh lý mạn tính. Bệnh nhân suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao nhiễm trùng Pneumocystis carinii. Nên dự phòng bằng trimethoprim sulfa, pentamidine.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Jacqueline L. Longe, Gale Encyclopedia of Medicine, 5th Edition, Gale Research Inc. p: 4032-4039.
- Fein, Alan, and Grossman, Ronald. Diagnosis and Management of Pneumonia and Other Respiratorv Injections West Islip, NY: Professional Communications, Inc 2006.
- Icon Group International. Pneumonia: Webster’s Timeline History’, 1996 - 2005. San Diego, CA: ICON Group International, Inc., 2009.
- Mays, Thomas Jeft‘erson. Pulmonnr y Consunip tion, Pneu- monia , end Allie l Diseases.s o///ie Loiig.s. New York, NY: General Books LLC, 2009.
- Niederman, Michael S.. ed. Schverc Pneumonici (Lung Biol- ogy in Health ct+id Disease ). London, United Kingdom: Infoi-ma Healthcare, 2005
- Lyseng-Williamson, K. A., and K. L. Goa. “Linezolid: Infants and Children with Severe Gram-Positive Infections.” P‹i‹•‹liu/rir’ Drugs 5 (2003): 419-429
- Ngô Quý Châu. Bệnh hô hấp, Bộ y tế, Nhà xuất bản giáo dục, 2011.