Mục từ này cần được bình duyệt
Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam

Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam là tổ chức sự nghiệp khoa học hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam được thành lập năm 1961, có chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; hợp tác quốc tế; đào tạo sau đại học; tư vấn và dịch vụ trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Trong quá trình phát triển từ Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp đã hình thành 3 viện: Viện Lâm nghiệp, Viện Công nghiệp rừng (1974), Viện Kinh tế Lâm nghiệp (1981); và hợp nhất thành viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam vào năm 1988. Từ năm 2011, Viện được nâng cấp thành Viện hạng đặc biệt.

Trụ sở chính của Viện tại số 46 đường Đức Thắng, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Trang web: www.vafs.gov.vn, Tạp chí của Viện là Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp.

Quá trình phát triển và hoạt động khoa học công nghệ của Viện được chia thành 4 giai đoạn chính: 1961-1971; 1972-1988; 1988-2011; 2011- nay.

Giai đoạn 1961-1971: Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp được thành lập vào năm 1961 thuộc Tổng Cục Lâm nghiệp. Tổ chức gồm các Khoa, phân Viện, trạm trại nghiên cứu và Khối quản lý phục vụ. Mỗi khoa lại gồm các tổ nghiên cứu. Ban đầu đội ngũ cán bộ của Viện chỉ khoảng 50 người. Trụ sở của Viện tại 123 Lò Đúc, Hà Nội. Từ 1965 đến 1971, Viện sơ tán tại Đôn Mục - Đôn Nhân - Lập Thạch, sau về Kim Anh (Vĩnh Phúc).

Kết quả nghiên cứu về Lâm học giai đoạn này đã được tổng hợp thành những công trình kinh điển. Các nghiên cứu về phương thức điều chế rừng, trồng phi lao chống cát bay, xác định đặc điểm cấu tạo, tính chất gỗ, phương pháp diệt mối lây nhiễm cho công trình xây dựng đã thu được kết quả quan trọng để áp dụng vào thực tiễn sau này.

Giai đoạn1972-1988: Hoạt động nghiên cứu của Viện được tách riêng theo ba lĩnh vực thuộc ba viện: Viện Lâm nghiệp, Viện Công nghiệp rừng và Viện Kinh tế Lâm nghiệp. Trụ sở của Viện tại Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội.

Viện Lâm nghiệp: Viện đổi mới tổ chức, hình thành các Bộ môn nghiên cứu và các trung tâm nghiên cứu. Hoạt động nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực giống, kỹ thuật trồng rừng, bảo vệ thực vật, đặc sản rừng, đất rừng, tăng trưởng của rừng tự nhiên, sinh lý thực vật. Viện đã tham gia xây dựng các quy phạm, quy trình cho rừng lá rộng thường xanh, rừng khộp, rừng trên đất phèn và ngập mặn.

Viện Công nghiệp rừng: Được thành lập năm 1974, gồm các khoa, xưởng thực nghiệm, trạm nghiên cứu và các phòng chức năng. Viện triển khai nhiều đề tài nghiên cứu thiết kế, cải tiến, chế tạo các hệ thống cơ giới phục vụ khai thác, vận xuất, vận chuyển và chế biến gỗ; về cấu tạo, tính chất cơ, lý, hóa của tre và gỗ, côn trùng hại gỗ, thuốc bảo quản gỗ.

Viện Kinh tế Lâm nghiệp: Được thành lập năm 1981, gồm các phòng quản lý, phòng nghiên cứu và Đoàn định mức Kinh tế Lâm nghiệp. Viện tập trung nghiên cứu về mô hình Nông Lâm kết hợp, Điều chế rừng; Giá cây đứng và định mức trồng rừng.

Giai đoạn 1988–2011: Ngày 30.8.1988, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 137/HĐBT về việc thành lập Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam trực thuộc Bộ Lâm nghiệp, trên cơ sở hợp nhất ba Viện là Viện Lâm nghiệp, Viện Công nghiệp rừng và Viện Kinh tế Lâm nghiệp. Cơ cấu tổ chức gồm: các phòng nghiên cứu và trung tâm nghiên cứu chuyên đề; các trung tâm khoa học sản xuất lâm nghiệp vùng và đơn vị sản xuất trực thuộc; các phòng nghiệp vụ thuộc Văn phòng Viện.

Kết quả nghiên cứu chính của giai đoạn này là Phân vùng sinh thái trồng rừng, đánh giá tiềm năng đất lâm nghiệp; Đề xuất các giải pháp khôi phục rừng trên đất phèn, đất ngập mặn, đất cát ven biển; Xác định đặc điểm lâm học các kiểu rừng lá rộng thường xanh, giải pháp phục hồi rừng tự nhiên.

Kết quả nghiên cứu chọn giống, nhân giống các loài bạch đàn, keo đã nâng cao năng suất rừng trồng và đưa công nghệ nhân giống mô, hom vào sản xuất. Các nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây lâm nghiệp, xác định tập đoàn cây trồng rừng chủ yếu, xây dựng các quy trình kỹ thuật trồng cây gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ, biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại rừng trồng đã thu được kết quả quan trọng.

Đã nghiên cứu tính chất gỗ cho khoảng 400 loài; cải tiến công cụ, thiết bị phục vụ sản xuất cây giống, trồng và bảo vệ rừng; công nghệ sản xuất ván nhân tạo từ gỗ rừng trồng;một số loại thuốc bảo quản gỗ từ nguyên liệu sinh học.

Đã nghiên cứu định giá, lượng giá giá trị của một số trạng thái rừng tự nhiên và rừng trồng làm cơ sở chi trả dịch vụ môi trường rừng,đề xuất một số giải pháp trong giao đất lâm nghiệp, cơ chế hưởng lợi đối với các hộ lâm nghiệp.

Giai đoạn 2011–nay: Ngày 25.11.2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2099/QĐ-TTg về tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam là tổ chức sự nghiệp khoa học hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cơ cấu tổ chức gồm Ban lãnh đạo Viện, 4 ban chức năng, 7 viện và trung tâm nghiên cứu chuyên đề, 6 viện và trung tâm vùng. Số lượng cán bộ của Viện khoảng 700 người.

Nghiên cứu khoa học Lâm nghiệp trong giai đoạn này tập trung chủ yếu phục vụ thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp. Viện tiếp tục chọn tạo ra các giống keo, bạch đàn có chất lượng gỗ tốt, năng suất cao; các giống Mắcca có năng suất quả cao. Một số loài cây lâm sản ngoài gỗ cũng được đưa vào nghiên cứu, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn, quản lý lập địa bền vững, phòng trừ sinh học các loại sâu, bệnh hại cây trồng rừng.

Đã chế tạo nhà giâm hom cải tiến, đề xuất công nghệ chế biến tạo vật liệu mới ván ép nhiều lớp biến tính, gỗ ép khối, tre ép khối; Xây dựng quy trình công nghệ biến tính, bảo quản gỗ rừng trồng; tạo sản phẩm bio - composite từ phế liệu chế biến gỗ.

Đề xuất khung chính sách phát triển rừng trồng gỗ lớn và cây lâm sản ngoài gỗ; đề xuất giải pháp chính sách đồng quản lý trong bảo vệ tài nguyên rừng. Xác định cơ sở lý luận và thực tiễn về mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh gỗ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Quá trình hình thành và Phát triển. Hà Nội, 2011, 72 tr.
  • Bộ Nông nghiệp và PTNT , Kỷ yếu Hội nghị khoa học và Công nghệ chuyên ngành Lâm nghiệp giai đoạn 2013 – 2018, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2018