Mục từ này cần được bình duyệt
Viện khảo cổ học Việt Nam

viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN, thành lập theo Nghị định số 59/CP ngày 14.5.1968 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Chức năng và nhiệm vụ của VKCH được bổ sung, sửa đổi qua một số lần, lần gần đây nhất theo Quyết định số 181/QĐ-KHXH ngày 13.2.2018 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam như sau:

Về chức năng (trích): VKCH là tổ chức nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản của khảo cổ học, sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch và chính sách xây dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của văn hóa Việt Nam; tổ chức tư vấn và tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về khảo cổ học.

Về nhiệm vụ (trích):

• Nghiên cứu những vấn đề lý luận thực tiễn cơ bản về khảo cổ học Việt Nam và khảo cổ học thế giới; những vấn đề cơ bản, cấp bách về lịch sử dân tộc, lịch sử văn hóa, văn minh Việt Nam nhằm phát huy truyền thống dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

• Phối hợp với các Viện trực thuộc Viện Hàn lâm, các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học của Bộ, ngành, địa phương tổ chức khảo sát, thăm dò, khai quật, sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị các di tích khảo cổ học Việt Nam.

• Kết hợp nghiên cứu với đào tạo trong lĩnh vực khảo cổ học; tham gia đào tạo Đại học, sau Đại học phát triển nguồn nhân lực có trình độ theo yêu cầu của Viện Hàn Lâm và theo đề nghị của các tổ chức, cơ quan ở trong nước và nước ngoài.

• Tham gia thẩm định về mặt khoa học các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn văn hóa theo sự phân công của Viện Hàn lâm.

• Tổ chức hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đào tạo theo quy định của pháp luật.

• Trao đổi thông tin khoa học với các tổ chức, cơ quan ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; quản lý tư liệu, thư viện; xuất bản các ấn phẩm khoa học; phổ biến các kết quả nghiên cứu và truyền bá kiến thức khoa học.

Kể từ năm 1968 đến nay, lịch sử VKCH có thể chia thành hai thời kỳ: trước năm 1968 và từ năm 1968 đến nay.

Thời kỳ trước năm 1968:

Đây là thời kỳ các tổ chức tiền thân của VKCH không thuộc viện Hàn lâm KHXHVN mà là tổ chức khai quật khảo cổ thuộc và do Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quản lý. Thời kỳ này đất nước đang bị chia cắt hai miền, miền Bắc do Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản VN) lãnh đạo chủ trương xây dựng Chủ nghĩa xã hội, tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Tổ chức nghiên cứu khảo cổ học của Bộ Văn hóa thời gian này còn rất sơ khai và đơn giản. Khoảng 1958-1959, bộ phận Bảo tồn Bảo tàng của Bộ do ông Nguyễn Thiệu phụ trách (gồm các nhà quản lý, các nhà văn hóa tài danh như các ông Nguyễn Văn Nghĩa, Đào Tử Khai, Lê Thước, Nguyễn Đỗ Cung, Diệp Minh Châu).

Cũng vào khoảng năm 1958-1959, Bộ Văn hóa nghiên cứu thành lập Bảo tàng Lịch sử VN trên cơ sở cải tạo và nâng cấp Bảo tàng Louis Finot của Pháp.Năm 1960, Bộ Văn hóa ra Quyết định thành lập Đội Khảo cổ học VN lúc đầu trực thuộc BTLSVN, sau đó lại chuyển về trực thuộc Vụ Bảo tồn Bảo tàng có trụ sở đóng tại 22 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Năm 1963, Bộ Văn hóa ra Quyết định số 51-VH/QĐ ngày 8.10.1963 thành lập Đội Khảo cổ có 18 cán bộ chuyên trách công tác nghiên cứu khảo cổ trực thuộc Bộ Văn hóa trụ sở tại 61 Phan Chu Trinh (Hà Nội) để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khảo cổ đang tăng lên. Nhiệm vụ của Đội là tiến hành các cuộc khai quật cứu vớt các di tích khảo cổ đang bị phá hủy bởi các công trình xây dựng nhà máy, đường xá, cầu cống và điều tra quanh khu vực khai quật.

Từ khoảng năm 1964 đến trước năm 1968, Đội dần dần được bổ sung thêm các cán bộ khảo cổ học được đào tạo bài bản hơn từ Liên Xô (PGS.TS Chử Văn Tần), Trung Quốc (PGS.TS Đỗ Văn Ninh, ông Nguyễn Duy Chiếm, PGS.TS Nguyễn Duy Hinh, PGS.TS Lê Xuân Diệm). Công việc nghiên cứu khảo cổ học dần dần rõ nét hơn. Việc nghiên cứu khảo cổ học dần dần không chỉ là khai quật “chữa cháy” mà còn hướng dần tới các chủ đề nghiên cứu khôi phục lịch sử dân tộc Việt Nam. Nếu như nghiên cứu hang Hùm (Yên Bái) là để “chữa cháy” di tích dưới lòng hồ thủy điện Thác Bờ thì việc nghiên cứu phát hiện hang Thẩm Hai, Thẩm Khuyên (Lạng Sơn) là thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản.

Thời kỳ này, các cơ quan quản lý chưa có quy chế về công tác khai quật khảo cổ học cũng như xây dựng hồ sơ và công bố tư liệu khảo cổ học. Tuy nhiên, Đội Khảo cổ vẫn cố gắng có được một vài ấn phẩm khá quan trọng. Những vết tích đầu tiên của thời đại đồng thau ở Việt Nam do Lê Văn Lan, Phạm Văn Kỉnh, Nguyễn Linh nghiên cứu và biên soạn kết quả nghiên cứu của Đội Khảo cổ trong khoảng thời gian năm 1959-1963.

Công trình quan trọng tiếp theo là Một số báo cáo khảo cổ học Việt Nam do Đội Khảo cổ nghiên cứu, biên soạn và trực tiếp xuất bản có lời giới thiệu của Đội trưởng Nguyễn Văn Nghĩa và ông Trần Văn Tư.

Tóm lại, thời kỳ này Đội Khảo cổ với tổ chức đơn sơ, trang thiết bị nghèo nàn nhưng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chức năng của Đội lúc đó chủ yếu là cứu vớt được nhiều di tích, di vật quan trọng khỏi bị phá hủy, phát hiện được nhiều di tích, di vật mới, bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu một số di tích thuộc thời đại đá cũ, thời đại kim khí và đã có các ấn phẩm quan trọng đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam.

Thành tựu đó góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời tiền sử và sơ sử, đóng góp nhiều di vật quý phục vụ việc trưng bày bảo tàng. Thành tựu đó được ghi dấu bằng việc quan tâm các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự chú ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đã giành thời gian thăm các di vật khai quật được ở di chỉ Thiệu Dương năm 1961. Chính Bác Hồ đã ví các hoạt động của Đội khảo cổ học giống như người đi “chữa cháy” ý chỉ là hoạt động rất cần thiết, cấp bách cứu vớt lấy di sản văn hóa dân tộc. Thuật ngữ “khai quật chữa cháy” ra đời trong khảo cổ học sau này chính là như vậy. Năm 1963, Bác Hồ còn cho mở một phòng trưng bày di vật khảo cổ ngay tại Phủ Chủ tịch nước để phục vụ Hội nghị Trung ương Đảng toàn quốc bàn về việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước tiến tới thống nhất đất nước. Bác đã trực tiếp thăm phòng trưng bày bốn lần, động viên và cho một số ý kiến chỉ đạo cũng như dặn dò các nhà khảo cổ học phải giữ gìn thật tốt di vật của tổ tiên để lại.

Năm 1965, Nhà nước đã chủ trương chuyển Đội Khảo cổ từ Bộ Văn hóa sang trực thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Đến năm 1967, theo sự phân công của Bộ Văn hóa, Ban lãnh đạo cũ và một số cán bộ của Đội Khảo cổ ở lại tiếp tục các nhiệm vụ mới, số còn lại được bàn giao toàn bộ về Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam thành lập Đội Khảo cổ mới do GS. Ca Văn Thỉnh làm Đội trưởng, trụ sở làm việc giữ nguyên tại 61 Phan Chu Trinh. Năm 1967, GS.Phạm Huy Thông từ trường Đại học Sư phạm về làm Đội trưởng để chuẩn bị chuyển Đội lên thành Viện.

Ngày 14. 5.1968, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Nghị định 59/CP thành lập VKCH cùng với Viện Ngôn ngữ học và Viện Dân tộc học trực thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) GS.VS Phạm Huy Thông trở thành vị Viện trưởng đầu tiên.

Thời kỳ từ năm 1968 đến nay:

Tính từ năm thành lập 1968 có thể chia các hoạt động của VKCH thành 4 giai đoạn phát triển, mỗi giai đoạn đều có các đặc thù và thành tựu đáng ghi nhận:

Giai đoạn 1968-1978

Đây là giai đoạn đầu tiên của VKCH. Phần lớn thời gian của giai đoạn này nằm trong thời gian cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, giai đoạn gay go, quyết liệt nhất với kết thúc thắng lợi thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam năm 1975.

Ban đầu thành lập, quy mô và cơ cấu tổ chức của Viện còn rất khiêm tốn với khoảng 40 cán bộ. Các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ khi đó gọi là tổ. Có tất cả 10 tổ chuyên môn - nghiệp vụ gồm: Tổ Đá cũ (gồm cả bộ môn Cổ nhân - Cổ sinh), Tổ Đá mới, Tổ Đồng và Sắt sớm, Tổ Phong kiến, Tổ miền Nam, Tổ Khai quật, Tổ Hành chính Quản trị, Tổ Tư liệu, Tổ Tạp chí, Tổ Kỹ thuật. Xây dựng bộ khung tổ chức của Viện thuở sơ khai như thế này là do tài năng mẫn tiệp của GS.VS Viện trưởng Phạm Huy Thông.

Bám sát nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao, trong giai đoạn này VKCH đã xây dựng và tập trung thực hiện nhiệm vụ huy động ”Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” (Thơ Tố Hữu) trong trận đụng đầu lịch sử chống Mỹ. Liên tiếp 3 năm đầu thành lập, với sự lãnh đạo của GS Viện sỹ Viện trưởng Phạm Huy Thông, VKCH đã tập trung thực hiện đề tài cấp Nhà nước Nghiên cứu thời kỳ các vua Hùng dựng nước. Các nhà khảo cổ học đã đi sâu tìm tòi, phát hiện, nghiên cứu và xác lập đầy đủ cơ sở khoa học về các giai đoạn phát triển văn hóa vật chất của thời kỳ Hùng Vương. Một thế trận nghiên cứu khoa học liên cơ quan, liên ngành, đa ngành được mở ra thu hút hầu hết trí tuệ các nhà khảo cổ học, sử học, dân tộc học, cổ nhân học, địa lý học lịch sử, cổ môi trường học, văn hóa dân gian… tham gia nhằm vén đám mây huyền thoại tìm đến cái “lõi của sự thật lịch sử và đưa thời kỳ các vua Hùng dựng nước vào chính sử Việt Nam”.

Kết thúc đề tài, các nhà khoa học đã xác định rõ thời đại các vua Hùng dựng nước là có thật, bác bỏ thuyết phục luận điểm nguồn gốc thiên di của dân tộc Việt Nam, vén đám mây mù huyền thoại để đi đến cái “lõi” sự thật lịch sử của thời kỳ này là 4 giai đoạn văn hóa vật chất phát triển liên tục từ khoảng 2000 năm trước Công nguyên đến khoảng I-II thế kỷ đầu Công nguyên: Đó là phổ hệ văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn ở khu vực Bắc Việt Nam. Sản phẩm của đề tài là 4 tập Hùng Vương dựng nước. Năm 1971, lần đầu tiên, thành tựu nghiên cứu này đã chính thức được đưa vào bộ thông sử quốc gia Việt Nam góp phần xứng đáng vào việc phục vụ công cuộc thức dậy quá khứ 4000 năm vào trận chiến thắng Mỹ thống nhất nước nhà.

Trong giai đoạn đầu tiên này,VKCH còn đẩy mạnh việc nghiên cứu nguồn gốc con người trên đất nước ta. Đó là việc nghiên cứu dấu vết ngươi vượn có công cụ kèm theo ở di tích Thẩm Ồm (Nghệ Tĩnh). Cán bộ Viện đã tham gia phát hiện và sau đó đóng vai trò chủ chốt trong việc nghiên cứu các di tích văn hóa Sơn Vi ở Phú Thọ và hầu khắp các tỉnh miền núi và trung du Bắc Việt Nam.

Một số vấn đề khoa học lớn khác cũng được VKCH quan tâm như sự nảy sinh của nền nông nghiệp sơ khai và vấn đề cách mạng đá mới ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Sau ba năm tập trung nghiên cứu thời đại Hùng Vương, một mặt Viện chủ trương tiếp tục lâu dài công tác nghiên cứu thời đại dựng nước đầu tiên, mặt khác Viện chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu Văn minh Đại Việt, mở đầu cho một chương mới trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam là nghiên cứu khôi phục lịch sử, văn học, cuộc sống của nhiều thế kỷ gần đây bằng sử liệu vật thật.

Năm 1975, gần cuối của giai đoạn đầu tiên, đất nước hoàn toàn thống nhất. Cục diện mới này tạo điều kiện để ngành khảo cổ học có điều kiện vươn tới mọi miền đất nước. Tổ miền Nam của Viện được chuyển làm nòng cốt xây dựng bộ phận khảo cổ học phía Nam thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam vùng Nam Bộ. Viện cũng trực tiếp tiến hành các cuộc nghiên cứu khai quật ở phía Nam như Long Thạnh, Bình Châu thuộc hệ thống văn hóa Sa Huỳnh, Cầu Sắt, Dốc Chùa thuộc hệ thống văn hóa Đồng Nai… góp phần tích cực vào việc tìm hiểu lịch sử và văn hóa Việt Nam trên phạm vi cả nước.

Trong giai đoạn đầu tiên này, VKCH tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dự Hội nghị khoa học về thời kỳ Hùng Vương lần thứ nhất phát biểu nhiều chỉ đạo quan trọng cho giới khảo cổ học. Thăm cuộc khai quật di chỉ Đồng Đậu, Thủ tướng tìm hiểu và trực tiếp chỉ đạo tăng tiêu chuẩn bảo hộ lao động, lương thực, thực phẩm theo tiêu chuẩn cán bộ địa chất cho cán bộ khảo cổ học. Đây là sự khích lệ rất lớn trong điều kiện có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất lúc đó. Tiêu chuẩn bảo hộ và lương thực này đến thời kỳ đổi mới mới chấm dứt. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã biểu dương khen ngợi Viện sau khi kết thúc thắng lợi đợt tập trung nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Kết thúc giai đoạn 10 năm đầu tiên, VKCH vinh dự đón đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội xuống thăm, phát biểu biểu dương: “Khảo cổ học nước ta đã góp phần xác định tính chất và truyền thống của nhân dân Việt Nam. Nó chứng tỏ, trong lĩnh vực của mình, những đức tính cổ truyền của nhân dân Việt Nam là cần cù, dũng cảm, sáng tạo, có sức sống mãnh liệt, có tinh thần tập thể trong lao động và đoàn kết trong chiến đấu chống ngoại xâm.v.v. Do đó, khảo cổ học nước ta tích cực góp phần vào việc đào tạo các thế hệ trẻ, đào tạo những con người Việt Nam mới xây dựng thắng lợi một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và Chủ nghĩa xã hội”.

Giai đoạn 1978-1988

Giai đoạn này, cả nước tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội với rất nhiều khó khăn của thời kỳ quan liêu bao cấp và cuối cùng bước vào thời kỳ đổi mới xây dựng đất nước bắt đầu từ năm 1986. Gần hết giai đoạn này, GS Phạm Huy Thông tiếp tục làm Viện trưởng. Năm 1978, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam ban hành cơ cấu mới của VKCH, theo đó các tổ nghiên cứu đổi tên là Ban, các tổ chức năng nghiệp vụ gọi là Phòng. Năm 1986, GS Phạm Huy Thông nghỉ hưu, VKCH tạm thời khuyết Viện trưởng trong khoảng hơn một năm. Trong khoảng thời gian này, điều hành Viện là hai ông Phó Viện trưởng Hoàng Xuân Chinh và Nguyễn Văn Hảo. Năm 1988, GS. Hà Văn Tấn được cấp trên điều động từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội về làm Viện trưởng. Trên cơ sở các thành tựu của giai đoạn đầu tiên, trong giai đoạn này, VKCH tiếp tục triển khai việc nghiên cứu ngày càng đa dạng hơn, sâu sắc hơn.

Đối với thời đại Đá cũ, Viện đã phối hợp với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nghiên cứu Mái đá Ngườm góp phần xác nhận sự tồn tại kỹ nghệ mảnh tước, góp phần nhận thức rõ hơn về sự đa dạng văn hóa thời kỳ cuối Đá cũ ở bắc Việt Nam và nam Trung Quốc. Tiếp tục phát hiện và khai quật những hang động có vết tích văn hóa Sơn Vi.

Bên cạnh việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu văn hóa Hòa Bình-Bắc Sơn, VKCH đặc biệt chú ý đến việc nghiên cứu làm sáng tỏ các con đường phát triển văn hóa sau văn hóa Hòa Bình-Bắc Sơn với 3 con đường: văn hóa Quỳnh Văn, Cái Bèo và Đa Bút. Đã tổ chức Hội nghị văn hóa Hòa Bình năm 1982. Tập kỷ yếu Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam được Viện xuất bản năm 1989.

Đối với thời kỳ dựng và giữ nước đầu tiên, sau khi xác lập phổ hệ các văn hóa Đông Sơn và tiền Đông Sơn ở khu vực sông Hồng, giai đoạn này chúng ta đã nghiên cứu và tiến lên góp phần xác lập thêm phổ hệ phát triển văn hóa tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Mã và lưu vực sông Lam làm rõ thêm bức tranh đa sắc màu trong buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Ở phía Nam, cán bộ Viện cũng phối hợp với các cán bộ nhiều cơ quan khác tiếp tục nghiên cứu và góp phần nhận thức nguồn gốc văn hóa Sa Huỳnh, nguồn gốc văn hóa Đồng Nai. Phả hệ phát triển của hệ thống hai văn hóa này dần dần được xác lập đầy đủ hơn.

Điểm nhấn của khảo cổ học Lịch sử thời kỳ này là đề tài nghiên cứu Văn hóa Việt Nam 10 thế kỷ sau Công nguyên.

“Chính nhờ chống Hán, Đường mà ta vẫn là ta” là kết luận lớn mà VKCH rút ra sau khi kết thúc việc thực hiện đề tài này. Thành tựu quan trọng đó đã góp phần lý giải thuyết phục cho sự "phục hưng" rực rỡ của văn hóa Đại Việt thế kỷ X- XV.

Cùng với việc triển khai đề tài chống Bắc thuộc. VKCH còn tiến hành điều tra, khai quật nhiều địa điểm quan trọng như Ly Cung (Thanh Hóa), Tam Đường (Thái Bình), điều tra nghiên cứu nhiều chùa tháp có niên đại Lý, Trần, Lê Trung Hưng, Nguyễn, nghiên cứu bãi cọc Bạch Đằng (Yên Giang) lần thứ 5. Cuối giai đoạn này, Viện còn có các hợp tác quốc tế như hợp tác với Bungari khai quật hang Động Cang (Hòa Bình), Mái đá Điều (Thanh Hóa). Khi công cuộc đổi mới bắt đầu từ năm 1986 được đẩy mạnh hơn, Viện đã mở rộng việc hợp tác với Mỹ trong việc nghiên cứu các văn hóa trong thời đại Đá, hợp tác với Nhật Bản tiến hành điều tra khởi động chuẩn bị cho khai quật Làng Vạc, khởi động nghiên cứu thương cảng Việt Nam. Một thời kỳ hợp tác nghiên cứu đa phương sôi động và hiệu quả trong các năm tiếp theo được bắt đầu từ khoảng thời gian này.

Riêng đối với quần đảo Hoàng Sa, để giúp thêm các luận chứng luận cứ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc từ khảo cổ học, ngay từ năm 1979, cán bộ của Viện đã có sách Hoàng Sa quần đảo Việt Nam.

Giai đoạn 1988-1998

Đây là giai đoạn đất nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được nhiều thành tựu lớn về kinh tế, văn hóa và xã hội với vị trí và uy tín ngày càng lớn mạnh trên trường quốc tế. Cơ cấu tổ chức của VKCH giai đoạn này tiếp tục được hoàn thiện hợp lý hơn, đầy đủ hơn. GS. Hà Văn Tấn làm Viện trưởng. Đầu năm 1995, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam ban hành cơ cấu mới của VKCH. Tất cả các Ban được đồng loạt đổi gọi là Phòng. Cùng đó, Viện cũng tách bộ phận Cổ sinh-Cổ nhân tách ra khỏi Ban Đá cũ thành lập Phòng Nghiên cứu Con người và Môi trường cổ. Ban Đá cũ sát nhập với Ban Đá mới gọi là Phòng Nghiên cứu Khảo cổ học thời đại Đá. Lập thêm phòng Khảo cổ học Dưới nước.

Trang thiết bị có sự cải thiện đáng kể với việc viện Khoa học Xã hội Việt Nam trang bị cho VKCH máy phân tích xác định niên đại bằng phương pháp Các bon phóng xạ (C14). Đời sống cán bộ có bước cải thiện rõ rệt. Sau 20 năm thành lập, VKCH bắt đầu đi vào việc đánh giá tổng kết các thành tựu nghiên cứu. Một loạt lĩnh vực chuyên môn được phân tích và tổng kết thông qua hệ thống đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước như: Khảo cổ học Việt Nam thời đại Đá, thời đại Kim khí và khảo cổ học Lịch sử; Quá trình hình thành bản sắc văn hóa Việt Nam; Lịch sử gốm cổ Việt Nam; Môi trường, con người và văn hóa trong bước chuyển từ Cánh tân sang Toàn tân; Thời đại Đá và Kim khí ở các tỉnh miền núi phía Bắc; Các trung tâm sản xuất thủ công thời Tiền sử, Sơ sử Việt Nam...

Trải qua một thời gian dài sửa chữa, bổ sung và điều chỉnh, cuối cùng đến cuối thời kỳ này Viện đã công bố sách Khảo cổ học Việt Nam tập I phần thời đại Đá năm 1998. Đầu năm 2001 bộ sách Khảo cổ học Việt Nam 3 tập in đủ trọn bộ là nguồn tài liệu tham khảo cơ bản cho việc nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy ở các cơ sở nghiên cứu, các trường Đại họcở trong và ngoài nước.Cuốn sách ảnh Trống đồng Đông Sơn do GS Phạm Huy Thông chủ biên được Toyota Foundation tài trợ và in ấn đẹp tại Nhật Bản năm 1990.

Công cuộc điều tra, khai quật khảo cổ học thời kỳ này đã giúp phân lập văn hóa Hà Giang, văn hóa Mai Pha. Đã nghiên cứu các di tích tiền sử ở các đảo ven biển phía Nam như Thổ Chu, Lý Sơn, Hòn Cau. Phối hợp với các nhà khảo cổ học Nhật Bản khai quật di chỉ Làng Vạc. Phối hợp với các nhà khảo cổ học Nhật Bản khai triển việc nghiên cứu một số khu lò gốm sứ, các di tích thương cảng như Vân Đồn, Hội An, Đền Huyện, khai quật lò gốm Gò Sành (Bình Định). Nhờ những cuộc hợp tác quốc tế như vậy, khảo cổ học Việt Nam có điều kiện tiếp cận rộng rãi hơn với các thành tựu khảo cổ học thế giới, các đánh giá nghiên cứu ngày càng khoa học hơn, khách quan hơn.Đã tiến hành khai quật lớn di tích Hoa Lư. Bắt đầu khai quật khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại Hậu Lâu, Bắc Môn và Đoan Môn. Khai quật và phát hiện khu di tích có giá trị lớn Cát Tiên và Đại Lào (Lâm Đồng), điều tra nghiên cứu nhiều đền tháp Chăm-pa…

Giai đoạn này, VKCH đặc biệt vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt giao nghiên cứu đề tài Khảo cổ học Trường Sa-Tây Nguyên-Nam Bộ. Ở quần đảo Trường Sa, cuộc điều tra đợt 1 đã phát hiện các dấu tích đồ gốm Việt có mặt ở đây từ khoảng thế kỷ I, đặc biệt gốm Việt xuất hiện liên tục khoảng từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX-XX. Đó là kết quả rất lớn, bất ngờ của khảo cổ học Việt Nam, qua đó góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam từ rất sớm tại quần đảo Trường Sa.

Ở khu vực Tây Nguyên, một hệ thống hàng chục di tích tiền, sơ sử và lịch sử đã được phát hiện và nghiên cứu. Đã làm rõ và phân lập được thêm văn hóa Biển Hồ. Theo chương trình này, VKCH cũng chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu văn hóa Óc Eo với việc tiếp tục nghiên cứu một số di tích kiến trúc, chú ý hơn đến việc nghiên cứu nguồn gốc văn hóa Óc Eo,diễn biễn của văn hóa Óc Eo thông qua việc tăng cường nghiên cứu các di chỉ cư trú, tăng cường nghiên cứu loại hình và diễn biến đồ gốm.

Giai đoạn 1998-2020

Đây là giai đoạn cả nước tiếp tục tăng cường đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Để hướng tới thế kỷ XXI, Hội thảo khoa học quốc tế “Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam” do VKCH đăng cai tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 2001. Hội thảo đã đánh giá các thành tựu to lớn của khảo cổ học Việt Nam suốt 100 năm qua hướng tới sự phát triển trong thế kỷ tiếp theo với các nhiệm vụ cần chú ý như công tác khảo cổ học dưới nước và công tác khảo cổ học đô thị.

Thời kỳ này, GS Hà Văn Tấn tiếp tục làm Viện trưởng đến năm 2005. Năm 2006-2008 TS Hà Văn Phùng là quyền Viện trưởng, Viện trưởng; năm 2008-2013 PGS.TS Tống Trung Tín là Viện trưởng; năm 2014-2018 PGS.TS Nguyễn Giang Hải là Viện trưởng; năm 2019 TS Nguyễn Gia Đối làm Viện trưởng. Trong thời gian đầu, cơ cấu tổ chức của VKCH được giữ nguyên như thời kỳ trước nhưng bắt đầu hiện thực hóa việc thành lập chính thức bộ phận Khảo cổ học Dưới nước. Theo quyết định số 252/QĐ-KHXH ngày 27.2.2013 của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, VKCH có 7 phòng nghiên cứu: 1/Phòng nghiên cứu thời đại Đá; 2/Phòng nghiên cứu thời đại Kim Khí; 3/Phòng nghiên cứu KCH Lịch Sử; 4/Phòng nghiên cứu Con người và Môi trường cổ; 5/Phòng nghiên cứu Kỹ thuật cổ; 6/Phòng Khảo cổ học Dưới nước; 7/Phòng Xét nghiệm và xác định niên đại; 6 phòng chức năng, nghiệp vụ: 1/Phòng Tổ chức - Hành chính; 2/Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác Quốc tế; 3/Phòng Thông tin - Thư viện; 4/Phòng Vẽ và Phục chế; 5/Phòng Ảnh; 6/Phòng Biên tập - Trị sự.

Cơ cấu tổ chức này dựa trên cơ sở tổ chức Viện từ năm 1968 với việc luôn luôn giữ “xương sống” chuyên môn cơ bản của Viện là 3 bộ phận: khảo cổ học thời đại Đá, khảo cổ học thời đại Kim khí và khảo cổ học Lịch sử. Các bộ phận khác thêm hoặc giảm đều xoay quanh trục chuyên môn cơ bản này. Năm 2011, theo yêu cầu của nhiệm vụ đặc biệt, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành được thành lập trực thuộc VKCH. Năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành của Viện được tách ra trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và sau đó trở thành Viện Nghiên cứu Kinh thành. Biên chế giai đoạn này là 64 cán bộ. Có thể nói đây là thời kỳ VKCH hoàn thiện và phát triển nhất về cơ cấu tổ chức, đông nhất về mặt biên chế. Đến năm 2018, cơ cấu tổ chức trên đây có một số thay đổi lớn. Phòng nghiên cứu thời đại Đá và thời đại Kim khí nhập làm 1 thành phòng nghiên cứu khảo cổ học Tiền sử; phòng nghiên cứu khảo cổ học Lịch sử tách đôi lập thêm phòng Khảo cổ học Đô thị; phòng Khảo cổ học Lịch sử cũ đổi tên thành phòng Khảo cổ học Lịch sử nghệ thuật; phòng Khảo cổ học Dưới nước đổi thành Trung tâm Khảo cổ học Dưới nước; bộ phận Tài chính tách ra khỏi phòng Hành chính nhập vào phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế; bộ phận mẫu vật nhập về phòng Thông tin Thư viện; phòng Ảnh và phòng Vẽ kỹ thuật nhập thành phòng Kỹ thuật và Ứng dụng Công nghệ… (Quyết định số 181/QĐ-KHXH ngày 13.2.2018). Đến năm 2019, Viện trưởng Nguyễn Gia Đối đề nghị Viện Hàn lâm cho phép thay đổi lại cơ cấu tổ chức của Viện theo hướng cơ cấu từ trước tháng 2 năm 2018 trở về trước.

Trên cơ sở những thay đổi to lớn của kinh tế và xã hội đất nước, giai đoạn này VKCH có nhiều thành tựu đột biến lớn trong công tác nghiên cứu cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc kết hợp hài hòa với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.

Đây cũng là giai đoạn VKCH nở rộ hệ thống đề tài cấp Bộ tiếp tục tổng kết nhiều thành tựu nghiên cứu khảo cổ học qua các giai đoạn phát triển. Có thể điểm qua tên một số đề tài như sau: Khảo cổ học Trường Sa - Tây Nguyên, Nam Bộ, Thời đại Kim khí ở vùng núi phía Bắc Việt Nam; Nghiên cứu Hậu kỳ Đá mới ở vùng núi phía Bắc; Nghiên cứu các trung tâm sản xuất thủ công Tiền Sơ sử Việt Nam; Nghiên cứu các thương cảng cổ; Văn hóa Đa Bút và quá trình chiếm lĩnh đồng bằng ven biển Thanh Hóa; Nghiên cứu Răng người cổ; Tiền sử Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc; Di tích kiến trúc gạch cổ Nam Tây Nguyên; Xác định tuổi mẫu gốm cổ Việt Nam bằng phương pháp nhiệt huỳnh quang; Vấn đề hình thành Nhà nước sơ khai; Văn hóa Sa Huỳnh-giao lưu và hội nhập; Các nhóm loại hình nhân chủng ở Việt Nam từ thời đại Đá mới đến thời đại Kim khí và vấn đề nguồn gốc người Đại Việt; Chính lý, nghiên cứu đánh giá giá trị lịch sử-văn hóa của địa điểm khảo cổ học 62-64 Trần Phú (Hà Nội); Hệ thống 7 đề tài đánh giá giá trị lịch sử-văn hóa của các di tích thời đại Đá cũ, thời đại Đá mới, các di tích tiền Đông Sơn, các di tích Đông Sơn, các di tích lịch sử từ thế kỷ I-X, các di tích lịch sử thế kỷ XI-đầu thế kỷ XX ở khu vực Bắc Việt Nam được phát hiện từ năm 1998-2008; Hệ thống 5 đề tài đánh giá giá trị lịch sử-văn hóa của các di tích khảo cổ học Tiền sử, Sơ sử và Lịch sử ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên được phát hiện từ năm 1998 đến năm 2010.

Vào khoảng cuối của giai đoạn này, trong các năm 2018-2020, VKCH tiếp tục tham gia Đề án khoa học công nghệ cấp Quốc gia: Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa(văn hóa Óc Eo Nam Bộ). VKCH đã tiến hành khai quật các địa điểm Linh Sơn Nam, Linh Sơn Bắc, gò Óc Eo, gò Giồng Trôm, gò Giồng Cát… Đã phát hiện nhiều di tích di vật mới, đặc biệt là tìm được các tầng văn hóa phát triển nhiều thời kỳ liên tục góp phần minh chứng nguồn gốc cũng như diễn biến văn hóa từ thời kỳ tiền Óc Eo, qua Óc Eo đến hậu Óc Eo (khoảng đầu Công nguyên đến khoảng thế kỷ XI-XII).

Để thực hiện tốt các Công ước Quốc tế về Di sản và Di sản Thế giới và luật Di sản Văn hóa Việt Nam, Viện đã thực hiện tốt công tác khai quật và xây dựng hồ sơ tư liệu, qua đó góp phần xây dựng và bảo vệ thành công hồ sơ di sản Thế giới Hoàng Thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Tràng An. Xây dựng các hồ sơ khoa học chính là một cấp độ bảo tồn di tích. Theo đó, VKCH có trên 700 bộ hồ sơ bao gồm báo cáo khoa học, bản vẽ, bản ảnh, bản dập, nhật ký khai quật đang được lưu trữ cẩn thận. Hàng loạt hồ sơ khoa học đã được các nhà Bảo tồn học tham khảo phục vụ việc bảo vệ, bảo tồn và trùng tu các di tích.

Vậy là khảo cổ học dưới góc độ của mình đã tham gia mạnh mẽ vào công tác bảo tồn Di sản văn hóa dân tộc. Thực tế, trong những năm qua, VKCH đã góp phần bảo tồn nhiều di sản dân tộc trên các phương diện phát hiện, nghiên cứu, đánh giá giá trị di tích, đề xuất, kiến nghị các cấp độ bảo tồn di tích; xử lý bảo tồn cấp thiết tại chỗ ngay khi di tích được xuất lộ, di dời hoặc bảo quản cấp thiết di tích tại chỗ khi được các cấp có thẩm quyền yêu cầu; Cung cấp các dữ liệu di tích để các nhà Bảo tồn học nghiên cứu xử lý bảo tồn, xây dựng các kế hoạch, nhiệm vụ tôn tạo di tích.

Quá trình phát triển, VKCH đã không ngừng thu hút sự chú ý của các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu khảo cổ học quốc tế tham gia phối hợp nghiên cứu như Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Bỉ, Bungari, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan v.v…, các tổ chức khảo cổ học quốc tế lớn IPPA, SPAFA, Nabunken… Thông qua các tổ chức khảo cổ học và các nhà khoa học quốc tế, Viện đã tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc tế lớn như Hội nghị Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam (2001), Hội nghị Tiền sử Châu Á - Thái Bình Dương (IPPA 2009), 2 Hội nghị tư vấn quốc tế lớn về việc bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long, khảo cổ học Dưới nước, đánh giá giá trị di tích khảo cổ học An Khê…

Theo sát các mốc son khảo cổ học của Viện là các thành tựu ứng dụng khoa học kỹ thuật tự nhiên trong nghiên cứu khảo cổ học. Viện đã có các chuyên gia đầu ngành trong việc nghiên cứu cổ nhân, cổ sinh, các chuyên gia nghiên cứu bào tử phấn hoa. VKCH cũng tích cực xây dựng phòng thí nghiệm phân tích niên đại tuyệt đối bằng phương pháp khoa các bon phóng xạ, nhiệt huỳnh quang.

Tạp chí Khảo cổ học là cơ quan ngôn luận của Viện và toàn ngành. Từ 4 số một năm Khảo cổ học đã tiến tới in 6 số một năm.

Đã tổ chức được 50 Hội nghị Thông báo Khảo cổ học toàn quốc ấn hành được hơn 50 tập kỷ yếu Những phát hiện mới về Khảo cổ học Việt Nam, hàng trăm đầu sách phục vụ công tác nghiên cứu và tuyên truyền khảo cổ học.

Cùng đó, hệ thống sách có giá trị khoa học cao cũng đã được in ấn vừa phục vụ việc quảng bá Di sản vừa phục vụ tốt công tác nghiên cứu khoa học, tiêu biểu là các cuốn sách như Hùng Vương dựng nước (04 tập), Trống đồng Đông Sơn, Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Khảo cổ học Việt Nam (03 tập), Hoàng thành Thăng Long… Cụm công trình Khảo cổ học Tiền sử và Sơ sử Việt Nam của GS. Phạm Huy Thông, Công trìnhTheo dấu các nền văn hóa cổ của GS. Hà Văn Tấn được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Viện cũng là một trung tâm đào tạo sau Đại học. Năm 2010, cơ sở đào tạo sau Đại học của Viện được chuyển thành khoa Khảo cổ học thuộc Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Quá trình phát triển, cơ sở đào tạo của Viện và khoa Khảo cổ học với lực lượng giáo viên chủ yếu là của VKCH đã đào tạo hàng trăm tiến sỹ Khảo cổ học. Hàng trăm tiến sỹ này đều đảm nhận các vị trí quan trọng trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và quản lý ở các cơ quan nhà nước.

Nhà nước ta lần lượt ghi nhận công trạng và tặng VKCH các huân chương và danh hiệu cao quý: Huân chương lao động hạng Nhất năm 1988, Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 1998, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2004, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2012, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2013. Tạp chí Khảo cổ học được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2000. Nhiều thế hệ cán bộ khảo cổ học cũng đã lần lượt nhận được Huân chương Độc lập hạng Nhất (GS. Phạm Huy Thông), hàng chục huân chương Kháng chiến chống Mỹ, Huân chương Lao động, Bằng khen cấp Chính phủ và cấp Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Ở vào thời đại Việt Nam và Thế giới đang tiến mạnh vào cuộc cách mạng 4.0, vào những năm cuối thập kỷ XX của thế kỷ XXI, vì nhiều lý do khách quan, VKCH vẫn đang rất cần rất nhiều cố gắng vượt bậc hơn nữa về điều kiện làm việc, cần có các chiến lược phát triển mạnh hơn nữa sao cho tương xứng và cập nhật với mặt bằng chung của khảo cổ học khu vực và Thế giới để có thể có những đóng góp nhiều hơn, tốt hơn cho công cuộc nghiên cứu lịch sử dân tộc Việt Nam cũng như góp phần hữu hiệu vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa Dân tộc.

Tài liệu tham khảo

1. Đội Khảo cổ, Một số báo cáo về Khảo cổ học Việt Nam, Đội Khảo cổ xuất bản năm 1966, Hà Nội, 1966.

2. Nguyễn Tôn Kiểm, Hà Nguyên Điểm, Những lần được gặp Bác, Tạp chí Khảo cổ học, số 2, 1969.

3. Hoàng Xuân Chinh, Khảo cổ học và tôi cùng tổ chức tiền bối của Viện Khảo cổ học, Tạp chí Khảo cổ học, số 5, 2008.

4. Nguyễn Tôn Kiểm, Tản mạn đôi điều nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Khảo cổ học, Tạp chí Khảo cổ học, số 5, 2008.

5. Tổng Trung Tín, 40 năm Viện Khảo cổ học - 4 chặng đường phát triển, Tạp chí Khảo cổ học, số 5, 2008.

6. Tống Trung Tín, Viện Khảo cổ học Việt Nam 45 năm thành lập và phát triển (1968 - 2013”, trong sách: Viện Khảo cổ học, Hà Nội, 2013.