Mục từ này cần được bình duyệt
Tổng công ty bưu chính Việt Nam

Tổng công ty bưu chính Việt Nam (tên giao dịch quốc tế là Vietnam Post, viết tắt là VNPost) tổng công ty nhà nước, do Nhà nước quyết định thành lập, hạch toán kinh tế độc lập và được Nhà nước giao vốn thông qua Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Hội đồng thành viên VNPT là đại diện chủ sở hữu nhà nước tại VNPost và là Hội đồng thành viên của VNPost. VNPost có trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội. VNPost có nhiệm vụ kinh doanh đa ngành, trong đó dịch vụ bưu chính là ngành kinh doanh chính; bảo đảm cung cấp các dịch vụ bưu chính công cộng theo quy định của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông và các nhiệm vụ bưu chính công ích khác do Nhà nước giao.

VNPost được hình thành trên cơ sở triển khai Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn VNPT (xt.: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 58/2005/QĐ-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2005. Trên cơ sở đó, ngày 01 tháng 6 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 674/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam. Thực hiện Quyết định 674/QĐ-TTg, ngày 15 tháng 6 năm 2007, Bộ Bưu chính Viễn thông đã ban hành Quyết định 16/207/QĐ-TCCB-BBCVT về việc thành lập Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost). Kể từ đây, dù vẫn nằm trong VNPT, nhưng VNPost có pháp nhân riêng, thực hiện tổ chức sản xuất và hạch toán độc lập với khối viễn thông.

Ngày 15 tháng 11 năm 2007, Hội đồng quản trị VNPT đã ra Quyết định số 496/QĐ-TCCB/HĐQT phê duyệt phương án chia tách bưu chính-viễn thông trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Ngày 26 tháng 12 năm 2007, VNPT chính thức công bố Quyết định thành lập VNPost và VNPost chính thức hoạt động theo mô hình mới từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 trên cơ sở thực hiện chia tách bưu chính, viễn thông tại tất cả các bưu điện tỉnh, thành phố và tổ chức lại hoạt động của một số đơn vị bưu chính trước đây.

Trong suốt giai đoạn này, Hội đồng quản trị của VNPT đồng thời là Hội đồng quản trị của VNPost, là đại diện trực tiếp chủ sở hữu Nhà nước tại Tổng công ty.

Cơ cấu quản lý VNPost gồm: 1) Hội đồng quản trị VNPT là đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại VNPost; 2) Ban Kiểm soát VNPT giúp Hội đồng quản trị VNPT kiểm tra, giám sát tính hợp pháp, chính xác và trung thực trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, ghi chép sổ kế toán, báo cáo tài chính, việc chấp hành Điều lệ VNPost; việc chấp hành các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị VNPT, quyết định của Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT trong việc thực hiện chức năng đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại VNPost; 3) Tổng giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.


Tem phát hành chung Việt Nam-Lào: Năm đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào 2012. (Ảnh tư liệu VNPost)

Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của VNPost gồm: 1) thiết lập, quản lý, khai thác và phát triển mạng bưu chính công cộng, cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; 2) cung cấp các dịch vụ công ích khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 3) kinh doanh các dịch vụ bưu chính dành riêng theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 4) kinh doanh các dịch vụ bưu chính, phát hành báo chí, chuyển phát, tài chính, ngân hàng trong và ngoài nước; 5) tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính quốc tế và các dịch vụ khác trong khuôn khổ các điều ước quốc tế trong lĩnh vực bưu chính mà Việt Nam ký kết, gia nhập khi được Nhà nước cho phép; 6) hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông để cung cấp các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin; 7) tư vấn, nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bưu chính.

Các đơn vị thành viên của VNPost gồm: 1) đơn vị hạch toán phụ thuộc có: Bưu điện của các tỉnh, thành phố trong cả nước (tại thời điểm chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại VNPost từ VNPT về Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 11.2012, VNPost có 63 bưu điện tại các tỉnh, thành phố); Công ty Phát hành báo chí Trung ương; Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện; Các đơn vị khác hình thành theo quy định của pháp luật; 2) các công ty do Tổng công ty góp trên 50% vốn điều lệ có: Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh Bưu điện; Công ty cổ phần Tem Bưu chính; Công ty cổ phần In tem Bưu điện; Công ty cổ phần Du lịch Bưu điện; Các công ty khác được hình thành theo quy định của pháp luật; 3) đơn vị sự nghiệp được hình thành theo quy định của pháp luật; Các đơn vị thành viên khác được thành lập theo chiến lược phát triển của VNPost và quy định của pháp luật. Ngoài ra, tại thời điểm chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước vào năm 2012, VNPost còn có các đơn vị: Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Bưu điện (thành lập mới); Công ty vận chuyển đường trục (thành lập mới trên cơ sở tổ chức lại mạng vận chuyển đường trục và dịch vụ kho vận); Công ty Datapost trực thuộc 5 bưu điện tỉnh, thành phố.

Kể từ khi thành lập, VNPost đã nhanh chóng đưa ra hàng loạt chiến lược, giải pháp phát triển; kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; xây dựng thương hiệu mới và đã đạt được kết quả nhất định. Hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính ổn định trong điều kiện biến động của môi trường kinh doanh; mạng lưới cung cấp dịch vụ bưu chính (với các dịch vụ chủ yếu như dịch vụ bưu phẩm, dịch vụ bưu kiện, dịch vụ phát hành báo chí, dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ tiết kiệm bưu điện, dịch vụ bưu chính ủy thác, Datapost, bưu phẩm không địa chỉ, đại lý bảo hiểm, đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông tại giao dịch, phát triển thuê bao viễn thông, bán thẻ viễn thông, thu cước viễn thông,…) vừa đảm bảo phát triển về số lượng, vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Với tư duy kinh doanh hướng tới khách hàng, ý thức kinh doanh tự chủ, linh hoạt, VNPost đã đẩy mạnh phương thức bán hàng tại địa chỉ của khách hàng, phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, chú trọng đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại hóa mạng lưới bưu chính để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ. VNPost có khả năng tạo ra được lợi thế cạnh tranh, có khả năng tạo ra năng suất và chất lượng cao hơn đối thủ cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần lớn, tạo ra thu nhập cao và phát triển bền vững.

Đặc biệt, năm 2009, lần đầu tiên Việt Nam đạt giải Nhì và năm 2010, lần đầu tiên Việt Nam đạt giải Nhất Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU. Ngày 28.7.2009, VNPost ký hợp đồng và chính thức trở thành thành viên của cộng đồng mạng thanh toán điện tử (Eurogiro) để cung cấp dịch vụ trả tiền quốc tế bằng tiền mặt tại các bưu cục trên cả nước. Năm 2010, VNPost phát hành đặc biệt Bộ Tem kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2011, VNPost lần đầu tiên triển khai thống nhất mẫu biểu trưng thương mại, là tiền đề để xây dựng hoàn thiện hệ thống nhận diện thương hiệu VNPost trên toàn mạng lưới và đến cuối năm 2012, lần đầu tiên VNPost có nhận diện thương hiệu của chính mình (“Vietnam Post-Delivering more”). Bưu điện Việt Nam-gửi trọn niềm tin là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt chiến lược phát triển thương hiệu của VNPost.

Trong năm 2011, Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện sáp nhập với Ngân hàng Liên Việt thành thương hiệu Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), tạo điều kiện cho VNPost đẩy mạnh phát triển dịch vụ tài chính bưu điện rộng khắp trên toàn quốc. Cũng trong năm 2011, VNPost phối hợp với Bảo hiểm Việt Nam bắt đầu triển khai thí điểm việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua hệ thống bưu điện trên toàn quốc một cách chuyên nghiệp, đồng loạt, nhanh chóng, chính xác, linh hoạt, và ít rủi ro, được đánh giá là bước đi tích cực trong công cuộc hiện đại hóa, minh bạch hóa công tác dịch vụ tài chính công nói chung, công tác chi trả lương hưu, bảo hiểm xã hội nói riêng. Cũng trong năm 2011, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện được trao giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2011; Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh Bưu điện được Liên minh Bưu chính thế giới trao Giải Bạc về chất lượng dịch vụ. Ngày 16.11.2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1746/QĐ-TTg chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại VNPost từ VNPT về Bộ Thông tin và Truyền thông (theo đề án của Bộ), theo đó, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) được đổi tên thành Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) (xt.: Bưu điện Việt Nam).

Qua hơn năm năm phát triển, quán triệt và thực hiện chủ trương chiến lược của Nhà nước: “Bưu chính, viễn thông Việt Nam trong mối liên kết với tin học, truyền thông, tạo thành cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia, phải là một ngành mũi nhọn, phát triển mạnh hơn nữa, cập nhật thường xuyên công nghệ và kỹ thuật hiện đại,…. góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước và nâng cao dân trí”, VNPost luôn giữ vững và phát huy vai trò chủ lực về mạng lưới Bưu chính chuyển phát của đất nước, đảm bảo cung ứng tốt các dịch vụ bưu chính công ích, củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển thêm các dịch vụ mới, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của VNPT, Bộ Bưu chính Viễn thông, ngành Bưu điện nói riêng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 158/2001-QĐ-TTg ngày 18.10.2001 phê duyệt Chiến lược phát triển Bưu chính-Viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
  2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 58/2005/QĐ-TTg ngày 23.3.2005 về việc phê duyệt đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
  3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 236/2005/QĐ-TTg ngày 26.9.2005 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển Bưu chính Việt Nam đến năm 2010.
  4. Bộ Bưu chính Viễn thông, Quyết định số 16/2007/QĐ-BBCVT ngày 15.6.2007 về việc thành lập Tổng công ty Bưu chính Việt Nam.
  5. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 674/QĐ-TTg ngày 01.6.2007 phê duyệt Đề án thành lập Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam.
  6. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 16.11.2012 chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về Bộ Thông tin và Truyền thông.
  7. Bùi Xuân Phong, Quản trị doanh nghiệp Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam trong quá trình tái cấu trúc, tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế và Kinh doanh, Tập 29, số 3 (2013), tr.18-25.
  8. Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam: Hình ảnh và sự kiện (sơ thảo), Nxb. Thông tin và Truyền thông, 2016.
  9. Văn Phong, Minh Đàm, Bưu điện Việt Nam với vai trò phục vụ cộng đồng, báo Quân đội Nhân dân online,ngày 15.8.2020, https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/buu-dien-viet-nam-voi-vai-tro-phuc-vu-cong-dong-631602, truy cập ngày 22.12.2020.