Tổ chức Hòa bình xanh, ra đời năm 1971 ở Vancouver, Canada với tên tiếng Anh là GreenPeace. Tổ chức Hòa bình xanh bắt nguồn từ một nhóm các nhà hoạt động môi trường phản đối Hoa Kỳ thử hạt nhân ở quần đảo Aleutian thuộc bắc Thái Bình Dương. Cho đến nay, tổ chức Hòa bình xanh đã trở thành tổ chức phi chính phủ về môi trường lớn nhất thế giới. Tổ chức này có trụ sở chính tại Amsterdam và các chi nhánh ở hàng chục quốc gia. Tổ chức Hòa bình xanh hiện diện thường xuyên tại các diễn đàn môi trường trên khắp thế giới. Đây là một tổ chức phi chính phủ đa cấp, bao gồm cấp địa phương, khu vực, quốc gia và quốc tế. Mỗi văn phòng của tổ chức Hòa bình xanh ở cấp địa phương, khu vực, quốc gia và quốc tế có các ưu tiên, chiến lược, chiến thuật và mức độ quyền hạn khác nhau. Như vậy, về mặt lịch sử, tính đến năm 2021, tổ chức Hòa bình xanh đã được thành lập 50 năm.
Mục tiêu của tổ chức Hòa bình xanh là đảm bảo khả năng của Trái đất nuôi dưỡng sự sống với tất cả sự đa dạng của nó. Tổ chức mong muốn bảo vệ đa dạng sinh học dưới mọi hình thức; ngăn ngừa ô nhiễm và lạm dụng đại dương, đất đai, không khí, nước ngọt; chấm dứt mọi mối đe dọa hạt nhân; thúc đẩy hòa bình, giải trừ quân bị toàn cầu và bất bạo động. Các giá trị cốt lõi của tổ chức Hòa bình xanh bao gồm trách nhiệm cá nhân và bất bạo động - các cá nhân hoạt động cho tổ chức Hòa bình xanh hành động dựa trên lương tâm và trách nhiệm cá nhân, được huấn luyện để hành động bất bạo động; độc lập nên tổ chức Hòa bình xanh không nhận tiền từ các chính phủ, tập đoàn hay đảng phái chính trị mà chỉ nhận tài trợ từ đóng góp của các cá nhân và các quỹ; không có bạn bè vĩnh viễn và kẻ thù vĩnh viễn nên tổ chức Hòa bình xanh sẵn sàng làm việc với các chính phủ, công ty để thay đổi, nhằm đạt được mục tiêu; thúc đẩy các giải pháp thông qua nghiên cứu và thúc đẩy các bước cụ thể để hướng tới một tương lai xanh và hòa bình cho tất cả mọi người.
Trong bối cảnh phát triển của nhân loại hiện nay, tổ chức Hòa bình xanh nhấn mạnh rằng không thể đạt được bền vững về môi trường nếu không đi liền với công bằng và công lý trong tất cả các lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, với tư cách là một mạng lưới toàn cầu, tổ chức Hòa bình xanh đã và đang làm việc với nhiều đối tác để thúc đẩy công lý, công bằng nhằm tạo nên một thế giới đa dạng, hòa nhập, hòa bình và bền vững trên phạm vi toàn thế giới. Con người là một phần của thiên nhiên, con người và thiên nhiên phụ thuộc lẫn nhau. Vì vậy, tổ chức Hòa bình xanh cho rằng số phận của nhân loại và thế giới tự nhiên gắn bó chặt chẽ với nhau và các hệ thống kinh tế, văn hóa, chính trị cần được thiết kế để mang lại sự bền vững, công bằng và bình đẳng cho tất cả các dân tộc và hành tinh.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Frank Z., Scaling Greenpeace: From Local Activism to Global Governance, Historical Social Research, 42(2): 318-42, 2017.
- Green Peace, Green Peace International Annual Report 2019. (https://www.greenpeace.org/static/planet4-international-stateless/2020/06/544c2eca-greenpeace-international-annual-report-2019.pdf).
- Villo S., Halme M., Ritvala T., Theorizing MNE-NGO conflicts in state-capitalist contexts: Insights from the Greenpeace, Gazprom and the Russian state dispute in the Arctic. J World Bus., 55(3), 2020.