Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (tên giao dịch quốc tế: Vietnam Posts and Telecommmunications Group, viết tắt: VNPT) công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ; có tư cách pháp nhân; có con dấu, biểu tượng, nhãn hiệu, thương hiệu; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp; các quy định pháp luật có liên quan và Điều lệ Tổ chức và Hoạt động do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; có trụ sở chính tại số 57 Huỳnh Thúc Kháng, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.
Ngày 9 tháng 1 năm 2006, VNPT được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty viễn thông liên tỉnh, Công ty viễn thông quốc tế và một bộ phận của Công ty Tài chính Bưu điện. Theo đó, VNPT là công ty nhà nước, có tư cách pháp nhân, con dấu, biểu tượng, Điều lệ tổ chức và hoạt động (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 180/QĐ-TTg ngày 28 tháng 1 năm 2011); được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ hạch toán và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; chịu trách nhiệm kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Theo Quyết định này, các đơn vị thành viên của VNPT gồm: (1) Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost); (2) các Tổng công ty Viễn thông I, II, III hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con, do Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ; (3) các công ty do Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ; (4) các công ty do Tập đoàn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; (5) các công ty do Tập đoàn nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ; (6) Các đơn vị sự nghiệp của VNPT. Ngày 24 tháng 6 năm 2010, VNPT chuyển đổi hoạt động sang mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Tòa nhà VNPT, số 57, phố Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội (Ảnh LVT)
VNPT, công ty mẹ, là doanh nghiệp cấp I trong Tập đoàn Bưu chính Viễn thông quốc gia Việt Nam (gọi tắt là Tập đoàn VNPT, là một nhóm công ty hoạt động theo hình thức công ty mẹ-công ty con, không có tư cách pháp nhân, được gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác). VNPT và các doanh nghiệp trong Tập đoàn VNPT có tư cách pháp nhân; có vốn và tài sản riêng; có quyền chiếm hữu, định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận chung giữa các doanh nghiệp trong Tập đoàn VNPT.
VNPT chịu sự quản lý nhà nước của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật.
Ngành, nghề kinh doanh chính của VNPT gồm: 1) Sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện; 2) Tư vấn, khảo sát, thiết kế, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, CNTT; 3) Nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm viễn thông, CNTT, truyền thông đa phương tiện.
Ngành nghề kinh doanh có liên quan của VNPT gồm: 1) Đầu tư tài chính trong lĩnh vực viễn thông, CNTT và truyền thông đa phương tiện; 2) Quảng cáo, nghiên cứu thị trường, tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính; bồi dưỡng, cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực viễn thông, CNTT và truyền thông đa phương tiện; 3) Kinh doanh dịch vụ cho thuê văn phòng, cơ sở nhà đất hiện có của VNPT.
VNPT có thể bổ sung các ngành, nghề kinh doanh khác sau khi được chủ sở hữu nhà nước chấp thuận.
Cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành của VNPT gồm: 1) Hội đồng thành viên là đại diện chủ sở hữu nhà nước trực tiếp của VNPT, có bảy thành viên, gồm: Chủ tịch, là thành viên chuyên trách, do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, không kiêm chức vụ Tổng Giám đốc VNPT và các chức danh quản lý khác của VNPT; có thể có một thành viên kiêm Tổng Giám đốc VNPT và các thành viên chuyên trách khác. Nhiệm kỳ thành viên của Hội đồng thành viên không quá năm năm. Thành viên của Hội đồng thành viên có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá hai nhiệm kỳ. 2) Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật, điều hành hoạt động hàng ngày của VNPT, do Hội đồng thành viên quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tổng Giám đốc được bổ nhiệm với nhiệm kỳ không quá năm năm và có thể được bổ nhiệm lại. 3) Kiểm soát viên. 4) Các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, do Hội đồng thành viên VNPT bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật, quyết định mức lương và các lợi ích khác theo đề nghị của Tổng Giám đốc VNPT với nhiệm kỳ không quá năm năm và có thể được bổ nhiệm lại hoặc ký tiếp hợp đồng. 5) Bộ máy giúp việc gồm: Bộ máy giúp việc Hội đồng thành viên; Văn phòng và các Ban chức năng của Tổng giám đốc.
Ngày 10 tháng 6 năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT. Cơ cấu của VNPT sau khi sắp xếp, tổ chức lại gồm: 1) Công ty mẹ-VNPT là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; có chức năng, nhiệm vụ chính là: Tổ chức, chỉ đạo hoạt động sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn; Nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển thị trường, mạng lưới, dịch vụ; Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới; Thực hiện công tác tổ chức, cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực và đổi mới quản trị doanh nghiệp; Thực hiện công tác tài chính, kế toán, kế hoạch, đầu tư toàn Tập đoàn và pháp chế, hợp tác quốc tế, thanh tra, kiểm tra, thi đua, khen thưởng. 2) Các đơn vị hạch toán phụ thuộc gồm: Công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net); 63 Viễn thông tỉnh, thành phố (VNPT-tỉnh, thành phố); Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (VNP-RD); Trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin 2. 3) Các công ty con gồm: Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone); Công ty TNHH một thành viên Truyền thông (VNPT-Media); Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT-Technology). 4) Các công ty do VNPT nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, kế thừa và tiếp tục phát triển kết quả của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, VNPT luôn chủ động, sáng tạo, đổi mới về mô hình tổ chức, hoạt động, mạnh dạn tiếp cận và làm chủ công nghệ mới, chủ động vươn ra thị trường thế giới, đóng góp to lớn vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có thể kể đến một số sự kiện lớn sau: năm 2008, VNPT hoàn thành việc chia tách bưu chính, viễn thông; ngày 1 tháng 1 năm 2008, VNPost chính thức đi vào hoạt động và có những đóng góp lớn lao (xt.: VNPost); VNPT phóng thành công vệ tinh đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1 vào ngày 19 tháng 4 năm 2008 và VINASAT-2 vào ngày 16 tháng 5 năm 2012; ngày 5 tháng 4 năm 2009, VNPT hoàn thiện mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, chính quyền trên toàn quốc; ngày 28 tháng 9 năm 2009, VNPT chính thức khai trương dịch vụ truyền hình qua giao thức Internet IPTV với thương hiệu MyTV; ngày 12 tháng 10 năm 2009, Vinaphone chính thức khai trương mạng 3G và trở thành mạng đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ 3G; ngày 15 tháng 12 năm 2009, MobiPhone chính thức khai trương cung cấp dịch vụ 3G, trở thành mạng di động thứ hai cung cấp dịch vụ 3G; ngày 25 tháng 5 năm 2010, VNPT chính thức cung cấp dịch vụ Fiber VNN (Internet cáp quang); VinaPhone được đánh giá là nhà mạng có tốc độ 3G/4G nhanh nhất Việt Nam trong quý 3 tháng 4 năm 2019 với điểm tốc độ đạt 31.30 điểm do Ookla (trụ sở tại Hoa Kỳ), là một trong những tổ chức đo lường và phân tích tốc độ Internet uy tín nhất thế giới, công bố. Đây là năm thứ hai liên tiếp VinaPhone được nhận danh hiệu này. Ngày 19 tháng 12 năm 2020, VNPT chính thức công bố vùng phủ sóng VinaPhone 5G tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;…
VNPT, tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, là doanh nghiệp chủ lực cung cấp các dịch vụ viễn thông, CNTT và bưu chính, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, kết hợp nghiên cứu-đào tạo và sản xuất kinh doanh; là nhà cung cấp dịch vụ đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển ngành Bưu chính, Viễn thông Việt Nam; có vai trò chủ chốt trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong mười quốc gia có tốc độ phát triển bưu chính viễn thông nhanh nhất toàn cầu. VNPT được trao tặng các danh hiệu: Anh hùng Lao động thời kỳ 1999-2000 (năm 2009); hai Huân chương Lao động hạng Nhất (thành tích toàn diện giai đoạn 2004-2008; thành tích thực hiện Dự án phóng Vệ tinh viễn thông Việt Nam); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; 03 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; được trao giải thưởng quốc tế “Băng rộng thay đổi cuộc sống” (năm 2011) và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Thủ tướng Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 58/2005/QĐ-TTg ngày 23.3.2005 về việc phê duyệt đề án thí điểm hình thành Tập đoàn BCVT Việt Nam.
- Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 06/2006/QĐ-TTg ngày 09.1.2006 về việc thành lập Công ty mẹ-Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
- Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 24.6.2010 về việc chuyển Công ty mẹ-Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
- Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 180/QĐ-TTg ngày 28/1/2011 phê duyệt Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam.
- Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam: Hình ảnh và sự kiện (sơ thảo), Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2016.
- Chính phủ, Nghị định số 25/2016/NĐ-CP ngày 06.4.2016 về Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.