Tên lửa hàng không là tên lửa được phóng từ khí cụ bay để tiêu diệt mục tiêu trên không và trên mặt đất (mặt nước).
Tên lửa hàng không xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào 1937 trong trang bị vũ khí của quân đội Nga. Tên lửa không điều khiển PC-82 (đường kính 82 mm) lắp trên cánh máy bay chiến đấu I-16 và I-53, mỗi máy bay lắp được 8 quả tên lửa (mỗi cánh 4 quả). Năm 1939, tên lửa PC-82 được quân đội Nga sử dụng trong sự kiện Khankhin Gôn thu được kết quả rất khả quan đã tạo một bước phát triển mạnh mẽ của Tên lửa hàng không trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tên lửa hàng không có điều khiển đầu tiên do người Mỹ chế tạo được trang bị cho quân đội vào 1956-1957: tên lửa không đối không Phalcon AIM-4A (có hệ thống điều khiển vô tuyến bán chủ động), Sidewinder AIM-9B (có hệ thống điều khiển hồng ngoại thụ động) và 1958 tên lửa Sparrow-3 AIM-7C (có hệ thống điều khiển vô tuyến bán chủ động phát xạ liên tục). Thế hệ thứ nhất của tên lửa không đối không còn có tên lửa Phalcon AIM-4B và AIM-4C, Fireflash của Anh (điều khiển từ xa bằng vô tuyến), Marta của Pháp (có hệ điều khiển vô tuyến bán chủ động). Đặc điểm chung của tên lửa thế hệ này là hệ thống dẫn chưa hoàn chỉnh, chỉ phóng được từ bán cầu sau với góc hướng không lớn để sát thương các mục tiêu ít cơ động, tầm phóng 5-12 km và độ cao 15-18 km. Thế hệ tên lửa thứ hai ra đời vào những năm 60 thế kỷ XX có nhiều ưu điểm so với thế hệ thứ nhất: hệ thống dẫn hoàn thiện hơn, tầm phóng xa hơn (10-22 km), độ cao sử dụng 18-26 km và vùng cho phép phóng được mở rộng hơn. Điển hình cho tên lửa thế hệ này là Super Phalcon AIM-4E và AIM-4F, Sidewinder AIM-9C và AIM-9D, Sparrow-3 AIM-7D, AIM-7E của Mỹ, Red Top của Anh... Thế hệ thứ 3 cũng đồng thời xuất hiện vào thời gian này với những tính năng ưu việt hơn hẳn: tăng lực đẩy động cơ, tăng độ cơ động của tên lửa, giảm tầm phóng tối thiểu 1,5-2 km xuống còn 0,6 0,7 km, giảm thời gian từ thời điểm bắt mục tiêu đến thời điểm phóng tên lửa. Điển hình cho tên lửa thế hệ này là Dogfight của Mỹ, Tail Dog của Anh, Marta R-550 của Pháp. Ngoài ra còn có những tên lửa có khả năng tấn công mục tiêu ở cả bán cầu trước và bán cầu sau với tầm phóng lớn (trên 100 km), có hệ thống điều khiển hỗn hợp, điển hình là tên lửa Phalcon AIM-47A và Phoenix AIM-54A của Mỹ.
Các Tên lửa hàng không không đối không hiện đại tầm gần như AA 2 Atoll-2C (R-3), AA-2 Atoll-2D (R-13), AA-8 Aphid (R-60) của Nga; AiM-4, AIM-26 Phalcon, AIM-9 Sidewinder của Mỹ; PL-1, PL-3, PL-5, PL-9 của TQ... có khối lượng phóng 65-90 kg, khối lượng phần chiến đấu 4,5-18kg, cự li phóng 2-8 km, sử dụng ngòi nổ vô tuyến hoặc ngòi nổ lade, lắp đầu tự dẫn hồng ngoại hoặc rađa bán chủ động. Trong Kháng chiến chống Mỹ, không quân Việt Nam đã sử dụng rất hiệu quả tên lửa R 3C (K 13) từ 1968, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, trong đó có B 52 (1972). Các tên lửa hiện đại tầm trung như AA-10 Alamo (R 27), AA-3 Anab (R8, R30, R98), AA-5 ASH (R4), AA-11 Archer (R-73), AA-12 Adder (R-77) của Nga; AIM-7 Sparrow, AIM-9 Sidewinder, AIM-120 AMRAAM của Mỹ; PL-10, PL-11 của TQ… có khối lượng phóng 105-580 kg, khối lượng phần chiến đấu 7,4-65 kg, tầm phóng 20-110 km, sử dụng ngòi nổ vô tuyến hay ngòi nổ lade, lắp đầu tự dẫn hồng ngoại, rađa bán chủ động hoặc rađa chủ động. Tên lửa AIM-9 Sidewinder trang bị cho không quân Mỹ từ 1956 đến nay với nhiều phiên bản cải tiến AIM-9B, 9D, 9G, 9L, 9M, 9P, 9R, 9S được coi là một trong những vũ khí thành công nhất của Mỹ được sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam (1964-75), vùng Vịnh (1991)...
Tên lửa hàng không không đối đất xuất hiện muộn hơn, vào cuối những năm 50, đầu những năm 60 thế kỷ XX. Đó là tên lửa Nord 5210 (SS 11) của Pháp, Toy của Mỹ, Mosquito của Italia, có khối lượng phần chiến đấu 5-30 kg, có thể xuyên thủng vỏ thép dày đến 60 mm. Thế hệ thứ nhất của tên lửa loại này có đặc điểm là sử dụng hệ thống dẫn theo lệnh bằng vô tuyến. Thực tế cuộc chiến tranh ở Việt Nam cho thấy hệ thống dẫn của tên lửa thế hệ này có độ chính xác không cao. Vì vậy, thời gian sau Mỹ đã tăng khối lượng phần chiến đấu của tên lửa như Bullpup từ 113 kg (AGM-12B) lên 450 kg (AGM-12C), Pháp cũng tăng khối lượng phần chiến đấu của tên lửa Nord từ 30 kg (AS-20) lên 230kg (AS-23) để bù trừ vào độ tản mát lớn của tên lửa. Trong thế hệ này, tên lửa chống ra-đa Shrike AGM 45A của Mỹ xuất hiện đầu tiên trên thế giới và sử dụng trên chiến trường Việt Nam giữa những năm 60 thế kỷ XX. Thế hệ thứ hai của Tên lửa hàng không không đối đất ra đời vào những năm 70 thế kỷ XX với sự xuất hiện của các tên lửa chống tăng Hot và Milan (của Đức và Pháp) có hệ thống dẫn theo lệnh bằng dây dẫn giai đoạn đầu và tự dẫn giai đoạn sau, Maverick AGM-65A của Mỹ có hệ thống dẫn tự động lệnh-truyền hình. Tên lửa chống ra-đa trong giai đoạn này đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc: tăng cự li phóng, tăng tốc độ bay, phần chiến đấu có uy lực nổ mạnh hơn, điển hình là tên lửa Standard AGM-78A của Mỹ, AS-6 Kingfish của Nga, AS-37 Martel của Anh-Pháp hợp tác…
Các Tên lửa hàng không không đối đất hiện đại tầm gần như AS-10 Karen (X 25MR/ML), X-29T, X-29TD, X-29L của Nga; AGM-12 Bullpup, AGM-122 Sidearm, AGM-123 Skipper của Mỹ… có khối lượng 91-812 kg, khối lượng phần chiến đấu 10,2-454 kg, cự li phóng 2 30 km, sử dụng ngòi chạm nổ hoặc ngòi nổ vô tuyến, điều khiển bằng vô tuyến hoặc lade bán chủ động. Các tên lửa hiện đại tầm trung như AS-9 Kyle (X-28), AS-11 Kilter (X-58), AS-12 Kegler (X-25/X-27), AS-13 Kingbolt (X-59 OVOD), AS-14 Kedge (X-29),AS-17 Krypton (X-21) của Nga; AGM-65 Maverick, AGM-78 Standard, AGM-88 Harm, AGM-136 của Mỹ; YJ-1, YJ-2, C-101 của TQ… có khối lượng phóng 177-1.353 kg, khối lượng phần chiến đấu 66-890 kg, cự li phóng 12-200 km, sử dụng ngòi nổ chạm nổ hay ngòi nổ lade, lắp đầu điều khiển hồng ngoại, rađa hoặc vô tuyến. Trong số này, các tên lửa chống ra-đa, sản phẩm của cuộc đấu tranh giữa tập kích và chống tập kích đường không hiện đại như AGM-88 Harm, AGM-136 của Mỹ; AS-9 của Nga, Alarm của Anh với các tính năng tác chiến rất tốt được chú ý nhiều hơn cả.
Theo vị trí phóng tên lửa và vị trí mục tiêu, có Tên lửa hàng không: không đối không, không đối đất (đối hạm). Theo dạng động cơ lắp trên tên lửa, có: Tên lửa hàng không động cơ nhiên liệu rắn, Tên lửa hàng không động cơ nhiên liệu lỏng và Tên lửa hàng không động cơ phản lực khí dòng thẳng. Theo quy mô, có: Tên lửa hàng không chiến thuật (cự li bay hàng chục kilômet), Tên lửa hàng không chiến dịch - chiến thuật (hàng trăm kilomet), Tên lửa hàng không chiến lược (hàng nghìn kilomet). Tên lửa hàng không không điều khiển có cấu tạo gồm 3 phần: phần chiến đấu, phần động cơ tên lửa, thiết bị ổn định; thường lắp ngòi chạm nổ hay ngòi nổ không tiếp xúc; có hiệu quả tốt với những mục tiêu trên không ở cự li không lớn hoặc với mục tiêu mặt đất kích thước nhỏ. Tên lửa hàng không có điều khiển được phân loại theo hai dấu hiệu: theo dạng hệ thống điều khiển (tên lửa tự dẫn, tên lửa điều khiển từ xa, tên lửa điều khiển quán tính, tên lửa điều khiển hỗn hợp) và theo phương pháp tạo lực, mômen điều khiển (tên lửa khí động, tên lửa ga động). Tùy thuộc vào nguồn tín hiệu sử dụng để điều khiển quỹ đạo bay, Tên lửa hàng không tự dẫn được phân thành các loại: chủ động, bán chủ động, thụ động. Kết cấu chung của Tên lửa hàng không có điều khiển gồm 6 phần: đầu tự dẫn, máy lái, đầu đạn, động cơ tên lửa, cánh ổn định, cánh lái.
Nguyên lý hoạt động cơ bản của Tên lửa hàng không: khi có tín hiệu từ mục tiêu (với tên lửa tự dẫn hoặc điều khiển từ xa) hay từ cơ cấu chương trình (với tên lửa điều khiển quán tính) đi đến khối tạo lệnh điều khiển, tín hiệu điều khiển được tạo thành và đi tới máy lái, máy lái làm việc, thay đổi vị trí cánh lái tương ứng với tín hiệu điều khiển đưa tới, tạo lực và mômen điều khiển làm tên lửa thay đổi hướng bay phù hợp với quỹ đạo của phương pháp dẫn đã chọn, bảo đảm đưa tên lửa đến mục tiêu chính xác. Phần chiến đấu dùng để tiêu diệt mục tiêu bằng tác dụng phá hay tác dụng mảnh. Động cơ tên lửa tạo lực đẩy cho tên lửa. Cánh ổn định có tác dụng ổn định tên lửa khi có tác động ngẫu nhiên từ bên ngoài. Tên lửa hàng không có điều khiển thường lắp ngòi nổ không tiếp xúc hoặc ngòi nổ tiếp xúc.
Tên lửa hàng không có điều khiển không đối không được phát triển theo hướng tăng khả năng bắt mục tiêu từ nhiều hướng, tăng độ chống nhiễu, giảm ảnh hưởng của luồng phụt, có thể bắn được cả tầm gần và tầm xa, tăng góc bám mục tiêu của đầu tự dẫn, tăng đặc tính khí động để có thể tấn công vào mục tiêu bay cơ động với quá tải lớn, chế tạo đầu tự dẫn có độ chính xác cao với góc quan sát lớn để có thể cản phá được các tên lửa tầm trung và tầm xa của đối phương, sử dụng điều khiển hỗn hợp tên lửa... Một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho các nhà thiết kế Tên lửa hàng không loại này là khả năng thực hiện chiến thuật công kích mục tiêu tầm nhìn thẳng của tên lửa khi thực hiện nguyên lí “phóng và quên”, để máy bay có thể tiếp tục công kích mục tiêu khác. (2.276 chữ)
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005.
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007.
- Tổng cục kĩ thuật, Thông tin kĩ thuật quân sự nước ngoài số 25, 28 năm 2007
- Bách khoa toàn thư Nga.
- Rocket and missile system - Tactical guided missiles | Britannica