Tài nguyên cho phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương khả năng cho việc đáp ứng nhu cầu về tài nguyên của các thế hệ tương lai. Tài nguyên được chia thành hai nhóm là nhóm không thể tái tạo và có thể tái tạo được.
Tài nguyên không tái tạo là nguồn tài nguyên hiện đang sẵn có và có số lượng hữu hạn, không thể tái sinh sau khi đã được sử dụng. Do đó, khi các tài nguyên không tái tạo được sử dụng, nguồn dự trữ còn lại của chúng trong môi trường sẽ bị cạn kiệt. Như vậy, nguồn tài nguyên này không thể được sử dụng theo cách bền vững, chúng chỉ có thể được “khai thác”. Ví dụ như nguồn quặng kim loại, dầu mỏ, than đá và khí đốt tự nhiên.
Ngược lại, nguồn tài nguyên tái tạo là nguồn tài nguyên có khả năng tái sinh sau khi thu hoạch hoặc sử dụng, vì vậy trữ lượng của chúng có thể được sử dụng mãi mãi. Hầu hết các tài nguyên tái tạo là sinh học và số ít là không sinh học. Nguồn tài nguyên tái tạo mang bản chất sinh học này bao gồm động vật hoang dã bị săn bắt làm thức ăn hoặc làm nguyên liệu sinh học, chẳng hạn như hươu, nai, thỏ rừng, vịt, cá, tôm hùm và hải cẩu sinh khối rừng được thu hoạch để lấy gỗ, sợi hoặc năng lượng thực vật hoang dã được thu thập làm nguồn thực phẩm thực vật được trồng làm nguồn thực phẩm, thuốc, vật liệu hoặc năng lượng khả năng dựa trên chất hữu cơ của đất để duy trì năng suất của cây nông nghiệp. Tài nguyên tái tạo phi sinh học bao gồm:
- Ánh sáng Mặt trời, trong đó có một đầu vào liên tục cho Trái đất
- Nước mặt và nước ngầm, được tái tạo thông qua chu trình thủy văn
- Gió, được đổi mới thông qua hệ thống phân phối nhiệt của khí quyển
- Các dòng nước và sóng, được đổi mới thông qua hệ thống phân phối nhiệt của đại dương, cũng như ảnh hưởng thủy triều của Mặt trăng.
Các nguồn tài nguyên như đất, nước, không khí, rừng, không gian địa lý, nhiên liệu hoá thạch, năng lượng Mặt trời,… có vai trò rất quan trọng trong phát triển bền vững. Trong quá trình phát triển các mục tiêu kinh tế và xã hội, các quốc gia đều cần chú ý tới việc sử dụng các nguồn tài nguyên sao cho hợp lý. Đồng thời, cần chú ý tới việc tái tạo các nguồn tài nguyên không thể thay thế và ứng dụng khoa học, kỹ thuật để tạo ra các nguồn tài nguyên mới như năng lượng gió, Mặt trời thay thế cho nguyên liệu hoá thạch. Tái chế các nguồn rác thải để tạo ra năng lượng cũng như các sản phẩm ứng dụng khác như phân bón sinh học. Các hoạt động này đồng thời tạo ra nhiều công lao động và góp phần vào xoá đói giảm nghèo. Phát triển bền vững về môi trường đòi hỏi chúng ta duy trì sự cân bằng giữa bảo vệ môi trường tự nhiên với khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ lợi ích con người thông qua khai thác hợp lý nguồn tài nguyên để môi trường tiếp tục hỗ trợ điều kiện sống cho con người và các sinh vật sống trên Trái đất.
Các nước đã và đang đưa ra những chính sách hợp lý, giải quyết các vấn đề quyết liệt để bảo vệ môi trường sống, chống ô nhiễm đất, nước và không khí. Hạn chế các hiện tượng phá rừng và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng nhằm chống lũ lụt, chống biến đổi khí hậu, chống xâm nhập ngập mặn,… Đồng thời, ban hành các chế tài xử phạt, các điều luật quy định sử dụng các nguồn tài nguyên và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân. Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Về kinh tế, cần duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; phát triển bền vững các vùng và địa phương.
Phát triển bền vững về xã hội được đánh giá bằng các tiêu chí như chỉ số phát triển con người (HDI), hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa. Ngoài ra, bền vững về xã hội là sự bảo đảm đời sống xã hội hài hòa; có sự bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội, bình đẳng giới; mức độ chênh lệch giàu nghèo không quá cao và có xu hướng gần lại; chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không lớn.
Phát triển bền vững về xã hội gồm một số nội dung chính là ổn định dân số, phát triển nông thôn để giảm sức ép di dân vào đô thị; giảm thiểu tác động xấu của môi trường đến đô thị hóa; nâng cao học vấn, xóa mù chữ; bảo vệ đa dạng văn hóa; bình đẳng giới, quan tâm tới nhu cầu và lợi ích giới; tăng cường sự tham gia của công chúng vào các quá trình ra quyết định.
Phát triển bền vững về môi trường là khi khai thác các nguồn lợi tự nhiên đi kèm với đảm bảo chất lượng môi trường sống của con người. Đó là bảo đảm trong sạch của không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan. Chất lượng của các yếu tố trên luôn cần được coi trọng và thường xuyên được đánh giá kiểm định theo những tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế.
Phát triển bền vững về môi trường bao gồm các nội dung cơ bản như sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo; phát triển không vượt quá ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái; bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tầng ozon; kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính; bảo vệ chặt chẽ các hệ sinh thái nhạy cảm và giảm thiểu xả thải, khắc phục ô nhiễm, cải thiện và khôi phục môi trường những khu vực ô nhiễm,…
Tài liệu tham khảo[sửa]
- LaRiviere J., Kling D., Sanchirico J. N., Sims C., Springborn M., The Treatment of Uncertainty and Learning in the Economics of Natural Resource and Environmental Management, Rev. Environ. Econom. Pol., 12(1), 2020.
- Segerson K., Catherine L. Kling, Nancy E. Bockstael, Contributions of women at the intersection of agricultural economics and environmental and natural resource economics, Per. Pol., 2021.
- Tietenberg T., Lewis L., Environmental and natural resource economics. Routledge (Ed). Taylor & Francis Group, New York and London, 2018.