Trần Bạch Đằng (1926-2007) nhà báo, nhà văn, nhà chính trị, tên khai sinh là Trương Gia Triều, tên gọi thân mật là Tư Ánh, Năm Quang, sinh ngày 15 tháng 7 năm 1926 tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, trong một gia đình có truyền thống Nho học và yêu nước. Ông còn có các bút danh: Trương Chí Công, Trần Quang, Hưởng Triều, Đại Nghĩa, Lê Văn Ba, Văn Lê, Nguyễn Hiểu Trường, Nguyễn Trương Thiên Lý,...
Khi Trần Bạch Đằng (TBĐ) lên năm tuổi, gia đình chuyển lên sống ở tỉnh Biên Hòa. Năm 1942, sau khi học hết tiểu học, thi vào trường Sư phạm (đào tạo giáo viên tiểu học) không đỗ, ông được gia đình gửi lên Sài Gòn, sống trong nhà vợ chồng ông Trần Hữu Độ - người kết hôn với cô ruột thứ năm của TBĐ nên gọi là dượng Năm. Dưới sự dẫn dắt của Trần Hữu Độ, TBĐ đi theo con đường cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản khi mới mười bảy tuổi. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, TBĐ đã trải qua nhiều nhiệm vụ công tác: Phụ trách công tác vận động thanh niên, tham gia công tác mặt trận, tham gia biên tập báo Chống xâm lăng, chủ nhiệm báo Thanh niên của Đoàn Thanh niên Việt Nam ở Nam Bộ, chủ bút báo Nhân dân miền Nam. Tháng 4.1949, trên đường ra Việt Bắc dự Đại hội lần thứ hai của Đảng, ông đã bị địch bắt và tháng 11 năm ấy, ông đã lãnh đạo thành công cuộc vượt ngục ở khám Chợ Rồng, Gò Công, trở về với đội ngũ cách mạng. Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, ông được tổ chức phân công ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động.
Trong những năm tháng Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, TBĐ đảm nhiệm nhiều trách nhiệm lãnh đạo quan trọng của tổ chức đảng thành phố Sài Gòn – Gia Định và Trung ương Cục miền Nam: Phụ trách Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ (1955); Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Việt Nam (1960); Ủy viên Thường vụ Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định (1965); Phó Bí thư Đảng ủy Bộ tư lệnh tiền phương II, Bí thư Đảng ủy quân sự Sài Gòn – Gia Định (1968 - trong Chiến dịch Mậu Thân); Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định (1970); Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1973).
Sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, do sức khỏe xấu đi nên Trần Bạch Đằng được Trung ương Đảng điều động giữ chức Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương để vừa làm việc vừa có điều kiện nghỉ dưỡng, chữa bệnh ở trong nước và nước ngoài. Từ năm 1981, ông trở thành chuyên gia cao cấp của Ban Tuyên huấn Trung ương. Năm 1989, ông trở về sống và làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia Hội đồng Khoa học xã hội Thành phố, tham gia Ban chỉ đạo và trực tiếp làm Tổng biên tập công trình Lịch sử Nam Bộ kháng chiến. TBĐ mất ngày 16.4.2007 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ tám mươi mốt tuổi.
TBĐ là một cây bút đa tài, giầu nội lực. Ông là tác giả của hơn bốn mươi cuốn sách các loại đã được xuất bản, với các thể loại: thơ, truyện, tiểu thuyết, bút ký, kịch bản sân khấu, kịch bản phim, là chủ biên và đồng chủ biên hơn mười cuốn sách khác. Ông là tác giả kịch bản bộ phim Ván bài lật ngửa, một trong số ít bộ phim để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Năm 2001, ông được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật với các tác phẩm: Bài ca khởi nghĩa (tập thơ), Chân dung một quản đốc (tiểu thuyết) và Ván bài lật ngửa (kịch bản phim).
TBĐ bắt đầu làm báo với khi được giao phụ trách biên tập báo Chống xâm lăng, cơ quan của Việt Minh Sài Gòn - Chợ Lớn. Cuối năm 1952, ông được cử là chủ bút báo Nhân dân miền Nam thay cho Lưu Quý Kỳ. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, TBĐ được giao nhiệm vụ ở lại miền Nam hoạt động, phụ trách Ban Tuyên huấn Xứ ủy, trực tiếp bố trí và chỉ đạo mạng lưới cán bộ cách mạng hoạt động công khai hoặc nửa công khai trong các tổ chức báo chí, văn học, văn hóa, văn nghệ nhằm chủ động truyên truyền đường lối, chủ trương của cách mạng, cổ vũ tinh thần yêu nước của nhân dân, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài trong lòng địch. Dưới sự chỉ đạo của ông, nhiều tờ báo như Nhân loại, Ban Mai, Phòng Thương mại... tuy mang danh các cơ quan ngôn luận công khai nhưng thực chất do tổ chức cách mạng chỉ đạo, điều hành. Các cán bộ của cách mạng cũng trực tiếp viết bài hay gây ảnh hưởng đối với một số tờ báo khác như: Tiếng chuông, Sài Gòn mới, Dân chủ, Thần chung, v.v.. Bản thân TBĐ cũng có Thẻ nhà báo mang tên Lê Văn Ba do chính quyền Ngô Đình Diệm cấp. Ông đã thông qua nhà báo Triệu Công Minh làm trung gian để phụ trách biên tập, viết bài cho hai trang Thời sự và Hài hước của tờ Buổi sáng. Từ năm 1957 đến 30.4.1975, TBĐ vừa gánh vác các trách nhiệm lãnh đạo, vừa là cây bút xã luận, bình luận cho Đài phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng với bút danh Đại Nghĩa.
Sau năm 1975, TBĐ có điều kiện viết báo nhiều hơn. Ông viết nhiều thể loại nhưng chủ yếu là các bài nghị luận (xã luận, chuyên luận, bình luận, phiếm luận). Bài của ông đăng tải trên khắp các báo từ Bắc vào Nam, từ báo trung ương đến các báo địa phương. Ông trực tiếp đứng tên các chuyên mục của Dòng đời, Chuyện thường ngày,Câu chuyện thứ tư, Thời sự và suy nghĩ... của một số tờ báo như Thanh niên, Tuổi trẻ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh... Ngòi bút của TBĐ quan tâm đến nhiều đề tài như: lịch sử, văn hóa, văn nghệ, xã hội, lối sống, con người, các vấn đề chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, quốc tế, v.v.., nhưng tâm điểm định hướng của phần lớn bài viết của ông là công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Dù là một tiểu phẩm, bình luận ngắn hay bài bút ký, chuyên luận, nghiên cứu, ông đều có cái nhìn sắc sảo nhiều chiều, đưa ra những suy ngẫm mới mẻ, những phán đoán đi trước thiên hạ, những kiến nghị, giải pháp thẳng thắn, không khoan nhượng.
Phát biểu trong phim tài liệu “Trần Bạch Đằng, Người cầm bút”, TBĐ tâm sự: “Là nhà báo thì phải trung thực, phải say nghề và bám sát thực tế, đưa mục đích làm cho xã hội tốt lên làm tiêu chuẩn hàng đầu. Không giữ được đạo đức vì mục đích chung là tha hóa, kể cả không làm lợi cho ai cũng là tha hóa”. TBĐ không chỉ nói mà trong cả cuộc đời mình, ông đã sống và viết viết báo vì lý tưởng “làm cho xã hội tốt lên”, đã coi “báo chí là trận địa” và đã “viết báo với tất cả hứng thú” cho đến cuối cuộc đời.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Tuyển tập Thơ Hưởng Triều, Nxb Văn học, HN, 1997.
- Trần Bạch Đằng: Đổi mới - Đi lên từ thực tế, Nxb Trẻ, TpHCM, 2002.
- GS Hà Minh Đức chủ biên: Thời gian và nhân chứng (Hồi ký của các nhà báo), Nxb CTQG, HN, 1997.
- Nguyễn Trọng Xuất chủ biên: Trần Bạch Đằng - chân dung kẻ sỹ Nam Bộ, Nxb KHXH, HN, 2019.