Thời đại đồ đá giữa là một giai đoạn của thời đại đồ đá, khái niệm được sử dụng để chỉ các nhóm nền văn hóa khảo cổ đặc trưng trong giai đoạn giữa thời đại đồ đá cũ và thời đại đồ đá mới, theo cách phân kỳ lịch sử của khảo cổ học.
Do tính chất trung gian và do thiếu những biểu hiện có đặc trưng rõ rệt về nội dung lịch sử của Thời đại đồ đá giữa nên khái niệm này cũng được các nhà nghiên cứu dùng với những tên gọi khác nhau. Ngoài khái niệm Thời đại đồ đá giữa (Mesolithic - có gốc từ tiếng Hy Lạp: mesos "giữa", lithos "đá"), có người dùng còn khái niệm “thời kỳ đồ đá cũ sau” (Epipaleolithic) hoặc “thời kỳ đồ đá mới đầu” (Protoneolithic) hay “đồ đá mới trước gốm”...
Thời gian tồn tại của Thời đại đồ đá giữa cũng không đồng đều trên các vùng lãnh thổ khác nhau, nhưng nhìn chung giai đoạn này bắt đầu từ cuối thời hậu kỳ đá cũ đến đầu thời sơ kỳ đá mới, tức là vào khoảng từ thiên niên kỷ X đến khoảng thiên niên kỷ V TCN. Cùng với niên đại, những đặc trưng cơ bản của Thời đại đồ đá giữa ở các khu vực cũng không giống nhau. Giới nghiên cứu thời tiền sử thường cho rằng, trong Thời đại đồ đá giữa , nhiều nơi trên thế giới (như vùng Nam Âu, Bắc Phi, châu Úc...) đã lưu hành đồ đá nhỏ (microlithes). Kỹ thuật chế tác đồ đá nhỏ đòi hỏi một sự tính toán chính xác những chi tiết khi ghè đẽo, tạo ra những loại hình công cụ rất nhỏ, chỉ khoảng 1-2 cm và có dáng hình học như hình tam giác, hình thang, hình chữ nhật... sau đó được tháp hoặc khảm vào cán gỗ, sừng hay xương thú tạo thành những mũi tên, mũi lao...rất lợi hại. Các mảnh đá hình học khác có thể dùng làm dao, liềm, mũi giáo, móc... Đây là một bước tiến lớn, một thành tựu kỹ thuật quan trọng trong Thời đại đồ đá giữa.
Các nhà khảo cổ học cũng xác định được rằng ở phần lớn khu vực châu Á, như vùng Đông và Nam Á, kỹ thuật đồ đá giữa lại đi theo con đường phát triển đồ đá lớn (macrolithes). Ở những khu vực này, vào Thời đại đồ đá giữa , con người vẫn chế tạo và sử dụng những công cụ chặt lớn, những nạo lớn, những hạch đá kiểu dáng Levallois. Họ tiếp tục giữ và sử dụng những kỹ thuật và loại hình công cụ truyền thống từ thời đại đồ đá cũ.
Sự phát triển của kỹ thuật chế tác để tạo ra những loại hình công cụ đồ đá nhỏ hay đồ đá lớn hoàn toàn tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và phương thức kiếm sống của con người ở mỗi khu vực. Tuy nhiên, dù phát triển theo con đường đồ đá lớn hay đồ đá nhỏ, cư dân Thời đại đồ đá giữa nói chung đã đạt được những thành tựu to lớn trong phương thức kiếm sống, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.
Với sự xuất hiện của các loại hình công cụ mới như mũi lao, giáo, đặc biệt là cung và tên, con người Thời đại đồ đá giữa đã tổ chức săn bắn hiệu quả hơn. Người ta đã săn bắn được bò rừng, nai, lợn, hoẵng...để lấy thịt và cả gấu, cáo...để lấy lông làm áo khoác. Việc săn bắn mang lại hiệu quả cao đến mức, trong một số trường hợp cá biệt, con người đã bắt được nhiều thú vượt quá sự tiêu dùng trực tiếp. Người ta chọn những con thú bị thương nhẹ hay thú còn nhỏ, nhốt lại để nuôi, dùng làm thức ăn dự trữ. Những con thú này dần dần trở thành vật nuôi trong nhà. Một hình thái sinh hoạt kinh tế mới đã xuất hiện – đó là thuần dưỡng và chăn nuôi gia súc.
Cũng nhờ có những công cụ và vũ khí mới, con người có đủ can đảm để rời bỏ nơi cũ, di cư đi khám phá những vùng đất mới, mở rộng địa bàn cư trú. Một số nhóm cư dân đã đi theo các dòng sông, xuống vùng trung du và đồng bằng, nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn. Những hạt cây ăn quả và ăn củ mà con người vứt ra dễ dàng mọc lại xanh tốt và cho kết quả thu hoạch mới. Thói quen biết gieo hạt trồng cây...đã dẫn tới sự thay thế dần phương thức tìm kiếm thức ăn phụ thuộc vào hái lượm bằng việc trồng trọt, theo đó nền nông nghiệp nguyên thủy sơ khai đã dần hình thành. Các nhà nghiên cứu cho rằng, con người đầu tiên biết trồng cây ăn củ và ăn quả trước rồi mới biết trồng lúa và các loại cây ngũ cốc khác. Mặc dù vậy, hái lượm vẫn đóng vai trò quan trọng trong khẩu phần thức ăn của con người. Họ cũng biết bắt cá bằng lao hay lưỡi câu.
Nghệ thuật nguyên thủy Thời đại đồ đá giữa cũng chứng kiên một số thay đổi. Người ta tiếp tục vẽ tranh trên vách hang đá hay trên những hòn cuội sông, tuy nhiên hình vẽ có vẻ đơn giản hơn so với thời hậu kỳ đá cũ. Tín ngưỡng nguyên thủy thể hiện qua các tập tục mai táng người chết.
Những thay đổi tiến bộ trong phương thức tìm kiếm thức ăn cũng dẫn tới những chuyển biến trong đời sống xã hội. Những công xã lớn thời hậu kỳ đá cũ dần phân tán thành những tập đoàn người nhỏ hơn vào thời đồ đá giữa, thành những công xã sống phân tán trên một phạm vi lãnh thổ rộng. Tuy nhiên họ vẫn có quan hệ gần gũi với nhau và liên kết với nhau thành các bộ lạc. Mỗi bộ lạc chiếm cứ một khu vực nhất định và có những hình thái kỹ thuật, hình thái sinh hoạt khác nhau, tạo nên những đặc trưng văn hóa đa dạng. Vì thế, vào Thời đại đồ đá giữa, bên cạnh những khu vực văn hóa lớn, người ta thấy bắt đầu xuất hiện những nền văn hóa địa phương nhỏ.
Với tất cả những đặc trưng riêng, Thời đại đồ đá giữa xứng đáng được coi là một giai đoạn phát triển độc lập, vừa kế thừa thời đại đồ đá cũ, vừa tạo dựng cơ sở mới cho sự ra đời và phát triển của thời đại đồ đá mới.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Hà Văn Tấn (chủ biên), Khảo cổ học Việt Nam, Tập 1, Thời đại đá Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.
- E.B.Tylor, Văn hóa nguyên thủy, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật xuất bản, Hà Nội, 2001.
- Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 4, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2005.
- Đinh Ngọc Bảo (chủ biên), Phạm Văn Đấu, Giáo trình khảo cổ học, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2010.
- Hán Văn Khẩn (chủ biên), Cơ sở khảo cổ học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011