Mục từ này cần được bình duyệt
Thư viện Viện sử học

Thư viện Viện sử học thư viện chuyên ngành thuộc Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VHLKHXHVN), phục vụ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Viện Sử học và người dùng tin khác trong, ngoài nước quan tâm nghiên cứu lịch sử và các chuyên ngành liên quan, trụ sở tại số 38, phố Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tiền thân của TVVSH là Tủ sách của Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học Việt Nam (thành lập ngày 2 tháng 12 năm 1953). Ngay từ khi Viện Sử học mới thành lập ngày 6 tháng 02 năm 1960, Ban Lãnh đạo Viện đã luôn chú trọng xây dựng, củng cố và phát triển Thư viện.

TVVSH có nhiệm vụ: bổ sung và phát triển nguồn thông tin, tư liệu thông qua mua, tiếp nhận tài liệu do Viện xuất bản, các công trình nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu, nhận tài liệu biếu, tặng, trao đổi tài liệu,...; tổ chức xử lý, sắp xếp, lưu trữ, bảo quản, quản lý tài liệu, xây dựng hệ thống tra cứu phù hợp; phục vụ, hướng dẫn người dùng tin khai thác, tìm kiếm, sử dụng hiệu quả tài liệu và các sản phẩm dịch vụ thông tin - thư viện; quản lý, bảo quản, kiểm kê định kỳ vốn tài liệu và các tài sản khác của thư viện; thực hiện các nhiệm vụ khác do Viện trưởng giao.

Từ vài trăm cuốn sách kế thừa của Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học Việt Nam, TVVSH đã xây dựng được kho sách quy mô lớn với hàng vạn đầu sách, tạp chí nhiều ngôn ngữ, thể loại phong phú. Tính đến năm 2016, số lượng sách tiếng Việt của Thư viện đã lên tới gần 170 nghìn cuốn; sách tiếng Anh, Pháp, Nga có gần 10 nghìn cuốn; sách Hán Nôm có gần 3000 cuốn; từ điển có khoảng 600 cuốn; 3.000 bản tư liệu dịch; 1.000 tập báo và 25 nhan đề tạp chí chuyên ngành khoa học xã hội (được đóng tập theo năm). Trong đó, vốn sách quý của thư viện là kho sách Hán Nôm (xt.: Kho sách Hán Nôm Viện Sử học) và kho sách tiếng Pháp.

Kho sách tiếng Việtgồm những tài liệu tham khảo, chuyên khảo, được chia thành:

1) Sách dịch từ nguồn sách Hán Nôm;

2) Tài liệu do các nhà nghiên cứu đầu ngành của Viện Sử học như Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Tôn Quang Phiệt, Minh Tranh, Hoa Bằng, Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong,… nghiên cứu biên soạn, tiêu biểu như: Xã thôn Việt Nam, Cổ sử Việt Nam, Lịch sử 80 năm chống Pháp (3 tập), Tài liệu tham khảo lịch sử cận đại Việt Nam (12 tập), Lịch sử Thủ đô Hà Nội, Cách mạng Tháng Tám (2 tập), Nông thôn Việt Nam trong lịch sử (2 tập), Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần, Nông dân và nông thôn Việt Nam thời cận đại, Sử học và hiện thực, Lịch sử cách mạng miền Nam giai đoạn 1954-1960, Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước, Bộ sách Lịch sử Việt Nam (15 tập), Việt Nam những sự kiện lịch sử (4 tập, từ thời nguyên thủy đến năm 2000), Thế giới - Những sự kiện lịch sử thế kỷ XX (2 tập),…; phông Lưu trữ Trần Huy Liệu với 2.632 tài liệu;…

3) Sách do Viện Sử học phối hợp với các địa phương và các ngành biên soạn, chủ yếu là các ấn phẩm thuộc thể loại địa chí - lịch sử, các cuốn lịch sử Đảng bộ, lịch sử địa phương của các tỉnh trong cả nước như: Địa chí Hà Nam, Địa chí Thái Nguyên, Địa chí Ninh Bình, Lịch sử Cao Bằng, Lịch sử Thanh Hóa,…

4) Các nguồn sách bằng tiếng Việt được xuất bản từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, chủ yếu là những công trình nghiên cứu chuyên khảo trên các lĩnh vực Sử học, Văn hóa học, Kinh tế học, Triết học,… cung cấp nhiều tư liệu có giá trị cho công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là trong nghiên cứu Lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới. Kho sách ngoại văn gồm các ấn phẩm được xuất bản bằng các thứ tiếng như Anh, Pháp, Nga, Đức,… Mảng tài liệu tiếng Pháp có nhiều tài liệu quý viết về lịch sử, địa lý, triết học, chính trị - xã hội ở khu vực Đông Dương và Việt Nam giai đoạn Cận đại. Ngoài ra, Thư viện có các tạp chí chuyên ngành như L’histoire (Lịch sử), Histoire, Economie et Societe (Lịch sử, kinh tế và xã hội), Revue des Sciences morales et politiques (Tạp chí khoa học đạo đức và chính trị), Bullentin de l’Ecole Francaise d’Extreme - Orient (Tập san của Trường Viễn Đông Bác cổ), Revue Indochinoise (Tạp chí Đông Dương), Bullentin des amis du vieux Hue (Những người bạn của Cố đô Huế), Journal officiel de L’Indochine (Công báo Đông Dương), Bullentin Economique de L’Indochine (Tập san Kinh tế Đông Dương),… Kho báo, tạp chí lưu trữ nhiều tờ báo và tạp chí xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám như: Tiếng Dân, Nam Phong, Tri Tân, Thanh Nghị,… Từ năm 1954 đến nay, các báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Hà Nội mới,… được lưu giữ đầy đủ. Thư viện lưu giữ trọn bộ Tập sanVăn Sử Địa (1954-1959) và Nghiên cứu Lịch sử (từ năm 1960), các tạp chí chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn như Dân tộc học, Khảo cổ học, Hán Nôm, Lịch sử quân sự, Lịch sử Đảng, Nghiên cứu Kinh tế,…

TVVSH chú trọng phát triển các sản phẩm thông tin, xây dựng nhiều bộ thư mục chuyên đề có giá trị như: Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam với gần 200 nhan đề tài liệu được khai thác từ tài liệu xuất bản thời kỳ 1944-1945, tài liệu, sách, báo xuất bản sau cách mạng và khảo cứu thực tế một số địa phương; Cách mạng Tháng Tám, các tập thư mục nhân vật như: thư mục nhà sử học Trần Văn Giáp, Văn Tân, Nguyễn Lương Bích,…

Tính đến tháng 12.2020, TVVSH đã xây dựng cơ sở dữ liệu mục lục điện tử gồm khoảng 12.000 biểu ghi sách tiếng Việt và sách ngoại văn (tiếng Anh, Pháp), 800 biểu ghi sách Hán Nôm, 600 biểu ghi sách tiếng Nga, 4.000 biểu ghi Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, 4.000 biểu ghi các loại tạp chí chuyên ngành khác.

Tính đến ngày 30 tháng 11 năm 2020, TVVSH đã đóng góp 33.788 biểu ghi thư mục vào mục lục tra cứu trực tuyến (OPAC) của VHLKHXHVN do Thư viện Viện Thông tin khoa học xã hội quản lý, có địa chỉ http://opac.issi.vass.gov.vn/.

TVVSH triển khai nhiều loại hình dịch vụ thông tin như: dịch vụ đọc tại chỗ, dịch vụ tra cứu truyền thống, dịch vụ tra cứu thư mục trực tuyến; dịch vụ làm thẻ thư viện, sao chụp tài liệu, in ấn, sao lưu băng đĩa, truy xuất các thông tin số hóa,...

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trần Thị Mai, Thư viện Viện Sử học với công tác tin học hóa - một bước chuyển biến mới, Thông tin Khoa học xã hội, 1998, số 8, tr.59-60.
  2. Trần Thị Mai, Thư viện Viện Sử học: 50 năm xây dựng và phát triển, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, 2003, số 6, tr.86-88.
  3. Mục từ Thư viện Viện Sử học, Bách khoa thư Hà Nội, tập 13, Nxb. Thông tin, Hà Nội, 2010, tr. 240-241.
  4. Phạm Thị Quế Liên, Thư viện Viện Sử học, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 2013, số 10, tr.74-78.
  5. Nguyễn Văn Nhật, Viện Sử học - 60 năm xây dựng và phát triển, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử,2013, số 10, tr.5-16.
  6. VHLKHXHVN, Quyết định số 704/QĐ-KHXH, ngày 30.03.2015 của Chủ tịch VHLKHXHVN về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện Sử học.