Tác giả | PGS.TS. Lê Ngọc Thắng |
---|---|
Địa điểm | Việt Nam |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Nhà xuất bản | Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc và Trung tâm Văn hóa Việt Nam |
Thời điểm | 1990 |
Nghệ thuật trang phục Thái là cuốn sách của nhà Thái học PGS.TS Lê Ngọc Thắng, viết về trang phục của dân tộc Thái, được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc và Trung tâm Văn hóa Việt Nam xuất bản lần thứ nhất năm 1990.
Trang phục là một giá trị văn hóa đặc trưng, cơ bản của loài người, cái làm nên giá trị nhân văn để phân biệt với các loài vật khác trên hành tinh. Giá trị văn hóa của trang phục là không thể thiếu trong việc góp phần tạo nên bản sắc văn hóa quốc gia và của mỗi tộc người. Trang phục với những giá trị kỹ thuật, mỹ thuật, xã hội... của nó là bằng chứng cho sự phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa của các tộc người và quốc gia. Trang phục còn là kênh thông tin cơ bản để nhận diện văn hóa các tộc người, bản sắc tộc người và các vấn đề lịch sử, quan hệ xã hội.
Trong thành phần 54 dân tộc ở Việt Nam, người Thái có một lịch sử lâu đời, là cư dân bản địa vùng Đông Nam Á. Quá trình lịch sử tộc người Thái tạo nên những giá trị văn hóa độc đáo mang đặc trưng tộc người. Một trong những giá trị văn hóa đó là trang phục.
Với tâm huyết nghiên cứu của mình, PGS.TS Lê Ngọc Thắng, khi còn là nhà Thái học trẻ tuổi, đã cho ra mắt cuốn “Nghệ thuật trang phục Thái”. Cuốn sách được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc và Trung tâm Văn hóa Việt Nam xuất bản lần thứ nhất năm 1990.
Cuốn sách vừa tròn 200 trang, được trình bày hết sức giản dị với 23 mô hình và hình vẽ bằng tay qua sự nghiên cứu của tác giả. Các sơ đồ, bảng biểu thống kê và so sánh được thể hiện rất rõ ràng cho thấy sự công phu, tỉ mỉ của người viết. Cuốn sách được Giáo sư Trần Quốc Vượng – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Hà Nội viết lời giới thiệu. Tác phẩm ngoài lời Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo được trình bày thành năm phần:
- Phần thứ nhất: Trang phục Thái – Sản phẩm văn hóa dân tộc. Phần này gồm hai nội dung chính: Cảnh quan văn hóa Thái; Để có được sản phẩm văn hóa: trang phục.
- Phần thứ hai: Trang phục – Sự thể hiện nếp sống dân tộc. Phần này gồm ba nội dung chính: “Giới tính” của trang phục; “Chức năng xã hội” của trang phục; Quan hệ với môi trường.
- Phần thứ ba: Thẩm mỹ trang phục. Phần này gồm ba nội dung chính: Nghệ thuật tạo hình trang phục; Nghệ thuật trang trí trang phục; Vị trí thẩm mỹ trang phục trong văn hóa Thái.
- Phần thứ tư: Sự giao lưu văn hóa qua trang phục. Phần này gồm hai nội dung chính: Sự “giao thoa” của “làn sóng” trang phục; Một vài đối sánh.
- Phần thứ năm: Trang phục cổ truyền và cuộc sống mới.
Với sự hiểu biết sâu sắc về người Thái, tác giả Lê Ngọc Thắng đã đi sâu khai thác trang phục trong mối quan hệ với hầu hết các khía cạnh đời sống tộc người. Từ đó, “giải mã” những dung lượng thông tin của văn hóa Thái “ẩn chứa” bên trong trang phục một cách sinh động dưới nhiều dạng vẻ. Cuốn sách chỉ rõ, trang phục Thái là sản phẩm vật chất của lao động, là kết quả của sự cần cù, sáng tạo trong lao động, là biểu hiện sinh động của kỹ thuật thủ công gắn với đời sống xã hội tiểu nông, tự cấp, tự túc ở miền núi lúc bấy giờ.
Không chỉ dừng lại ở đó, tác giả còn minh chứng trang phục là biểu hiện của nếp sống tộc người. Nhiều hoạt động mang đặc trưng văn hóa tộc người như các nghi lễ chu kỳ đời người, những ngày lễ tết, hội hè… đều có sự “tham gia” của trang phục. Trang phục cũng có thế giới riêng của nó, cũng bị phân hóa trong xã hội có giai cấp, cũng thích ứng với môi trường mà chủ nhân tạo ra nó sinh tụ, làm ăn, V.V…
Hơn thế nữa, cuốn sách là công trình đầu tiên đặt ra một điểm nhìn hết sức mới mẻ về chức năng của trang phục. Theo tác giả, trang phục của người Thái ở nước ta đã đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật và mỹ thuật của trình độ kỹ thuật thủ công cho phép. Trang phục Thái đáp ứng nhu cầu mặc của con người về cả giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ. Bên cạnh sự phong phú, giàu có về loại hình nghệ thuật trang trí trang phục của đồng bào các dân tộc ở nước ta thì trang phục Thái lại mang một ngôn ngữ riêng về nghệ thuật tạo hình và trang trí. Nó là sản phẩm của tư duy mỹ học, của nghệ thuật trang trí dân gian được chắt lọc và tiếp nối qua nhiều thế hệ.
Thông qua những trang viết chân thực và sâu sắc, tác giả cho người đọc thấy người Thái đã dựa trên đặc điểm hình thể nhân chủng của họ kết hợp với quan niệm thẩm mỹ dân gian, tạo ra bộ trang phục mà ở đó là biểu hiện sinh động cho một tộc người rất giàu đời sống tâm hồn, rất giàu chất mỹ cảm trong mọi khía cạnh của đời sống.
Tác giả đã rất tâm đắc với tính thẩm mỹ của trang phục Thái với giá trị văn hóa có gốc rễ lâu đời có “bản lĩnh, bản sắc” được định hình và tồn tại qua nhiều thế hệ khi nghiên cứu sâu và phát hiện ra: vẻ đẹp của trang phục Thái là vẻ đẹp của thẩm mỹ nông nghiệp, của kỹ thuật thủ công – một thứ hàng “hand made” mà ngày nay chúng ta hết sức ưa chuộng. Tác giả đã đưa ra một ví von thật thuyết phục rằng, có thể coi trang phục là một “lớp da” nhân tạo để bảo vệ con người trong môi trường tự nhiên và làm đẹp con người trong môi trường xã hội. “Lớp da” thứ hai này không phải là “lớp da sinh học” mà là “lớp da văn hóa”.
Với văn phong tự nhiên, những so sánh độc đáo, tác giả cuốn sách đã đưa người đọc đến với văn hóa của người Thái thông qua từng chi tiết của trang phục. Chỉ xin giới thiệu một chi tiết nhỏ là hàng cúc áo trên áo nữ giới, nó là cả một câu chuyện dài về quan niệm nhân sinh. Với quan niệm, số lẻ là số của sự sống, của những người đang sống, của sự chưa hoàn chỉnh đang vươn lên. Do vậy, giống như bậc thang, chấn song cửa, số gian nhà sàn… thì cúc áo cũng phải là số lẻ. Hàng cúc áo được gọi là cúc bướm, là những bộ cúc bạc có hình con bướm, ve sầu, nhện… cũng đã làm tốn giấy mực của không ít nhà nghiên cứu, mà cách giải thích nào cũng đầy tính nhân văn. Hàng cúc bướm bao giờ cũng có bên khuyết là con cái và bên cài là con đực, do vậy nó còn có ý nghĩa tượng trưng cho sự kết hợp nam nữ để duy trì nòi giống.
Tác giả không nghiên cứu văn hóa Thái như một “ốc đảo” tồn tại biệt lập với văn hóa các tộc người láng giềng, mà nhìn nhận nó trong quá trình tiếp xúc, đan xen giữa yếu tố văn hóa Thái với văn hóa các dân tộc xung quanh. Trang phục Thái cũng được đặt trong bối cảnh đó để tìm hiểu. Tác giả đã bước đầu đối chiếu, so sánh với trang phục các dân tộc cùng nhóm ngôn ngữ Tày – Thái, và với các dân tộc cận cư. Vươn xa hơn, tác giả còn căn cứ vào những cứ liệu khảo cổ học đồ đồng… so sánh phong cách trang phục Thái với phong cách trang phục thời Hùng Vương. Đồng thời, chỉ ra mối quan hệ của trang phục cổ truyền với cuộc sống mới của nước ta.
Năm 1990, những nghiên cứu về trang phục còn rất ít và mới chỉ được đề cập lẻ tẻ, chưa có tính hệ thống, toàn diện, thường dưới dạng bài nghiên cứu, bài báo hoặc ở tiểu mục trong một số cuốn sách. Chính vì lẽ đó, cuốn sách ra đời như một bức tranh khá tổng thể về trang phục và những biểu hiện của văn hóa Thái thông qua trang phục là một đóng góp không nhỏ mới mẻ đối với nghiên cứu trang phục nói riêng và cho ngành nghiên cứu khoa học xã hội ở nước ta nói chung.
Không những thế, đóng góp lớn của cuốn sách còn ở chỗ, trước đó, trang phục thường chỉ được xem xét, đánh giá ở góc độ kỹ thuật, thì đến “Nghệ thuật trang phục Thái”, tác giả đã đặt nền móng cho chức năng sử dụng, chức năng xã hội và chức năng thẩm mỹ khi nghiên cứu về trang phục. Và chính các chức năng sử dụng, xã hội và chức năng thẩm mỹ của trang phục là một phát hiện mới, đóng góp quan trọng của tác giả trong việc tạo ra một hướng có tính phương pháp nghiên cứu mới về Trang phục ở nước ta từ sau năm 1990 đến nay.
Sau khi cuốn sách xuất bản, một số nghiên cứu sâu, có hệ thống về trang phục bắt đầu được giới nghiên cứu khoa học xã hội quan tâm. Các nghiên cứu về sau, cơ bản đều vận dụng phương pháp nghiên cứu, các lý thuyết và chức năng của cuốn sách này làm cơ sở.
“Nghệ thuật trang phục Thái” là kết quả sưu tầm điền dã của tác giả Lê Ngọc Thắng trong một thời gian khá dài, tại khắp các bản mường của người Thái từ Tây Bắc đến miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An. Tác giả đã dày công tìm hiểu, ghi chép, đo vẽ, gạn đục khơi trong, nghe từng câu chuyện truyền miệng của đồng bào, từ những cứ liệu khảo cổ học, đến nghi lễ, tín ngưỡng và lễ hội của người Thái. Sự tái hiện sinh động của tác giả khiến cho khi đọc xong cuốn sách, người đọc có cảm giác được sống trong không gian văn hoá dân gian của người Thái, được ngắm nhìn những bộ trang phục truyền thống trong đời sống cộng đồng tộc người mà nguy cơ mai một đang ngày càng hiện hữu.
Qua “Nghệ thuật trang phục Thái”, người đọc cũng được tìm hiểu những nét đặc sắc về những giá trị văn hoá, những bản sắc riêng của người Thái, từ đó biết trân trọng, giữ gìn những giá trị, những nét văn hoá của tâm hồn tộc người Thái nói riêng, cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung. Đây cũng là công trình khoa học mang ý nghĩa thiết thực về phương pháp tiếp cận nghiên cứu văn hóa trang phục góp phần không chỉ lý luận, khoa học mà còn nhận diện sâu sắc về Trang phục cũng như góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy, quảng bá văn hóa Trang phục của cộng đồng các tộc người Việt Nam hiện nay.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lê Ngọc Thắng, Nghệ thuật trang phục Thái, NXB Văn hóa dân tộc - Trung tâm Văn hóa Việt Nam, Hà Nội, 1990.
- Ngô Đức Thịnh, Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam,NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1994.