Siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán không xâm nhập, sử dụng sóng siêu âm để ghi lại hình ảnh động của quả tim.
Mục đích[sửa]
Siêu âm là một trong những phương pháp chẩn đoán được sử dụng rộng rãi nhất trong các bệnh lý tim mạch. Thiết bị đặt trên da có tác dụng phát ra sóng siêu âm, chùm tia siêu âm này đi qua các cấu trúc sẽ được hấp thu và phản xạ lại, tín hiệu thu nhận được qua đầu dò được xử lý bằng máy tính. Hình ảnh cho ra sẽ thể hiện được hình dạng, kích thước và chuyển động của các van tim, buồng tim cũng như l dòng máu qua tim.
Siêu âm tim có thể cho phép phát hiện những bất thường như tổn thương cơ tim sau nhồi máu và bệnh lý van tim. Siêu âm không chỉ giúp bác sĩ đánh giá tình trạng của van tim, mà còn chỉ ra các bất thường của dòng máu qua tim. Ví dụ, bằng siêu âm có thể phát hiện tình trạng hở van tim khi thấy dòng phụt ngược qua van trong khi lẽ ra van đang đóng.
Bằng cách đánh giá chuyển động vùng của thành tim, siêu âm giúp phát hiện và đánh giá mức độ tổn thương tim của các bệnh mạch vành, cũng như giúp xác định đau ngực có phải do nguyên nhân tim mạch hay không. Ngoài ra, siêu âm tim còn giúp phát hiện bệnh cơ tim phì đại, đây là một bệnh lý có đặc điểm thành cơ tim dày lên để bù lại hoạt động co bóp yếu của cơ tim.
Siêu âm cũng được sử dụng để đánh giá những tiếng thổi bất thường ở tim, những nguyên nhân gây suy tim ứ huyết, đánh giá mức độ giãn của tim và bất thường về cấu trúc như thông liên nhĩ, thông liên thất, theo dõi cấu trúc và chức năng tim mạch trong các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến chức năng tim. Ưu điểm lớn nhất của siêu âm tim là không xâm nhập, không làm tổn thương da và không đi vào các khoang của cơ thể và không có bất cứ nguy cơ rủi ro hay tác dụng phụ nào. Hình ảnh siêu âm đưa ra nhiều chi tiết hơn các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác. Siêu âm thường được sử dụng cùng với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác khi thăm khám về tim mạch như điện tim.
Siêu âm tim thường được tiến hành tại chuyên khoa tim mạch trong bệnh viện, khoa khám bệnh hoặc các bệnh viện tư nhân. Vì một số máy có đầu dò siêu âm di động được nên siêu âm có thể được tiến hành tại giường bệnh hoặc tại các khoa cấp cứu trong trường hợp bệnh nhân không di chuyển được.
Mô tả[sửa]
Siêu âm tạo ra hình ảnh bằng các sử dụng sóng siêu cao tần, có tần số cao hơn tần số nghe được bằng tai người bình thường. Phương pháp này giống với phương pháp siêu âm thai nhi trong giai đoạn thai kì.
Mỗi lần siêu âm tim thường kéo dài 15-30 phút. Bệnh nhân nằm trên bàn, bộc lộ vùng trước ngực để thăm khám. Bác sĩ sẽ sử dụng một chất gel đặc biệt trên da người bệnh tại vị trí thăm khám để làm tăng khả năng dẫn truyền âm và giảm ma sát khi đầu phát tín hiệu (còn gọi đầu dò) tiếp xúc tới da người bệnh. Đầu dò là thiết bị cầm tay nối trực tiếp với dây cáp vào máy tính. Đầu dò được đặt trên thành ngực và hướng với chùm sóng siêu âm vào ngực bệnh nhân. Do các mô và mạch máu khác nhau phản xạ sóng âm khác nhau, các sóng siêu âm phản xạ lại được đầu dò thu lại, xử lý bằng máy tính để cho ra hình ảnh trên màn hình về cấu trúc và hoạt động của tim. Bệnh nhân không cảm nhận được các sóng siêu âm và toàn bộ quá trình không gây đau cho người bệnh.
Trong các trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ lựa chọn những kĩ thuật siêu âm khác nhau. Ví dụ, siêu âm Doppler cần đầu dò riêng biệt để cho pháp đo và đánh giá hướng và tốc độ dòng chảy trong mạch máu cũng như qua các cấu trúc van tim. Những thông số này có ý nghĩa khi phát hiện những bất thường và đánh giá mức độ tổn thương các van tim. Bằng cách đánh giá tốc độ dòng chảy tại các vị trí khác nhau xung quanh chỗ hẹp, siêu âm Doppler cho phép xác định một các tương đối chính xác vị trí chỗ hẹp.
Siêu âm gắng sức là kĩ thuật tiến hành khi bệnh nhân đang gắng sức, khi cơ tim cần hoạt động nhiều hơn để cung cấp máu cho toàn cơ thể. Phương pháp này cho phép phát hiện những bất thường về mặt tim mạch mà khó bộc lộ khi cơ thể nghỉ ngơi hoặc tim hoạt động trong điều kiện bình thường. Trường hợp bệnh nhân không thể gắng sức, một số loại thuốc được sử dụng để có tác dụng gần giống như trong điều kiện bệnh nhân gắng sức như thuốc giãn mạch và tăng nhịp tim.
Siêu âm tim qua thực quản được thực hiện khi siêu âm tim qua thành ngực không khảo sát toàn bộ cấu trúc tim (như trường hợp mô xơ sẹo, thành ngực dày khó khảo sát). Đầu dò siêu âm được gắn vào ống nội soi, sau khi cổ họng được gây tê, ống nối soi và đầu dò sẽ được luồn qua cổ họng xuống thực quản. Vị trí siêu âm qua thực quản cho phép đánh giá cấu trúc tim rõ ràng hơn.
Trong quá trình siêu âm, bác sĩ siêu âm thực hiện các phép đo và sử dụng máy tính của máy siêu âm để tính và đo tốc độ dòng máu. Hầu hết các máy siêu âm là trang bị máy ghi băng video hoặc thiết bị lưu trữ/hình ảnh kỹ thuật số để ghi lại quá trình siêu âm theo thời gian thực và sử dụng máy in để in hình ảnh siêu âm tĩnh. Kết quả siêu âm tim sau đó được đánh giá bởi bác sĩ tim mạch.
Chuẩn bị[sửa]
Bệnh nhân bộc lộ phía trên của hông và cởi bỏ đồ trang sức ở phía sau khi siêu âm. Không cần thực hiện các biện pháp đặc biệt sau siêu âm tim do siêu âm không gây đau.
Rủi ro[sửa]
Không có biến chứng nào xảy ra khi siêu âm tim. Có thể có nguy cơ đau tim (rất ít) khi tiến hành siêu âm tim gắng sức do áp lực lên tim trong quá trình kiểm tra, chủ yếu dành cho những bệnh nhân có tiền sử đau tim hoặc các yếu tố rủi ro khác.
Kết quả[sửa]
Siêu âm tim bình thường cho thấy cấu trúc tim bình thường và dòng chảy bình thường của dòng máu qua buồng tim và van tim. Tuy nhiên, kết quả siêu âm tim bình thường không loại trừ khả năng bệnh nhân mắc một số loại bệnh tim.
Siêu âm tim có thể cho thấy một số bất thường trong cấu trúc và chức năng của trái tim, bao gồm: dày lên của thành cơ tim (đặc biệt là tâm thất trái) chuyển động bất thường của cơ tim dòng máu phụt ngược qua các van tim giảm lưu lượng máu qua van tim do hẹp van (do hẹp van).
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bonow, Robert, et al. Braunwald’s Heart Disease. 9th ed. Philadelphia: Saunders, 2012.
- Nguyễn Anh Vũ. Siêu âm tim từ cơ bản đến nâng cao. Nhà xuất bản đại học Huế.
- Guzeltas, Alper, et al. ‘‘The Significance of Transesophageal Echocardiography in Assessing Congenital Heart Disease: Our Experience.’’ Congenital Heart Disease (September 19, 2013): e-pub ahead of print. http:// dx.doi.org/10.1111/chd.12139 (accessed October 11, 2013).
- American Heart Association, 7272 Greenville Ave., Dallas, TX, 75231, (800) AHA-USA-1 (242-8721), http:// www.heart.org.
- American Society of Echocardiography, 2100 Gateway Centre Blvd., Ste. 310, Morrisville, NC, 27560, (919) 861-5574, Fax: (919) 882-9900, http://www.asecho.org.
- National Heart, Lung, and Blood Institute Information Center, PO Box 30105, Bethesda, MD, 20824-0105, (301) 592-8573, Fax: (240) 629-3246, nhlbiinfo@ nhlbi.nih.gov, http://www.nhlbi.ni.