Sinh thiết khớp hoặc sinh thiết màng hoạt dịch là một thủ thuật lấy mẫu niêm mạc màng hoạt dịch hoặc sụn khớp để xét nghiệm.
Mục đích[sửa]
Sinh thiết khớp được thực hiện để xác định nguyên nhân gây sưng, đau khớp trong những trường hợp chẩn đoán khó khăn. Đây là xét nghiệm để chẩn đoán nhiễm trùng khớp do vi khuẩn, nấm, sự tích tụ bất thường của sắt, ung thư hoặc các bệnh khác...
Điều kiện[sửa]
Thủ thuật phải được thực hiện trong điều kiện vô trùng để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn.
Mô tả[sửa]
Thủ thuật này phải được thực hiện tại các bệnh viện, phòng khám y tế. Có nhiều phương pháp khác nhau để tiến hành như:
- Thông qua một vết mổ để vào khớp;
- Tiến hành với một ống nội soi đưa vào khớp;
- Hoặc kinh điển hơn bằng cách đưa một dụng cụ sắc nhọn qua da vào khớp.
Thủ thuật trên có thể thực hiện ở bất kỳ khớp nào nhưng phổ biến nhất là khớp gối. Một dụng cụ sắc nhọn (trocar) được đưa vào khớp. Có thể đưa một bơm kim tiêm đi kèm để hút dịch khớp làm xét nghiệm. Bác sĩ có thể gây tê khớp và tại vị trí chọc kim trước khi đưa kim vào. Sau đó đưa kim sinh thiết vào và lấy bệnh phẩm. Sau khi lấy mẫu bệnh phẩm xong, cả trocar và kim sinh thiết đều được lấy ra, vết mổ được băng lại và đưa mẫu bệnh phẩm đi làm xét nghiệm mô bệnh học.
Chuẩn bị[sửa]
Trước hết phải xét nghiệm máu để kiểm tra xem chức năng đông cầm máu có bình thường hay không. Có thể dùng thuốc an thần nhẹ trước khi làm thủ thuật. Khi bệnh nhân nằm xuống, tiến hành sát trùng và gây tê tại chỗ ở vùng khớp làm thủ thuật.
Sau khi làm thủ thuật[sửa]
Khớp cần phải bất động ít nhất 1 ngày và có thể hoạt động lại bình thường nếu như không có hiện tượng đau hoặc sưng nề tăng lên.
Tai biến, biến chứng[sửa]
Khớp có thể bị đau hoặc sưng nề. Một số ít trường hợp có chảy máu và nhiễm trùng trong khớp, hay kim sinh thiết có thể bị đứt hoặc đâm vào dây thần kinh, mạch máu. Nguy cơ nhiễm trùng càng cao nếu bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.
Từ khóa[sửa]
Khớp: là vị trí nơi 2 xương nối với nhau
Mô bệnh học: là chuyên ngành y học nghiên cứu những biến đổi bất thường trong tế bào hoặc mô để báo hiệu bệnh lý
Màng hoạt dịch: là lớp màng lót xung quanh khớp
Trocar: là một ống có đầu nhọn có thể đưa kim vào
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Grin, Caron. “Tinea: Diagnostic Clues, treatment Keys”, Consultant (February 2004): 214-216.
- Jock Itch. “Clinical Reference Systems”. (January 1, 2004)”: 1959.
- Schmitt, B.D. “Jock Itch for Teenagers”. Clinical Reference Systems (January 1, 2004): 1858.