Rối loạn tâm lý, còn gọi là rối loạn thần kinh chức năng, là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả các bệnh về tâm lý nhưng không phải là loạn thần (nonpsychotic mental illness), dẫn đến cảm giác lo âu, phiền muộn và suy giảm chức năng.
Nguồn gốc[sửa]
Từ “neurosis” có nghĩa là “rối loạn thần kinh”, xuất hiện từ những năm cuối thể kỷ XVIII bởi Willian Cullen, một bác sĩ người Scotland. Định nghĩa của Cullen về loạn thần kinh (neurosis) gồm các rối loạn và triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh, không có nguyên nhân thực thể rõ ràng. Sigmund Freud về sau sử dụng thuật ngữ loạn thần kinh lo âu (anxiety neurosis) để mô tả các bệnh lý tinh thần hay phiền muộn kèm với lo âu cực độ làm tiêu chuẩn định nghĩa.
Có nhiều quan điểm khác nhau về cách sử dụng thuật ngữ “loạn thần kinh” trong lâm sàng ngày nay. Thuật ngữ này thường không được sử dụng làm một mục trong chẩn đoán bởi các nhà tâm lý học và các bác sĩ tâm thần tại Mỹ và được loại trừ khỏi Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các loại Rối loạn tâm thần (DSM) của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ vào năm 1980 và ở tái bản lần thứ ba của xuất bản này; mặc dù nó vẫn xuất hiện ở tái bản lần thứ hai. Một số chuyên gia sử dụng thuật ngữ này để mô tả triệu chứng lo âu và các hành vi liên quan, hoặc các bệnh tâm lý nằm ngoài các rối loạn tâm thần (ví dụ: tâm thần phân liệt, hoang tưởng…). Một số khác, chủ yếu là các nhà phân tích tâm thần học (các bác sĩ tâm thần theo đuổi các mô hình điều trị phân tích tâm lý, như Freud và Carl Jung), sử dụng thuật ngữ này để mô tả quá trình bên trong của bệnh tâm lý (bất đồng vô thức) mà gây ra sự lo âu đặc hiệu cho một loạn thần kinh.
Phân loại[sửa]
Các rối loạn thần kinh khác với các rối loạn tâm thần ở chỗ các cá nhân với triệu chứng bệnh loạn thần kinh vẫn có một nhận thức rõ ràng về thực tại, trong khi các bệnh tâm thần thì không. Một số phân loại cơ bản về bệnh loạn thần kinh, tâm thần bao gồm:
- Rối loạn lo âu (Anxiety Neurosis): Một bệnh tâm lý được định nghĩa bởi lo âu cực độ, đôi khi đi kèm các cơn hoảng loạn (panic attack) và biểu hiện thực thể bởi run rẩy, đau ngực, toát mồ hôi và buồn nôn.
- Rối loạn trầm cảm (Depressive Neurosis): Một bệnh tâm lý được định nghĩa bởi cảm giác sâu sắc về nỗi buồn và sự tuyệt vọng, đi kèm với việc mất đi những thích thú đã có từ trước.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Disorder): Sự tồn tại thường xuyên và dai dẳng của ý nghĩ hay hình ảnh (ám ảnh) và phải thực hiện lặp đi lặp lại các hành vi có tính chất ép buộc (cưỡng chế).
- Rối loạn cảm giác bản thể (Somatization) (từng được gọi là loạn thần - hysteria): Sự tồn tại các triệu chứng thực thể không thể giải thích được bằng một bệnh lý, nhưng được thay bằng biểu hiện của lo âu hoặc các rối loạn tâm lý khác.
- Rối loạn stress sau chấn thương (hay loạn thần kinh sau chiến tranh-Post Traumatic Stress Disorder): Stress cực độ và mất chức năng sau khi chứng kiến những sự kiện gây sang chấn tâm lý như chiến tranh, hay liên quan đến chấn thương nặng hay cái chết.
Loạn thần kinh bù đắp (Compensation Neurosis): Không hẳn là một rối loạn thần kinh mà là một dạng giả vờ các triệu chứng tâm lý vì tiền hoặc vì lợi ích cá nhân.
Nguyên nhân[sửa]
Vào năm 1996, một loại gen và những alen (hai phần của một gen phụ trách việc mã hóa của bộ gen đó) được cho là có liên quan tới rối loạn thần kinh. Gene được phát hiện có chức năng kiểm soát lượng serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh của hệ thần kinh trung ương) được tiết ra bằng việc sản xuất một protein giúp vận chuyển chất này. Protein vận chuyển này mang serotonin qua khoảng synapse (khoảng không giữa các tế bào neuron thần kinh) để kích thích tế bảo thần kinh khác và cũng hỗ trợ tế bào thần kinh ban đầu tái hấp thu (hay còn gọi là quá trình “reuptake”) serotonin. Trong trường hợp của “gen loạn thần kinh”, các alen tương ứng với gene này, như alen đơn ký hiệu là s cho alen ngắn, có biểu hiện kiểu hình tổng hợp thiếu protein vận chuyển serotonin, trong khi một alen khác ký hiệu là l cho alen dài lại biểu hiện kiểu hình tổng hợp quá nhiều protein này. Khi lượng protein vận chuyển được tổng hợp không đủ, một lượng lớn serotonin sẽ tích tụ trong khoảng synapse, mà không được truyền đi hay tái hấp thu, dẫn đến các triệu chứng hay bệnh lý thần kinh chức năng, cho đến khi đủ protein vận chuyển cho hai việc này.
Một nghiên cứu liên quan trên 500 bệnh nhân loạn thần kinh cho thấy, các bệnh nhân có đặc điểm tính cách (personality traits) dễ rối loạn thần kinh, thường có một cặp alen ngắn (hoặc một ngắn một dài) không tổng hợp đủ protein vận chuyển. Phát hiện này giống với một nghiên cứu khác vào cùng năm cho thấy, những phụ nữ ở 37 nước khác nhau có điểm số đo lường rối loạn thần kinh luôn cao hơn đàn ông. Việc điểm cao trên thang đo này biến thiên qua các đặc điểm về tầng lớp kinh tế - xã hội và văn hóa, nhưng lại cho thấy xu hướng nghiêng về một giới, ủng hộ giả thiết về cơ sở di truyền của bệnh lý loạn thần kinh. Tuy nhiên, một nghiên cứu trên hơn 9.500 cư dân của Vương quốc Anh vào năm 1998 cho thấy người có chất lượng sống thấp hơn có tỷ lệ rối loạn cao hơn. Điều này có thể là do các yếu tố di truyền làm cá nhân có khuynh hướng lo âu và rối loạn thần kinh chức năng hơn và các yếu tố ngoại lai, như tình trạng kinh tế - xã hội, làm xuất hiện, phát sinh triệu chứng bệnh lý này.
Chẩn đoán[sửa]
Bệnh nhân với các triệu chứng của bệnh lý tâm thần cần được kiểm tra khám đầy đủ và chi tiết để loại trừ các nguyên nhân thực thể như u não và chấn thương đầu. Nếu một dạng loạn thần kinh được nghi ngờ, một nhà tâm lý học hoặc một bác sĩ tâm thần sẽ thường sắp xếp một buổi phỏng vấn bệnh nhân và đưa ra các bài kiểm tra lâm sàng (như thang điểm, bảng kiểm, bộ câu hỏi…) để đánh giá tình trạng tâm lý. Các bài kiểm tra có thể được đưa ra để đánh giá và chẩn đoán loạn thần kinh bao gồm Thang đo Neuroticism Extraversion and Openness (NEO-R), Sixteen Personality Factor Questionnaire (16PF) và bộ câu hỏi Social Maladjustment Schedule.
Điều trị[sửa]
Loạn thần kinh nên được điều trị bởi nhà tư vấn, nhà tâm lý trị liệu, nhà tâm lý học, bác sĩ tâm lý và các nhân viên chăm sóc sức khỏe tâm thần. Điều trị cho một bệnh nhân loạn thần kinh phụ thuộc vào các triệu chứng hiện hữu và mức độ suy giảm chức năng gây ra cho bệnh nhân. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm liệu pháp tâm lý, liệu pháp nhận thức - hành vi, liệu pháp sáng tạo (như nghệ thuật trị liệu, âm nhạc trị liệu) hoặc sử dụng thuốc, hoặc qua các bài tập thư giãn.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, 2008, tr. 158 - 159.
- American Psychiatric Association, Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders 4th ed. Washington, DC: American Psychiatric Press, Inc, 1994.
- Fenichel, Otto M., The Psychoanalytic Theory of Neurosis: 50th Anniversary Edition. New York: W.W. Norton & Son, 1995.
- Kazdin A.E. (Editor in chief), Encyclopedia of Psychology: 8 volume set, APA Publishing, Oxford University Press, Vol. 7, 2000, pp. 87 - 91.
- Strickland B. (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 199.
- Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.
- W. Edward Craighead and Charles B. Nemeroff (Editors), The Concise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, Published by John Wiley & Sons, Inc, Hoboken, New Jersey, Third edition, 2004, pp. 156 - 157.