Đất đai là một yếu tố quan trọng để con người tồn tại, hoạt động và phát triển, để khẳng định phạm vi chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia, để khẳng định phạm vi quản lý của mỗi đơn vị hành chính và để khẳng định phạm vi được khai thác, sử dụng của các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân. Về mặt kinh tế, đất đai là nguồn lực đầu vào của quá trình sản xuất hàng hóa. Về mặt xã hội, đất đai là nhu cầu để định cư và bảo đảm các hoạt động của con người. Về mặt văn hóa, đất đai là phương tiện để bảo tồn lịch sử phát triển của loài người. Về mặt môi trường, đất đai cũng là nơi để các hệ sinh thái tồn tại.
Với tầm quan trọng như vậy nên quản lý đất đai luôn được các quốc gia đặt ra, ngày càng hoàn chỉnh để bảo đảm các nhu cầu mới trong quá trình phát triển. Mỗi một đất nước trong hoàn cảnh lịch sử riêng của mình mà đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm của quản lý đất đai. Một số quốc gia đặt ra nhiệm vụ quản lý đất đai để thu thuế làm trọng tâm. Trong khi đó, một số quốc gia khác lại đặt nhiệm vụ quản lý ranh giới thửa đất để xác định chủ quyền lả chủ yếu. Mặc dù cách tiếp cận ban đầu có khác nhau nhưng trong giai đoạn của nền văn minh công nghiệp và hậu công hiện nay, các hệ thống quản lý đất đai đều đặt ra nhiệm vụ quản lý đất đai khá thống nhất.
Nhiệm vụ thứ nhất của quản lý đất đai là xác lập quyền, lợi ích, nghĩa vụ của những người có chủ quyền sở hữu hoặc xử dụng đất, cũng như quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý của Nhà nước. Nhiệm vụ thứ hai là xác lập ranh giới thửa đất, khu vực đất, mục đích sử dụng đất mà những người có chủ quyền sở hữu hoặc sử dụng đất được thực hiện quyền của mình, cũng như để giải quyết mọi tranh chấp về ranh giới, về quyền có thể xẩy ra. Nhiệm vụ thứ ba là xác định nguồn thu từ đất, phương thức vốn hóa đất đai trên cơ sở xác định giá trị đất đai phù hợp với giá trị thị trường. Nhiệm vụ thứ tư là xây dựng kịch bản sử dụng đất sau cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và quyền thụ hường của người có chủ quyền về đất đai.
Để bảo đảm các nhiệm vụ quản lý đất đai nói trên, Nhà nước thường sử dụng 4 công cụ để quản lý. Thứ nhất là công cụ pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích của mọi chủ thể có liên quan đến đất đai, trong đó có nhà nước, cộng đồng dân cư và những người có chủ quyền đối với đất đai. Thứ hai là công cụ hành chính để xác lập ranh giới đất đai, mục đích sử dụng đất, các quyền được thực hiện và lợi ích được hưởng. Thứ ba là công cụ tài chính nhằm xác định giá trị đất đai đối với từ thửa đất, khu vực đất để tạo điều kiện vốn hóa đất đai và tạo nguồn thu đúng từ đất đai cho Nhà nước. Thứ tư là công cụ quy hoạch nhằm bảo đảm sử dụng đất có hiệu quả, hiệu suất cao nhất, có tác động tốt nhất đối với cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Từ các công cụ quản lý đất đai như vậy, nội dung quản lý đất đai bao gồm:
1. Thực hiện đăng ký đất đai ban đầu để xác lập chủ quyền, đăng ký giao dịch đất đai trong trường hợp chuyển đổi chủ quyền tạm thời hoặc vĩnh viễn.
2. Lập hồ sơ địa chính, bản đồ địa chính phục vụ quá trình đăng ký đất đai và để lưu trữ phục vụ quản lý trong suốt quá trình sử dụng đất và người có chủ quyền về đất thực hiện các quyền của mình.
3. Xây dựng pháp luật đất đai, tổ chức thực thi pháp luật và thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật.
4. Giả quyết các xung đột về đất đai dưới dạng các tranh chấp dân sự, khiếu nại hành chính và tố cáo liên quan đế quản lý và sử dụng đất đai.
5. Quản lý việc xác định giá trị đất đai nhằm bảo đảm thực hiện đúng các chính sách về tài chính đất đai.
6. Quản lý đất công, xác định nguồn thu từ đất công và nguồn thu từ thuế đất do khu vực tư nhân sử dụng.
7. Tổ chức xây dựng, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.
Ngoài 7 nhiệm vụ nói trên, mỗi quốc gia có thể giao thêm cho hệ thống quản lý đất đai một số nhiệm vụ khác. Ở Việt Nam, Luật Đất đai 2003 giao thêm nhiệm vụ quản lý địa giới hành chính các cấp, Luật Đất đai 2013 lại giao thêm nhiệm vụ quản lý chất lượng đất nông nghiệp.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Đức Khả. Lịch sử quản lý đất đai. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003
- Đặng Hùng Võ, Nguyễn Đức Khả. Cơ sở Địa chính. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007
- Đặng Hùng Võ. Sử dụng đất cho mục tiêu phát triển bền vững ở nước ta. Tạp chí Cộng sản, chuyên đề cơ sở, số 7, 2007