Quý tộc mới (còn gọi là quý tộc tư sản hóa) là thuật ngữ dùng để chỉ một bộ phận quý tộc, chủ yếu là trung và tiểu quý tộc, chuyển sang kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa. Ở Anh và nhiều nước gọi là quý tộc mới, ở Đức gọi là junker, ở Nhật là võ sĩ tư sản hóa.
Bộ phận quý tộc này đuổi tá điền, rào đất cướp ruộng, biến ruộng thành đồng cỏ, thuê nhân công nuôi cừu lấy lông cung cấp cho thị trường. Karl Mark đã từng nói rằng, biến đồng ruộng thành đồng cỏ, đó là khẩu hiệu chiến đấu của lớp quý tộc mới. Bên cạnh kinh doanh tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp là chủ yếu, quý tộc mới còn tham gia kinh doanh ở các lĩnh vực khác như buôn bán len dạ, pho mát, nấu rượu và mở công xưởng một số ngành công nghiệp. Ngược lại, thương nhân giàu có, một số nhà tài chính hay nhà công nghiệp cũng bước vào hàng ngũ quý tộc mới bằng con đường mua bán và kinh doanh ruộng đất.
Quý tộc mới xuất hiện ở châu Âu vào thế kỷ XVI, nhiều nhất là ở Anh. Nét đặc biệt trong tình hình kinh tế - xã hội Anh trước năm 1640 nói riêng và một số nước châu Âu nói chung, là sự thâm nhập mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản vào trong nông nghiệp, nghĩa là nông thôn, như nông thôn Anh, sớm liên hệ với thị trường và hàng hóa mà nó sản xuất ra không còn chủ yếu là lương thực mà là lông cừu, len, dạ. Tình hình này dẫn tới sự phân hóa trong hàng ngũ quý tộc – xuất hiện tầng lớp quý tộc mới. Về đặc điểm, quý tộc mới được ví như là một “con người hai thân”, nửa này là nhà tư bản, nửa kia là nhà quý tộc. Trong thu nhập của họ, lợi nhuận kết hợp với địa tô. Vì là “con người hai thân” nên họ có địa vị hơn hẳn nhà tư bản (ở thời gian đầu) cũng như hơn hẳn nhà quý tộc thông thường. Họ được hưởng đặc quyền quý tộc, nhưng lại giầu hơn bộ phận quý tộc này. Thế lực của quý tộc mới rất mạnh mẽ. có tài liệu ghi rằng, năm 1600, số thu nhập của tầng lớp này nhiều hơn tổng số thu nhập của quý tộc và giáo chủ cộng lại. Trong khoảng từ năm 1561 đến năm 1640, khi ruộng đất nhà vua giảm xuống 75% thì trái lại, ruộng đất thuộc quyền sở hữu của quý tộc mới tăng lên 20%. Quý tộc mới có lợi thế hơn nhà tư bản ở chỗ, nhờ những đặc quyền phong kiến và địa vị quý tộc của mình mà tránh được sự can thiệp của nhà nước phong kiến, vì thế dễ phát triển kinh doanh. Điều này ở thời kỳ đầu, giai cấp tư sản không có được.
Quý tộc mới là lực lượng quan trọng lãnh đạo cách mạng tư sản. Tầng lớp này có mặt cùng một lúc với giai cấp tư sản trên vũ đài chính trị. Tuy nguồn gốc khác nhau, nhưng quý tộc mới và tư sản trở nên gắn bó với nhau chặt chẽ và trở thành đôi bạn đồng hành lâu dài, chứ không chỉ đi chung trong thời gian cách mạng. Nếu sau này có “xích mích” với nhau thì cũng dễ dàn xếp, thỏa hiệp, vì quý tộc mới và tư sản có quyền lợi hòa đồng. Sau khi lãnh đạo cách mạng tư sản thành công, “dấu ấn” của quý tộc mới khá đậm nét trong thể chế chính quyền của một số nước, nhất là ở giai đoạn đầu, thường là chế độ quân chủ lập hiến.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- K. Mark, Tư bản, quyển 1, phần III, Nxb. Sự thật, 1960.
- Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Đại cương Lịch sử thế giới cận đại, tập 1, Nxb. Giáo dục, 1995.
- Đỗ Thanh Bình (CB), Lại Bích Ngọc, Vũ Ngọc Oanh, Lương Kim Thoa, Đặng Thanh Tịnh, Một số vấn đề về Lịch sử thế giới, Nxb. Giáo dục, 1996.