Mục từ này cần được bình duyệt
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến


Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là một văn bản được soạn bởi Hồ Chí Minh, Trường Chinh vào năm 1946, thể hiện cương lĩnh kháng chiến mang tính khái quát, vạch trần âm xâm lược của thực dân Pháp, thể hiện khát vọng hòa bình và thái độ nhân nhượng của Việt Nam, nêu lên ý chí quyết tâm kháng chiến đến cùng và chỉ ra những đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến tự lực, toàn dân Việt Nam, toàn diện và lâu dài.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến gồm hai tờ giấy rời nhau (kích thước 20cm x 13.5cm và 20cm x 13.6cm), màu trắng ngà, viết mực màu nâu đen trên một mặt giấy. Ngoài bút tích của Hồ Chí Minh, bản thảo còn có bút tích bổ sung của Trường Chinh. Dòng chữ Hà Nội ngày 19-12-1946 - Hồ Chí Minh do Lê Văn Nam, cán bộ của Văn phòng Ủy ban Quân sự viết thêm vào phía cuối. Bản thảo có nếp gấp và có hai lỗ thủng nhỏ ở góc trên bên trái.

Bối cảnh[sửa]

Cuối năm 1946, trước âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong hai ngày 18 và 19 tháng 12 tại làng Vạn Phúc đã quyết định phát động cuộc kháng chiến chống Pháp trên phạm vi toàn quốc, mở đầu bằng cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội vào 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946, đồng thời gửi đi lời kêu gọi kháng chiến tới đồng bào và chiến sĩ cả nước, thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để chuyển Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến sang các cơ quan báo chí, phát thanh và điện đi các địa phương, Lê Văn Nam đã đánh máy Bản thảo ra làm nhiều bản sao, lưu lại bản gốc. Từ năm 1952 đến 1956, Bản thảo do một gia đình người Tày ở An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên cất giữ. Ngày 04 tháng 6 năm 1970, Lê Văn Nam chuyển giao hiện vật cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Với lời lẽ đanh thép - “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tác dụng khích lệ, động viên tinh thần mạnh mẽ đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước trong những ngày tháng khó khăn gian khổ đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp, giúp toàn Đảng, toàn dân vững tin đi đến thắng lợi cuối cùng của dân tộc.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hồ sơ hiện vật Bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, Hà Nội, 2011.
  2. Hội đồng biên soạn cấp nhà nước, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2011.
  3. Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây, 60 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hà Tây, 2006.