Lồng ruột là 1 đoạn ruột chui vào trong lòng của đoạn ruột kế cận. Thực ra là một thoát vị ruột vào trong lòng ruột.
Mô tả[sửa]
Lồng ruột chủ yếu gặp ở trẻ bú mẹ, tỷ lệ gặp khoảng 1-4/1.000 trẻ. Tuổi thường gặp nhất là từ 4 đến 9 tháng tuổi, hiếm khi gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ trên 5 tuổi. Trẻ em nam gặp nhiều hơn nữ 2-4 lần. Thông thường lồng ruột xẩy ra ở đoạn cuối cùng của ruột non gọi là hồi tràng tiếp nối với manh tràng. Chiều lồng ruột thường theo chiều nhu động của ruột nghĩa là từ trên xuống dưới, hiếm khi theo chiều từ dưới lên trên. Thể của lồng ruột thường gặp nhất là hồi tràng chui vào manh tràng gọi là lồng hồi- manh tràng, có thể hồi tràng chui vào manh tràng rồi lại chui vào đại tràng gọi là lồng hồi - manh - đại tràng.
Lồng ruột gây tình trạng tắc ruột do nghẹt làm bệnh nhi đau bụng dữ dội, trẻ khóc thét, tím tái và nôn mửa. Khi lồng ruột mạc treo ruột nơi có động, tĩnh mạch ruột kéo theo làm rối loạn tuần hoàn mạc treo dẫn đến chẩy máu trong ruột, trẻ sẽ đi ngoài ra máu. Muộn hơn sau 24 tiếng khối lồng sẽ hoại tử, ruột bị thủng dịch trong lòng ruột chảy vào ổ bụng gây viêm phúc mạc. Nếu không được điều trị bệnh nhi sẽ tử vong.
Lồng ruột ở người lớn thì ít gặp hơn so với trẻ em. Trái với lồng ruột ở trẻ em, khoàng 90% lồng ruột ở người lớn là mạn tính vì lồng ruột ở người lớn ít khi gây tắc ruột hoàn toàn nên các triệu chứng không dữ dội, bệnh nhân đau bụng từng cơn ít khi đau dữ dội, có thể vẫn trung tiện, thường chỉ buồn nôn, đôi khi không điều trị cũng tự khỏi sau thời gian ngắn lại bị lồng ruột lại.
Nguyên nhân[sửa]
Lồng ruột ở trẻ bú mẹ 90% không rõ nguyên nhân người ta gọi là lồng ruột nguyên phát. Khác với lồng ruột ở trẻ lớn và người lớn thường có nguyên nhân rõ rệt (thường là khối u) được gọi là lồng ruột thứ phát. Tuy vậy lồng ruột ở trẻ bú mẹ được giải thích là do nhiễm vỉ rút xâm nhập qua đường hô hấp làm hạch mạc treo ruột của trẻ ở vùng hồi tràng và manh trang xưng lên, đồng thời thành của manh tràng phù nề, lòng hồi tràng hẹp lại. Hoạt động của thần kinh X tăng lên làm nhu động của hồi tràng tăng, đến manh tràng gặp sự cản trở của đám hạch và thành manh tràng, xuất hiện phản nhu động gây lồng ruột. Ở trẻ từ 4 đến 12 tháng tuổi, manh tràng phát triển nhanh hơn hồi tràng và có sự khác nhau về nhu động ruột giữa hồi tràng và manh tráng cũng là yếu tố thuận lợi cho sự hình thành lồng ruột ở vị trí này. Lồng ruột ở trẻ lớn và người lớn thường có nguyên nhân rõ, lồng ruột ở ruột non thường là các khối u lành tính, pô líp, túi thừa Meckel. Ở đại tràng thường là u ác tính.
Triệu chứng[sửa]
Lồng ruột thường gặp ở trẻ bú sữa mẹ, bụ bẫm, hay đùa nghịch. Bỗng nhiên bỏ bú, khóc thét, ưỡn người, chân giẫy đạp, mặt tím tái. Sau vài phút cơn đau qua đi trẻ như bình thường có thể bú mẹ, đùa nghịch. Sau khoảng vài chục phút trẻ lại lên cơn đau như vậy và những cơn sau gần nhau hơn. Lúc này ngoài cơn đau trẻ mệt lả thường ngủ thiếp. Kèm theo đau là nôn, lúc đầu là sữa sau là mật vàng, muộn hơn là dịch trong ruột màu đục, bẩn. Sau 5-6 tiếng trẻ đi ngoài phân có máu màu đỏ sẫm lẫn chất nhầy. Đây là triệu chứng quan trọng để chẩn đoán lồng ruột nên khi trẻ đến sớm chưa đi ngoài ra máu bác sỹ dùng ngón tay trỏ hoặc út đưa nhẹ nhàng vào hậu môn của trẻ, khi rút tay ra nếu có máu theo tay thì biểu hiện rõ của lồng ruột. Trẻ đến sớm bụng chưa trướng có thể sờ thấy khối lồng ruột dài như khúc dồi ở ngang rốn bên phải hoặc dưới bờ sườn bên phải hoặc trên rốn, nếu đến muộn có thể sờ thấy khối lồng ở bụng dưới bên trái. Chụp X quang bụng không chuẩn bị ở tư thế đứng có thể thấy hình mức nước và hơi của tắc ruột. Chụp đại tràng bằng bơm thuốc cản quang ba rít hoặc bơm không khí sẽ thấy hình ảnh của lồng ruột.
Lồng ruột ở người lớn thường không gây tắc ruột hoàn toàn nên các triệu chứng không rầm rộ. Bệnh nhân đau bụng từng cơn, buồn nôn, đôi khi có nôn, bí trung và đại tiện, sờ nắn bụng có thể thấy khối lồng của ruột ở dưới bờ sườn bên phải hoặc trên rốn. Một số trường hợp lồng ruột tự tháo, bệnh nhân trung tiện được các triệu chứng đều hết, thường một thời gian sau lại bị lại.
Chẩn đoán[sửa]
Chẩn đoán lồng ruột thường gặp ở trẻ bú mẹ, tuổi 3 đến 9 tháng, bụ bẫm, đang chơi ngoan, bỗng nhiên khóc thét dự dội từng cơn, người tím tái, giẫy giụa, nôn vọt, bỏ bú, đi ngoài có máu, khi không đi ngoài bác sỹ cho ngón tay vào trực tràng rút tay ra có máu dính tay, sờ nắn bùng thấy khối lồng. Khi trẻ có các triệu chứng trên thì chắc chắn là lồng ruột. Một số các bác sỹ cho rằng chẩn đoán lồng ruột không cần đầy đủ các triệu chứng trên, chỉ cần trẻ có một số các triệu chứng trên là có thể chẩn đoán lồng ruột như: trẻ khóc thét, nôn, ra máu ở hậu môn, hoặc khóc thét, giẫy giụa, phân có máu. Chẩn đoán lồng ruột dựa vào có máu ở hậu môn thì đã muộn nên Fevre đề nghị chẩn đoán lồng ruột có thể dựa vào trẻ khóc thét từng cơn, nôn và sờ thấy khối lồng. Trong những trường hợp chẩn đoán khó hoặc muốn chẩn đoán chắc chắn thì làm siêu âm hoặc chụp đại tràng bằng cách bơm thuốc cản quang baryte hoặc không khí vào đại tràng sẽ nhìn thấy hình ảnh của lồng ruột.
Điều trị[sửa]
Lồng ruột đến sớm trước 24 có thể trước 48 giờ khi thể trạng còn tốt, bụng không trướng, khối lồng còn nằm ở bụng bên phải thì có thể tháo lồng bằng bơm hơi. Bác sỹ tiến hành bơm hơi vào đại tràng qua ống thông với áp lực tăng dần từ 4-6 cmHg lên 8-10 cmHg và theo dõi hình ảnh tháo lồng trên màn hình. Khi hơi đột ngột sang ruột non, mất hình ảnh lồng ruột và áp lực đột ngột giảm là lúc khối lồng được tháo. Cũng có thể tháo lồng bằng nước có thuốc cản quang barite bơm vào đại tràng qua ống thông như bơm hơi, nhưng ngày nay ít dùng vì không an toàn bằng bơm hơi. Khi tháo lồng bằng hơi không được hoặc khi đến muộn thì phải mổ. Mổ tháo lồng trong những trường hợp này thường khó. Nếu không tháo được phải cắt bỏ đoạn ruột bị lồng hoặc tháo được nhưng đoạn ruột lồng bị hoại tử buộc phải cắt
Tiên lượng[sửa]
Tiên lượng lồng ruột phụ thuộc vào thời gian điều trị. Bệnh nhi được điều trị sớm trước 48 giờ thường kết quả tốt. Tuy vậy tỷ lệ tử vong của lồng ruột vẫn khoảng 1-2%. lồng ruột không được điều trị sẽ hoại tử ruột và tử vong.
Phòng bệnh[sửa]
Cần giữ gìn sức khỏe cho trẻ tránh viêm đường hô hấp. Giữ gìn vệ sinh ăn uống phòng ỉa chảy. Khi thay đổi chế độ ăn phải từ từ để trẻ thích nghi.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Trung tâm biên soan tự điển bách khoa Việt nam, Bách khoa thư bệnh học, tập 2, 1994, Tr.316-32.
- Jacqueline L. Longe. The Gale Encyclopedia of medicine. Fifth edition, Volum IV, 2015, Tr. 2782-2783.