Lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng là công trình kiến trúc tiêu biểu thời Tần, nằm ở phía bắc núi Lý Sơn, cách Tây An 50 km về phía đông thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc); được bao quanh bởi núi Linh Sơn và sông Vỹ, có vị trí phong thủy đắc địa được đoán định ở đúng chính giữa địa thế mắt rồng.
Lăng được phát hiện vào năm 1974 bởi một nhóm nông dân khi đang tiến hành đào giếng ở địa phương. Ngay sau đó, giới khảo cổ tiến hành khai quật tại nơi này và phát hiện ra công trình.
Công trình được xây dựng từ thời Tần Vương Chính nguyên niên (năm 247 TCN) và hoàn thành vào năm Tần Nhị Thế thứ 2 (năm 208 TCN). Công trình xây dựng trong tổng thời gian 39 năm, với nguồn nhân lực được trưng tập lên tới 720.000 người. Thông tin về lăng mộ Tần Thủy Hoàng được tìm thấy trong các ghi chép của sử gia Tư Mã Thiên. Theo đó, bên trong lăng mộ là nơi đặt di hài Tần Thủy Hoàng; trong đó còn có những căn phòng chứa đầy kho báu quý hiếm được thu thập từ khắp nơi. Bên trong lăng còn có mô hình của những dòng sông lớn nhỏ, trông như thật nhờ thủy ngân. Để bảo vệ khu lăng mộ, giúp hoàng đế an nghỉ vĩnh hằng, người thời xưa đã xây dựng hàng loạt cạm bẫy bao gồm cung nỏ, máy bắn tên tự động, đường hào chứa thủy ngân…Các loại vũ khí này được thiết kế để có thể giết chết bất kỳ kẻ nào dám xâm phạm. Để giữ bí mật về thông tin bên trong lăng mộ cũng như khối lượng của cải cất giấu, nhà Tần đã tiêu diệt hết những người tham gia xây dựng công trình.
Trong khu vực Lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng, các nhà khảo cổ đã phát hiện được hơn 8.000 tượng binh mã làm bằng đất nung. Đội quân binh mã này có kích thước như người thật, có nhiệm vụ canh gác giấc ngủ ngàn thu của vị đế vương. Các bức tượng binh mã được tạc với nhiều tư thế khác nhau như binh mã cưỡi ngựa, điều khiển xe ngựa; binh mã vũ sĩ, bắn tên; binh mã đứng, binh mã quỳ...Hầu hết các tượng binh mã trong Lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng đều được chế tạo bằng phương thức nung với kỹ thuật điêu khắc tinh tế. Các bức tượng binh mã hiện thấy chủ yếu là màu xám, tuy nhiên người ta cho rằng ban đầu những bức tượng này thực chất đều được sơn màu dựa trên nguyên mẫu của nó.
Bên cạnh các tượng binh lính, hơn 130 xe ngựa và 670 con ngựa đất nung cũng đã được phát hiện trong khu vực lăng mộ. Cùng với đó, các bức tượng vũ nữ, người biểu diễn nhào lộn, và ca kỹ cũng được khai phá trong khu vực của lăng, mặc dù với một quy mô nhỏ hơn nhiều so với đội quân binh mã.
Hiện nay, phần lớn khu vực bên trong lăng mộ chưa được giới khảo cổ tiếp cận do xung quanh mộ còn tồn tại hàm lượng thủy ngân lớn và nhiều bí ẩn xoay quanh việc bảo vệ sự xâm nhập từ bên ngoài của lăng mộ.
Mặc dù vậy, di tích Lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng vẫn được coi là một trong những công trình lăng mộ có quy mô lớn nhất thế giới với lối kiến trúc và những tượng binh mã bằng đất nung độc đáo. Năm 1987, công trình này được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là địa điểm tham quan thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bậc nhất ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc hiện nay.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- 刘占成,杨欢, 《秦始皇陵兵马俑坑营建年代述考》,《文博》,2011年第1期,第15-18页 (Lưu Chiêm Thành, Dương Hoan, “Khảo thuật về niên đại xây dựng tượng Binh mã dũng lăng mộ Tần Thủy Hoàng”, Tạp chí Văn bác, số 1/2011, tr.15-18).
- 袁仲一,《秦始皇陵兵马俑研究》,文物出版社,北京,1990年版 (Viên Trọng Nhất, Nghiên cứu về tượng Binh mã dũng lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Nxb. Văn vật, Bắc Kinh, 1990).
- 孙嘉春,《兵马俑坑:一座为大秦帝国奠基的军校遗址》,《军事历史》2011年第4期,第48-55页 (Tôn Khánh Xuân, “Về những tượng binh mã dũng: một di chỉ quân hiệu cơ bản của đế quốc đại Tần”, Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 4/2011, tr.48-55).
- 田静,《秦俑雕塑与秦人的务实作风》,《唐都学刊》,2010年第01期,第53-58页 (Điền Thanh, “Điêu khắc tượng thời Tần và tác phong thực vụ của người Tần”, Học san Đường đô, số 1/2010, tr.53-58). 王学理,《秦始皇陵研究》,上海人民出版社, 上海,1994年版 (Vương Học Lý, Nghiên cứu lăng mộ của Tần Thủy Hoàng, Nxb. Nhân dân Thượng Hải, Thượng Hải, 1994).