Lô cốt là công sự chiến đấu lâu bền được xây dựng vững chắc bằng gạch đá hoặc bê tông nguyên khối, vừa làm hỏa điểm, vừa để trú ẩn cố thủ ở những vị trí quan trọng.
Lô cốt ra đời và phát triển gắn liền với sự ra đời và phát triển của phương tiện chiến đấu và nghệ thuật quân sự ; ngày càng phát triển vững chắc về mặt kết cấu để chống lại được các loại bom, đạn xuyên phá phát triển ngày càng hiện đại.
Lô cốt thường được xây dựng vững chắc liền một khối, có từ một đến vài lỗ châu mai, qua lỗ châu mai có thể quan sát và bắn được nhiều hướng. Bên trong có bệ súng bắn liên thanh, có khoang chứa đạn dược, có chỗ trú ẩn và nghỉ ngơi cho người. Lô cốt có từ một đến hai cửa ra vào bằng sắt đóng kín. Lô cốt có thể được xây (một hoặc nhiều tầng) nổi hoàn toàn trên mặt đất hoặc chìm trong đất, hoặc Lô cốt nửa nổi nửa chìm ở sườn đồi núi (được sử dụng nhiều nhất). Hình dạng Lô cốt có thể tròn hoặc nhiều góc cạnh, nhưng theo nguyên tắc: làm giảm tối đa tiết diện về phía đối phương. Thường thì trên nóc Lô cốt có tháp đặt súng hoặc pháo bắn thẳng, cố định hoặc xoay tròn. Lô cốt có thể độc lập hoặc liên kết với nhau bằng hào giao thông.
Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn 1945-54 và 1954-75, Quân đội Pháp, Quân đội Mỹ và Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam đã xây dựng nhiều Lô cốt để canh giữ các vị trí quan trọng như đầu mối giao thông (thủy, bộ), cầu đường, cửa ngõ vào thành phố, thị xã, thị trấn, bến cảng, sân bay hoặc chốt giữ các vị trí trọng yếu trong các căn cứ chiến đấu (sở chỉ huy, điểm tựa, điểm xuất phát tiến công) và sử dụng để khống chế, canh giữ vùng đất đã chiếm được.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Tổng cục kỹ thuật, Đặc trưng công nghệ vũ khí trang bị kỹ thuật các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam qua các thời kì cách mạng, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1994
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
- Học viện Kĩ thuật quân sự, Tổng kết 40 năm hoạt động khoa học công nghệ, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2006
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử hậu cần – kỹ thuật trong kháng chiến chống chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010