Làng nghề chạm gỗ Phù Khê là một làng nghề chạm gỗ có truyền thống lâu đời của vùng quê Từ Sơn, Kinh Bắc. Làng nghề này từ rất xa xưa đã nổi tiếng với việc lưu giữ nhiều tinh hoa của nghệ thuật chạm khắc, đặc biệt là nghệ thuật chạm rồng.
Phù Khê là một làng cổ, có hơn 2000 năm lịch sử. Là một trong những vùng đất trù phú nằm ở phía Bắc huyện Từ Sơn, Bắc Ninh, làng nghề chạm gỗ Phù Khê từ lâu đã nổi tiếng khắp nước với nghệ thuật chạm, khắc. Về lịch sử phát triển của làng nghề thì đến hiện tại vẫn không xác định được khi nào, bao giờ và ai là người đã khởi phát, khai sinh ra nghề mộc ở Phù Khê. Nếu như các làng nghề chạm gỗ La Xuyên, làng nghề chạm gỗ Chàng Sơn vẫn còn những giai thoại, huyền sử về các nhân vật tương truyền là ông tổ làng nghế, như Lão La đại thần, cụ phó Sấn… thì ở Phù Khê không xác định rõ ai là ông tổ của nghề. Phần lớn người dân ở đây đều hay rằng: nghề mộc Phù Khê đã có từ lâu lắm và nổi tiếng khắp vùng Kinh Bắc. Người Phù Khê từ xưa tới giờ tôn hai vị Lỗ Ban và Nguyễn An làm ông tổ nghề.
Làng nghề Phù Khê nổi lên giữa những cánh đồng xanh, bình dị và trữ tình. Làng có hai thôn là thôn đông và thượng Phù Khê nằm kề cận cùng nhau. Con đường vỉa gạch rộng có thể ví như trục xương chính của làng. Phù Khê đất hẹp, người đông, là một làng cổ lâu đời nên nhà san sát. Các gia đình Phù Khê thường không có sân vườn, ao cá. Các ngôi nhà của Phù Khê có lối kiến trúc quen thuộc: nhà ngói – cây mít, sập gụ, tủ chè. Các công trình kiến trúc đền miếu đều nằm ở ven làng. Trong những công trình này nổi lên là chùa, nghè, văn chỉ và đình làng. Trong đó, Đình Phù Khê nổi bật lên là nơi còn lưu giữ lại lịch sử văn hóa của làng nghề, cũng là nơi còn lưu lại nét khéo léo trong kiến trúc đình làng của người Phù Khê. Hai ngôi đình Phù Khê thờ hai vị Thành hoàng là: Trương Hống và Trương Hát. Ngôi đình được kiến trúc với kiểu dáng mái đình thấp nhưng lòng đình rộng, tường xây bao đóng kín. Ngôi Đình là nơi tế tự của người làng Phù Khê.
Lễ hội Tháng Giêng là một trong những lễ hội quan trọng của người Phù Khê. Lễ hội được tổ chức vào 12 đến 17 tháng Giêng. Lễ hội là dịp các thành viên trong làng tổ chức rước hương án, bài vị, mũ áo… của Thành hoàng làng từ Nghè về Đình. Sau mỗi lễ rước là dịp để các phe giáp, dòng họ, gia đình, phường nghề được lần lượt vào dâng lễ Thành hoàng làng. Đây cũng là dịp để người làng Phù Khê được vui hội, trổ tài thi giữa các gia đình, phường hội.
Làng nghề chạm gỗ Phù Khê có lịch sử phát triển gần 1000 năm. Trong hơn 1000 năm phát triển, nghề mộc trong làng cũng trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Cũng giống như các làng nghề chạm mộc khác, làng nghề chạm gỗ Phù Khê thời kì đầu nổi tiếng với những nghệ nhân dựng chùa, tạc tượng, làm đỉnh, đặc biệt là chạm rồng. Khi nghề làm chùa tạc tượng lắng xuống, người Phù Khê cũng chuyển dần sang nghề mộc dựng nhà và nghề mộc đóng đồ.
Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, nghề mộc dựng nhà là một trong những nghề chính. Người Phù Khê đi khắp vùng Kinh Bắc, Việt Bắc để dựng nhà. Họ tổ chức thành từng hiệp, đi quanh năm suốt tháng. Phương thức hoạt động của họ là chỗ nào mời thì đi, người nào thuê thì làm, có thể nhận khoán trọn gói công trình hoặc làm công nhật… Trong nghề mộc dựng nhà, những công trình lớn người Phù Khê làm là những công trình đền, chùa, đình, miếu…, nhỏ hơn là những ngôi nhà dân dụng. Những sản phẩm mà người Phù Khê làm thường đảm bảo về độ thẩm mỹ và nghệ thuật. Những ngôi nhà dân dụng do người Phù Khê tạo dựng thường cao ráo, sáng sủa bởi họ giải quyết tốt tỉ lệ giữa chiều cao ngôi nhà và mái, tỉ lệ giữa thân má sau với mái trước, đặc biệt là tỉ lệ giữa mái hiên với mái lòng nhà. Theo các nghệ nhân của Phù Khê thì kiểu thức chung của cha ông thì ngàn đời vẫn vậy, song ai giải quyết tốt độ dốc của mái thì nhà ít dột, ai giải quyết tốt tỉ lệ giữa các phần thì ngôi nhà sẽ cao ráo và mát mẻ hơn. Đây là một trong những bí quyết của các hiệp thợ Phù Khê trong việc dựng nhà. Ngoài ra, người thợ Phù Khê còn rất chú trọng trong việc trang trí điêu khắc. Theo quan niệm của người thợ Phù Khê, ngôi nhà cần có trạm trổ hoa văn, nếu không sẽ trông đơn điệu và buồn. Khảo sát hầu hết các ngôi nhà do người Phù Khê dựng, phần lớn đều thấy bao giờ họ cũng trang trí điêu khắc dù là rất đơn giản như hình ảnh một con chim, con rồng ... Vị trí mà người Phù Khê chọn đưa điêu khắc vào thường rất đắt trong tổng thể kiến trúc. Đó phải là nơi mà tầm mắt của người ngồi trong nhà phải nhìn thấy được, hay thuận mắt để lướt tới, là nơi ánh sáng trong ngôi nhà chiếu vào thường không quá gắt, cũng không quá tối. Các vị trí trang trí bao giờ cũng ăn nhập với kiến trúc, đồng thời ăn nhập với tổng thể ngôi nhà. Đây là nét riêng của phong cách dựng nhà của người thợ Phù Khê. Dựng nhà dân dụng thì hầu như làng quê nào cũng có hiệp thợ. Nhưng để làm được như làng thợ Phù Khê thì không phải nhiều. Chính điều này mà người Phù Khê luôn được ưa chuộng trong việc dựng nhà.
Ngoài việc dựng nhà dân dụng, người thợ Phù Khê còn làm những công chạm khắc lớn. Nhưng công trình chạm khắc nổi tiếng mà người Phù Khê làm gồm có: công trình chùa Dâu, chùa Dạm, đình Đình Bảng… Đình Đình Bảng là một trong những công trình nổi tiếng của người thợ Phù Khê, thể hiện sự kết tinh tinh hoa kiến trúc và sự bề thế của hình khối và sự vững chắc của kết cấu vì kèo. Theo như lời kể của người Đình Bảng, ngôi đình này thời kháng chiến chống Pháp, Pháp đã huy động xe tăng đưa cáp sắt móc vào hòng kéo đổ ngôi đình nhưng không thực hiện được. Sự vững chắc của ngôi đình thể hiện độ vững chắc của các mộng kèo liên kết với nhau, tiêu biểu cho kĩ thuật làm nghề của người thợ Phù Khê. Ngoài sự chắc chắn, ngôi đình còn thể hiện vẻ đẹp trang trí, chạm trổ khá tinh vi. Từ ván nong, cốn, đến cửa võng, đầu đấu và cả trên những điểm phía ngoài đều trang trí hết sức công phu. Đề tài trang trí trong ngôi đình chủ yếu là hình ảnh tứ linh. Đặc biệt là hình ảnh con rồng được các nghệ nhân đưa vào sử dụng rất nhiều, từ rồng chầu nguyệt, rồng chầu mặt trời, rồng chầu hoa, rồng ổ, rồng chần nhau, rồng uốn khúc… Đình Đình Bảng là một công trình nghệ thuật thể hiện đặc trưng và tài năng của người thợ Phù Khê.
Qua khảo sát các công trình nổi tiếng của người Phù Khê, có thể thấy tài năng của người thợ làng nghề. Ở các công trình này, chúng ta tìm thấy vẻ đẹp của ngôi nhà từ tài nghệ hòa phối kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên, từ kỹ thuật xây cất, tỉ lệ kiến trúc và nghệ thuật trang trí. Người thợ Phù Khê rất biết đưa trang trí điêu khắc vào trong kiến trúc. Khảo sát các công trình của người Phù Khê tạo dựng có thể thấy họ rất chuộng đưa các hình dáng điêu khắc vào trang trí, ví dụ là hình ảnh một vài con chim, con rồng, hoa lá…
Tồn tại song hành với dòng mộc dựng nhà là mộc đóng đồ. Các mặt hàng mộc đóng đồ của người Phù Khê cũng rất đa dạng: từ giường, tủ, bàn ghế, hoành phi, câu đối, tam sơn, ngũ quả, ngũ nhạc… Theo sự phân loại thì phân làm đồ cũ và đồ mới.
Đồ mới là những đồ mà mẫu mã phần lớn là du nhập từ nước ngoài vào: như giường Đức, tủ Đức, sa lông nan kiểu Sài Gòn… Những người thực hiện đóng đồ mới đều là những người thợ trẻ vì phần lớn những đồ này không yêu cầu cao về nghệ thuật.
Đồ cũ là những mặt hàng truyền thống của người thợ Phù Khê. Chủng loại đồ cũ ở Phù Khê thì vô cùng đa dạng và phong phú: sập gụ, tủ chè, tủ ba liêu, tủ bán nguyệt, tràng kỷ, án thư, hoành phi, câu đối, kiệu rước, kiệu thờ… Cũng giống như làng thợ La Xuyên và Chàng Sơn, ở Phù Khê các sản phẩm mộc đóng đồ chủ yếu vẫn là sập gụ, tủ chè. Nếu như người thợ La Xuyên thường dùng gỗ gụ với tính mềm, dẻo, dai, bền để đóng đồ; thì người Phù Khê lại chủ yếu dùng gỗ trắc. Người La Xuyên thường tạo hình, khối trong khi chạm, mộc dẫn đến sản phẩm của họ thường có tính bề thế, cổ kính; thì người Phù Khê lại mềm mại, nhẹ nhàng trong khi đục khiến cho sản phẩm của họ mang đến sự tao nhã, gọn gàng. Trong quy trình làm ra sản phẩm, người La Xuyên dụng công trong việc đục sâu vào lòng gỗ, tuông thủng ra phía sau, thì người thợ Phù Khê chú ý dàn hình trên mặt gỗ với lối đục nông. Có sự khác nhau trong lối đục là bởi vì người La Xuyên sử dụng gỗ gụ với tính chất dẻo, mềm và bền dai. Với người Phù Khê thì do tính chất gỗ trắc là rắn và giòn nên thợ Phù Khê lại phải chọn giải pháp đục nông, cấu tạo hình trên mặt phẳng. Người La Xuyên thiên về diễn tả hình khồi, người Phù Khê lại chọn cách trang trí làm trọng. Có thể nói, thủ pháp trang trí là một thủ pháp xuyên suốt trong nghệ thuật chạm của người Phù Khê. Chính thủ pháp này khiến cho đồ mộc Phù Khê nhẹ nhàng, thanh thoát và khúc chiết. Nếu như sản phẩm La Xuyên bề thế, cổ kính thì đồ gỗ Phù Khê bao giờ cũng nhẹ nhàng, gọn gàng, thanh thoát. Đề tài chạm khắc trên các sản phẩm mộc ở Phù Khê cũng thể hiện rất đa dạng. Các hình ảnh đời thường: cảnh cỏ cây, sông suối, chim muông, sinh hoạt đời thường… cũng đường người nghệ nhân chạm trên những sản phẩm nghệ thuật. Ngoài ra, những đề tài mang tính triết luận, dựa theo các điển tích điển cố cũng được người nghệ nhân khắc họa. Các đề tài như: “Tam cố thảo lư”, “Thoại Khanh – Châu Tuấn”, “Phạm Lãi du Động Đình Hồ”…cũng được nghệ nhân ưa chuộng thể hiện trên các sản phẩm mộc. Các đề tài mộc chạm của người Phù Khê cũng giống như các làng nghề khác. Tuy nhiên, người Phù Khê đặc biệt nổi tiếng trong việc thể hiện những đề tài huyền thoại, ví dụ như hình ảnh con rồng làm mưa, rồng vờn mây, cảnh non tiên, suối vắng… Qua những hình ảnh này, bàn tay khéo léo của người thợ Phù Khê đã thăng hoa và thể hiện tài năng khắc chạm.
Biểu tượng rồng và motif rồng là một trong những hình ảnh trang trí nổi tiếng trong mỹ nghệ Phù Khê. Ca dao còn truyền lại câu ca:
Nghĩa Lập bánh đúc cháo kê Tấn Bào nung ngói, Phù Khê chạm rồng
Nếu như trong điêu khắc đục, chạm, làng nghề La Xuyên thường có thói quen chạm dơi, chuột, gà, ngựa, chim, phượng, cá… thì người Phù Khê thường lựa chọn chạm các loài vật trong bộ tứ linh (Long, ly, quy, phượng). Người ta lí giải lí do người Phù Khê thường chạm rồng vì vùng quê này nằm trong vùng Kinh Bắc, nơi tiếp cận gần các vương triều và kinh đô Thăng Long, hơn nữa vùng đất này có nhiều đình, chùa, miếu, mạo nên nhu cầu của vùng này yêu cầu người thợ Phù Khê thường chạm rồng trong các sản phẩm mỹ nghệ của mình. Nghệ thuật chạm rồng trong các sản phẩm mỹ nghệ của người Phù Khê đã đạt vào độ tinh xảo. Người Phù Khê biết phân biệt rất rõ từng loại rồng: Rồng đời Lý, rồng đời Trần, rồng đời Lê… Nghệ nhân cũng rất biết phân biệt khi chạm các con rồng: rồng ngự trên nóc đỉnh, chùa khác với con rồng trong trang trí nội thất, rồng ở đền miếu khác với con rồng trên sập gụ, tủ chè… Tùy vào từng bộ phận kiến trúc, người Phù Khê sử dụng nhựng dạng đề tài rồng khác nhau. Trong các sản phẩm về nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật chạm rồng đã đạt đến độ nổi tiếng, làm nên đắc sắc riêng của nghệ nhân Phù Khê trong nghề mộc, chạm.
Trên danh nghĩa hành chính, Phù Khê là một làng nông nghiệp, còn trong thực chất hoạt động và đời sống kinh tế thì Phù Khê là một làng nghề thủ công mộc, chạm. Theo thống kê của chính quyền địa phương thì 97% số gia đình ở Phù Khê có hoạt động nghề mộc. Những người này chủ yếu là đàn ông. Phụ nữ trong làng có đến 50% số nữ biết chạm, đục. Hình thức hoạt động của người Phù Khê rất năng động. Họ có thể nhận thầu, khoán trọn gói công trình, tổ chức hiệp thợ. Hoặc họ bỏ tiền ra đóng đồ, bày trong nhà. Khách nào đến thấy sản phẩm phù hợp sẽ mua. Với hình thức hoạt động này, người Phù Khê luôn luôn có việc. Mỗi gia đình là một xưởng thợ, đồng thời là cử hàng bán chính sản phẩm của mình. Người Phù Khê không mở rộng hoạt động buôn bán như người ở làng Đồng Kỵ, các xưởng mộc của họ cũng có quy mô vừa phải. Tuy nhiên hiện nay, với hoạt động kinh tế thị trường, người Phù Khê cũng đa dạng hoạt động làng nghề của mình, từ việc bỏ vốn mua gỗ đóng đồ bán, đến hình thức cùng đầu tư sản xuất, mở đại lý, nhận hợp đồng xuất khẩu với nước ngoài…Trên hầu khắp các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Huế, Sài Gòn… đâu đâu cũng có nhóm thợ và các nhà buôn Phù Khê hoạt động. Từ một làng nghề Phù Khê nhỏ gọn ngày xưa, ngày nay, nghề mộc chạm Phù Khê đã lan truyền ra hầu hết các xã địa bàn phụ cận: Nghĩa Lập, Tấn Bào, Đồng Kỵ, Đồng Quang và trên nhiều trung tâm đô thị khác… Phù Khê không chỉ đối mới, phát triển những sản phẩm chạm khắc truyền thống mà còn mở rộng sang sản xuất những sản phẩm gỗ mỹ nghệ cao cấp cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Những sản phẩm của Phù Khê rất đa dạng, vừa đóng đồ mới vừa đóng đồ cũ. Đồ cũ là những mặt hàng như: sập gụ, tủ chè, sa lông, tràng kỷ, án thư, hoành phi, câu đối, tam sơn, ngũ nhạc, kiệu rước, kiệu thờ…Đồ mới là những mặt hàng như: giường, tủ, bàn ghế kiểu tủ Đức, giường Đức, sa lông tay lượn, sa lông nan kiểu Sài Gòn… Những sản phẩm đồ mới chiếm 40% số sản phẩm và phần lớn được người thợ trẻ gia công bởi yêu cầu kĩ thuật đơn giản hơn. Người thợ Phù Khê luôn tim tòi, sáng tạo và đổi mới sản phẩm điêu khắc. Với nhiều nỗ lực trong việc nắm bắt sự thay đổi của thị trường, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, làng nghề chạm gỗ Phù Khê đã có những bước tiến dài trong quá trình phát triển và ngày càng khẳng định được thương hiệu sản phẩm gỗ Phù Khê trên thị trường.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nhiều tác giả, Hà Bắc ngàn năm văn hiến (tập II), Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản, 1976.
- Tăng Bá Hoành, Hồng Lục - Liễu Tràng Trung tâm khắc in mộc bản, trong sách Nghề cổ truyền, tập 1, Sở Văn hóa - Thông tin Hải Hưng, 1984.
- Trần Ánh, Làng Mộc Kim Bồng với quẩn thể kiến trúc phố cổ Hội An, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 1, Hà Nội, 1996.
- Vũ Từ Trang, Nghề cổ nước Việt: khảo cứu, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001.
- Trương Minh Hằng (chủ biên), Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 3, Nghề mộc, chạm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.