Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Làng gốm Bát Tràng
Vị trí xã Bát Tràng ở huyện Gia Lâm
Một chiếc đỉnh bằng gốm tráng men trang trí đắp nổi rồng và nghê do thợ làng Bát Tràng chế tạo vào năm 1736, thời Cảnh Hưng.
Tượng nghê bằng gốm do thợ gốm làng Bát Tràng làm thời Cảnh Hưng.
Tượng hổ bằng gốm do thợ gốm làng Bát Tràng làm thời Cảnh Hưng.

Làng gốm Bát Tràng là một làng nghề truyền thống về gốm sứ ở Việt Nam. Nơi đây không chỉ còn lưu giữ được những nét văn hóa của một làng nghề truyền thống mà còn nổi tiếng về làm gốm sứ hàng đầu ở Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm, làng gốm Bát Tràng ngay nay còn là điểm du lịch thú vị đối với nhiều du khách muốn tìm hiểu về kĩ năng làm gốm sứ lâu đời bậc nhất còn truyền đến ngày nay.

Làng Bát Tràng nằm bên ven sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, cách trung tâm thành phố hơn 10km về phía Đông – Nam. làng gốm Bát Tràng có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Tương truyền, vào thời Lý có ba vị thái học sinh đi sứ bộ sang nước Tống. Đến khi trở về, ba vị sứ bộ này lưu lại ở vùng Thiều Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, nơi có nghề làm gốm nổi tiếng. Quan sát những người thợ Thiều Châu chế tác gốm, các vị thái học sinh đã học được ngón nghề rồi đem về truyền dạy cho quê hương. Trong ba vị sứ bộ này có ông Hứa Vĩnh Kiều đã truyền dạy cho người Bạch Thổ Phường, tức làng Bát Tràng ngày nay nghề làm gốm.

Còn theo Đại Việt sử ký toàn thư và Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì làng gốm Bát Tràng được hình thành từ thời Lý. Khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát, phủ Trường Yên, Ninh Bình là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng di cư về Thăng Long tìm đất lập nghiệp. Đến Bạch Thổ (nay là xã Bát Tràng), nơi có nguồn nguyên liệu tốt để làm đồ gốm là đất sét trắng, 5 dòng họ đã kết hợp với dòng họ Nguyễn ở đây mở lò sản xuất gốm, lập nên làng gốm Bát Tràng.

Làng gốm Bát Tràng là một làng quê văn hiến. Như các làng quê Việt Nam xưa, Bát Tràng có văn chỉ, đình, chùa, đền miếu khang trang. Văn chỉ Bát Tràng dựng 5 gian, trong Văn chỉ có bệ thờ Đức Khổng Tử và 72 học trò. Trong văn chỉ treo bức trướng ghi 364 vị khoa bảng của làng. Đây là nét tự hào của người Bát Trang với truyền thống khoa bảng. Ngoài Văn chỉ, Đình làng Bát Tràng cũng là một trong những ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc xưa. Đình còn lưu giữ 50 đạo sắc của các thời Lê, Tây Sơn và Nguyễn phong cho các thần hoàng. Ngoài ra, Bát Tràng còn có Đình Giang Cao, Chùa Kim Trúc, chùa Bảo Minh, chùa Am, chùa Tiêu Dao… Các ngôi đình, chùa này thể hiện nét văn hóa, lịch sử lâu đời của làng nghề Bát Tràng. Người Bát Tràng trong quá trình sản xuất và phát triển, họ cũng còn lưu giữ nhiều nét văn hóa, lối sống, phong tục riêng. Người Bát Tràng quần cư trong một không gian chật hẹp, vừa làm nhà ở vừa làm lò gốm. Nằm ở ngoài đê ngay bên sông Hồng, cho nên Bát Tràng cũng trải qua nhiều lần thay đổi. Mỗi lần nước sông Hồng dâng cao là một lần bồi đắp phù sa cho Bát Tràng, nhưng cũng cuốn trôi rất nhiều nhà cửa của người Bát Tràng. Đến Bát Tràng hiện nay có thể thấy rất nhiều nhà gạch san sát, đường ngõ chật hẹp, tương bao quanh nhà rất cao, bên trên gắn nhiều mảnh gốm vỡ. Người Bát Tràng ngoài nghề gốm truyền thống nổi tiếng, đây còn là một làng quê phát đạt về khoa cử và buôn bán.

Trong suốt chiều dài phát triển, làng gốm Bát Tràng đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm. Vào thời Lê Trung Hưng thế kỷ 15, gốm Bát Tràng là sản phẩm nổi tiếng cống triều đình Trung Quốc. Sử liệu Việt Nam thế kỷ XV cho biết rằng trong số cung phẩm cung ứng cho Trung Quốc mỗi lần thì có đến “bảy mươi bộ bát đĩa” của Bát Tràng. Các sản phẩm gốm Bát Tràng thời kì này còn được tìm thấy ở các khu vực Đông Nam Á, như Java, Sulawesi của Indonesia, ở phía nam Philippines. Giai đoạn thế kỷ 16-17 được coi là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất gốm xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có trung tâm nổi tiếng là Bát Tràng. Với chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Minh khiến gốm sứ Trung Quốc không thể xuất khẩu, đây là cơ hội để gốm sứ Bát Tràng có cơ thâm nhập vào thị trường các nước như Nhật Bản, Đông Nam Á. Người Hà Lan và người Anh đã lập thương điếm trên cảng phố Hiến, sau chuyển về Kẻ Chợ để thu mua các sản phẩm gốm Bát Tràng để phục vụ xuất khẩu. Sang thế kỉ 18-19, nhà Thanh bãi bỏ chính sách bế quan tỏa cảng, các sản phẩm gốm Trung Quốc đã cạnh tranh trực tiếp với đồ gốm của Việt Nam khiến cho gốm Bát Tràng giảm sút về số lượng xuất khẩu, nhưng vẫn nổi tiếng ở thị trường trong nước. Từ thế kỷ 20 đến nay, làng gốm Bát Tràng trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm, nhưng Bát Tràng vẫn duy trì là một làng nghề nổi tiếng về gốm sứ. Trong văn học dân gian cũng luôn truyền tụng về làng nghề gốm Bát Tràng:

Chiếu Nga Sơn gạch Bát Tràng Vải tơ Nam Định lụa hàng Hà Đông

Gạch Bát Tràng nổi tiếng khắp miền gần xa. Gạch dùng để xây đình, chùa, đền đài, cung điện. Ở đình làng Bát Tràng ngày nay vẫn còn treo chữ “Hiếu nghĩa cấp công”. Tương truyền, trước kia khi nhà Nguyễn xây thành Hà Nội, người dân Bát Tràng phải cậy gạch ở sân đình và ở nhiều nhà cho đủ số lượng nộp lên quan. Việc đó được tâu báo về, triều đình đã ban cho dân làng tấm biển trên để biểu dương. Là một làng nghề có lịch sử gần 1000 năm tuổi, làng gốm Bát Tràng chứa trong mình rất nhiều thăng trầm và dấu tích lịch sử đại diện tiêu biểu cho nghề gốm Việt Nam.

Theo quan niệm của người xưa, nói đến các vật phẩm bằng gốm phải nói đến sự kết hợp của ngũ hành. Kim loại, ngâm trong xương và trong men gốm tạo ra vẻ đẹp, sự huyền bí của màu sắc; rơm, tre, củi, gỗ tạo ra ngọn lửa. Nước gộp với đất để tạo dáng gốm. Đất, nước, lửa… tất cả các yếu tố đó tạo nên giá trị của sản phẩm gốm. Người Bát Tràng có câu “Nhất xương nhì da thứ ba dạc lò”. Người thợ gốm Bát Tràng giải thích rằng, xương chính là cốt đất dùng để làm gốm, còn da là lớp men tráng ngoài để cho sản phẩm vừa đẹp vừa bền, dạc lò thì nhấn mạnh vai trò của lửa. Gốm sứ Bát Tràng hết sức độc đáo. Quá trình làm ra một sản phẩm gốm cũng vô cùng công phu. Để làm ra đồ gốm, người thợ phải qua các khâu chọn, xử lý và pha chế đất, tạo hình, tạo hoa văn phủ men và cuối cùng là nung sản phẩm.

Đất sét đã luyện

Quá trình chọn đất và pha chế đất là một quá trình quan trọng trong việc chế tác gốm. Ban đầu, người thợ Bát Tràng khai thác đất sét trắng ngay tại làng. Cho đến khoảng cuối thời Lê, các gò đất sét trắng của phường Bạch Thổ hết dần, người thợ Bát Tràng dùng đất lấy ở Rau (Sơn Tây), Cổ Điển (Phúc Yên) và ở Dâu Canh (Đông Anh). Cho đến hiện nay, một mặt người thợ Bát Tràng vẫn tiếp tục sử dụng đất Dâu Canh và Trúc Thôn sản xuất đồ đàn. Mặt khác họ còn sử dụng đất cao lanh Tử Lạc và Bích Nhôi, đất sét trắng Hồ Lao và Trúc Thôn (Đông Triều).

Khuôn làm gốm tại Bát Tràng
Tạo dáng cho sản phẩm Bát Tràng

Trong khâu tạo dáng đồ gốm, người Bát Tràng nổi tiếng là lối be chạch vuốt tay trên bàn xoay. Tùy theo vật dụng định làm mà ngươi thợ dùng chân để xoay, dùng tay để vuốt. Thợ ngồi trên một cái ghế cao hơn mặt bàn rồi dùng chân quay bản xoay và tạo vuốt đất tạo dáng sản phẩm. Đất trước khi cho vào bàn xoay được vò cho thật nhuyễn. Sau khi tạo hình sản phẩm, người thợ tiến hành phơi sản phẩm mộc để giữ tạo hình cho sản phẩm. Gần đây, do tính công nghiệp của sản phẩm gốm, người ta bắt đầu sử dụng các khuôn gỗ và khuôn thạch cao. Người thợ sáng tạo ra một mẫu nào đó gọi là cốt. Sau đó, người ta làm luôn đê cho ra hàng loạt. Ưu điểm của loại hình này là làm ra hàng hoạt sản phẩm giống nhau, giá thành hạ.

Chế tạo men gốm là một bí quyết của nghề gốm. Từ nguyên liệu đất trắng, người Bát Tràng đã chế tạo nên men gốm riêng. Cuối thế kỷ XIV, men ngọc đã được chế tạo từ hai thành phần chính là đất sét trắng của phường Bạch Thổ và oxyt đồng dạng bột tán nhỏ. Cũng trong thế kỷ XV, người thợ gốm Bát Tràng còn chế được men lam nổi tiếng. Men lam xuất hiện ở Bát Tràng với những đồ gốm có sắc xanh..Từ thời Lê Sơ, người thợ Bát Tràng chế tạo màu men gio, có màu trắng đục. Đây là loại men được chế tạo từ ba thành phần chính: đất sét trắng phường Bạch Thổ, vôi sống để tở, gio dây Lâu cụt và gio Sung. Men gio sử dụng trên nhiều loại hình đồ gốm từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Men ngọc được dùng kết hợp với men gio và nâu tạo ra dòng Tam thái rất riêng của Bát Trang thế kỷ 16-17. Ngoài men gio, người thợ còn chế tọa ra men nâu. Men này bao gồm men gio cộng thêm đá lấy từ Phù Lãng. Đến thể ký XVII, người thợ Bát Tràng lại sáng tạo thêm dòng men rạn. Đây là loại men được điều chế từ vôi sống, gio trấu và cao lanh. Men rạn là dòng men chỉ xuất hiện tại Bát Tràng từ cuối thế kỷ 16 và phát triển liên tục qua các thế ký 17-19. Là một trong những nơi cung cấp những đồ gốm sứ cho cả nước, những sản phẩm của Bát Tràng luôn đậm chất riêng và nổi bật với chất men trong từng sản phẩm. Sản phẩm của Bát Tràng luôn đẹp mặt, sáng bóng và những hình thái, sắc nét họa tiết trên sản phẩm luôn được giữ gìn qua thời gian. Các loại men này đã làm nên nét đặc sắc riêng cho sản phẩm gốm Bát Tràng.

Vẽ và tô màu

Trang trí hoa văn và phủ men là công đoạn tạo hình cho sản phẩm. Thợ Bát Tràng dùng bút lông vẽ trực tiếp trên nền mộc các hoa văn họa tiết. Thợ vẽ gốm phải có tay nghề cao, hoa văn họa tiết phải hài hòa với dáng gốm. Hình thức trang trí trên gốm Bát Tràng rất phong phú. Vào thế kỷ 17, những hình ảnh trang trí chủ yếu gồm: khắc chim, tô men, chạm rồng, phượng, vẽ phong cảnh sơn thủy, trang trí bộ tứ linh, hổ phủ, nghê, hạc… Sang thế kỷ 18, trang trí chạm nổi gân chiếm chủ đạo thay thế trang trí vẽ men lam trên gốm. Các kỹ thuật đúc nổi, dán ghép, chạm khắc nổi đã thích ứng với việc sử dụng men đơn sắc. Ngoài các đề tài tứ linh, rồng, phượng, còn thể hiện các loại cây tượng trưng cho bốn mùa. Sang thế kỷ 19, gốm hoa lam Bất Tràng phục hồi và phát triển phong cách kết hợp sử dụng nhiều loại men vào trang trí. Bên cạnh các đề tài đã có, Bát Tràng còn xuất hiện thêm các đề tài du nhập ở Trung Quốc. Sau khi trang trí hoa văn, người thợ sẽ phủ men lên sản phẩm và tu chỉnh sản phẩm lần cuối trước khi đưa vào lò nung.

Sản phẩm đem phơi

Công đoạn cuối cùng để ra sản phẩm là chồng lò và đốt lò. Chông lò là chồng sản phẩm sau khi đã gia công hoàn chỉnh vào lò để chuẩn bị đốt. Tùy vào từng loại sản phẩm mà người thợ sẽ chuẩn bị nhiên liệu và cách đốt khác nhau. Nhiên liệu đốt chủ yếu là than và củi. Người Bát Tràng sử dụng các kiểu lò: lò ếch, lò đàn, lò bầu, lò hộp để nung gốm. Nhiên liệu đốt lò thường dùng là rơm, củi, tre nứa…Người Bát Tràng không dùng củi sung, đa, gạo, vối làm chất đốt lò. Ngày nay, người Bát Tràng chyển từ lò hộp sang lò ga để đốt. Lò ga giúp người chủ lò chủ động được nhiệt độ và mẫu mã sản phẩm.

Phần lớn gốm Bát Tràng được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ tài năng sáng tạo của người thợ làng nghề. Dựa vào ý nghĩa sử dụng, có thể phân chia gốm Bát Tràng thành các loại hình:

Đồ gốm gia dụng: Bao gồm các loại đĩa, chậu hoa, âu, thạp, ang, bát, chén, khay trà, ấm, bình rượu, bình vôi…

Đồ gốm dùng làm đồ thờ cúng: Bao gồm các loại chân đèn, chân nến, lư hương, đỉnh, đài thờ, mâm gốm...

Đồ trang trí: Bao gồm mô hình nhà, long đình, các loại tượng như tượng nghê, tượng ngựa, tượng Di Lặc, tượng hổ, tượng voi, tường đẩu khỉ…

Một số mặt hàng gốm Bát Tràng ngày nay

Các sản phẩm gốm của Bát Tràng ngày nay phong phú và đa dạng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm của Bát Tràng có mặt trên thị trường cả nước và được xuất khẩu sang các nước Châu Á và Châu Âu. Các dòng gốm cổ truyền luôn được các thế hệ người Bát Tràng bảo lưu, trao truyền và cải tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Người Bát Tràng không chỉ sáng tạo những dòng gốm mới mà họ còn phát triển các dòng gốm mới trên nền tàng truyền thống. Dòng gốm men lam xám cổ tưởng đã thất truyền nay được ứng dụng làm nên tác phẩm nghệ thuật tổng hợp gốm- họa – thơ. Dòng gốm cổ Hồng Sa được khôi phục, mỗi năm sản xuất hàng ngàn chiếc ấm chất lượng cao để xuất sang Nhật Bản. Dòng gốm men chảy, men rạn được sử dụng để làm đồ thờ cúng vô cùng đẹp mắt. Có thể nói, làng gốm Bát Tràng vừa lưu giữ được những nét cổ truyền của dòng gốm cũ, vừa không ngừng sáng tạo để tạo nên những dòng sản phẩm quý phục vụ thị trường.

Ngày nay, Bát Tràng ngoài việc phát triển làng nghề gốm truyền thống còn phát triển cả du lịch làng nghề. Rất nhiều đoàn du khách trong nước và quốc tế đến đây tham quan hay tự tay tạo ra sản phẩm gốm. Các cửa hàng tại làng gốm Bát Tràng trưng bày các sản phẩm với mẫu mã phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu khách hàng. làng gốm Bát Tràng đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội. làng gốm Bát Tràng đã ứng dụng yếu tố truyền thống và công nghệ hiện đại trong công tác bảo tồn làng nghề truyền thống kết hợp với phát triển du lịch.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Trãi, Dư địa chí, Nxb Sử học, Hà Nội, 1960
  2. Võ Văn Trực, Sứ Bát Tràng, Văn hóa nghệ thuật, 1973, số 3
  3. Trần Khánh Chương, Nghệ thuật gốm hoa nâu Việt Nam, Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, 1980, số 3, tr 36
  4. Nguyễn Bích, Đồ gốm từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVIII, Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, 1978, số 1
  5. Đỗ Thị Hảo, Quê gốm Bát Tràng, Nxb Hà Nôi, 1989
  6. Nguyễn Bích, Lịch sử phát triển nghệ thuật gốm Việt Nam, Mỹ thuật, 1994, số 3
  7. Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Quang Ngọc, Gốm Bát Tràng thế kỷ XIV-XIX, , Nxb Thế giới, Hà Nội, 1995
  8. Trần Khánh Chương, Nghệ thuật gốm Việt Nam, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 1990
  9. Trương Minh Hằng (chủ biên), Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, tập 4, Nghề gốm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.
  10. Vũ Từ Trang, Nghề cổ nước Việt: khảo cứu, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001.