Liên minh Utrecht (1579) tên gọi tổ chức được thành lập ngày 23.1.1579 bởi các tỉnh phía bắc thuộc vùng đất thấp (Netherlands) để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại Tây Ban Nha, tên tiếng Anh là Union of Utrecht.
Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Vùng đất thấp diễn ra năm 1566 do những mâu thuẫn về thuế khóa và tôn giáo với hoàng đế Philip II của Tây Ban Nha. Phillip II cử công tước Alba đem 10.000 quân vào Brussels để trấn áp cách mạng. Trước sự đe dọa của Tây Ban Nha, một số quý tộc Netherlands đã tập hợp lại, quy thuận triều đình và nguyện phụng sự Philip II; một số khác thì chuẩn bị đấu tranh. William Organe được công nhận là Toàn quyền và Lãnh chúa của Holland, Zeeland, Friesland và Utrecht trong cuộc họp năm 1572. Hòa ước Ghent được ký kết năm 1576 đã yêu cầu tự do tôn giáo ở Vùng đất thấp.
Công tước xứ Parma được Philip II cử sang thay thế Alba cai trị Vùng đất thấp đã thực hiện những chính sách đàn áp dã man, buộc người dân phải theo một tôn giáo duy nhất là Thiên chúa giáo. Hầu hết các tỉnh miền Nam vẫn theo tôn giáo này nên đã tách ra khỏi Hòa ước Ghent và thành lập Liên minh Aras ngày 6.1.1579. Để chống lại chính quyền cai trị và phe miền Nam, các tỉnh miền Bắc đã thành lập liên minh Utrecht để đấu tranh đòi tự do tôn giáo và độc lập dưới sự lãnh đạo của William Organge. Là một liên minh bền chặt nằm dưới sự lãnh đạo của Nhà nước Liên bang đặt ở Brussels. Các tỉnh và thành phố tham gia liên minh gồm có: Holland, Zeeland, Utrecht, Gelderland (Guelders), Zutphen (một phần của Overijssel). Đầu năm 1579, một số thành phố tham gia vào liên minh như Ghent (thuộc tỉnh Friesland), ba vùng Nijmegen, Veluwe, và Zutphen của tỉnh Guelders. Mùa hè 1579, Amersfoort (tỉnh Utrecht), Antwerp, Breda (của tỉnh Brabant) và Ypres (Ieper) thuộc tỉnh Flanders tham gia liên minh. Tháng 2.1580, Brugge (Bruges), Lier thuộc tỉnh Flanders và các vùng xung quanh tham gia. Sau đó, số thành viên của liên minh tăng lên gồm toàn bộ Overijssel, hầu hết tỉnh Friesland, và Groningen ở phía bắc.
Mục tiêu ban đầu của Liên minh là tiến hành cuộc chiến tranh giành độc lập và củng cố hơn nữa quyền lực của chính phủ trung ương ở Brussels. Liên minh đã thông qua Hòa ước yêu cầu rằng đạo Tin lành sẽ là tôn giáo tự do ở bất cứ đâu thuộc vùng đất thấp. Liên minh đã dẫn đến sự ra đời của một nhà nước riêng rẽ ở phía bắc Vùng đất thấp với tên gọi Liên hiệp các tỉnh của vùng đất thấp, hay Cộng hòa Hà Lan. Năm 1581, Các tỉnh liên hiệp tuyên bố độc lập với điều khoản Abjuration. Toàn quyền của Liên minh được quyết định bởi Nghị viện. William Orange, lãnh đạo của tỉnh Holland và Zeeland, trở thành người đứng đầu Hội đồng nhà nước.
Năm 1581, Điều khoản về sự bội ước được thông qua, và Liên minh Utrecht dự định mời Nữ hoàng Elizabeth I của Anh trở thành người đứng đầu nhà nước thay cho Phillip II của Tây Ban Nha nhưng bị từ chối. Cuối cùng, họ mời công tước xứ Anjou, Francois (em trai của vua Henry III của Pháp) vào vị trí này, nhưng người dân không thực sự tin tưởng ông. Francois định đem quân trấn áp quyền lực của liên minh năm 1583 nhưng thất bại. Phillip II đồng thời đem quân tấn công Liên hiệp các tỉnh và ám sát William Organge vào 10.7.1584. Cuộc đấu tranh của Liên minh tiếp tục được lãnh đạo bởi con trai của William là Maurice of Nassau.
Năm 1585, sau khi ký hiệp ước Nonsuch, Nữ hoàng Elizabeth I của Anh đã gửi khoảng 6.000 lính dưới quyền của Bá tước vùng Leicester đến giúp Liên hiệp các tỉnh do Anh lo sợ Tây Ban Nha sẽ bắt tay Pháp đàn áp tôn giáo cải cách trên diện rộng. Bá tước tự coi mình là ông chủ của liên minh nên không hoàn thành nhiệm vụ, phải trở lại Anh và để Maurice làm người đứng đầu quân đội Hà Lan năm 1587.
Với sự hậu thuẫn của tỉnh Holland và Zeeland, Maurice đã liên tiếp có những chiến thắng quân sự trước quân đội Tây Ban Nha ở miền bắc, tiến xuống phía nam - vùng Brabant và phần lớn của Flanders để chia cắt thành phố Antwerp với biển. Quân đội Liên hiệp các tỉnh chiếm Bergen op Zoom (năm 1588), Breda, Zutphen, Deventer, Delfzijl (1590), Nijmegen (1591), Steenwijk, Coevorden (1592), Geertruidenberg (1593), Groningen (1594), Grol, Enschede, Ootmarsum, Oldenzaal (1597), Rheinberg (1601), và Grave (1602). Những chiến thắng này đã xác định lãnh thổ của Bảy tỉnh liên hiệp, tức Cộng hòa Hà Lan ngày nay. Anh, Pháp đã công nhận Cộng hòa Hà Lan như một chính quyền độc lập. Amsterdam từng bước thay thế vai trò của Antwerp như trung tâm thương mại hàng đầu châu Âu.
Năm 1609, Thỏa thuận đình chiến 12 năm được ký kết giữa Tây Ban Nha và Liên hiệp bảy tỉnh sau khi những cuộc tấn công của Tây Ban Nha không giành được kết quả thuận lợi. Thỏa thuận này tạo điều kiện cho Liên minh Utrecht củng cố mối quan hệ giữa các tỉnh ven biển và bên trong lục địa, xây dựng quân đội mang tính toàn diện. Đây là sự công nhận mang tính thực tế của Tây Ban Nha về sự tồn tại của Liên hiệp bảy tỉnh. Thỏa thuận này mở ra thời kỳ vàng trong sự phát triển của kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Hà Lan (1609-1713), tức là cho đến khi William III Organge bị chết năm 1702 và Hòa ước Utrecht được ký năm 1713. Cuộc chiến tranh giữa Liên hiệp bảy tỉnh và Tây Ban Nha bùng nổ trở lại năm 1621 và nằm trong khuôn khổ chung của chiến tranh 30 năm (1618-1648). Tháng 1.1648, hòa ước Westphalia được ký kết và Tây Ban Nha chính thức công nhận độc lập của Hà Lan, thậm chí thúc đẩy quan hệ thân hữu giữa hai nước trước sức ép từ sự vươn lên của các cường quốc khác ở châu Âu.
Liên minh Utrecht được coi là nền tảng cơ sở cho cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Vùng đất thấp trước đế quốc Tây Ban Nha. Với sự hậu thuẫn của giới tư sản theo tôn giáo cải cách, Liên minh đã từng bước thay đổi và thành lập Cộng hòa Hà Lan, thay thế vai trò trung tâm kinh tế, thương mại của các tỉnh miền nam Vùng đất thấp. Sự ra đời của Cộng hòa Hà Lan đánh dấu thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa tư bản trong cuộc đấu tranh với chế độ phong kiến châu Âu.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Graham Darby (ed.), The Origins and Development of the Dutch Revolt (Nguồn gốc và sự phát triển của cách mạng Hà Lan), Routledge, 2001.
- James Tracy, The Founding of the Dutch Republic: War, Finance and Politics in Holland, 1572-1588 (Sự thành lập nền cộng hòa Hà Lan: chiến tranh, tài chính, và chính trị ở Hà Lan, 1572-1588), Oxford University Press, 2008.
- Geert Janssen, The Dutch Revolt and Catholic Exile in Reformation Europe (Cách mạng Hà Lan và sự đày ải của Thiên chúa giáo trong cải cách ở châu Âu), Cambridge University Press, 2014.