Mục từ này cần được bình duyệt
Hồ Quý Ly
(đổi hướng từ Lê Quý Ly)

Hồ Quý Ly (Lê Quý Ly, tự là Lý Nguyên, 1336-?), làm quan vương triều Trần trong lịch sử Việt Nam và là người sáng lập, vua đầu, thượng hoàng vương triều Hồ (1400-1407). Ông thuộc dòng dõi Hồ Hưng Giật, người gốc huyện Vũ Lâm, Chiết Giang, Trung Quốc, sang định cư ở hương Đào Bột, nay thuộc xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Hồ Quý Ly lúc đầu mang họ Lê do ông nội là Hồ Liêm làm con nuôi Lê Huấn, ở hương Đại Lại, nay thuộc làng Kim Phát, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; đến khi thành lập triều Hồ đổi thành họ Hồ.

Gia thế[sửa]

Hồ Quý Ly có tổ tiên là Hồ Hưng Giật, người Chiết Giang, đậu Trạng nguyên thời Ngũ Đai Thập Quốc (907-979), được cử sang nước Việt làm Thái thú Diễn Châu (Nghệ An). Khi diễn ra sự biến “Mười hai sứ quân”, Hồ Hưng Giật đến ở hương Đào Bột, làm trại chủ và trở thành thủy tổ dòng họ Hồ ở Việt Nam.

Họ Hồ có hai tông phái: Một ở Diễn Châu (trưởng) và một ở Thanh Hóa (thứ). Tông phái ở Thanh Hóa có cháu 12 đời là Hồ Liêm ở hương Đại Lại làm con nuôi của Tuyên úy Lê Huấn, nên dòng này mang họ Lê. Ông nội của Quý Ly là Lê Liêm lấy bà vợ họ Chu có hai người con gái (Quý Ly gọi bằng cô) đều trở thành thái phi của vua Trần Minh Tông (1314-1329). Bố của Quý Ly không rõ tên, lấy con gái Phạm Bân (người huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), sinh ra Quý Ly và Quý Tỳ. Phạm Bân là thầy thuốc giỏi dưới đời Trần Anh Tông, được vua cho vào cung đình giữ chức Thái y.

Sử sách không ghi chép về thời trai trẻ của Hồ Quý Ly. Chỉ biết rằng, ông từ nhỏ theo Nho học, lớn lên từng theo nghiệp võ, đã được Sư Tề truyền dạy võ nghệ và trên thực tế Quý Ly cũng rất giỏi Nho học, văn thơ, do đó rất có thể từ nhỏ Quý Ly được học hành tử tế về Nho học.

Hồ Quý Ly có hai người vợ. Người vợ đầu không rõ tên, sinh ra Hồ Nguyên Trừng. Người vợ sau là công chúa Huy Ninh, con vua Trần Minh Tông, tức em gái vua Trần Nghệ Tông. Huy Ninh nguyên là vợ của Phò ký lang Trần Nhân Vinh, bị Dương Nhật Lễ giết hại trong chính biến, lúc đó đã có con gái là công chúa Hoàng Trung, về sau lấy Mộng Dữ con trai quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Năm 1371, vua Trần Nghệ Tông gả em gái cho Hồ Quý Ly. Hồ Quý Ly và Huy Ninh có hai người con là Thánh Ngâu và Hán Thương. Sử chép rằng, trong cuộc chiến tranh xâm lược nước Đại Ngu năm 1406-1407, quân Minh bắt được Hồ Quý Ly cùng các con là Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng, Hồ Triệt và Hồ Uông. Theo đó, hai người mà sử chép là Hồ Triệt và Hồ Uông chưa biết là con của bà vợ nào? Con trai trưởng Hồ Nguyên Trừng là người rất thông minh, tài giỏi, nhưng không được Quý Ly lập làm Thái tử vào năm 1400, có thể vì ông không phải là cháu ngoại vua Trần. Còn Hồ Hán Thương là con thứ, nhưng là cháu ngoại họ Trần nên Hán Thương được Quý Ly truyền ngôi.

Quan triều Trần[sửa]

Năm Canh Tuất (1370), khi giành lại ngôi báu từ tay Dương Nhật Lê, Trần Nghệ Tông cho Hồ Quý Ly vào triều giữ chức võ quan là Chi hậu tứ cục chánh chưởng, lúc đó Quý Ly 34 tuổi. Là một người cơ mưu lại có quan hệ ngoại thích với vua Trần nên Hồ Quý Ly được thăng tiến rất nhanh chóng. Trong hai người cô của Hồ Quý Ly làm cung nhân cho vua/thượng hoàng Trần Minh Tông, thì một người sinh ra Trần Phủ tức vua Trần Nghệ Tông và một người sinh ra Trần Kính tức vua Trần Duệ Tông. Do đó, Hồ Quý Ly rất được các vua Trần, nhất là Nghệ Tông tin cậy và trọng dụng. Tháng 5 năm Tân Hợi (1371), Quý Ly được Trần Nghệ Tông trao giữ chức Khu mật viện đại sứ và gả em gái là công chúa Huy Ninh, trở thành Phò mã nhà Trần. Tháng 9 năm đó, Quý Ly được gia phong tước Trung tuyên quốc thượng hầu.

Tháng Giêng năm Ất Mão (1375), Khu mật viện đại sứ Lê Quý Ly được cử giữ chức Tham mưu quân sự. Chức vụ quan trọng này trước đây do Hành khiển Đỗ Tử Bình nắm giữ, đến đây Nghệ Tông trao cho Quý Ly. Với cương vị này, Quý Ly đã tham mưu để vua Trần xuống chiếu chọn các quan viên biết luyện tập võ nghệ, tinh thông thao lược, thì không cứ là người tôn thất, đều cho làm tướng coi quân. Đây là điều hoàn toàn mới mẻ của vương triều Trần, bởi trước đó các chức vụ quan trọng trong quân đội chủ yếu do quý tộc Trần nắm giữ. Quý Ly lợi dụng chiếu dụ đó của vua để từng bước thay thế những người thân cận không thuộc hàng ngũ quý tộc, có vây cánh với mình vào chỉ huy các đơn vị quân đội triều đình.

Cuối năm 1376 đầu năm 1377, Quý Ly tham gia đạo quân đi đánh Chămpa dưới sự thống lĩnh của vua Trần Duệ Tông. 12 vạn quân xuất phát từ kinh sư; lúc đó Quý Ly đảm nhận việc đốc thúc quân dân Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa cung cấp lương thực. Vua Chế Bồng Nga dùng kế bỏ thành chạy trốn. Vua Duệ Tông mắc kế, bị đại bại, cùng nhiều tương cao cấp chết trận. Kiến Đức Đại vương Trần Hiện được lập làm vua (tức Trần Phế Đế).

Tháng 2 năm Kỷ Mùi (3-1379), Trần Nghệ Tông cho Lê Quý Ly làm Tiểu tư không (tương đương Thượng thư), vẫn kiêm Hành khu mật viện đại sứ.

Năm Canh Thân (1380), Chế Bồng Nga lại dẫn quân ra cướp phá vùng Thanh Hóa. Tháng 3 năm đó, Thượng hoàng cử Lê Quý Ly chỉ huy thủy quân, phối hợp với cánh quân bộ của Đỗ Tử Bình chặn đánh. Quý Ly cho quân đóng cọc ở sông Ngu Giang (sông Lạch Trường) để cầm cự với giặc. Đến tháng 5, Quý Ly phát lệnh tập kích quân Chămpa. Trận này quân Đại Việt giành thắng lợi lớn, vua Chămpa Chế Bồng Nga thoát chết. Sau trận này, Quý Ly được phong chức Nguyên nhung hành Hải Tây đô thống chế, phụ trách toàn bộ vùng từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa để đối phó với Chế Bồng Nga.

Tháng 2 năm Nhâm Tuất (1382), Quý Ly một lần nữa được cử chỉ huy quân đội chặn đánh quân thủy bộ Chămpa đang tiến vào cướp phá Thanh Hóa. Khi hai bên đang cầm cự ở núi Long Đại (Hàm Rồng, Thanh Hóa) thì viên tướng dưới quyền Quý Ly là Nguyễn Đa Phương đem quân của mình chủ động tiến công, bất ngờ xông ra đánh, quân Chămpa thua to. Quân của Quý Ly đuổi giặc vào tận Nghệ An.

Một năm sau, tháng Giêng năm Quý Hợi (1383), Quý Ly lại thống lĩnh thủy quân đánh quân Chămpa, nhưng gặp bão to, các thuyền lớn của Quý Ly bị sóng đánh hư hỏng nhiều ở vùng biển Hà Tĩnh và Quảng Bình, nên phải rút quân về.

Tiền giấy "Hội Sao Thông Bảo", giá trị 1 mân, được cho phát hành bởi Hồ Quý Lý khi làm quan triều Trần năm 1393.

Tháng 10-1389, Quy Ly lại được Thượng hoàng cử dẫn quân giao chiến với quân Chămpa ở Thanh Hóa nhưng bị đại bại. Quân Chămpa tiến ra Bắc uy hiếp kinh thành Thăng Long. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông cử Đô tướng Trần Khát Chân tiến xuống sông Hải Triều (sông Luộc) để chặn giặc. Tại đây, năm Canh Ngọ (1390), Trần Khát Chân đại thắng quân Chămpa ở hải Triều, đã dùng hỏa pháo bắn chết Chế Bồng Nga, cơ bản chấm dứt được họa xâm lược của quân Chămpa.

Tháng 2-1391, Quý Ly thân hành dẫn quân đi tuần tra, xem xét tình hình và sửa sang thành trì phòng thủ ở châu Hóa.

Đó là những lần Hồ Quý Ly trên cương vị là Khu mật đại sứ, hoặc là Tham mưu quân sự đã trực tiếp chỉ huy quân đội đi chống lại sự xâm nhập của quân đội Chămpa do Chế Bồng Nga chỉ huy ở vùng lãnh thổ phía Nam. Hồ Quý Ly không chỉ là người tướng làm tham mưu nơi màn trướng mà còn là người được Thượng hoàng giao trực tiếp cầm quân nơi trận mạc. Nhờ đóng vai trò lớn trên lĩnh vực quân sự, Quý Ly có điều kiện thao túng cả trên lĩnh vực chính trị.

Chính Trần Nghệ Tông là người đã mở đường cho Lê Quý Ly tham gia triều chính và cất nhắc Quý Ly giữ những trọng trách. Quý Ly tham gia điều hành chính sự qua các chức Khu mật viện đại sứ, rồi Nhập nội phụ chính thái sư, Quốc tổ nhiếp chính.

Tháng 3 năm Đinh Mão (4-1387), Thượng hoàng Trần Nghệ Tông cho Lê Quý Ly làm Đồng bình chương sự, ban cho một thanh gươm và một lá cờ đề 8 chữ “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức” (Văn võ toàn tài, vua tôi một dạ). Lời khen ngợi Quý Ly của Trần Nghệ Tông thể hiện ở 8 chữ trên lá cờ ấy, phản ánh một thực tế là Nghệ Tông rất tín nhiệm Lê Quý Ly, có lẽ bởi Quý Ly có năng lực vượt trội trong đội ngũ quần thần của Nghệ Tông.

Trong 30 năm làm quan trong chính thể nhà Trần, thì đã có 24 năm Quý Ly sát cánh cùng Trần Nghệ Tông điều hành chính sự. Quý Ly là một người thông tuệ, có học vấn, tôn sùng Nho giáo, quyết đoán, luôn có tư tưởng cách tân, có ý thức dân tộc mạnh mẽ; có thể điều này hợp với tính cách, tư tưởng của Trần Nghệ Tông, nên được Nghệ Tông hết mực tin dùng, cất nhắc, ủy thác, coi như một cận thần có khả năng giúp việc. Mặt khác, trong bối cảnh lúc đó, đa phần vương hầu, quý tộc Trần bất tài, chỉ lo hưởng thụ, đang là gánh nặng xã hội và trở nên bất lực trước những đòi hỏi đổi thay của đất nước. Các vua trẻ như Duệ Tông, Thuận Tông và Phế đế thì tỏ ra “ương gàn, cố chấp”, “u mê, nhu nhược”, không quyết đoán. Để củng cố vương triều vững mạnh, quản lý đất nước có hiệu lực, xây dựng một xã hội ổn định, đủ sức bảo vệ độc lập, chủ quyền lại đòi hỏi phải có những đổi thay lớn, thì Nghệ Tông phải có người trợ giúp đắc lực. Cho nên, Nghệ Tông chỉ trông cậy ở Quý Ly và đã dựa hẳn vào Quy Ly để thực thi những ước vọng củng cố chính quyền trung ương, thay đổi xã hội của mình; ông tôn sùng Nho giáo, trăn trở suy tư, mong muốn có được một chính quyền tập trung mạnh mẽ; và thực sự Quý Ly cũng đã trở thành cánh tay phải đắc lực của Trần Nghệ Tông… Quyền hành chính trị và quân sự của Quý Ly ngày càng trở nên quan trọng. Từ vị thế của mình, ông đã thi hành một loạt cải cách táo bạo trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa và giáo dục, nhằm chuyển một bước quan trọng từ chế độ quân chủ quý tộc tôn thất thời Trần sang chế độ quân chủ quan liêu theo mô hình Nho giáo; giải quyết các mâu thuẫn kinh tế-xã hội đang diễn ra gay gắt; cất nhắc, tiến cử những người thân cận vào những chức vụ quan trọng trong triều đình, như Nguyễn Đa Phương, Phạm Cự Luận, Hồ Chương, v.v..

Nhiều tôn thất và tướng lĩnh nhà Trần mưu giết Hồ Quý Ly không thành, đều do bàn tay can thiệp của thượng hoàng Trần Nghệ Tông. Trần Nghệ Tông sẵn sàng loại bỏ một số quý tộc tôn thất bảo thủ, kém cỏi để bảo vệ Hồ Quý Ly.

Tháng 2 năm Giáp Tuất (1394), Trần Nghệ Tông sai vẽ tanh Chu Công giúp Thành Vương, Hoắc Tuấn giúp Chiêu Đế, Gia Cát giúp Thục Hậu chúa và Tô Hiến Thành giúp Lý Cao Tông, gọi là tranh “Tứ Phụ” ban cho quý Ly. Chứng tỏ Nghệ Tông hết sức tin tưởng Quý Ly, so sánh Quý Ly với những người đã từng phò giúp ấu chúa. Chính vì thế, tháng 4 năm đó, lúc sắp lâm chung, Trần Nghệ Tông đã cho gọi Quý Ly vào cung, giao phó cho Quý Ly giúp đỡ con cháu truyền ngôi và khuyên Quý Ly nhận lấy ngôi báu nếu con cháu quá hèn kém. Tháng 11 năm đó, thượng hoàng Trần Nghệ Tông qua đời.

Lập triều Hồ[sửa]

Cổng nam thành Tây Đô
Tiền đồng được lưu hành ở Đại Ngu vào thời kỳ trị vì của Hồ Quý Ly

Sau khi Nghệ Tông mất, Hồ Quý Ly tự mình xoay xở, điều hành chính sự, trực tiếp đối mặt với đội ngũ quý tộc Trần chống đối và với âm mưu xâm lược ngày càng lộ rõ của nhà Minh. Thông qua vị vua trẻ tuổi là Trần Thuận Tông, Quý Ly giữ chức Nhập nội phụ chính thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, tước Tuyên trung vệ quốc Đại vương, ngang với cương vị Tể tướng, nắm trọn mọi quyền hành trong triều.

Tháng Giêng năm Đinh Sửu (1397), Quý Ly cho xây dựng kinh đô mới ở động An Tôn (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) gọi là Tây Đô, đổi Thăng Long thành Đông Đô và ép vua Trần Thuận Tông dời hành tại về cung Bảo Thanh ở hương Đại Lại. Tháng 3 năm Mậu Dần (1398), Quý Ly buộc vua Thận Tông nhường ngôi cho con là Thái tử An (Trần Thiếu Đế) mới 3 tuổi. Quý Ly tự xưng là Long Đức Hưng Liệt Đại vương và “lên ngự điện ở kinh Tây Đô”. Cũng năm đó, Quý Ly cho người sát hại Trần Thuận Tông (4-1398) và thẳng tay loại bỏ những người chống đối.

Tháng 4 năm Kỷ Mão (1399), nhân Hồ Quý Ly tổ chức Hội thề Đốn Sơn, một số quý tộc, quan lại trung thành với nhà Trần như Thái bảo Trần Hãng, thượng tướng Trần Khát Chân, v.v… mưu tính làm chính biến giết Hồ Quý Ly, nhưng không thành. Thái bảo Trần Hãng, Trụ quốc Trần Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát chân, Hành khiển Hà Đức Lân, Phạm Khả Vĩnh, Lương Nguyên Bưu, Phạm Ông Thiện, Phạm Ngưu tất, Phạm Tổ Chu và các thuộc liêu, thân thích hơn 370 người đều bị giết, tịch thu gia sản, con gái bắt làm nô tỳ, con trai từ 1 tuổi trở lên hoặc chôn sống, hoặc dìm nước chết.

Tháng 7 năm 1399, Quý Ly tự xưng là Quốc tổ chương hoàng, mặc áo bồ hoàng, ở cung Nhân Thọ, ra vào như lệ Thái tử, dùng 12 chiếc lọng vàng. Con là Hán thương gọi là Nhiếp thái phó, ở bên điền Hoàng Nguyên; Nguyên Trừng làm quan Tư đồ.

Tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Quý Ly bức vua Thiếu Đế nhường ngôi. Quý Ly lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, quốc hiệu là Đại Ngu, đổi họ Lê thành họ Hồ tức Hồ Quý Ly. Lập con Hồ Hán Thương làm Thái tử. Từ đây, một vương triều mới xuất hiện trong lịch sử Việt Nam: triều Hồ (1400-1407). Chưa đầy một năm sau, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con là Hồ Nguyên Trừng, lên làm Thái thượng hoàng, nhưng vẫn tự mình quyết đoán mọi công việc.

Từ khi thành lập vương triều mới, Hồ Quý Ly khẩn trương bắt tay xây dựng đất nước trên các lĩnh vực; nhằm mục đích xây dựng một chính quyền trung ương tập trung vững mạnh, khôi phục sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Minh xâm lược, Hồ Quý Ly cho lập sổ hộ tịch để quản lý dân đinh để tuyển lính, khẩn trương chỉnh đốn tổ chức, xây dựng và trang bị quân đội, quan tâm đến việc xây dựng thế trận phòng thủ, sẵn sàng chống ngoại xâm.

Từ tháng 4 năm Bính Tuất (1406), nhà Minh phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước Đại Ngu/Đại Việt. Hồ Quý Ly cùng hai con Hồ Hán Thương và Hồ Nguyên Trừng tổ chức lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Minh. Mặc dù Hồ Quý Ly và triều đình nhà Hồ rất quyết tâm kháng chiến và kháng chiến đến cùng, nhưng do quân dịch quá đông và manh, mặt khác do sai lầm về đường lối chiến lược - chiến thuật, nên đã nhanh chóng thất bại. Hồ Quý Ly cùng các con và triều đình nhà Hồ bị giặc bắt đưa về Kim Lăng (Nam Kinh), bị đầy và mất trên đất Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
  • Quốc sử quan triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998.
  • Minh thực lục, quan hệ Trung Quốc-Việt Nam thế kỷ XIV-XVII, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2010.
  • Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân sự Việt Nam, Tập 5, Hoạt động quân sự thời Hồ-Lê Sơ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013.
  • Phan Huy Lê-Phan Đại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005.