Khăn piêu là loại khăn đội đầu của nữ giới, phổ biến nhất ở người Thái đen vùng Tây Bắc Việt Nam. Piêu trong tiếng Thái đã có nghĩa là khăn, nhưng người Việt từ lâu vẫn quen gọi là khăn piêu.
Khăn piêu có nguồn gốc từ lâu đời, gắn liền với nghề trồng bông, nuôi dâu tằm, dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Thái. Trong sách Quam bók mạy xon cốn (sách răn người, tục ngữ cha ông để lại) có câu dệt côn đảy khống hảư mí kin, ti dú, ăn nùng. Khảu phải đảy khống púk, phải húk đảy khống dệt, hướn dảo khống xảng panh (“làm người phải lo cho ăn ở, mặc, lúa ngô phải lo trồng, bông vải phải lo dệt, nhà cửa lo tu bổ), cho thấy từ rất xa xưa người Thái đã coi trọng nghề trồng bông, dệt vải, thêu thùa khăn áo, song song với nghề trồng lúa nước.
Piêu được làm từ một sải vải trắng dệt từ loại bông cỏ, có khổ rộng 40 cm; dài 1m60 gọi là “va piêu” (một sải), sau đó được đem nhuộm chàm và ngâm vào nước vỏ cây hoa ban hoặc nước củ nâu để đạt đến màu đen bóng. Tiếng Thái gọi bước ngâm vải này là “láng”. Chiếc khăn đã qua bước “láng” sẽ bền màu và đạt được sắc độ cần thiết.
Người Thái có hai loại khăn piêu. Piêu xôn được thêu đơn giản, không cầu kì, thêu chỉ đỏ xen kẽ xanh, đỏ, tím vàng theo ô khổ vải, giữa các ô thêu hình cây, quả trám và hoa… Piêu xéo được thêu cầu kỳ trên nền hai đầu khăn với nhiều hoa văn rực rỡ phối các chỉ màu.
Chỉ để thêu piêu thường là sợi tơ tằm (may lải), được làm từ các gia đình người Thái có truyền thống nuôi tằm kéo tơ, sau đó được nhuộm thành nhiều loại màu khác nhau. Những màu được nhuộm phổ biến là: màu xanh lá cây, màu đỏ tươi hay đỏ sẫm, màu tím, màu vàng và màu hồng. Trước đây, phụ nữ Thái nhuộm chỉ bằng các màu thực vật như cây phang nhuộm thành màu đỏ, củ nghệ và cây hem nhuộm thành màu vàng... Hiện nay, phụ nữ Thái dùng các loại phẩm màu hóa học để nhuộm chỉ, riêng màu trắng là màu nguyên của loại kén tằm trắng.
Khăn piêu được trang trí tập trung ở hai đầu khăn. Trước khi thêu, người ta ghép một mảnh vải đỏ làm viền cạnh hai đầu khăn, vừa bọc cho sợi các đầu khăn khỏi bị xổ ra, vừa giới hạn diện tích trang trí. Dải vải này được gọi là cóp piêu, có độ dài chỉ vừa bằng đồ án hoa văn. Ở bốn góc vuông, người ta chừa một phần dải vải cóp piêu để tết thành hu piêu (tai piêu). Tai piêu trông tựa như một bông hoa nhiều cánh tròn, xòe ra từ các đỉnh góc vuông đầu khăn. Một số người còn thích đính thêm những túm chỉ màu vào tai piêu làm tua thêm sặc sỡ. Trên trục ngang/dọc của cóp piêu thì người ta đính vào các chùm cút piêu. Cút piêu được làm từ một mảnh vải đỏ rộng khoảng 1cm, bên trong bọc lõi chỉ rồi cuộn tròn lại, quấn thêm các loại chỉ màu thành các múi bên trong hình tròn. Phụ nữ Thái thường làm sẵn nhiều cút piêu một lúc rồi dùng dần. Với mỗi chiếc khăn, số lượng chùm cút piêu nhiều hay ít là tùy sở thích từng người thêu khăn. Nhưng số cút piêu trong một chùm thì lại do mục đích sử dụng của chiếc khăn quy định. Thông thường, chiếc piêu để người làm dùng sẽ có số lượng cút piêu là hai hay ba cút; còn chiếc piêu để làm tặng phẩm, đặc biệt là để tặng cô thím bên nhà chồng sẽ có số lượng cút piêu nhiều hơn, thường là năm cút. Bởi vậy, dân ca Thái có câu: “Piêu cút xam mưa khá me da pả / Piêu cút hả mưa khá me da lua” (Piêu ba cút dành tặng bác, bá/Piêu năm cút để tặng thím chồng).
Trên khăn piêu thường có nhiều đồ án hoa văn với nhiều kiểu dạng khác nhau. Từng mường có cách trang trí theo phong cách riêng của mình, do đó nhìn vào cách trang trí, người tinh ý có thể nhận ra ngay đó là khăn piêu của vùng nào. Chẳng hạn, chiếc khăn piêu Yên Châu (Mường Vạt) rất sặc sỡ với những mảng màu sắc lớn trang trí theo phong cách hoa văn mặt phà (mặt chăn). khăn piêu Mai Sơn (Mường Mụa), Sơn La (Mường La), Thuận Châu (Mường Muổi)… thì hoa văn giản dị hơn, thường là hoa văn nhánh cây (nga mạy) hay một chùm hoa (xum bóok); màu sắc giảm độ chói. Một số hoa văn khác cũng thường được dùng như hoa bí (bóok ứk); con nhện đất (tô cu) hay con cua (tô pu); hình khỉ hái quả (lính pít mák), hình con bướm, con chuồn chuồn. khăn piêu Điện Biên (Mường Thanh) thì kết hợp cách trang trí của khăn piêu Mường La, Mường Muổi và những yếu tố hoa văn của người Lào như hoa văn con voi, hình chim…
Trên đồ án hoa văn có một motif trang trí cố định là các cặp tin xáo (những đường song song), tuy nhiên các cặp này cũng không giống nhau ở mỗi chiếc khăn piêu. Có người thích các cặp tin xáo là những đường thẳng, có người lại thích thêu vắt chéo thành hình dấu nhân lớn (X) hoặc móc câu (cút) vắt chéo nhau. Trong đó, các cặp tin xáo thêu vắt móng giò chạy song song là loại tin xáo được nhiều người ưa thích nhất. Nguyên tắc chủ đạo để thêu khăn piêu là cách luồn (xéo) sợi chỉ màu đan vào nền vải đen từ mặt trái lên (tức là mặt khăn khi đội sẽ úp vào phía trong). Khi thêu, sẽ bắt đầu từ mảng hoa văn chủ đạo ở giữa đồ án rồi mới thêu dần ra xung quanh. Thêu hoa văn xong mới đính thêm các phần cút piêu, hu piêu.
Chiếc khăn piêu gắn bó chặt chẽ với cuộc đời người phụ nữ Thái. Họ sử dụng khăn piêu suốt bốn mùa, cả những lúc lao động đi nương, đi suối; hay những lúc vui chơi, hội hè, lễ tết, đi thăm người thân. Khăn piêu không chỉ là một vật dụng trang sức đội đầu, bên cạnh chiếc áo cóm, váy đen (xửa đăm), góp phần tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng của phụ nữ Thái, mà còn có nhiều giá trị sử dụng thiết thực: khi trời nắng thì đội lên đầu che nắng; khi trời lạnh thì quàng cổ giữ ấm; khi cần địu con thì buộc túm hai đầu vào nhau, gọi là địu mào (đa hon); khi múa hát thì thành đạo cụ (gọi là xe piêu)…
Khăn piêu còn là vật dụng có ý nghĩa tâm linh. Quan niệm dân gian của người Thái Tây Bắc cho rằng con người có tới 80 hồn, 30 hồn đằng trước, 50 hồn đằng sau, trong đó hồn chủ ngụ trên đỉnh đầu. Nơi hồn chủ trú ngụ, mỗi người đều phải có ý thức cẩn trọng, giữ gìn, tránh va quệt. Bởi vậy, đối với người phụ nữ Thái, khăn piêu như một tấm choàng bảo vệ hồn chủ cho họ.
Khăn piêu giống như một tấm bùa hộ mệnh, có tác dụng trừ tà ma, dọa thú dữ, tránh điều rủi ro mỗi khi người phụ nữ Thái phải bước chân ra khỏi nhà. Tương truyền, chiếc khăn piêu được làm từ vải thổ cẩm với màu sắc rực rỡ có tác dụng làm cho ma quỷ, thú dữ hoảng sợ, bỏ chạy (mỗi khi đi đâu người Thái thường luôn mang theo mình ít nhất một mảnh thổ cẩm làm nẹp áo, gấu quần, chân váy, thắt lưng, khăn…để xua đuổi ma quỷ). Trên chiếc khăn, người ta thêu rất nhiều hoa văn biểu tượng, có ý nghĩa tâm linh như hoa văn hình răng cưa (hún nhính) tượng trưng cho mồm rộng, răng nhọn để dọa ma quỷ; hoa văn hình hạt trám (hún kén kướm) biểu thị một vật nhọn hai đầu, ma quỷ thú dữ không có đường vào để hại chủ, hoa văn hình đan chéo (hún khuối tin tắng) và hoa văn ta-leo tượng trưng cho hàng rào che chở thần hồn; các hoa văn hình vằn (hún lái) như hình vằn mo dừa, hình vằn quả mây, hình vằn hạt bầu, hạt dưa…có tác dụng làm ma quỷ, thú dữ hoảng loạn, không dám tới gần.
Khăn piêu cũng thể hiện những ước vọng, những lời cầu khấn tâm linh của người phụ nữ Thái về một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn mỗi khi họ đội chiếc khăn trên đầu. Theo ý nghĩa này, “cấu trúc” của một chiếc khăn piêu có thể nhìn ra “ba lớp”. Lớp trong cùng gọi là hoa piêu (bók piêu), chính là lớp hoa văn, với 9 màu chủ đạo cơ bản (đen, trắng, đỏ, xanh, tím, nâu, vàng, lam, da cam) tượng trưng cho 9 vệt nắng, 8 vệt mưa (cảu theo đét, pét theo phôn) với hàm ý mong ước rằng nắng mưa hòa hợp, mưa thuận gió hòa, cây cỏ xanh tươi, chim muông ca hót, con người ấm no. Các motif hoa văn thể hiện khát vọng sống mãnh liệt như hoa văn hình cỏ bợ, biểu tượng của ruộng đồng, có sức sống bền bỉ (nước lên cỏ bợ đứng, nước xuống cỏ bợ nằm); hoa văn dương xỉ, biểu tượng của nương rẫy, tượng trưng cho sức chịu đựng khó khăn, vất vả…Lớp thứ hai là lớp giữa, gọi là cột piêu (xau piêu), tượng trưng cho cột đồng chống trời, chống đất – một biểu tượng tâm linh của người Thái. Nhờ thế mà trời sẽ không sập, đất không nghiêng ngả, cuộc sống của con người được yên ổn, bền lâu. Lớp thứ ba, bên rìa ngoài, gọi là lớp tua piêu (cút piêu) làm bằng vải cuộn tròn hoặc bằng tua rua sợi đỏ, tượng trưng cho râu rồng – con vật huyền thoại, biểu tượng của hạnh phúc, sắc đẹp, sự giàu có.
Nhiều tục lệ, nghi lễ của người Thái nếu thiếu khăn piêu là không thể làm được. Ví dụ trong lễ tẳng cẩu của người phụ nữ Thái (lễ đánh dấu một người con gái đã trưởng thành, từ nay sẽ bước vào cuộc sống hôn nhân) thì sau khi dựng búi tóc ngược cho cô dâu mới xong, người ta sẽ phải đội một chiếc khăn piêu lên đầu cô gái; vừa để hoàn thành nghi lễ trưởng thành (cô gái chính thức giống như các bà, các mẹ của mình), vừa để bảo vệ thần hồn cho cô dâu. Hay trong nhiều nghi lễ cầu cúng về sức khỏe (lễ buộc chỉ cổ tay, lễ cúng hồn…) thì trước khi làm lễ người ta phải treo những chiếc khăn piêu của gia đình lên. Nơi làm lễ phải ngồi thật gần những chiếc khăn piêu mà gia chủ đã treo lên thì nghi lễ mới hiệu quả. Trong đám tang, người ta cũng bắt buộc phải “gửi” chiếc khăn piêu (của người chết hoặc của người yêu, vợ, con người chết) cho hồn ma mang theo lên trời. Như thế thì hồn người chết mới siêu thoát được.
Khăn piêu thể hiện các ý nghĩa biểu tượng. Trong tình yêu, khăn piêu được các cô gái Thái dùng làm quà tặng cho những chàng trai mình yêu, mình có tình ý như một tín vật trao duyên. Ý nghĩa này đến từ một truyền thuyết dân gian Thái kể rằng: Ngày xưa, có một mường toàn phụ nữ được gọi là Mường Mẹ, gần đó lại có một mường toàn nam giới được gọi là Mường Bố. Mường Mẹ sống khép kín, người ở trong không ra, người ở ngoài không được vào; đàn ông ở bất kỳ nơi nào dù vô tình hay cố ý lạc vào đều bị xua đuổi, thậm chí bị sát hại nếu không tự động rút lui. Một hôm có một chàng trai ở bên Mường Bố lạc vào Mường Mẹ và được một cô gái trong mường yêu thương, che chở. Chàng trai trốn về mường mình, thưa với bố mẹ sang hỏi cưới cô gái. Nhưng mường Mẹ quyết giữ luật tục xưa. Mường Bố đành dùng sức mạnh sang lấn chiếm, chế ngự. Mường Mẹ thua nên đành chấp nhận bỏ lệ cấm và cho phép đôi trẻ ở hai mường khác nhau được xây dựng gia đình. Để ghi nhớ việc này, mường Mẹ cho các thiếu nữ trong mường thêu những chiếc khăn piêu xinh đẹp gửi tặng Mường Bố như vật làm tin, trên đó in những dấu vân tay (chính là cút piêu) làm chứng; và thêu những dải cóp piêu nẹp chặt hai đầu khăn, cùng hoa văn sai peng (dây tình) như lời hứa hẹn thủy chung. Từ đó trở đi, chiếc khăn piêu được coi như sứ giả của tình yêu; các chàng trai cô gái Thái nhờ khăn piêu nói hộ lòng mình, gửi gắm lời ước hẹn. Vào các dịp lễ hội, một khi cô gái tung còn, chàng trai nào bắt được phải đền cho cô gái một, hai đôi vòng bạc. Ngược lại, khi chàng trai ném còn, nếu cô gái nào không bắt được phải đem khăn piêu ra tặng, cũng coi như từ đó họ có thể có căn cớ để qua lại, tìm hiểu lẫn nhau. Nếu cô gái không yêu, không thích chàng trai thì có thể đem vật khác đến đổi, xin lại chiếc khăn piêu của mình. Còn nếu họ yêu nhau, nhưng chẳng may vì một lý do nào đó mà không lấy được nhau, họ cũng thường cố gắng trả lại/xin lại tín vật này. Chuyện tình ngắn ngủi của họ sẽ được ví như “đời piêu, đời vải” (không vĩnh cửu); tình cảm chia lìa như “piêu lụa đã xoạc đôi, không thể đội được” (không còn có ý nghĩa).
Khăn piêu cũng là một trong những tiêu chuẩn xã hội để đánh giá sự siêng năng, khéo léo, lễ phép và nết na của cô gái Thái. Trước khi về nhà chồng, cô gái Thái sẽ tự tay làm rất nhiều chiếc khăn piêu, túi thổ cẩm để làm quà tặng cho các thím, các cô bên nhà chồng như một hình thức nhận mặt, chào hỏi. Bởi vậy, từ lúc 12-13 tuổi, các cô đã phải học các bà, các mẹ thêu thùa, dệt vải, cố gắng làm ra những chiếc khăn piêu thật đẹp để không bị chê là vụng về, lười nhác. Tập tục này đến nay vẫn không thay đổi. Một số cô gái Thái đã không còn tự tay làm khăn piêu, mà mua sẵn khăn thủ công ở chợ nhưng họ vẫn thể hiện sự trân trọng, chu đáo trong việc trao tặng những chiếc khăn piêu cho họ hàng bên nhà chồng. Những người này cũng qua đó mà nhận thấy sự khéo ăn, khéo ở hay tấm chân tình của họ.
Hiện nay, khăn piêu trở thành một biểu tượng chỉ dấu bản sắc văn hóa tộc người. Nhắc đến khăn piêu là người ta nghĩ ngay đến người Thái. Những ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc toàn quốc; các lễ hội được tổ chức tại các địa phương; các trưng bày đồ vật văn hóa tại bảo tàng, triển lãm…- nơi nào gắn với người Thái là nơi đó có sự xuất hiện của khăn piêu. Nhiều người đến với Tây Bắc mua về một chiếc khăn piêu làm kỉ niệm vì ý nghĩa biểu trưng văn hóa của hiện vật, hơn là giá trị sử dụng.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Hoàng Lương, Hoa văn Thái, Nxb.Lao Động, Hà Nội, 2003.
- Hoàng Trần Nghịch, Dân tộc Thái, nguồn gốc – đặc điểm văn hóa phong tục, ngôn ngữ, chữ viết, tác phẩm, bản thảo viết tay của tác giả, Sơn La, 2011.