Khoáng vật tạo quặng là các khoáng vật đóng vai trò chủ đạo trong một loại quặng nào đó. Khoáng vật tạo quặng thuộc một trong hai nhóm khoáng vật chính, bao gồm các khoáng vật sulfur, oxyt và hydroxyt, chỉ chiếm phần rất nhỏ trong vỏ Trái đất. Nhóm còn lại là nhóm khoáng vật tạo đá bao gồm chủ yếu các khoáng vật silicat, chiếm thành phần chính trong vỏ Trái đất (> 90%).
Thuật ngữ khoáng vật tạo quặng thường đề cập đến khoáng vật có chứa một hoặc nhiều kim loại có thể được chiết tách với giá thành có lợi về mặt kinh tế. Vì thế không phải bất cứ khoáng vật chứa kim loại nào cũng được gọi là khoáng vật tạo quặng. Ví dụ, nhiều khoáng vật silicat chứa kim loại nhôm như feldspar [(Na, K)AlSi3O8] nhưng nhôm không thể chiết tách từ các khoáng vật silicat với trình độ công nghệ hiện nay. Nhôm kim loại có thể được chiết tách từ quặng bauxit với các khoáng vật quặng chủ yếu là hydroxyt nhôm (sắt và titan). Tương tự, khoáng vật pyrit (FeS2) và chalcopyrit (CuFeS2) đều là các khoáng vật chứa kim loại sắt, tuy nhiên, sắt được chiết tách từ các khoáng vật oxyt sắt như hematit (Fe2O3) hoặc magnetit (Fe3O4), chalcopyrit là khoáng vật quặng có thể chiết tách kim loại đồng. Cũng như vậy, khoáng vật pyrit (FeS2) sử dụng không phải chiết tách kim loại sắt mà sử dụng để chiết tách lưu huỳnh.
Khoáng vật tạo quặng có khi là đơn kim loại như vàng (Au), bạch kim (Pt),… song trong tự nhiên, hầu hết khoáng vật tạo quặng là các hợp chất. Hầu như các kim loại công nghiệp được tinh chế từ quặng kim loại, trong đó một số kim loại đơn lẻ được tách chiết từ nhiều loại khoáng vật quặng. Ví dụ, kim loại đồng có thể được tách chiết từ các khoáng vật quặng đồng sau: chalcopyrit, bornit, chalcozit, cuprit, malachit. Nhưng cũng có một số khoáng vật quặng có thể được sử dụng để chiết tách hai hoặc nhiều nguyên tố kim loại, ví dụ như khoáng vật carnotit được sử dụng để chiết tách urani (U) và vanadi (V).
Khoáng vật tạo quặng có đặc điểm dễ chiết tách kim loại hơn so với các khoáng vật khác, chúng hình thành do kết quả của các quá trình địa chất đặc biệt và thường xuất hiện trong các thành tạo địa chất dưới dạng các điểm khoáng sản, tụ khoáng hay mỏ khoáng sản. Thuật ngữ khoáng vật tạo quặng và mỏ khoáng trước đây chỉ được áp dụng cho các khoáng vật và mỏ mà ở đó có kim loại được thu hồi, tuy nhiên, hiện nay, thuật ngữ này còn bao gồm cả một số khoáng sản phi kim như barit, fluorit,...
Khoáng vật tạo quặng có thể có nguồn gốc nội sinh và ngoại sinh. Các khoáng vật tạo quặng nội sinh được thành tạo trong các quá trình magma và biến chất xảy ra trong vỏ Trái đất và manti như casiterit, chromit,... Các khoáng vật ngoại sinh được hình thành trong quá trình địa chất xảy ra trên mặt đất và gần mặt đất dưới tác động của các yếu tố trên mặt hoặc bên ngoài vỏ Trái đất. Các khoáng vật ngoại sinh có nguồn gốc trầm tích hoặc phong hóa như các khoáng vật của sắt (goethit - αFe3+O(OH), limonit - FeO(OH).nH2O), các khoáng vật của chì (anglesit - PbSO4, cerussit - PbCO3) hay các khoáng vật của đồng (chalcocit - Cu2S, covellit - CuS, bornit - Cu5FeS4, malachit - Cu2(CO3)(OH)2, azurit - Cu3(CO3)2(OH)2),…
Trong các mỏ khoáng, việc nghiên cứu thành phần khoáng vật quặng có ý nghĩa lớn không chỉ làm sáng tỏ điều kiện thành tạo quặng và đánh giá tiềm năng các mỏ khoáng mà còn giúp định hướng công nghệ cho xử lý và chế biến quặng.
Tài liệu tham khảo[sửa]
1. Bechechin A.G., Giáo trình khoáng vật học (bản tiếng Việt do Nguyễn Văn Chiển dịch), Nxb. Giáo dục Hà Nội, 1961. 2. Nesse, W.D., Introduction to mineralogy, Oxford University Press, ISBN-10: 0195106911, New York, 2000. 3. Shrivastava J.P., Book: “Earth processes and resources”, Chapter on “Rock and ore forming minerals”, Department of Geology, University of Delhi, 2007.