Mục từ này cần được bình duyệt
Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

(23.9.1945 - 21.7.1954)

Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (23.9.1945 - 21.7.1954), cuộc kháng chiến của nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng và Việt Nam, do Đảng Cộng sản Đông Dương (đến năm 1951 là Đảng Lao động Việt Nam, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tổ chức, lãnh đạo, chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, nhằm bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Tám năm 1945, bảo vệ nền độc lâp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ.

Kháng chiến diễn ra từ ngày 23 tháng 9 năm 1945 đến ngày 21 tháng 7 năm 1954, trong bối cảnh, tình hình quốc tế và ở Việt Nam có nhiều biến đổi sâu sắc, phức tạp.

Trên thế giới, chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945) kết thúc với thất bại của phe Trục ( Đức, Ý, Nhật), thắng lợi của phe Đồng minh (Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Hoa Dân Quốc), loài người thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít. Liên Xô giữ vững được thành quả cách mạng tháng Mười, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, có uy tín và ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trên trường quốc tế. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, một loạt nước ở Trung, Đông Âu và Châu Á được giải phóng thoát khỏi ách phát xít, lập nên chế độ dân chủ nhân dân, phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa. Liên Xô cùng các nước dân chủ nhân dân trở thành lực lượng nòng cốt của cách mạng thế giới.

Phong trào đấu tranh của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vùng lên giành độc lập dân tộc phát triển mạnh. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đòi quyền dân sinh, dân chủ và hoà bình diễn ra rộng khắp ở các nước tư bản.

Chủ nghĩa đế quốc bị suy yếu nghiêm trọng. Ngoại trừ Mỹ trở nên giàu, mạnh, còn các nước đế quốc khác , dù ở bên thua hay bên thắng trong chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), đều bị kiệt quệ hoặc gặp nhiều khó khăn.

Phe Đồng minh vốn chứa nhiều mâu thuẫn, dần dần phân hoá. Mỹ và Liên Xô ngày càng bất đồng, đối lập nhau về hầu hết các vấn đề quốc tế. Mỹ kêu gọi, tập hợp đồng minh phương Tây chống Liên Xô và các lực lượng cách mạng, tiến bộ. Dưới sức ép của Mỹ, nhiều chính phủ Tây Âu dần dần đứng về phía Mỹ. Trong khi đó, Liên Xô tập trung xây dựng đồng minh ở Trung Âu, Đông Âu và ở Châu Á.

Ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung Hoa Dân Quốc ngày càng đối lập nhau, dẫn đến nội chiến, với thắng lợi của Đảng Cộng sản, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (1.10.1949), Trung Hoa Dân Quốc rút lui ra đảo Đài Loan. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa, làm tăng thêm thế và lực của cách mạng thế giới.

Thế giới hình thành hai hệ thống xã hội - xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô và tư bản chủ nghĩa, đứng đầu là Mỹ - đối lập, ngày càng căng thẳng, “chiến tranh lạnh” lên tới đỉnh cao, dẫn tới chiến tranh nóng trên bán đảo Triều Tiên năm 1950. Nhưng từ năm 1953 trở đi quan hệ Đông- Tây có phần dịu dần.

Ở Việt Nam, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra trong bối cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có nhiều thuận lợi cơ bản, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn chồng chất.

Thuận lợi: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tạo nên sức mạnh tinh thần, vật chất vô cùng to lớn trong nhân dân Việt Nam. Cách mạng Việt Nam đã có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Hệ thống chính quyền cách mạng từ trung ương đến địa phương trên cả nước được thành lập và hoạt động tích cực, có hiệu quả. Lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tự nguyện tham gia vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Khối đoàn kết toàn dân gồm mọi thành phần dân tộc được hình thành, trở thành hậu thuẫn mạnh mẽ cho chính quyền cách mạng.

Khó khăn: Nền kinh tế ,văn hóa- xã hội Việt Nam chịu hậu quả nặng nề của chế độ thực dân phong kiến. Chính quyền dân chủ nhân dân các cấp mới được thành lập. Lực lượng vũ trang non trẻ, còn nhiều hạn chế về tổ chức, biên chế, trang bị vũ khí. Về chính trị, chế độ cũ đã bị lật đổ, song các lực lượng thù địch – “thù trong”, chưa bị triệt tiêu, chúng mưu toan hợp tác, bắt tay với ngoại bang chống phá cách mạng.

Thực dân Pháp là kẻ thù của cách mạng Việt Nam đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược và đô hộ Việt Nam gần 80 năm (1858-1940). Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), Đông Dương bị phát xít Nhật chiếm đóng, nhưng thực dân Pháp luôn âm mưu trở lại xâm lược Việt Nam. Mặc dù bị suy yếu do chịu hậu quả của chiến tranh thế gới lần thứ hai, nhưng tiềm lực về kinh tế và quốc phòng, Pháp có lợi thế hơn nhiều so với Việt Nam. Mặt khác, Pháp còn nhận được sự ủng hộ của các nước đế quốc, mà quan trọng là Anh và Mỹ.

Diễn biến kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: kết hợp kháng chiến ở miền Nam với xây dựng và bảo vệ chế độ mới trên cả nước, tiến lên phát động toàn quốc kháng chiến, đánh thắng chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp (23.9.1945- 12.1947).

Thực hiện dã tâm trở lại nô dịch Việt Nam lần thứ hai, trong các năm 1943, 1944 và đầu năm 1945, thực dân Pháp đã tổ chức lực lượng, chờ thời cơ tiến hành chiến tranh xâm lược Đông Dương.

Theo quyết định củ Hội nghị Posdam (Đức), từ ngày 17.7-2.8.1945, giữa những người đứng đầu các nước phe Đồng Minh (Liên Xô, Anh, Mỹ), sau chiến tranh thế gới lần thứ hai kết thúc, ở Đông Dương, Anh đưa quân đội vào Nam vĩ tuyến 16 và Trung Hoa Dân Quốc đưa quân đội vào Nam vĩ tuyến 16 làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Lợi dụng thời cơ đó, với sự che chở của phái bộ Anh, ngày 12 tháng 9 năm 1945, đúng 10 ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố độc lập (2.9.1945), thực dân Pháp đưa quân vào Sài Gòn, kết hợp với lực lượng quân Pháp bị quân Nhật bắt giam trong chiến tranh thế giới lần thứ hai vừa được quân Anh giải thoát, thực hiện ý đồ tái chiếm Đông Dương.

Đêm 22 rạng sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm một số công sở của chính quyền cách mạng trong Thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

Thực hiện Nghị quyết của Xứ ủy Nam Bộ và Uỷ ban nhân dân Nam Bộ, tại Hội nghị đường Cây Mai (23.9.1945) lực lượng vũ trang và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã chủ động đứng lên chiến đấu chống quân thù. Trung ương Đảng, Chính phủ kịp thời ra mệnh lệnh chỉ thị cho Nam Bộ kháng chiến và kêu gọi cả nước chi viện cho Nam Bộ kháng chiến.

Với ý chí, tinh thần vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn đã dũng cảm đứng lên chiến đấu. Ngay sau Ngày Nam Bộ kháng chiến (23.9.1945) thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân khắp nơi tổ chức mít tinh, biểu tình, lập Ủy ban ủng hộ chiến sĩ Nam Bộ, Qũy Nam Bộ để quyên góp tiền của, mua quần áo, thuốc men, v.v…, giử vào Nam Bộ. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, các tỉnh đều lập Phòng Nam Bộ đăng ký những người tình nguyện vào Nam chiến đấu. Phong trào Nam tiến diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Các chi đội Nam tiến từ Bắc Bộ và Bắc Trung bộ nhanh chóng tiến vào Nam kịp thời chi viện cho chiến trường.

Do lực lượng quân sự chênh lệch nên quân Pháp đã từng bước đánh chiếm, mở rộng chiến tranh, đến đầu năm 1946 về cơ bản quân Pháp đã chiếm đóng các vùng xung yếu, mà quan trọng là các thành phố, thị xã trên toàn Nam Bộ. Tiếp đó, quân Pháp tập trung lực lượng, tiến hành các cuộc hành quân lấn chiếm ra các tỉnh Nam Trung Bộ. Quân và dân ở Nam Trung Bộ tổ chức đánh địch ở khắp nơi, tiêu biểu là Mặt trận Nha Trang- Khánh Hòa. Đến tháng 2 năm 1946, quân Pháp đã mở rộng chiến tranh ra toàn bộ Nam vĩ tuyến 16

Kháng chiến chống Pháp diễn ra ở Nam vĩ tuyến 16, trong khi đó ở Bắc vĩ tuyến 16 của Đông Dương còn đang hiện diện 20 vạn quân Trung Hoa Dân Quốc làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Quân Trung hoa dân quốc cùng với bọn tay sai “Việt Quốc”, Việt Cách” thực hiện âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, cùng lúc phải đối phó với “giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm”, BCHTƯ Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa theo dõi, chỉ đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam, vừa lãnh đạo công cuộc củng cố, bảo vệ chính quyền, xây dựng chế độ mới.

Nhận rõ âm mưu thâm độc của Trung Hoa Dân Quốc cùng bọn tay sai, Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa kiên trì nguyên tắc bảo vệ bằng được chủ quyền, vừa khôn kéo vận dụng sách lược mềm dẻo với quân Trung Hoa Dân Quốc, ngăn chặn hành động chống phá của bọn phản động tay sai, nhằm tập trung vào kẻ thù chính trước mắt là thực dân Pháp xâm lược. Thực hiện sách lược “hoà để tiến”. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kí với Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ Việt- Pháp (6.3.1946), nhằm đẩy nhanh quân Trung Hoa Dân Quốc về nước, tránh tình thế cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù, thực hiện hòa hoãn, nhân nhượng với Pháp, để có thêm thời gian chuẩn bị thêm về lực lượng đưa sự nghiệp kháng chiến kiến quốc tiến lên.

Với dã tâm xâm lược Việt Nam lần thứ hai, thực dân Pháp trắng trợn phá hoại Hiệp định Sơ bộ 6.3, tăng cường bổ sung lực lượng quân sự, gây áp lực, tạo cớ phát động chiến tranh trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Với thiện chí hòa bình Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử phái đoàn tham dự Hội nghị trù bị Đà Lạt (19.4- 10.5.1946), Hội nghị Phôngtenblô (6.7-13.9.1946) với đại diện của Chính phủ Pháp, nhưng do thái độ thực dân hiếu chiến của Pháp, nên hội nghị Phôngtenblô tan vỡ. Ngày 14.9.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Thoả ước tạm thời nhằm tăng thêm thời gian hoà hoãn, tiếp tục chuẩn bị thêm về mọi mặt, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước.

Sau hơn 1 năm cố gắng duy trì hòa bình, đến cuối năm 1946, nguy cơ chiến tranh đã phát triển đến đỉnh điểm, quân Pháp liên tục tiến hành các hoạt động khiêu kích và xung đột vũ trang, đặc biệt là đánh chiếm thành phố Hải phòng và Thị xã Lạng Sơn (tháng 11.1946), gây hấn ở Thủ đô Hà Nội, tạo cớ phát động chiến tranh toàn Việt Nam. Đến giữa tháng 12 năm 1946, nguy cơ chiến tranh đã phát triển tới đỉnh điểm, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” (12.12.1946), hạ quyết tâm phát động toàn dân kháng chiến và quyết định đánh trước để giành thế chủ động.

Đêm 19.12.1946, quân và dân các đô thị Bắc vĩ tuyến 16, quan trọng là Thủ đô Hà Nội, Nam Đinh, Vinh, Huế, Đà Nẵng, đồng loạt tiến công địch - mở đầu toàn quốc kháng chiến. Trong suốt gần 3 tháng (12.1946 - 3.1946), quân và dân các đô thị Bắc vĩ tuyến 16 đã dũng cảm đứng lên tiến hành mấy trăm trận đánh lớn nhỏ giành thắng lợi vẻ vang. Cuộc chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội (19.12.1946-18.2.1947), trực tiếp bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ, giam chân quân Pháp trong thành phố 60 ngày đêm, vượt xa dự kiến ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo an toàn cho việc di chuyển cơ quan đầu não kháng chiến, cùng kho tàng, máy móc trang thiết bị về căn cứ kháng chiến.

Cùng với cuộc tiến công của quân và dân các đô thị Bắc vĩ tuyến 16 và cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ, quân và dân cả nước thực hiện chuyển vào thời chiến.

Từ sau Toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), thực hiện đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương thực hiện tiêu thổ kháng chiến, vừa chiến đấu ngăn chặn địch mở rộng phạm vi chiếm đóng, vừa tích cực xây dựng về mọi mặt.

Thực hiện chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, Thu Đông năm 1947, quân Pháp mở cuộc tiến công quy mô lớn lên căn cứ địa Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến , đánh quỵ lực lượng vũ trang chủ lực Việt Nam, triệt phá căn cứ địa Việt Bắc, khóa chặt biên giới Việt-Trung. Trước tình thế đó, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam mở Chiến dịch phản công Việt Bắc (7.10-22.12.1947), đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của quân Pháp vào căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc, (trên địa bàn các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang), bảo vệ căn cứ kháng chiến của cả nước, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não kháng chiến, bảo toàn và nâng cao sức chiến đấu của bộ đội chủ lực. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong năm đầu toàn quốc kháng chiến, giáng một đòn quyết định đập tan chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp, buộc thực dân phải chuyển chiến lược mới, tạo tiền để để đưa cuộc kháng chiến phát triển sang giai đoạn mới.

Giai đoạn 2: Đẩy mạnh kháng chiến toàn dân toàn diện, phát triển chiến tranh du kích, từng bước tiến lên vận động chiến, làm thất bại một bước âm mưu kéo dài, mở rộng chiến tranh và chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp(1.1948-12.1950).

Sau thất bại ở Việt Bắc trong Thu Đông năm 1947, nước Pháp đứng trước nhiều khó khăn về mọi mặt cả trong nước và ở Đông Dương. Để tiếp tục chiến tranh xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp buộc phải chuyển hướng chiến lược từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh kéo dài”; từ tập trung lực lượng quân sự tiến công ồ ạt vào căn cứ hậu phương kháng chiến của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuyển sang thực hiện lấn chiếm, bình định, củng cố vùng tạm chiếm, thực hiện “chiến tranh tổng lực”, đánh phá cơ sở kinh tế, chính trị và lực lượng hậu bị của Việt Nam. Về chính trị, Pháp xúc tiến việc thành lập chính phủ trung ương, mang tên “Quốc gia Việt Nam” - chính phủ tay sai của Pháp, do Bảo Đại đứng đầu. Về quân sự, Pháp tăng cường lực lượng và phương tiện chiến tranh từ Pháp sang, đồng thời tiến hành xây dựng, phát triển lực lượng quân sự của chính quyền tay sai; thực hiện bình định các vùng tạm chiếm, tiến công đánh chiếm vùng tự do của Việt Nam.

Bước vào giai đoạn kháng chiến mới, Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương tăng cường thực hiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc; kháng chiến toàn dân, toàn diện, kết hợp cả quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá và ngoại giao; đẩy mạnh “phát triển chiến tranh du kích khắp nơi”, “biến hậu phương địch thành tiền phương ta”. Theo đó, từ giữa năm 1948, từ Liên khu IV trở ra, một phần ba bộ đội chủ lực được phân tán thành các đại đội độc lập, đội vũ trang tuyên truyền, đội xung phong công tác tiến sâu vào các vùng tạm bị chiếm để hoạt động, kết hợp tác chiến với vận động quần chúng, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, thực hiện chống phá chính quyền bù nhìn cơ sở, trừ gian, xây dựng và củng cố cơ sở kháng chiến.

Cán bộ, đảng viên và du kích trở về quê hương trong vùng Pháp tạm chiếm thực hiện bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở, củng cố phong trào. Tại các vùng tạm chiếm, cuộc đấu tranh chống phá hội tề- chính quyền bù nhìn cơ sở của địch, phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Dân quân, du kích cùng nhân dân tổ chức đấu tranh chống phá hội tề bằng nhiều hình thức và biện pháp, lập lại chính quyền kháng chiến ở nhiều nơi. Cùng với sự phát triển của chiến tranh du kích, các cơ sở chính trị, tổ chức lực lượng du kích và vũ trang quần chúng trong các vùng tạm chiếm được khôi phục, củng cố. Làng chiến đấu, khu du kích, căn cứ du kích xuất hiện ở nhiều nơi. Lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) từng bước được xây dựng, củng cố về mọi mặt.

Cùng với với phát triển tác chiến du kích rộng khắp, bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương từng bước thực hiện “vận động chiến”, mở các chiến dịch, đợt hoạt động quy mô nhỏ và vừa trên khắp các chiến trường (Chiến dịch Nghĩa Lộ (18.4-1.5.1948), Chiến dịch Yên Bình Xã 1 (1-15. 6.1948), Chiến dịch Đường số 3 (25.7 - 12.12.1948), Chiến dịch Yên Bình Xã 2 (5-7.10.1948), Chiến dịch Đông Bắc 1 (8.10-7.12.1948), Chiến dịch Đông Bắc 2 (4.3-27.4.1949), Chiến dịch Đường số 4 còn gọi là Chiến dịch Cao- Bắc- Lạng (15.3-30.4.1949), Chiến dịch Sông Lô (29.4-31.5.1949), Chiến dịch Sông Thao (19.5-18.7.1949), Chiến dịch Lê Lợi (25.11.1949-30.1.1950), Chiến dịch Lê Hồng Phong 1 (7.2-7.3.1950) ở Bắc Bộ; Chiến dịch Quảng Nam- Đà Nẵng (24.1- 30.3.1949), Chiến dịch Lê Lai (22.12.1949) Chiến dịch Võ Nguyên Giáp (10.1- 31.3.1950)… ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Chiến dịch Mỹ Tho (1- 5.12.1949), Chiến dịch Cầu Kè (7-26.12.1949), Chiến dịch Bến Cát 1 (25-27.1.1950), Chiến dịch Cao Lãnh (26.1-1.2.1950), Chiến dịch Trà Vinh (26.3-7.5.1950), Chiến dịch Sóc Trăng 1 (4-30.4.1950),…ở Nam Bộ.

Vừa đẩy mạnh đấu tranh quân sự, quân và dân Việt Nam vừa ra sức xây dựng hậu phương, căn cứ địa và tiến công trên các mặt trận chính trị, kinh tế, văn hoá đồng thời tích cực hỗ trợ, liên minh đoàn kết chiến đấu với nhân dân Lào, Campuchia, phối hợp trong Chiến dịch Thập vạn đại sơn với Trung Quốc.

Đầu năm 1950, Chính phủ Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN công nhận, đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là “một đại thắng lợi về chính trị”. Cũng vào thời gian đó, Chính phủ Bảo Đại được Mỹ, Anh và một số nước công nhận và đặt quan hệ ngoại giao. Đế quốc Mỹ can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương, ngày càng tăng cường viện trợ về kinh tế và quân sự cho thực dân Pháp và chính quyền Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia. Với diễn biến đó, cuộc chiến tranh ở Việt Nam mang tính chất hai phe rõ rệt.

Đầu năm 1950, phong trào đấu tranh chính trị diễn ra thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức, biện pháp rất phong phú và đa dạng, ở hầu khắp vùng Pháp tạm chiếm, nổi lên là ở các đô thị lớn như Sài Gòn- Chợ Lớn và Hà Nội, thu hút sự tham gia hưởng ứng của nhiều tầng lớp nhân dân, giới chức, học sinh sinh viên, nhằm mục tiêu đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống thực dân Pháp xâm lược, sự can thiệp của đế quốc Mỹ và phản đối chính quyền Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại đứng đầu . Ngày 19.1.1950 trở thành Ngày truyền thống của học sinh, sinh viên Việt Nam. Ngày 19.3.1950 trở thành Ngày toàn quốc chống Mỹ.

Thu- Đông năm 1950 quân đội và nhân dân Việt Nam mở Chiến dịch Biên giới (16.9-14.10.1950), tiến công địch trên tuyến Cao Bằng- Lạng Sơn, tiêu diệt và tiêu hao nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn). Phối hợp với Chiến dịch Biên Giới, quân và dân cả nước đẩy mạnh tiến công địch ở khắp nơi (Chiến dịch Phan Đình Phùng (15.6-24.10.1950), Chiến dịch Hoàng Diệu (5.8-4.11.1950) ở Nam Trung Bộ, Chiến dịch Long Châu Hà 1 (3-12.10.1950), Chiến dịch Bến Cát 2 (7.10-15..11.1950)…ở Nam Bộ)

Chiến dịch Biên Giới Thu Đông 1950 là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Việt Nam giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 tiểu đoàn địch và nhiều phương tiên chiến tranh, xóa sổ Liên khu biên giới của địch; giải phóng khu vục biên giới Việt-Trung từ Cao Bàng đến Đình Lập (Lạng Sơn), khai thông liên lạc giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các nước xã hội chủ nghĩa; Thế bị bao vây cả trong lẫn ngoài bị phá vỡ, căn cứ địa Việt Bắc được củng cố, mở rộng; Kháng chiến của Việt Nam bước sang gia đoạn chiến lược mới.

Giai đoạn 3: giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược, phát triển phản công và tiến công, làm phá sản nỗ lực chiến tranh cao nhất của Pháp, Mỹ, chấm dứt chủ nghĩa thực dân cũ trên bán đảo Đông Dương (1951- 21.7.1954).

Từ đầu năm 1951, được Mỹ viện trợ về phương tiện chiến tranh và tài chính, quân Pháp vừa thực hiện bình định ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, vừa tăng cường lực lượng chiếm đóng , đẩy mạnh càn quét, bình định ở Bắc Bộ, đồng thời ráo riết phản công, tiến công quân sự trên khắp các chiến trường và đẩy mạnh thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.

Bước vào giai đoạn kháng chiến mới, Đảng Cộng sản Đông Dương tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ hai (11-19.2.1951). Đại hội đã tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng, tiếp tục khẳng định đường lối kháng chiến “ toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”; quyết định xây dựng ở mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia một Đảng cách mạng phù hợp với điều kiện từng nước. Ở Việt Nam , Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội thảo luận và ra các nghị quyết về Báo cáo chính trị; về quân sự; về công tác mặt trận và dân vận; về tờ báo Nhân dân và thông qua Chính cương, Điều lệ, Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam.

Phát huy thắng lợi trong Thu Đông năm 1950 và với sự viện trợ quân sự của Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam tăng cường xây dựng các đơn vị chủ lực, đẩy mạnh tiến công quân sự. Đầu năm 1951, quân và dân Việt Nam liên tiếp mở 3 chiến dịch đánh vào phòng tuyến của địch ở trung du, đồng bằng Bắc Bộ (Chiến dịch Trần Hưng Đạo (25.12.1950-18.1.1951), tiến công địch ở tuyến trung du thuộc địa phận từ Việt Trì đến Bắc Giang; Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (23.3-7.4.1951), tiến công địch ở phòng tuyến đường số 18 trên khu vực từ Phả Lại đến Uông Bí, Mạo Khê; Chiến dịch Quang Trung (28.5 - 20.6.1951), tiến công địch tại các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình). Trong các chiến dịch này, Việt Nam sử dụng lực lượng từ 2 đến 3 đại đoàn, đánh theo lối “đánh điểm diệt viện”, kết hợp với chiến tranh du kích địa phương, tiêu hao, tiêu diệt một lực lượng lớn sinh lực địch. Tuy nhiên, trong cả 3 chiến dịch đều không đạt mục đích đề ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả chiến dịch hạn chế, nhưng chủ yếu do Việt Nam đánh giá không đúng thế và lực của địch ở Trung du và đồng bằng Bắc Bộ; chọn hướng tiến công chiến lược ở nơi quân Pháp có khả năng phát huy hiệu lực binh khí hoả lực.

Cùng với các chiến dịch trên, nhân dân và các lực lượng vũ trang cả nước đẩy mạnh đấu tranh chống, phá âm mưu bình định gấp rút của địch. Nhưng trước âm mưu, thủ đoạn mới của địch và sự ác liệt của chiến tranh, phong trào đấu tranh trong vùng Pháp tạm chiếm trải qua một thời kỳ khó khăn mới.

Cuối năm 1951, đầu năm 1952, Việt Nam mở Chiến dịch Hoà Bình (10.12.1951- 25.2.1952), tiến công địch ở cả mặt trận chính diện- Hoà Bình và mặt trận sau lưng địch - đồng bằng Bắc Bộ, giành thắng lợi lớn, làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt đồng bằng Bắc Bộ, giáng một đòn đau vào kế hoạch bình định của thực dân Pháp. Tiếp đó Việt Nam mở Chiến dịch Tây Bắc (14.10- 10.2.1952), loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, giải phóng hàng vạn dân và một vùng đất rộng lớn nối liền vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào.

Từ ngày 13.4 đến18.5.1953, liên quân Lào - Việt phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào, đánh địch trên địa bàn các tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, giành thắng lợi, mở rộng căn cứ kháng chiến Lào, nối liền với vùng Tây Bắc Việt Nam.

Sau thắng lợi của các chiến dịch nói trên, cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương chuyển biến mạnh theo chiều hướng có lợi cho Việt Nam. Lực lượng vũ trang ba thứ quân của Việt Nam đã lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng. Nghệ thuật tổ chức, thực hành chiến dịch của cấp chiến lược, chiến dịch ngày càng được nâng cao. Hậu phương kháng chiến được mở rộng, củng cố toàn diện. Các nước XHCN, quan trọng là Trung Quốc, Liên Xô tiếp tục giúp đỡ Việt Nam về trang bị, vũ khí, phương tiện và lương thực. Nhằm đẩy mạnh kháng chiến, Đảng, Chính phủ VNDCCH chủ trương thực hiện cuộc cải cách dân chủ, phát động quần chúng triệt để giảm tô tiến tới cải cách ruộng đất ở một số vùng tự do. Cuối năm 1953 Việt Nam mở cuộc tiến công địch trên mặt trận ngoại giao gây tiếng vang trong nước và quốc tế. Thất bại về quân sự, chính trị và khó khăn về kinh tế, đặt quân Pháp trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Từ giữa năm 1953, thực hiện kế họach Navare nhằm chuyển bại thành thắng, quân Pháp tăng cường phát triển nhanh lực lượng cơ động, mở nhiều cuộc hành quân càn quét vào vùng Pháp tạm chiếm và vùng tự do cuả Việt Nam, tập trung mọi cố gắng đẩy mạnh chiến tranh, giành một thắng lợi quyết định về quân sự làm cơ sở cho một giải pháp chính trị đưa nước Pháp bước ra khỏi chiến tranh một cách “danh dự”.

Thực hiện phương châm chiến lược, Đông –Xuân 1953-1954 quân và dân Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào và Campuchia mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn Đông Dương. Từ ngày 10 đến ngày 20. 12.1953 Việt Nam mở Chiến dịch Lai Châu, tiến công đánh vào thị xã Lai Châu, giải phóng thị xã Lai Châu, uy hiếp Điện Biên Phủ từ phía bắc. Quân Pháp vội vàng tăng cường cho Điện Biên Phủ, dần dần biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Hạ tuần tháng 12.1953, lực lượng vũ trang Việt Nam phối hợp với Quân giải phóng Lào mở chiến dịch tiến công địch ở Trung Lào, buộc Pháp phải điều thêm lực lượng tăng cường, hình thành tập đoàn cứ điểm Sê-nô, sau đó lực lượng vũ trang Việt Nam và Lào tiến công địch ở Hạ Lào, giải phóng thị xã Atôpơ và toàn bộ cao nguyên Bôlôven. Phối hợp với lực lượng Khơmer Itxarắc, bộ đội Việt Nam tiến công địch ở Đông bắc của Campuchia, giải phóng Vươn Sai, Xiêm Pạng và phần lớn Công Pông Chàm, uy hiếp Xtung Treng, tiến lên sát sông Sơ lông. Từ ngày 26.1 đến ngày 5.2.1954 lực lượng vũ trang Việt Nam mở Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, giải phóng thị xã Kon Tum, buộc địch phải ngừng cuộc tiến công ở đồng bằng Liên khu V, vội vã điều lực lượng, tổ chức hai tập đoàn cứ điểm An Khê và Plây-cu. Hạ tuần tháng 1.1954, lực lượng vũ trang Việt Nam phối hợp với quân giải phóng Lào mở Chiến dịch Thượng Lào tiến công địch ở phòng tuyến sông Nâm Hu, truy kích địch đến cách Luông-pha-băng 15 km; một lực lượng khác phát triển lên phía bắc giải phóng tỉnh Phong- xa-lỳ, bao vây Mường Sài, địch vội vàng tăng cường lực lượng cho Luông-pha-băng và Mường Sài.

Các chiến dịch trên của Việt Nam đã làm quân Pháp bị tiêu hao lớn về binh lực, đồng thời buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng cơ động trên khắp Đông Dương. Tại các vùng sau lưng địch quân và dân Việt Nam đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị, kết hợp với công tác địch vận, nguỵ vận, phá tề, trừ gian, mở rộng khu du kích, căn cứ du kích, đẩy quân Pháp lâm vào thế bị động đối phó khắp các chiến trường.

Đồng thời với tiến công địch ở các chiến trường trên cả nước và toàn Đông Dương, Việt Nam mở Chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm tiêu diệt quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954. Lực lượng bộ đội chủ lực được huy động cho chiến dịch Điện Biên Phủ gồm có 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316) Trung đoàn bộ binh 57 của Đại đoàn 304, Đại đoàn Công-Pháo 351, các đơn vị thông tin, vận tải, quân y, v.v. Tổng quân số khoảng 55.000 người. Lực lượng dân công hoả tuyến khoảng 26.000 người. Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn vào chiều ngày 13.3.1954, theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, diễn ra theo 3 đợt. Đợt 1 (13-17.3), đập tan thế trận phòng ngự phía ngoài ở phía bắc và đông bắc gồm các cụm cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập, Bản Kéo. Đợt 2 ( 30.3-30. 4) xây dựng trận địa tiến công và bao vây, thực hành tiến công các cụm cứ điểm, sân bay phân khu Trung tâm Mường Thanh. Đợt 3 (1-7.5) lần lượt tiêu diệt các cứ điểm còn lại, tăng cường vây ép phân khu Hồng Cúm, bao vây uy hiếp Sở chỉ huy trung tâm. Chiều ngày 7.5.1954 tiến công vào trung tâm Mường Thanh, bắt tướng ĐờCátxtơri và toàn bộ Ban Tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, truy kích và bắt gọn bộ phận quân Pháp ở Hồng Cúm rút chạy. Trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ toàn thắng. Các chiến trường trên cả nước phối hợp chặt chẽ với Điện Biên Phủ, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, kìm chân quân Pháp và giải phóng nhiều vùng đất đai của Tổ quốc.

Cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đập tan kế hoạch Navare, cố gắng cao nhất, cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa .

Phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông- Xuân 1953-1954 Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở cuộc tiến công trên mặt trận ngoại giao. Ngày 8.5.1954, Hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương được khai mạc tại Giơ-ne-vơ (Thuỵ Sỹ) với sự tham dự của 9 nước (Liên xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Pháp, Mỹ, Anh, đại diện Chính quyền Bảo Đại, Chính phủ Vương quốc Campuchia, Chính phủ Vương quốc Lào). Tại diễn đàn hội nghị, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc lập lại hoà bình ở Đông Dương phải là một giải pháp toàn bộ về chính trị, quân sự cho cả Việt Nam, Lào, Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lẫnh thổ của từng nước. Do đối sánh lực lượng, lợi ích của các nước tham gia dự hội nghị nên cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán diễn ra rất gay go. Ngày 21.7.1954 các hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia được ký kết. Hiệp định Giơnevơ phản ánh xu thế chung của những nước lớn trong tình hình thế giới lúc đó, góp phần cùng chiến thắng to lớn trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954 đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, chấm dứt chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Đông Dương.

Sau 9 năm kháng chiến (1945-1954), Việt Nam đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Hơn nửa triệu quân xâm lược nhà nghề của thực dân Pháp bị loại khỏi vòng chiến đấu; 450 máy bay, 603 tàu chiến, ca-nô, 344 khẩu pháo, 337 đầu máy xe lửa, 9.796 xe quân sự, và 130.415 súng các loại của Pháp bị bắn cháy, phá huỷ hoặc bị thu; khoảng 3.000 tỉ phrăng (tương đương 7 tỉ đôla Mỹ) của nước Pháp và 2,6 tỷ đô-la do Mỹ viện trợ tiêu phí vì chiến tranh; 20 lần chính phủ Pháp bị đổ, 7 lần Cao uỷ Pháp, 8 lần Tổng Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương bị thay thế. Pháp buộc phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phải rút quân đội khỏi bắc vĩ tuyến 17 của Việt Nam, ách thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp đã chấm dứt.

Việt Nam đã thực hiện “kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”, bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng tháng Tám, giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Chính quyền dân chủ nhân được bảo vệ, củng cố và phát triển. Chế độ mới, chế độ dân chủ nhân dân được xây dựng và kiện toàn. Nhân dân thực sự làm chủ vận mệnh mình, mọi quyền lợi của người dân được bảo đảm. Lực lượng vũ trang được tôi luyện, trưởng thành và phát triển. Việt Nam xây dựng được phương thức tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện rất sáng tạo và nền nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc của chiến tranh nhân dân Việt Nam hiện đại. Nền móng xã hội mới được xác lập trên cơ sở những thành tựu về kinh tế, văn hoá, xã hội. Chính quyền cách mạng ban bố nhiều chính sách vừa có ý nghĩa thực tế trước mắt, vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài nhằm thực hiện giải phóng con người về chính trị, xã hội. Những thành tựu về kinh tế đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc kháng chiến, mặt khác đã cải biến mạnh mẽ cơ cấu và quan hệ xã hội. Văn hoá và giáo dục cũng đạt những thành tựu to lớn, xoá bỏ tàn dư của xã hội cũ, tạo nên lớp người mới với phẩm chất tốt đẹp, có giác ngộ cách mạng, có tri thức đồng thời giữ gìn được truyền thống, bản sắc dân tộc. Sự biến đổi về quan hệ kinh tế- xã hội, quá trình giáo dục và đào luyện trong kháng chiến, sự xuất hiện của nền văn hoá, giáo dục mớí đã có tác động mạnh mẽ vào ý thức xã hội, hình thành những con người Việt Nam có giác ngộ lý tưởng cách mạng, có lòng yêu nước sâu sắc và những quan niệm đúng đắn về giai cấp, dân tộc, quốc tế. Các yếu tố cơ bản đó là tiền đề vững chắc để miền Bắc xây dựng và phát triển theo con đường XHCN, trở thành hậu phương vững chắc cho cách mạng miền Nam - nhân tố quyết định thắng lợi đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi, trước hết, do Đảng Cộng sản Đông Dương ( từ 1951 là Đảng Lao động Việt Nam), đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, sáng ngời tính chất chính nghĩa, có đường lối đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ, tự lập, phát huy được sức mạnh của cả dân tộc quyết một lòng chiến đấu vì độc lập, tự do, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Nhân dân Việt Nam giàu lòng yêu nước, có truyền thống và bản lĩnh chống gịăc ngoại xâm. Lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích), quan trọng là bộ đội chủ lực- Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức, xây dựng mạnh về quân sự và chính trị, chiến đấu dững cảm, kiên cường, mưu trí sấng tạo, làm nòng cốt cho toàn dân kháng chiến. Chính quyền dân chủ nhân dân tổ chức, động viên, huy động được toàn dân kháng chiến và xây dựng chế độ mới. Cả dân tộc kết thành một khối đại đoàn kết, chung lòng, chung sức đánh đuổi thực dân Pháp. Tình đoàn kết liên minh chiến đấu giữa ba nước Việt Nam, Lào, Cam puchia trên bán đảo Đông Dương, sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN, của các lực lượng yêu chuộng hoà bình, công lý trên thế giới được xây dựng, phát huy cao độ.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã chứng tỏ rằng Việt Nam, một dân tộc nhỏ có thể dùng chiến tranh nhân dân để đánh thắng chiến tranh xâm lược của một đế quốc to. Đó là thắng lợi đầu tiên của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; của sự kết hợp chặt chẽ giữa cách mạng và chiến tranh cách mạng, dùng chiến tranh thực hiện nhiệm vụ cách mạng và tiến hành cách mạng trong chiến tranh, xây dựng và bảo vệ chế độ mới trong chiến tranh. Thắng lợi đó mở đầu cho miền Bắc tiến lên cách mạng XHCN và xây dựng CNXH kết hợp và tiếp tục cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam, đặt cơ sở vững chắc cho kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) và cho cả thắng lợi của cách mạng Việt Nam về lâu dài nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh vĩ đại của nhân loại tiến bộ vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Thắng lợi của Việt Nam có ý nghĩa lịch sử vô cùng rộng lớn và sâu sắc, mang tầm vóc thời đại.

Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đó là: đường lối kháng chiến độc lập và tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, quyết chiến, quyết thắng; lấy nhỏ đánh lớn, phát huy sức mạnh của phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng và nghệ thuật quân sự của chiến tranh toàn dân; động viên, tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; vừa kháng chiến, vừa kiến quốc xây dựng căn cứ địa hậu phương; đoàn kết, liên minh vớí nhân dân Lào, Campuchia, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ quốc tế; xây dựng Đảng ngang tầm sứ mạng lãnh đạo kháng chiến. Những bài học kinh nghiệm đó được vận dụng và nâng lên tầm cao mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) và có giá trị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tài liệu tham khảo chính

1. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh- trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học kinh nghiệm, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.

2. Bộ Quốc phòng- Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam , Nxb QĐND, Hà Nội 2005.

3. Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Quyển 1, Quyển II . Nxb QĐND, Hà Nội 2015, 2017

4. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Từ điển Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb QĐNDVN, Hà Nội, 2011

5. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), các tập 1,2,3,4,5,6,7. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001- 2017.

6.Viện khoa học xã hội Việt Nam- Viện Sử học, Lịch sử Việt Nam, Tập X, XI. Nxb Khoa học xã hội, 2017